Thuốc Gliclazide – Những lưu ý khi sử dụng
- Tổng quan:
Hoạt chất: Gliclazide – Nhóm sulfonylureas
Dạng bào chế: Viên nén: 30mg, 60mg, 80mg.
Viên nén phóng thích kiểm soát: 30mg, 60mg
Chỉ định: Bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (type 2) ở người lớn khi không kiểm soát được glucose huyết bằng chế độ ăn uống và tập luyện.
- Dược lực học:
Gliclazide có tác dụng giảm lượng đường huyết bằng cách kích thích tiết insulin từ tế bào β của tiểu đảo Langerhans ở tụy. Tác dụng tăng insulin sau ăn và việc tiết C-peptide vẫn tồn tại sau 2 năm điều trị.
Ngoài những đặc tính đối với chuyển hóa, gliclazide còn có tác dụng đối với mạch máu. Gliclazide làm giảm tiểu huyết khối bằng 2 cơ chế liên quan đến biến chứng bệnh tiểu đường.
- Gây ức chế một phần kết tập và kết dính của tiểu cầu với sự sụt giảm các chất đánh dấu trong quá trình kích hoạt tiểu cầu ( beta thromboglobulin, thromboxane B2).
- Tác dụng tiêu sợi huyết nội mô mạch máu với sự gia tăng trong hoạt động tPA.
- Dược động học:
Hấp thu:
Nồng độ tăng dần trong 6 giờ đầu tiên, đạt trạng thái ổng định và duy trì từ 6 đến 12 giờ sau khi sử dụng thuốc. Thức ăn không làm thay đổi tốc độ và mức độ hấp thu.
Phân bố:
Phân bố ở dịch ngoại bào, qua được nhau thai. Khoảng 95% liên kết với protein trong huyết tương. Một liều duy nhất mỗi ngày được dùng dưới dạng viên phóng thích kéo dài sẽ duy trì nồng độ thuốc trong huyết tương hiệu quả hơn 24 giờ.
Chuyển hóa:
Chuyển hóa mạnh ở gan qua CYP2C9
Thải trừ: Chủ yếu qua thận. Thời gian bán thải của gliclazide từ 12 đến 20 giờ. Không có thay đổi có ý nghĩa lâm sàng trong các thông số dược động học ở bệnh nhân cao tuổi.
- Liều dùng và cách sử dụng:
Liều hằng ngày từ 30-120mg liều đơn vào bữa sáng.
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần đến thời điểm sử dụng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp như bình thường. Lưu ý không được dùng liều gấp đôi liều đã quy định.
Liều lượng nên được điều chỉnh theo cơ chế đáp ứng riêng của mỗi bệnh nhân
( đường huyết, HbA1c) cũng như theo sự chỉ định của bác sĩ.
Liều khởi đầu là 30mg/ ngày.
Nếu đường huyết được kiểm soát, điều trị duy trì với liều lượng này.
Nếu đường huyết không được kiểm soát, tăng liều lên 60mg, 90mg hoặc 120mg/ngày trong các bước tiếp theo. Giữa hai lần tăng liều liên tiếp nên cách nhau ít nhất 1 tháng. Trường hợp bệnh nhân có đường huyết không giảm sau 2 tuần điều trị, bác sĩ có thể tăng liều vào cuối tuần thứ hai của đợt điều trị.
Liều tối đa 120mg/ngày.
Các phản ứng hạ đường huyết nặng như hôn mê, co giật, rối loạn thần kinh có thể xảy ra và yêu cầu phải được nhập viện cấp cứu ngay lập tức.
- Chống chỉ định:
Quá mẫn với gliclazid, các thuốc sulfonylure trị tiểu đường khác, các thuốc nhóm sulphonamid hoặc bất kỳ tá dược nào.
Tiểu đường type 1.
Tiền hôn mê và hôn mê do tiểu đường, nhiễm ceton do bệnh tiểu đường.
Nhiễm khuẩn nặng, chấn thương nặng, phẫu thuật lớn.
Suy thận hay suy gan nặng ( Insulin được khuyến khích sử dụng).
Điều trị với miconazol.
Phụ nữ đang cho con bú.
- Tương tác, tương kỵ của thuốc:
- Tăng nguy cơ hạ đường huyết:
- Chống chỉ định phối hợp với:
Miconazol dùng đường toàn thân hoặc gel dùng đường niêm mạc miệng.
- Phối hợp không được đề nghị:
Phenylbutazon ( đường dùng toàn thân) làm tăng tác dụng hạ đường huyết của các thuốc sulfonylurea ( do thay thế việc liên kết với protein huyết tương và giảm thải triệu chứng).
- Phối hợp đòi hỏi biện pháp phòng ngừa:
Hạ đường huyết có thể xảy ra khi dùng chung với các thuốc, ví dụ: các thuốc tiểu đường khác ( insulin, acarbose, biguanid), β-blockers, fluconazole, ức chế enzyme chuyển hóa angiotensin ( captopril, enalapril), thuốc đối kháng thụ thể H2, MAOIs, sulfonamide và các thuốc kháng viêm không steroid.
