Hướng dẫn sử dụng thuốc Ultracet tab

29 Tháng Sáu, 2023
Biệt dược : Ultracet tab
Hoạt chất chính : tramadol hydrochlorid + paracetamol
Hàm lượng : 37.5mg + 325mg
Mã ATC: N02AJ13
Nhóm thuốc : thuốc giảm đau hạ sốt dạng kết hợp (có chất gây nghiện)
Ảnh minh họa: nguồn Internet.
1.Chỉ định

Điều trị các cơn đau từ trung bình đến nặng, khi các phương pháp điều trị thay thế khác không đem lại hiệu quả.

2.Chống chỉ định
  • Người bệnh mẫn cảm với tramadol, paracetamol hay bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Người bệnh mẫn cảm với các thuốc thuộc nhóm opioid;
  • Người bệnh ngộ độc cấp tính do rượu, chất ma túy, thuốc ngủ, thuốc giảm đau trung ương hay các thuốc hướng thần;
  • Người bệnh đang điều trị bằng thuốc ức chế monoamin oxidase hoặc đã ngưng sử dụng thuốc trong vòng 2 tuần trước đó;
  • Người bệnh suy gan nặng, động kinh không được kiểm soát bằng điều trị.
3.Liều dùng

Người lớn và trẻ em trên 16 tuổi

  • Thuốc Ultracet nên được chỉ định ở người bệnh có mức độ đau từ trung bình đến nặng cần sử dụng phối hợp giữa tramadol và  Liều dùng thuốc được hiệu chỉnh phụ thuộc vào mức độ đau và khả năng đáp ứng của người bệnh;
  • Liều thuốc Ultracet tối đa là 1 – 2 viên cách 4 – 6 giờ, liều thuốc tối đa là 8 viên/ngày;
  • Thuốc có thể được uống cùng với thức ăn hoặc không cùng với thức ăn;
  • Trường hợp cần điều trị kéo dài bằng thuốc Ultracet, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và đánh giá về nguy cơ có nên tiếp tục điều trị hay không.

Trẻ em dưới 16 tuổi

Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh hiệu quả và độ an toàn khi điều trị bằng thuốc Ultracet ở trẻ em dưới 16 tuổi.

Người cao tuổi

Không có sự khác biệt về độ an toàn hay tính chất dược động học ở người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên). Vì vậy, đối với người bệnh dưới 75 tuổi có chức năng gan, thận bình thường thì không cần hiệu chỉnh liều thuốc. Đối với người bệnh trên 75 tuổi, quá trình đào thải thuốc có thể bị kéo dài, trong một số trường hợp cần hiệu chỉnh lại liều thuốc.

Người bệnh suy thận

Khuyến cáo nên tăng khoảng cách dùng thuốc Ultracet ở người bệnh có độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 30 ml/phút (liều dùng không vượt quá 2 viên mỗi 12 giờ).

Người bệnh suy gan

Không sử dụng thuốc Ultracet ở người bệnh suy gan nặng. Đối với người bệnh suy gan mức độ trung bình và nhẹ nên cân nhắc kéo dài thời gian dùng thuốc.

