Thuốc Berodual có tác dụng gì?

17 Tháng Mười Hai, 2023
Thuốc Berodual 10ml là thuốc kết hợp được dùng làm giãn cơ trơn khí phế quản. Thuốc được bào chế dưới dạng xịt định liều, dùng trong các bệnh lý có sự co thắt cơ trơn phế quản như hen phế quản, COPD.
Công dụng thuốc:

Trong thuốc Berodual xịt có chứa hai thành phần chính bao gồm Fenoterol và Ipratropium. Ngoài dạng bình Berodual xịt 10ml còn có loại Berodual 20ml. Hai chất đều có tác dụng giãn cơ trơn phế quản theo cơ chế khác nhau, nên khi phối hợp chúng sẽ cho kết quả hiệp đồng tác dụng.

– Chất Ipratropium bromide: Là một chất có tác dụng kháng hệ cholinergic, đối kháng tác dụng của acetylcholin, chất trung gian hóa học được tiết ra từ thần kinh phế vị. Điều này có tác dụng ngăn ngừa nồng độ canxi nội bào tăng, từ đó ngăn ngừa sự co thắt cơ trơn. Tác dụng giãn phế quản sau khi hít ipratropium bromide đặc hiệu tại chỗ và không có tác dụng toàn thân.

– Đối với chất Fenoterol hydrobromide: Đây là một thuốc giống giao cảm tác dụng trực tiếp và kích thích chọn lọc trên thụ thể beta của hệ adrenergic, vì thế giúp giãn cơ trơn. Fenoterol hydrobromide làm giãn cơ trơn phế quản và mạch máu và chống lại tác nhân gây co thắt phế quản như histamine, methacholine và các chất gây dị ứng. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng trên các thụ thể beta của tim gây ra tăng nhịp tim, tăng co bóp cơ tim.

Sử dụng đồng thời hai hoạt chất này gây giãn phế quản do nó tác dụng trên các vị trí khác nhau của cơ trơn phế quản. Hai hoạt chất này bổ sung tác dụng cho nhau giúp giãn cơ phế quản và từ đó cho phép sử dụng điều trị rộng rãi trong các bệnh phế quản phổi liên quan đến co thắt đường hô hấp. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân hen và COPD, cho hiệu quả tốt hơn so với khi dùng ipratropium hoặc fenoterol riêng với liều tương tự.

Ảnh minh họa: nguồn Internet.
Chỉ định

Thuốc Berodual được chỉ định trong các trường hợp sau:

– Trong co thắt phế quản cấp như cơn hen cấp tính do Berodual có tác dụng nhanh.

– Duy trì và dự phòng các cơn khó thở trong các bệnh như viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính(COPD),khí phế thũng và rối loạn phế quản phổi gây ra co thắt phế quản.

– Sử dụng trong điều trị dài hạn cơn hen suyễn, giúp giảm sự phát triển cơn hen cấp.

Chống chỉ định:

Thuốc Berodual 10ml chống chỉ định trong các trường hợp:

– Quá mẫn với các thành phần hoạt chất, chất giống với atropin hoặc dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc.

– Khi mắc bệnh cơ tim tắc nghẽn phì đại, loạn nhịp nhanh.

Một số trường hợp nên thận trọng khi dùng thuốc Berodual:

– Người đang bị tăng nhãn áp góc hẹp, cường giáp, hẹp mạch máu, tăng sinh tuyến tiền liệt.

– Bị tắc nghẽn cổ bàng quang.

– Hạ kali máu.

Cách dùng

Đây là dạng bình Berodual xịt 10ml định liều, nên bạn cần sử dụng đúng hướng dẫn, tránh việc xịt quá liều hoặc liều không đủ theo chỉ định. Các bước thực hiện xịt như sau:

– Nếu lần đầu tiên sử dụng cần tháo nắp bảo vệ và ấn van của bình xịt hai lần. Hoặc nếu 3 ngày không sử dụng cũng cần ấn xịt 2 lần để khởi động van xịt.

– Sau đó bạn thở ra hết sức.

– Giữ bình xịt ngậm môi xung quanh ống ngậm. Mũi tên và đáy của bình xịt hướng lên trên.

– Hít vào tối đa, đồng thời dùng tay ấn mạnh vào đáy bình xịt để giải phóng một liều chuẩn. Nín thở trong vài giây, rồi rút ống ngậm ra khỏi miệng và thở ra. Thực hiện tương tự với liều xịt thứ hai nếu cần.

– Khi dùng xong cần đậy nắp bảo vệ sau mỗi lần. Khi dùng bạn cần vệ sinh bình xịt tuần 1 lần bằng cách trước tiên là cần tháo nắp bảo vệ và lấy bình ra khỏi ống ngậm. Rửa ống ngậm bằng nước ấm cho đến khi không còn thuốc đọng, sạch bụi. Lắc mạnh ống ngậm sau khi đã làm sạch và để tự khô tự nhiên không sấy. Khi ống ngậm đã khô thì đây lắp bình xịt và nắp chống bụi.

