Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện tuyến cơ sở

3 Tháng Tư, 2023
Cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích chật hẹp phần nào ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện TP Thủ Đức

(Thanhuytphcm.vn) – Thời gian qua, ngành y tế cả nước phải đối mặt với những khó khăn về thiếu trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh, chủ yếu là do vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2020/TT-BYT. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07 ngày 03/3/2023 và Nghị quyết số 30 ngày 04/3/2023 nhằm tháo gỡ được những vấn đề mang tính cấp bách hiện nay đối với ngành y tế.

Khó khăn nhiều mặt

Bệnh viện TP Thủ Đức hiện tiếp nhận khám và điều trị 4.000-5.000 lượt bệnh nhân/mỗi ngày. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng của Bệnh viện đã và đang xuống cấp, diện tích chật hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu về khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân trên địa bàn.

Năm 2022, Bệnh viện TP Thủ Đức triển khai 6 gói thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp, đấu thầu rộng rãi đối với vật nhóm vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm và 6 gói thầu mua sắm thuốc theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thế nhưng cũng chỉ giải quyết tạm thời tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm giai đoạn sau phòng, chống dịch Covid-19.

Đó cũng là tình trạng chung tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Nhiều trang thiết bị có thời hạn sử dụng trên 10 năm, đã hư hỏng một vài bộ phận nhưng chưa thể thay mới. BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Một số thiết bị y tế cần thay thế không có nhà thầu báo giá hay báo giá không hợp lệ hoặc không đủ tối thiểu 3 báo giá, nên không xây dựng được giá gói thầu. Bên cạnh đó, các nhà thầu đã hết hạn giấy đăng ký lưu hành từ ngày 31/12/2022 cũng là một trong những trở ngại khiến nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM hay cả nước rơi vào tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế.

Tháo gỡ “nút thắt” và đề xuất kiến nghị

Việc ban hành Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 được cho là hết sức cần thiết, tháo gỡ khúc mắc cho các bệnh viện trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, đảm bảo nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân. TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức chia sẻ: Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 ban hành đã phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt cho bệnh viện. Cụ thể, cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất; thay đổi cách xác định giá gói thầu, cho phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối đối với hàng hóa độc quyền khi xây dựng giá gói thầu; Hội đồng khoa học quyết định yêu cầu về tính năng kỹ thuật để chủ động trong việc lựa chọn vật tư, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu chuyên môn; gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, giấy lưu hành sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình tham gia các gói thầu tại bệnh viện…

Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn những trăn trở về các văn bản hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Phó Giám đốc Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức Vũ Trí Thanh cho biết: Hiện tại nhu cầu sửa chữa trang thiết bị của bệnh viện rất lớn. Đa số là các gói thầu dịch vụ phi tư vấn về hoạt động bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện nhưng tại Nghị quyết 30 chưa chỉ rõ đối tượng áp dụng đã bao gồm dịch vụ sửa chữa, thay thế linh kiện hay không, tránh trường hợp Bệnh viện vận dụng thực hiện không đúng tinh thần của Nghị quyết.

Còn BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho rằng, cần sớm đưa những nội dung trong Nghị định và Nghị quyết thành Luật, trên cơ sở đó, định kỳ 6 tháng hay 1 năm sẽ được cập nhật để theo kịp vấn đề phát sinh khi đưa vào vận hành thực tế.

Đầu đèn phát tia X của máy chụp X-quang tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã cũ và cần được thay mới để tiếp tục sử dụng trong thời gian tới

Theo đó, BS.CKII Trần Văn Khanh cũng đưa ra ý kiến xoay quanh thời hạn của một số nội dung như: đấu thầu đối với thuốc và vật tư hay xây dựng khung giá dự toán. “Đối với thuốc hay vật tư, do số lượng sử dụng nhiều, chúng tôi thiết nghĩ nếu không có những trường hợp bất khả kháng xảy ra như dịch bệnh, đứt gãy nguồn cung ứng thì thời gian đấu thầu nên là 2 năm thay vì 12 tháng như trong Nghị định mới. Ngoài ra, xây dựng dự toán cho trang thiết bị, vật tư y tế phải căn cứ theo công bố giá của các địa phương trong vòng 120 ngày. Tuy nhiên, nếu trong thời gian trên vẫn chưa có đủ dữ liệu để tham khảo sẽ gây khó khăn trong tiến trình mua sắm thiết bị y tế tại bệnh viện. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần kéo dài thời gian trên để đủ cơ sở dữ liệu tham khảo trước khi bệnh viện quyết định mua một loại hàng hóa, đảm bảo tính phù hợp và chính xác cao” – BS Khanh nêu góp ý.

Trong cuộc họp với lãnh đạo các bệnh viện tuyến Trung ương và các Vụ, Cục của Bộ Y tế, nhằm rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP vào ngày 21/3/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây dựng giá gói thầu; trang đăng tin giá gói thầu; xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung… Đây sẽ là lời giải cho những “nút thắt” của các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng bệnh viện trong thời gian tới.

Nguồn: hcmcpv.org.vn

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group