4.Tác dụng không mong muốn (ADR)
  • Toàn thân: Mệt mỏi, nóng bừng, suy nhược cơ thể;
  • Hệ thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương: Run, đau đầu;
  • Hệ tiêu hóa:Táo bón, tiêu chảy, đau bụng, khô miệng, đầy hơi, nôn;
  • Rối loạn tâm thần: Lo lắng, chán ăn,mât ngủ, phấn chấn, bồn chồn;
  • Da và các phần phụ của da: Tăng tiết mồ hôi, ngứa, phát ban;
  • Rối loạn tim mạch: Làm nặng thêm tình trạngtăng huyết áp;
  • Rối loạn nhịp tim: Đánh trống ngực, loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh;
  • Hệ thống gan mật: Xét nghiệm gan bất thường;
  • Rối loạn thị lực: Thay đổi tầm nhìn.
5.Lưu ý khi sử dụng thuốc
  • Chứng co giật: Đã có báo cáo về nguy cơ xảy ra chứng co giật sau khi điều trị bằng tramadol. Nguy cơ co giật tăng lên khi sử dụng liều tramadol lớn hơn liều khuyến cáo hoặc khi sử dụng đồng thời với các thuốc sau: Thuốc chống trầm cảm ba vòng (cyclobenzaprin, promethazin), chất ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (thuốc giảm cảm giác thèm ăn nhóm SSRI,thuốc chống trầm cảm), thuốc opioid, thuốc ức chế men MAO, thuốc an thần… Nguy cơ co giật cũng tăng lên ở người có tiền sử co giật, bệnh nhân động kinh.
  • Phản ứng dạng phản vệ: Người bệnh có tiền sử mắc phản ứng phản vệ với codein, thuốc nhóm opioid có thể làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng dạng phản vệ.
  • Suy hô hấp: Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Ultracet tab ở người bệnh có nguy cơsuy hô hấp. Dùng liều cao tramadol với thuốc gây mê, thuốc gây tê hoặc rượu có thể dẫn đến suy hô hấp.
  • Dùng cùng với thuốc ức chế thần kinh trung ương: Thận trọng và giảm liều thuốc Ultracetở người bệnh đang điều trị bằng thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc opioid, rượu, thuốc gây mê, thuốc phenothiazin, thuốc an thần hoặc thuốc ngủ.
  • Tăng áp lực nội sọ, chấn thương đầu. Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Ultracet ở người bệnh bị chấn thương đầu hoặctăng áp lực nội sọ.
  • Người bệnh nghiện thuốc opioid. Không sử dụng thuốc Ultracetở người bệnh nghiện thuốc opioid. Thành phần Tramadol trong thuốc gây tái nghiện ở một số người bệnh trước đó từng bị nghiện thuốc opioid.
  • Dùng với rượu:Người bệnh nghiện rượu mạn tính nặng làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan khi dùng quá liều thuốc paracetamol.
  • Cai thuốc:Các triệu chứng có thể xảy ra khi người bệnh dừng thuốc Ultracet một cách đột ngột. Các triệu chứng cai thuốc như lo lắng thái quá, hoảng sợ, ảo giác, ù tai, dị cảm…
  • Người bệnh suy thận:Đối với người bệnh có độ thanh thải creatinin huyết thanh dưới 30ml/phút được khuyến cáo nên tăng khoảng cách giữa các liều dùng thuốc Ultracet tab để không vượt quá liều 2 viên mỗi 12 giờ.
  • Người bệnh suy gan:Khuyến cáo không sử dụng thuốc ở người bệnh suy gan nặng.
  • Phản ứng ngoài da:Hội chứng Steven – Johnson, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng hoại tử da nhiễm độc do sử dụng thuốc có thể xảy ra, tuy nhiên tỷ lệ rất thấp. Vì vậy, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ngay khi có triệu chứng của các phản ứng ngoài da.
  • Nguy cơ giảm natri huyết: Thường gặp hơn ở người bệnh có sẵn yếu tố nguy cơ như người bệnh cao tuổi, người bệnh đang được điều trị đồng thời bằng thuốc gây giảm natri huyết.
  • Sự dung nạp và phụ thuộc về thể chất, tinh thần có thể xảy ra ngay ở liều điều trị. Vì vậy nhu cầu điều trị bằng thuốc giảm đau gây nghiện trên lâm sàng nên được xem xét thường xuyên. Không sử dụng quá liều thuốc được khuyến cáo, không sử dụng cùng với các thuốc có chứa tramadol, paracetamol.
  • Phụ nữ đang mang thai: Thuốc Ultracetqua được hàng rào nhau thai và gây hại cho thai nhi. Vì vậy, chống chỉ định sử dụng thuốc Ultracet ở phụ nữ đang mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc không được khuyến cáo trong điều trị ở phụ nữ đang cho con bú, vì độ an toàn và hiệu quả chưa được nghiên cứu trên trẻ sơ sinh.
6.Tương tác thuốc

Thuốc Ultracet có thể tương tác với các thuốc sau đây:

  • Thuốc ức chế CYP2D6: fluoxetine, quinidine, bupropion, paroxetine…;
  • Thuốc ức chế CYP3A4: thuốc trị nấm, kháng sinh nhóm macrolide;
  • Thuốc ức chế CYP3A4: Carbamazepine, rifampicin, phenytoin;
  • Thuốc giảm đau trung ương: Codein, morphin;
  • Thuốc ức chế seretonin: Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc ức chế men MAO: Tranylcypromine, phenelzine, linezolid;
  • Thuốc giãn cơ: Gây suy hô hấp và giảm thần kinh cơ;
  • Thuốc lợi tiểu: Giảm tác dụng của thuốc lợi tiểu;
  • Digoxin, wafarin;
  • Thuốc giảm ngưỡng co giật như bupropion, thuốc chống trầm cảm ức chế hấp thu serotonin, thuốc an thần kinh và thuốc chống trầm cảm ba vòng;
  • Thuốc đối kháng chủ vận opioid (nalbuphin, buprenorphin, pentazocin): Giảm hiệu quả đau của thuốc Ultracet bằng cách chẹn cạnh tranh tại các thụ thể.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị

       Dược sĩ 

Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn : Drugbank.vn, Tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group