HCQ LÀ THUỐC GÌ?

25 Tháng Ba, 2024

Hydroxychloroquine (HCQ) được biết đến với vai trò là thuốc điều trị sốt rét. Tuy nhiên, thuốc cũng được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý da liễu như Lupus ban đỏ, bệnh Porphyrin da chậm và một số tình trạng khác. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về tác dụng của thuốc Hydroxychloroquine trong điều trị bệnh da liễu.

Thành phần:Mỗi viên nén bao phim chứa.

Hoạt chất: Hydroxychloroquine sulfate………………………………200mg.

Tá dược:Dibasic calcium phosphate dihydrate,pregelatinized starch,com starch,magnesium stearate,opadry II white 05F18422.

         Ảnh minh họa:Nguồn Internet

Hydroxychloroquine là thuốc gì?

Hydroxychloroquine  là một loại thuốc trị sốt rét  thuộc nhóm 4-amino-quinoline, thuốc cũng được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống,viêm khớp dạng thấp , một số tình trạng viêm và bệnh lý khác do nhạy cảm với ánh sáng. Hydroxychloroquine là hợp chất hydroxyl hóa của chloroquine với cơ chế hoạt động tương tự. Tuy nhiên, khi dùng một liều lượng giống nhau của Hydroxychloroquine và Chloroquine, nồng độ Chloroquine trong mô cao gấp 2,5 lần Hydroxychloroquine. Hydroxychloroquine được ưa thích hơn do đặc tính an toàn hơn của nó và Hydroxychloroquine ít có tác dụng phụ lên thị lực hơn.

Cơ chế tác dụng chính của Hydroxychloroquine trong điều trị các bệnh lý da liễu, bao gồm:

–  Chống viêm.

–  Chống phân bào.

–  Điều hòa miễn dịch.

–  Chống nắng.

–  Chống huyết khối.

Tác dụng chống viêm được cho là thông qua nhiều con đường làm giảm sản xuất cytokine và bao gồm các hoạt động liên quan đến sự gia tăng độ pH của lysosome. Điều này gây ra:

–  Giảm hoạt động của protease.

–  Giảm kích hoạt các Toll-like receptor 9, 7, 8 và 3.

–  Tăng kích thích tế bào T- CD8.

Hydroxychloroquine có tác động gấp 2 lần đến các tế bào T. Nó ức chế kích thích tế bào T- CD4, nhưng cũng thúc đẩy kích thích tế bào T-CD8. Tác động tổng hợp là một hành động có lợi trong điều hoà miễn dịch mà không làm gia tăng bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Tác dụng chống tăng phân bào và điều hòa miễn dịch được thực hiện qua trung gian bằng cách giảm sự tăng sinh tế bào lympho, can thiệp vào hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cell) và có thể làm thay đổi quá trình sản xuất kháng thể trong cơ thể.

Tác dụng chống nắng của Hydroxychloroquine chưa được hiểu hoàn toàn. Một số lý thuyết là do sự tích tụ của Hydroxychloroquine trong da tạo một hàng rào bảo vệ khỏi ánh nắng bằng cách hấp thụ một số bước sóng ánh sáng cụ thể. Ngoài ra, tác dụng chống viêm của Hydroxychloroquine làm giảm đáp ứng viêm của tế bào sừng thường được kích hoạt khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thuốc trị sốt rét ngăn chặn sự kết tập tiểu cầu và hoạt động như chất đối kháng với prostaglandin do ức chế men phospholipase A2. Do đó, Hydroxychloroquine có thể được sử dụng như một liệu pháp kéo dài cho bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.

Các tác dụng khác của hydroxychloroquine bao gồm:

–  Giảm 15-20% nồng độ cholesterol,triglycerid  và LDL cholesterol trong máu.

 Hạ glucose máu bằng cách làm giảm sự thoái hóa của insulin.

–  Đặc tính kháng vi-rút.

–  Chống ung thư.

–  Tăng mật độ khoáng xương ở cột sống và vùng chậu hông.

Chỉ định sử dụng Hydroxychloroquine trong điều trị da liễu:

Hydroxychloroquine được sử dụng như một loại thuốc đầu tay cho các chỉ định sau trong da liễu:

–  Lupus ban đỏ tất cả các thể.

–  Bệnh Porphyrin da chậm.

Hydroxychloroquine được sử dụng như một lựa chọn điều trị thứ hai hoặc thứ ba cho những điều sau đây trong da liễu:

–  Viêm da cơ.

–  Sarcoidosis.

–  Ban đa dạng do ánh sáng.

–  U hạt vòng lan tỏa.

Các bệnh lý da liễu khác mà hydroxychloroquine có thể được xem xét sử dụng, chủ yếu là các bệnh lý liên quan đến nhạy cảm ánh sáng, bao gồm:

–  Sẩn ngứa do ánh sáng.

–  Viêm da mạn tính do ánh sáng.

–  Hội chứng kháng phospholipid.

–  Viêm da cơ địa.