- Tăng nguy cơ làm tăng đường huyết:
- Phối hợp không được đề nghị:
Danazol: do tác dụng gây tiểu đường của danazol. Nếu cần sử dụng thuốc này, phải cảnh báo bệnh nhân và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi nước tiểu và đường huyết. Cần điều chỉnh liều của các thuốc điều trị tiểu đường trong và sau khi điều trị với danazol.
- Phối hợp nhưng phải có biện pháp phòng ngừa:
Chlorpromazin ( thuốc an thần): liều cao (>100mg mỗi ngày) tăng lượng đường trong máu ( giảm phóng thích insulin). Cần điều chỉnh liều của các thuốc điều trị tiểu đường trong và sau khi điều trị với các thuốc an thần.
Glucocorticoid và tetracosactrin: tăng đường huyết do sự chuyển hóa chất béo ( giảm sự dung nạp carbohydrate gây ra bởi glucocorticoid. Cần theo dõi đường huyết khi bắt đầu điều trị và điều chỉnh liều của các thuốc điều trị tiểu đường trong và sau khi điều trị bằng glucocorticoid.
Ritodrin, salbutamol, terbutalin: tăng đường huyết do tác dụng đồng vận β2. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi đường huyết. Nếu cần thiết, chuyển sang sử dụng insulin.
- Phối hợp cân nhắc:
Điều trị chống đông máu ( ví dụ: warfarin): kết hợp với thuốc điều trị tiểu đường nhóm sulphonylure có thể dẫn đến tăng tác dụng của thuốc chống đông máu. Cầu điều chỉnh liều thuốc chống đông.
- Tác dụng không mong muốn:
Hạ đường huyết:
Điều trị với viên gliclazid phóng thích kéo dài có thể gây hạ đường huyết nếu không ăn uống điều độ đặc biệt là bỏ bữa. Có thể có các triệu chứng hạ đường huyết:
_ Đau đầu, đói dữ dội;
_Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi;
_Rối loạn giấc ngủ, kích động, hung hăng, thiếu tập trung;
_Giảm nhận thức, phản ứng chậm, trầm cảm ;
_Rối loạn thị giác, ngôn ngữ, mê sảng, co giật, hô hấp nông, nhịp tim chậm, mất ý thức có thể dẫn đến hôn mê và gây tử vong.
Ngoài ra, các dấu hiệu của cơ chế điều hòa ngược hệ adrenergic được quan sát bao gồm: đổ mồ hôi, da lạnh, lo âu, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, đánh trống ngực, đau thắt ngực và rối loạn nhịp tim.
Các tác dụng không mong muốn khác:
Rối loạn tiêu hóa bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón. Có thể tránh hoặc giảm thiểu tác dụng không mong muốn trên bằng cách uống gliclazid vào bữa sáng.
Các tác dụng không mong muốn được báo cáo là hiếm gặp:
Rối loạn da và mô dưới da: Phát ban, ngứa, nổi mày đay, ban đỏ, phản ứng bọng nước ( hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc).
Rối loạn hệ thống máu và bạch huyết: có thể làm giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt. Các rối loạn sẽ phục hồi khi ngưng dùng gliclazid.
Rối loạn gan-mật: tăng enzyme gan (AST,ALT, enzyme kiềm phosphoatase), viêm gan. Ngừng điều trị nếu vàng da ứ mật xuất hiện.
- Quá liều và cách xử trí:
Triệu chứng
Khi sử dụng quá liều có thể gây hạ đường huyết. Các trường hợp hạ đường huyết mà không gây mất ý thức hoặc không có các dấu hiệu thần kinh sẽ được điều trị bằng cách bổ sung lượng carbohydrate, điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi chế độ ăn.
Khi hạ đường huyết nặng có kèm theo hôn mê, co giật, rối loạn thần kinh yêu cầu phải được nhập viện cấp cứu ngay lập tức.
Xử lý
Trường hợp hôn mê hạ đường huyết ( đã được chẩn đoán hoặc có nghi ngờ) xảy ra, bệnh nhân cần được tiêm nhanh chóng bằng đường tĩnh mạch 50ml dung dịch glucose (20%-30%).
Sau đó, tiếp tục tiêm truyền dung dịch glucose loãng 10% với tốc độ phù hợp để duy trì lượng đường trong máu cao hơn 1g/L. Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ và tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định xem việc tiếp tục theo dõi giám sát là cần thiết hay không.
Thẩm phân không có tác dụng cho bệnh nhân do lực liên kết chặt chẽ giữa gliclazid với protein huyết tương.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
Dược sĩ
Lương Ngọc Khánh Ngân
(Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn của nhà sản xuất)