(T3G-BVLVT) SỨC KHỎE SINH SẢN: DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM

11 Tháng Bảy, 2024

Cập nhật: 14:36 – 24/01/2022 | Lần xem: 11783

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM

VIÊM GAN B LÀ GÌ?

VGB là bệnh nhiễm vi rut nặng ảnh hưởng đến gan.

VIÊM GAN B MẠN TÍNH LÀ GÌ

Một số người trưởng thành và nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm VGB và vi rút VGB tồn tại kéo dài trên 6 tháng. Hầu hết những người này không có biểu hiện bệnh. Một số diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan và chết sớm.

NHIỄM VIÊM GAN B CẤP LÀ GÌ?

Nhiễm cấp là trong vòng 6 tháng sau khi bị nhiễm bệnh thì người bệnh có các triệu chứng sau: Mệt mỏi, ăn không ngon, nôn và ói, vàng da (vàng da và mắt), đau dạ dày, đau cơ và khớp.

Nhiễm trùng tự khỏi hoàn toàn trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Những người này tiêu diệt được vi rút VGB và có miễn dịch với bệnh và không bị nhiễm nữa.

VIÊM GAN B LÂY TRUYỀN THẾ NÀO?

VGB lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như máu, dịch âm đạo, tinh dịch của người bị nhiễm bệnh. Việc lây bệnh có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hay quan hệ tình dục đồng giới nam; qua việc hiến máu không được sàng lọc; dùng chung bơm kim tiêm. Nhất là khi mẹ bị nhiễm bệnh VGB thì trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi sinh. Bệnh có thể lây qua vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng) nếu sử dụng chung. VGB không lây qua sữa mẹ, không lây qua tiếp xúc thông thường như dùng chung dụng cụ ăn uống, ôm, hôn, nắm tay.

VIÊM GAN B ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHƯ THẾ NÀO?

Nhiễm trùng VGB có thể ảnh hưởng nặng đến trẻ, đe dọa cuộc sống của trẻ. Trẻ bị nhiễm có nguy cơ cao đến 90% thành người nhiễm VGB mạn tính. Trẻ cũng có thể lây cho người khác. Khi trẻ trưởng thành, có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan. hoặc ung thư gan.

VIÊM GAN B CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

VGB có thuốc điều trị làm giảm số lượng vi rút, giảm tốc độ tiến triển bệnh, giảm biến chứng xơ gan và ung thư gan. Có vắc xin ngăn ngừa VGB. Người mới tiếp xúc với vi rút viêm gan B mà chưa tiêm ngừa vắc xin thì có thể tiêm 1 liều huyết thanh miễn dịch chống VGB và vắc xin càng sớm càng tốt để ngừa lây nhiễm.

Khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi cấp sẽ lây truyền cho thai. Từ 10% đến 20% thai phụ VGB mạn tính sẽ lây cho thai

Một số câu hỏi bà mẹ thắc mắc:

Làm thế nào tôi biết mình bị nhiễm viêm gan B?

–   Thực hiện xét nghiệm máu.

Viêm gan B có ảnh hưởng đến cách sanh hay không?

–   KHÔNG. Bạn vẫn có thể sanh ngã âm đạo cho dù bạn nhiễm VGB.

Nếu tôi bị viêm gan B, tôi có cho trẻ bú sữa mẹ được không?

–   ĐƯỢC. Bạn vẫn cho bé bú mẹ cho dù bạn nhiễm VGB.

Nếu tôi bị nhiễm viêm gan B thì làm cách nào con tôi không bị nhiễm?

–   Bạn cần đi khám chuyên khoa để được điều trị bệnh và điều trị dự phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con. Trong 24 giờ sau sanh, con của bạn sẽ được tiêm liều vắc xin VGB đầu tiên cùng với một liều huyết thanh miễn dịch. Sau đó sẽ tiêm 3 liều vắc xin nữa. Sau khi hoàn tất đợt tiêm vắc xin thì con bạn sẽ được kiểm tra xem có nhiễm VGB không.

Nếu tôi không bị nhiễm viêm gan B thì khi nào con tôi được tiêm ngừa viêm gan B?

–   Tất cả trẻ đều được tiêm phòng vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau sinh và 3 liều vắc xin sẽ được tiêm sau đó.

CÁC BƯỚC THAI PHỤ CẦN BIẾT VỀ VIÊM GAN B KHI ĐI KHÁM THAI:

Bước 1: Ở lần khám thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tư vấn làm xét nghiệm viêm gan B.

Bước 2: Trong trường hợp kết quả dương tính, thai phụ sẽ được chuyển đến cơ sở có khả năng chăm sóc và điều trị viêm gan B cho thai phụ đồng thời áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Bước 3: Khi trẻ sinh ra:

+ Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B liều đầu và huyết thanh miễn dịch trong 24 giờ đầu sau sinh. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm các mũi vắc xin viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

+ Đối với trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm viêm gan B, trẻ vẫn được tiêm vắc xin viêm gan B.

Bước 4: Ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan B tại các cơ sở y tế.

ThS. BS. Nguyễn Quốc Chinh – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

 

⇨ Tải file tại đây ⇦ 

 

Nguồn:

1. Tổ chức y tế Thế giới (WHO)

(https://www.who.int/news-room/q-a-detail/hepatitis-preventing-mother-to-child-transmission-of-the-hepatitis-b-virus)

2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)

(https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/pdfs/HepBGeneralFactSheet.pdf)

3. Quyết định 2834/QĐ-BYT ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con”

Nguồn tin: HCDC

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM (hcdc.vn)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group