–  Hồng ban đỏ.

–  Ly thượng bì bỏng nước (Epidermolysis bullosa);

–  Rụng tóc xơ hoá vùng trán.

–  Bệnh mảnh ghép chống chủ.

–  Bệnh Lichen phẳng do ánh sáng.

–  Mày đay ánh sáng.

–  Xơ cứng bì hệ thống.

–  Mày đay;

–  Viêm mạch.

Chống chỉ định:

–  Quá mẫn với hydroxychloroquine hoặc 4-aminoquinoline.

–  Trẻ em dưới sáu tuổi, do tăng nguy cơ quá liều.

–  Bệnh nhân dùng Tamoxifen  vì dùng đồng thời Hydroxychloroquine và Tamoxifen làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc.

–  Tiền sử mắc bệnh lý võng mạc.

–  Đang điều trị các liệu pháp ức chế tủy xương.

Một số chống chỉ định tương đối như: bệnh nhân suy thận nặng (cần giảm liều), suy gan, bệnh máu, thiếu hụt men G6PD, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh tâm thần, bệnh vảy nến.

Liều lượng hydroxychloroquine:

Hydroxychloroquine được bào chế dưới dạng viên nén có hàm lượng 200mg. Nên uống Hydroxychloroquine trong bữa ăn hoặc cùng với một ly sữa để giúp giảm thiểu tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Có thể áp dụng liều thuốc xen kẽ. Chẳng hạn như, sử dụng Hydroxychloroquine 400mg xen kẽ với Hydroxychloroquine 200mg mỗi ngày để đạt được liều hàng ngày hiệu quả là 300mg/ngày. Nếu không đạt được đáp ứng điều trị chỉ với Hydroxychloroquine, có thể bổ sung thêm Quinacrine có thể cải thiện hiệu quả điều trị.

Bệnh lupus ban đỏ:

–  Liều thông thường là 200-400 mg mỗi ngày cho đến khi đạt được đáp ứng điều trị. Mặc dù liều tối đa trước đây được liều dùng thường được tính toán dựa trên trọng lượng cơ thể của bệnh nhân với liều khuyến cáo không vượt quá 6,5mg/kg/ngày, liều lượng hiện nay được khuyến cáo không vượt quá 5mg/kg/ngày. Tuy nhiên, khuyến cáo này có thể cần điều chỉnh ở bệnh nhân béo phì vì liều tối đa hàng ngày không được vượt quá 400mg/ngày.

–  Để giảm thiểu việc xuất hiện độc tính trên võng mạc, nên giảm liều khi bệnh nhân dung nạp được (trong những tháng mùa đông).

Bệnh Porphyrin da chậm:

–  Sử dụng Hydroxychloroquine với liều thấp tăng dần, tăng chậm. Liều khuyến cáo: Hydroxychloroquine 100mg x 2 lần/tuần trong một tháng, sau đó 200mg/ngày. Dùng thuốc cho đến khi nồng độ porphyrin trong máu bình thường trong ít nhất một tháng. Khởi đầu với liều cao có thể dẫn đến ngộ độc gan do huy động nhanh dự trữ porphyrin ở gan.

Lưu ý khi sử dụng thuốc:

–  Cần giám sát thường xuyên hơn nếu các giá trị xét nghiệm bất thường hoặc với những bệnh nhân có nguy cơ cao:

–  Công thức máu, chức năng thận và chức năng gan của bệnh nhân nên được kiểm tra trước khi dùng thuốc Hydroxychloroquine và sau đó kiểm tra định kỳ.

–  Thử thai được tiến hành ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi dùng thuốc và khuyến cáo áp dụng  biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị.

–  Mọi bệnh nhân nên được khám chuyên khoa mắt trước và trong vòng năm đầu điều trị. Trong trường hợp không có thêm các yếu tố nguy cơ, nên thực hiện sàng lọc hàng năm trong vòng 5 năm.

–  Nồng độ hydroxychloroquine có thể được đo trong máu. Điều này có thể được áp dụng để theo dõi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và khi đáp ứng lâm sàng không đầy đủ.

–  Hydroxychloroquine có nguy cơ gây độc cho mắt, giác mạc và võng mạc thấp hơn so với Chloroquine.

–  Hút thuốc có thể làm giảm hiệu quả của Hydroxychloroquine.

–  Hydroxychloroquine có ái lực cao bất thường với các tế bào chứa melanin (ví dụ: ở da và võng mạc). Sự lắng đọng trong các tế bào này có thể dẫn đến tăng sắc tố da và có thể gây độc cho võng mạc.

–  Phụ nữ mang thai: Hydroxychloroquine đi qua nhau thai. Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu, việc sử dụng Hydroxychloroquine trong thời kỳ mang thai không liên quan đến dị tật bẩm sinh, thai lưu,sinh non, thai nhẹ cân hoặc bệnh võng mạc sau khi mẹ uống Hydroxychloroquine ở liều khuyến cáo. Một số chuyên gia hiện khuyến cáo rằng Hydroxychloroquine có thể tiếp tục trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Hydroxychloroquine được coi là an toàn hơn chloroquine trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc ở phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc cho con bú.

