Công tác xã hội tại bệnh viện Lê Văn Thịnh góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
TNV – Chắp nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm, giải tỏa những bức xúc hay mâu thuẫn, chia sẻ buồn đau của bệnh nhân, thực hiện hoạt động xã hội trong bệnh viện… là công việc của nhân viên công tác xã hội tại các bệnh viện. Sự hỗ trợ tích cực của họ đã làm tăng sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.
Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam để ghi nhận vai trò của nghề công tác xã hội. Ngày Công tác xã hội Việt Nam còn là sự tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nghề công tác xã hội (CTXH) chỉ mới được biết đến trong 10 năm gần đây và hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về chức năng của phòng CTXH, đặc biệt là phòng CTXH trong bệnh viện.
Tại các bệnh viện hiện nay, công việc thường ngày của nhân viên CTXH được bắt đầu bằng việc lên các khoa, phòng được phân công phụ trách thăm hỏi, động viên và tìm hiểu về những người bệnh mới vào trong diện chế độ chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Có dữ liệu, nhân viên CTXH tìm các phương án hỗ trợ người bệnh, từ việc tư vấn cho người nhà về phác đồ điều trị, thủ tục hành chính, trấn an tinh thần, giải tỏa những căng thẳng… và chắp nối nhu cầu của người bệnh nghèo tới các nhà hảo tâm. Tại một số bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người bệnh, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… góp phần đáng kể giảm những khó khăn trong quá trình khám, điều trị.
Nói đến nghề CTXH trong bệnh viện, phải kể đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh( TP Thủ Đức, TPHCM ).Đâylà bệnh viện có tổ CTXH ra đời năm 2010, tiền thân Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) trước đây là tổ chăm sóc khách hàng bước đầu làm nền tảng cho việc xây dựng hình thành công tác xã hội bệnh viện. Đến năm 2016 Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh được thành lập theo quyết định số : 01/QĐ-BV ngày 05/01/2016 của Giám đốc Bệnh viện Quận 2 (Nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh). Phòng CTXH với 5 chức năng nhiệm vụ chính: Hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế; Hoạt động gây quỹ; Tổ chức sự kiện; Quan hệ công chúng và hỗ trợ cộng đồng; Đào tạo, huấn luyện và tham gia các hoạt động do Ban giám đốc bệnh viện phân công. Kể từ khi thành lập đến nay, Phòng CTXH của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thực sự đạt hiệu quả cao, trở thành điểm đến cho nhiều bệnh nhân nghèo. Đặc biệt, từ năm 2020 đến hết tháng 2/2023, Phòng CTXH của Bệnh viện đã kêu gọi và nhận được hơn 10 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn từ cộng đồng với các gia đình bệnh nhân.
Các hoạt động CTXH ở đây khá bài bản, giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác… và vận động sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ bệnh nhân các suất ăn từ thiện, mở nhà ăn Hạnh Phúc, cũng như hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Hàng ngày, nhân viên CTXH sẽ lên thăm hỏi, chia sẻ, phát phiếu cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp các y, bác sỹ để giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hiện tại, hỗ trợ trong điều trị và các chính sách xã hội khác…
Tổ chức các buổi thiện nguyện, khám, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con vùng sâu vùng xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn. Hàng năm tổ chức 25 đoàn tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, bà con có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh: Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai, Long An, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau ….với số tiền thuốc và quà hàng năm trên 500 triệu.
Bên cạnh đó, Phòng CTXH còn tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện về hoạt động CTXH cho các sinh viên chuyên ngành CTXH tại các trường đại học và các đơn vị quan tâm tới ngành nghề CTXH.Đặc biệt, các bệnh nhân không bao giờ cảm thấy yếu ớt, lạc lõng nơi bệnh viện trong những ngày lễ, Tết. Phòng CTXH sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các dịp lễ, Tết.
Đến nay, Phòng CTXH của bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, các đơn vị, cá nhân quan tâm đến các bệnh nhân . Hàng tháng, những khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất cơm, cháo sẽ được phòng cập nhật công khai trên website của bệnh viện. Mô hình này càng khẳng định sự cần thiết của nghề CTXH ở bệnh viện.
Chia sẻ về những hoạt động CTXH tại bệnh viện,ông Trần QuangChâu, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: Làm nghề CTXH là đi sớm, về muộn, là sự hy sinh đối với gia đình, bất kể ngày lễ, Tết đều phải sẵn sáng đáp ứng công việc. Bất kỳ lúc nào có điện thoại bệnh nhân cần hỗ trợ, hoặc có nhà hảo tâm muốn hỗ trợ bệnh nhân nghèo, chúng tôi luôn có mặt kịp thời. Chúng tôi luôn làm hết sức mình vì người bệnh, chia sẻ những khó khăn, nỗi đau và đồng hành với họ.
Có thể nói, nghề CTXH là nghề của tình thương, mọi nhiệm vụ mà cán bộ CTXH thực hiện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, để những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng, chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân và cùng họ vượt qua trở ngại, chiến thắng bệnh tật.
Theo đánh giá của BSCKII Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện:CTXH trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Phòng CTXH đã có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân – bệnh viện – người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.
Với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) được thành lập theo Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 27/02/2007 của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố về việc thành lập Bệnh viện Quận 2 trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân Quận 2.
Từ khi thành lập đến nay, bệnh viện đã trải qua 2 giai đoạn khởi đầu và phát triển. Năm 2008, bệnh viện bắt đầu bước vào hoạt động với tổng số 124 nhân viên, trong đó có 29 Bác sĩ, 62 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Hộ sinh, 04 phòng chức năng, 06 khoa lâm sàng, 01 khoa cận lâm sàng. Với quy mô ban đầu là 60 giường, đến năm 2010 tăng lên 150 giường.
Năm 2012, từ chỗ vắng bóng người đến khám, chữa bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thu hút từ 1.000 – 1.500 lượt người đến khám, chữa bệnh mỗi ngày, tăng 3 lần so với năm 2011; lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng cao, công suất giường bệnh đạt trên 90%; tỷ lệ chuyển tuyến năm 2012 so với năm 2011 giảm 72%.
Với sự phát triển vượt bậc, năm 2014, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, được nâng hạng từ Bệnh viện hạng III lên hạng II theo Quyết định số 4047/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2019 Bệnh viện Lê Văn Thịnh, sau khi thẩm định chuyên môn kỹ thuật, cơ sở vật chất đủ điều kiện, quá trình cải tiến chất lượng chỉ số cải tiến chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí không ngừng thay đổi tăng dần qua các năm cùng với sự phấn đấu nổ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, lãnh đạo bệnh viện. Đến ngày 10/02/2020 theo Quyết định số 445/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận Bệnh viện Lê Văn Thịnh là bệnh viện hạng I của thành phố trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 07/04/2021 Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) được đổi tên chính thức thành Bệnh viện Lê Văn Thịnh theo Quyết định số : 1199/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.
Nguồn: thanhnienviet.vn