BROMHEXIN

25 Tháng Ba, 2024
1. Chỉ định:

Rối loạn tiết dịch phế quản, nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.

Bromhexin thường được dùng như một chất bổ trợ với kháng sinh, khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.

Ảnh minh họa: nguồn Internet.
2. Liều dùng:

Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: 8 – 16mg/ lần, ngày uống 3 lần.

Thời gian điều trị không được kéo dài quá 8 – 10 ngày nếu chưa có ý kiến thầy thuốc.

3. Chống chỉ định:

Quá mẫn cảm với bromhexin hoặc với một thành phần nào đó có trong thuốc.

Người mang thai hoặc cho con bú.

4. Dược lực học:

Bromhexin là chất điều hòa và tiêu nhầy đường hô hấp. Do hoạt hóa sự tổng hợp sialomucine và phá vỡ các sợi mucopolysaccharide acid nên thuốc làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Thuốc làm long đờm dễ dàng hơn, nên làm đờm từ phế quản thoát ra ngoài hiệu quả.

Khi uống, thường phải sau 2-3 ngày mới có biểu hiện tác dụng trên lâm sàng.

5. Dược động học:

Hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa.

Chuyển hóa bước đầu ở gan rất mạnh. Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc.

Bromhexin phân bố rộng rãi vào các mô của cơ thể, liên kết mạnh với protein huyết tương, qua được hàng rào máu não, và một lượng nhỏ qua được nhau thai.

Khoảng 85 -90% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu, chủ yếu là dưới dạng các chuyển hóa.

6. Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng:

Cần tránh phối hợp với các thuốc ho khác vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp.

Bromhexin do tác dụng làm tiêu dịch nhầy, nên có thể gây hủy hoại hàng rào niêm mạc dạ dày; vì vậy, khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày phải rất thận trọng.

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân hen vì bromhexin có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm.

Sự thanh thải bromhexin và các chất chuyển hóa có thể bị giảm ở bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận nặng, nên cần thận trọng và theo dõi.

Dùng bromhexin cho người cao tuổi hoặc suy nhược, quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả do đó càng tăng ứ đờm.

Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về việc không dung nạp galactose, thiếu hụt men LAPP lactase hoặc kém hấp thu glucose – galactose không nên dùng thuốc này.

7. Tương tác thuốc:

Không phối hợp với thuốc giảm tiết dịch như các thuốc kiểu atropine ( hoặc anticholinergic) vì làm giảm tác dụng của bromhexin.

Không phối hợp với các thuốc chống ho.

Dùng phối hợp bromhexin với kháng sinh ( amoxcilin, cefuroxime, erythromycin, doxycylin) làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản. Do đó, bromhexin có thể có tác dụng như một thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, làm tăng tác dụng của kháng sinh.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Lương Ngọc Khánh Ngân

Tài liệu tham khảo: Theo tờ hướng dẫn từ nhà sản xuất

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group