Thuốc Cefradin

29 Tháng Sáu, 2023
Cefradin là một kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 bán tổng hợp; dùng đường uống hoặc đường tiêm điều trị các nhiễm khuẩn nhạy cảm và dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật.
Các cephalosporin thế hệ 1 nói chung cũng như cefradin nói riêng đều có tác dụng invitro đối với nhiều cầu khuẩn Gram dương, bao gồm Staphylococcus aureus tiết hoặc không tiết penicilinase, các Streptococcus tan máu beta nhóm A, các Streptococcus nhóm B và Streptococcus pneumonia.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
1. Chỉ định:

Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm gây bệnh ở:

-Da và cấu trúc da.

-Nhiễm khuẩn xương

-Nhiễm khuẩn tai mũi họng ( viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, viêm xoang, viêm tại giữa)

-Nhiễm khuẩn đường hô hấp kể cả viêm thùy phổi do các cầu khuẩn Gram dương nhạy cảm.

-Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ( trừ viêm tuyến tiền liệt và viêm thận – bể thận).

-Đề phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật.

2. Chống chỉ định:

Người dị ứng hoặc mẫn cảm với cefradin và kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Cách dùng:

Cefradin dùng đường uống; trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng nên tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 3-5 phút hoặc tiêm truyền.

4. Liều lượng:

Người lớn:

Uống: 250 – 500mg, 6 giờ /lần, hoặc 500mg -1g, 12 giờ/lần. Có thể lên tới 4g/ngày theo đường uống.

Tiêm: Tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền 500mg -1 g, 6 giờ/lần. Liều tối đa một ngày không quá 8g.

Trẻ em:

Uống: 25-50mg/kg/ngày, chia làm 2-4 lần. Viêm tai giữa dùng 75-100mg/kg/ngày chia làm nhiều lần cách nhau 6 tới 12 giờ một lần. Liều tối đa một ngày không vượt quá 4g.

Tiêm: 50-100mg/kg/ngày chia 4 lần, liều có thể tăng lên 200 – 300mg/kg/ngày trong nhiễm khuẩn nặng.

Dự phòng trước, trong và sau khi mổ:

Đối với người mổ đẻ: Tiêm tĩnh mạch 1g ngay sau khi kẹp cuống rốn, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g, 6 và 12 giờ sau liều thứ nhất.

Đối với các người bệnh khác: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g, trước khi phẫu thuật 30 phút đến 1,5 giờ và cứ 4 đến 6 giờ một lần, tiêm tiếp 1g trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật. Không được dùng quá 8g/ngày.

Liều cho người suy thận: Đối với người lớn suy thận, phải giảm liều tùy theo độ thanh thải creatinine như sau:

-Clcr  < 5 ml/phút: 250mg , cách 12 giờ một lần.

-Clcr 5-20 ml/phút: 250mg, cách 6 giờ một lần.

-Clcr > 20 ml/phút: 500mg, cách 6 giờ một lần.

-Thẩm phân máu: 250mg lúc bắt đầu thẩm phân; 250mg 12 giờ sau và 36 tới 48 giờ sau khi bắt đầu thẩm phân.

5. Tương tác thuốc:

Dùng đồng thời probenecid uống sẽ cạnh tranh ức chế bài tiết của đa số các cephalosporin ở ống thận, làm tăng và kéo dài nồng độ cephalosporin trong huyết thanh.

Cefradin có thể làm giảm hiệu lực của vắc xin thương hàn.

6. Tương kỵ:

Cefradin tiêm chứa natri carbonat, vì vậy tương kỵ với các dung dịch chứa calci ( như dung dịch Ringer lactat, dung dịch Ringer – lactat – dextrose, dung dịch Ringer).

Không nên trộn cefradin tiêm với các kháng sinh khác.

Trộn cefradin với aminoglycoside trong cùng một túi hoặc lọ để tiêm tĩnh mạch làm mất hoạt lực cả hai loại. Nếu cần dùng đồng thời cả 2 loại để điều trị, phải tiêm ở hai chỗ khác nhau.

7. Tác dụng không mong muốn:

Thường gặp:

Phản ứng quá mẫn: Sốt, phản ứng giống bệnh huyết thanh, phản vệ.

Ban da, mày đay.

Tăng bạch cầu ưa eosin.

Buồn nôn, tiêu cháy, viêm đại tràng màng giả.

Mất bạch cầu hạt, biến chứng chảy máu.

Ít gặp:

Viêm thận kẽ cấp tính.

Hoại tử ống thận cấp sau khi dùng liều quá cao, thường liên quan đến người cao tuổi, người có tiền sử suy thận hoặc dùng đồng thời với các thuốc có độc tính trên thận.

Hiếm gặp:

Gan: Viêm gan, vàng da ứ mật.

Toàn thân: Có thể đau ở chỗ tiêm bắp và viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi truyền tĩnh mạch thường trên 6g/ngày và trên 3 ngày.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Lương Ngọc Khánh Ngân

(Tài liệu tham khảo: Theo tờ hướng dẫn từ Nhà sản xuất)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group