Liều dùng:

Liều dùng thuốc sẽ phụ thuốc vào nhiều yếu tố, như khả năng đáp ứng của bệnh nhân, độ tuổi…Dưới đây là liều tham khảo cho từng trường hợp bao gồm.

– Cơn hen cấp: Dùng 2 nhát xịt là phù hợp để giảm nhanh triệu chứng. Trong những trường hợp nặng hơn, nếu tình trạng khó thở không cải thiện sau 5 phút có thể dùng thêm 2 nhát xịt nữa. Nếu cơn hen phế quản không thuyên giảm sau 4 nhát xịt thì có thể xịt thêm một liều thuốc và bệnh nhân cần đi khám tại bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

– Điều trị ngắt quãng và điều trị kéo dài: Dùng từ 1 – 2 nhát xịt cho mỗi lần dùng, tối đa dùng 8 nhát xịt mỗi ngày (trung bình khoảng 1 – 2 nhát xịt 3 lần mỗi ngày).

– Đối với trẻ em cần dùng đúng liều chỉ định và dưới quan sát của người lớn.

Tác dụng phụ:

Khi sử dụng thuốc Berodual 10ml, một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra bao gồm:

– Những tác dụng phụ thường gặp nhất gồm ho, khô miệng, đau đầu, viêm họng, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp tâm thu và bồn chồn, run.

– Giảm kali máu, cảm giác bồn chồn, lo lắng, rối loạn tâm thần.

– Tăng huyết áp, rối loạn điều tiết, giãn đồng tử, đau mắt, nhìn mờ, xung huyết kết mạc, nhìn thấy hào quang.

– Hiếm gặp hơn có thể gây ra loạn nhịp tim, rung nhĩ,thiếu máu cơ tim, nhịp nhanh trên thất, co thắt phế quản nghịch ký, yếu cơ, đau cơ, ứ nước tiểu.

– Phản ứng quá mẫn: Gây nổi mày đay, khó thở, sưng mặt, nhịp nhanh, có thể hôn mê.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, bạn cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Lưu ý khi dùng:

– Bạn cần dùng thuốc dưới chỉ định của bác sĩ, tuân thủ đúng quy cách dùng thuốc và tránh quá liều. Trước khi dùng cần thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng thuốc hay thức ăn.

– Khi dùng thuốc có thể gây ra tình trạng quá liều nếu sử dụng không đúng, xịt quá nhiều lần. Tác dụng quá liều chủ yếu liên quan đến thuốc fenoterol. Các triệu chứng gặp phải khi quá liều do kích thích beta adrenergic quá mức, chủ yếu là nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, run cơ, tăng huyết áp, tăng áp lực mạch đập rộng,đau thắt ngực.

– Nếu quá liều ipratropium bromide thường nhẹ như (như khô miệng, rối loạn thị giác do điều tiết) do nồng độ có tác dụng toàn thân của ipratropium dùng qua đường hít là rất thấp. Khi dùng quá liều hay có các biểu hiện của tình trạng quá liều cần tới các cơ sở y tế ngay.

– Khi dùng thuốc Berodual có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc khác, một số loại thuốc có tác dụng trên đường hô hấp tương tác với thuốc này gồm Salbutamol, Salmeterol, Formoterol, Bambuterol, Oxitropium, Tiotropium…Dẫn xuất xanthine như theophyllin và corticoid (như presnisolon, methylprednisolone…). Những chất này có thể tăng cường hay hạn chế tác dụng của thuốc, nên lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ khi phối hợp.

– Trong quá trình sử dụng thuốc thì cần tránh tuyệt đối không để thuốc dín lên vùng mắt.

– Cần đọc thật kỹ cách sử dụng thuốc, tránh việc xịt quá nhiều lần mà không biết thuốc đã vào hay chưa. Đặc biệt với trẻ nhỏ, cần quan sát trẻ thực hiện, không để trẻ tự thực hiện.

– Thường xuyên vệ sinh ống ngậm để đảm bảo thuốc không bị đọng lại ở nắp hoặc gây khó khăn khi xịt và tránh nhiễm khuẩn.

– Sử dụng đúng loại ống ngậm được nhà sản xuất cung cấp, không thay thế loại ống ngậm của loại thuốc khác và cũng không dùng ống ngậm thuốc Berodual cho các loại thuốc khác.

– Một số loại thức ăn nhất định cũng có thể tạo ra tương tác thuốc. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để bạn có chế độ ăn hợp lý nhất và tốt nhất bạn không nên sử dụng thuốc lá, chất kích thích, rượu bia khi đang sử dụng thuốc.

Thuốc Berodual 10ml được dùng để giãn phế quản giúp kiểm soát các cơn hen cấp và mạn, một số trường hợp co thắt phế quản khác. Nhưng thuốc kê đơn cần chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tự ý dùng thuốc.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao,tận tâm và luôn lấy người bệnh là trung tâm cho mọi hoạt động,nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe,hay cần thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn,thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Lưu Văn Song

(Theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của Nhà sản Xuất)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group