Hồi sinh sau đột quỵ

2 Tháng Năm, 2021
hoi-sinh-sau-dot-quy-6084-1618969785.jpg

TP HCMKhi nhìn thấy vợ con, nhúc nhích được tay chân, ông Bùi Văn Thành 66 tuổi, mới tin mình còn sống sau cơn đột quỵ.

Bốn giờ sáng ngày 17/4, khi vừa đi vệ sinh xong, ông Thành thấy toàn thân “nóng rần rần”, hơi chóng mặt, mờ mắt. Bước xuống bậc thang cuối cùng thì chân mất hết sức lực, ông Thành ngã nhào xuống đất.

Ông đột nhiên mất điều khiển tay và chân phải, chúng tê cứng, mất cảm giác. Mặc dù vậy, ông vẫn rất tỉnh táo, nghe được tiếng đồng hồ tích tắc và nhớ tất cả mọi chuyện. Cố thử mấy lần đứng lên nhưng không thành, ông gọi vợ. Nghe chồng gọi, bà Huỳnh Thị Bốn choàng tỉnh, chạy đến. Hai vợ chồng cố gắng vừa vịn tường, vừa dìu đỡ vào giường.

Ban đầu, ông Thành cho rằng mình chỉ bị rối loạn tiền đình, nằm nghỉ là ổn nên không chịu đi bệnh viện. Nhưng sau đó, cảm giác nhức đầu, tê đầu lan tỏa và nặng dần, nửa người bên phải yếu thêm, tay chân lạnh, ông không cầm nắm được vật gì. Một tiếng sau khi ngã, ông Thành bắt đầu nôn ói, nói méo giọng. Nhớ lại trường hợp người hàng xóm bị đột quỵ mới đi bệnh viện về, bà Bốn thử cầm tay phải chồng rồi thả ra, cánh tay rơi thõng xuống đệm. Bà không chần chừ nữa, gọi điện thoại cho các con về nhà đưa chồng đi bệnh viện cấp cứu.

Sáng sớm thứ bảy, đường từ Nhơn Trạch, Đồng Nai tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2 cũ) đông, xe cấp cứu mất gần một tiếng mới đến nơi. Lúc này, ông Thành đã liệt hoàn toàn bên phải, dần mơ màng.

Bác sĩ Đinh Hoàng Phát, Đơn vị đột quỵ, khoa Nội Tim mạch, cho biết bệnh nhân có một cục huyết khối trong mạch máu, gây nhồi máu não cấp. Có một vùng não đã bị tổn thương. May mắn, người bệnh đến viện ở giờ thứ hai sau khởi phát (trong khung giờ vàng 4,5 tiếng cấp cứu đột quỵ) nên đã được điều trị tái thông mạch máu tắc bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sau một tiếng can thiệp, ông Thành dần tỉnh lại, có thể nhận biết được người nhà.

“Sợ hãi chứ. Lúc yếu dần rồi lịm đi, đi tôi nghĩ mình chắc là chết rồi. Chết mà không kịp dặn dò gì vợ con”, ông Thành nhớ lại.

Hiện, sau bốn ngày can thiệp, ông Thành đã có thể tự ngồi dậy, trò chuyện không còn méo tiếng, ăn uống bình thường. Sức cơ tay chân phải cải thiện, từ liệt hoàn toàn nay đã đạt ba trên năm. Hình chụp dựng 3D mạch máu não sau can thiệp ghi nhận mạch máu tắc đã tái thông hoàn toàn, mạch máu lớn không bị tắc.

Ông Thành là một trong 8 bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ngày 21/4. Trong đó, ông là trường hợp được can thiệp sớm và hồi phục ngoạn mục nhất. Các bệnh nhân khác đều thoát “cửa tử” nhưng tiên lượng bệnh nặng, khả năng hồi phục thấp do đến bệnh viện muộn, vùng não lớn đã hỏng do thiếu máu nuôi trong thời gian dài. Các di chứng liệt vận động nửa người, suy giảm nhận thức, rối loạn ngôn ngữ ở họ có thể nhìn thấy ngay.

Theo bác sĩ Lê Hồng Tuấn, trưởng khoa Nội Tim mạch, yếu tố nguy cơ của đột quỵ tương tự như các bệnh tim mạch, gồm tuổi cao (trên 65 tuổi), hút thuốc lá, hoặc tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim… nhưng không điều trị.

Đặc biệt, 25% bệnh nhân từng đột quỵ có nguy cơ tái đột quỵ trong 5 năm đầu. Ở những lần đột quỵ sau, tình trạng sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục thấp hơn, bệnh nhân đến gần với tàn phế vĩnh viễn và tử vong hơn.

Do đó, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân phải đi khám sức khỏe tim mạch định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần để tầm soát và điều trị sớm các bệnh nền. Đồng thời, nếu có các dấu hiệu như đột ngột nói đớ, yếu liệt tay chân, mất ý thức… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa điều trị đột quỵ để được điều trị nhanh nhất, tránh tối đa các biến chứng.

“Điều trị đột quỵ càng sớm, gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội càng giảm”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Bác sĩ Tuấn nhận định, nếu ông Thành tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng đúng theo chỉ định, khoảng 6 tháng tiếp, ông có thể trở về cuộc sống gần như bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ (cao tuổi, hút thuốc lá nhiều năm, tăng huyết áp không tuân thủ điều trị). Do đó, thời gian tới, để tránh tái phát, bệnh nhân cần phải uống thuốc điều hòa huyết áp đều đặn, bỏ thuốc lá, tăng cường tập thể dục, xây dựng chế độ ăn lành mạnh, giảm thức ăn nhiều dầu mỡ có nguồn gốc từ động vật…

“Cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi. Trải qua cơn thập tử nhất sinh, tôi sẽ cố gắng tuân thủ tốt điều trị, để sống khoẻ mạnh hơn”, ông Thành chia sẻ.

Nguồn: https://vnexpress.net

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group