Tác dụng không mong muốn:

Trên mắt:

Hydroxychloroquine có thể gây độc cho võng mạc không hồi phục, nhưng Hydroxychloroquine được xem là có ít độc tính với võng mạc hơn chloroquine và thuốc không lắng đọng giác mạc so với khi điều trị bằng chloroquine. Ái lực cao của Hydroxychloroquine với các tế bào chứa melanin như tế bào được tìm thấy trong biểu mô sắc tố võng mạc được xem là nguyên nhân gây ra tác dụng phụ này.

Nguy cơ nhiễm độc võng mạc phụ thuộc vào một số yếu tố:

–  Liều hàng ngày của hydroxychloroquine> 5,0 mg/kg trọng lượng cơ thể.

–  Suy thận nặng.

–  Sử dụng đồng thời với tamoxifen.

–  Thời gian sử dụng> 5 năm.

Một số nghiên cứu khuyến cáo, trước khi dùng Hydroxychloroquine nên tiến hành khám mắt cho bệnh nhân dự định điều trị bằng Hydroxychloroquine trong thời gian dài. Chỉ kiểm tra cơ bản là không đủ để sàng lọc và cần phải có các xét nghiệm khác bao gồm ít nhất là kiểm tra trường hình ảnh tự động và chụp cắt lớp quang học liên kết miền phổ.

Mọi bệnh nhân nên khám mắt cơ bản trong vòng năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu dùng hydroxychloroquine nếu dự định ​​sử dụng thuốc lâu dài. Trong trường hợp không có các yếu tố nguy cơ được liệt kê ở trên, nên thực hiện sàng lọc hàng năm trong vòng 5 năm cho bệnh nhân.

Có thể khuyên dùng kính râm để tránh tổn thương thêm võng mạc do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Bệnh nhân bị nhiễm độc võng mạc do hydroxychloroquine sẽ không có bất kỳ triệu chứng thị giác nào trong giai đoạn đầu, và chỉ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn cuối có tổn thương võng mạc nghiêm trọng. Do đó, điều cần thiết là phải tuân thủ các khuyến cáo tầm soát nêu trên và nên ngừng sử dụng Hydroxychloroquine nếu có dấu hiệu xác định của bệnh lý võng mạc. Tổn thương võng mạc sẽ không phục hồi, nhưng thường ngưng tiến triển sau khi ngưng dùng Hydroxychloroquine.

Trên hệ tiêu hóa:

–  Buồn nôn, nôn và tiêu chảy là những tác dụng phụ thường gặp, nhưng thường chỉ thoáng qua hoặc hết khi giảm liều Hydroxychloroquine. Những triệu chứng này có thể được giảm bớt bằng cách dùng hydroxychloroquine với thức ăn.

Trên da:

–  Tăng sắc tố da màu xám-xanh ảnh hưởng đến 25% bệnh nhân dùng Hydroxychloroquine, đặc biệt ở những nơi đã có vết bầm tím. Các dải sắc tố ở móng và tăng sắc tố ở niêm mạc cũng đã được báo cáo.

–  Phát ban có thể xảy ra ở 10% bệnh nhân. Lưu ý rằng các phản ứng có hại trên da khi sử dụng Hydroxychloroquine theo báo cáo là ảnh hưởng đến >30% bệnh nhân bị viêm da cơ, trong khi đó nguy cơ phát ban thấp hơn ở bệnh nhân lupus ban đỏ. Trường hợp xuất hiện phát ban, nên ngừng sử dụng Hydroxychloroquine và có thể bắt đầu lại với liều thấp hơn.

Tác dụng phụ trên da ít phổ biến hơn có thể bao gồm:

–  Mày đay.

–  Ban dạng Lichen.

–  Rụng tóc từng mảng.

–  Nhạy cảm với ánh sáng.

–  Viêm da tróc vảy.

–  Phản ứng có hại trên da nghiêm trọng.

–  Hội chứng quá mẫn cảm với thuốc.

–  Hội chứng Stevens – johnson.

–  Hoại tử biểu bì nhiễm độc.

Tương tác thuốc:

–  Hydroxychloroquine làm tăng nồng độ trong huyết tương của: Digoxin, Methotrexate, D-penicillamine, Ciclosporin, thuốc chẹn beta.

–  Penicillin: Hydroxychloroquine giảm sinh khả dụng của penicillin khi dùng đồng thời.

–  Tăng nồng độ của Hydroxychloroquine khi dùng đồng thời với Cimetidine, Ritonavir.

Những thông tin cơ bản về thuốc HCQ  trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao,tận tâm và luôn lấy người bệnh là trung tâm cho mọi hoạt động,nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe,hay cần thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn,thăm khám và điều trị.

Dược sĩ Lưu Văn Song

(Theo hướng dẫn sử dụng thuốc của Nhà sản Xuất)

 

 

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group