hinh-cg-3_1810202310-1200x720.png

18 Tháng Mười, 2023 Tin TứcTruyền Thông
Luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện về chăm sóc sức khoẻ cho người dân xã đảo Thạnh An, chính thức triển khai đơn vị chạy thận đặt tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ do Bệnh viện Lê Văn Thịnh đảm trách nhằm phục vụ người bệnh suy thận cư ngụ trên địa bàn Cần Giờ có thể khẳng định đây là những hoạt động thiết thực khởi động cho Đề án nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ của Ngành Y tế TPHCM.
Lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo huyện Cần Giờ chủ trì hội nghị thảo luận và thống nhất các nội dung của Đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo đên năm 2030” (ngày 18/10/2023)
Tính đến 31/12/2022, toàn huyện Cần Giờ có 19.589 hộ dân, với 77.894 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều theo địa bàn hành chính xã, có xã quy mô dân số trên 20.000 người/xã (xã Bình Khánh) nhưng có xã quy mô dân số dưới 5.000 người/xã (xã Thạnh An). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,8% dân số.
Tổng số nhân lực y tế của huyện Cần Giờ hiện có 239 người, gồm: 21 bác sĩ (tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân chỉ đạt 5,14, trong khi cả Thành phố đã là 20); 125 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 93 nhân viên khác. Trong thời gian 05 năm gần đây Trung tâm y tế không tuyển dụng được bác sĩ, hoặc tuyển dụng được nhưng sau một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc, dẫn đến nhiều danh mục kỹ thuật trong tuyến, đặc biệt là nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa,…không được triển khai, huyện tiếp tục nhận sự hỗ trợ nhân sự chuyên môn luân phiên từ các bệnh viện đầu ngành của Thành phố như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Mắt,…
Việc sáp nhập bệnh viện huyện vào Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ về cơ bản đã giúp Trung tâm thể hiện được vai trò tham mưu giúp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và triển khai các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do không có bệnh viện nên năng lực cung ứng dịch vụ điều trị còn hạn chế do không thu hút được nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên khoa, dẫn đến nhiều kỹ thuật điều trị chuyên khoa không được triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân (như chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, sanh mổ…), người dân phải lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị, mất rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí.
Trước thực trạng này, Sở Y tế đã xây dựng Đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030” với những hoạt động thiết thực, toàn diện như sau:
1) Nâng cao năng lực trạm y tế xã và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn huyện Cần Giờ đảm bảo mỗi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và điều trị các bệnh không lây nhiễm, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Ưu tiên tăng cường nhân lực bác sĩ cho trạm y tế xã đảo Thạnh An.
2) Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, bao gồm giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm; ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm xâm nhập vào Thành phố.
3) Tái thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân huyện Cần Giờ, nhất là các bệnh mạn tính không lây thường gặp; tổ chức khám tầm soát theo chuyên khoa, phát hiện sớm bệnh cho người dân thu nhập thấp.
4) Hình thành Trung tâm cấp cứu 115 vệ tinh tại huyện Cần Giờ có đầy đủ các phương tiện vận chuyển cấp cứu nhất là tàu cấp cứu chuyên dụng để vận chuyển người bệnh cấp cứu từ xã đảo Thạnh An vào bệnh viện đa khoa huyện Cần Giờ để sơ cấp cứu trước khi chuyển đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố (nếu có chỉ định).
5) Huy động nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về chăm sóc sức khỏe; Phát triển du lịch y tế tại huyện Cần Giờ với thế mạnh y học cổ truyền, y học không dùng thuốc của Ngành Y tế Thành phố.
6) Triển khai thí điểm cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế công tác lâu dài tại huyện Cần Giờ, có thể xem là yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công của đề án. Theo đó, huyện Cần Giờ cần nghiên cứu, học tập những kinh nghiệm của huyện Củ Chi về việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực y tế (trước đây, cả bệnh viện chỉ có 13 bác sĩ, đến nay đã có trên 100 bác sĩ đang công tác lâu dài tại BV huyện Củ Chi).
Tại buổi họp tại huyện Cần Giờ vào sáng ngày 18/10/2023, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo huyện Cần Giờ thống nhất cao không phải chờ đến khi đề án được UBNDTP phê duyệt, sẽ triển khai ngay những hoạt động cấp bách và thiết thực trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người dân huyện Cần Giờ, cụ thể như: luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện đến công tác tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An; triển khai đơn vị chạy thận thuộc BV Lê Văn Thịnh đặt tại Trung tâm y tế huyện; sắp đến là thành lập Trạm Cấp cứu vệ tinh do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách,… Điều đáng mừng là UBND huyện Cần Giờ đang khẩn trương triển khai “nhà ở xã hội” nhằm hỗ trợ nơi nghỉ, nơi sinh hoạt cho nhân viên y tế của các bệnh viện thành phố luân phiên đến công tác tại huyện Cần Giờ.
Sở Y tế trân trọng ghi nhận và cảm ơn các thầy thuốc trẻ thuộc nhiều bệnh viện khác nhau trên địa bàn Thành phố đã tình nguyện luân phiên đến công tác tại xã đảo Thạnh An, chính tinh thần tình nguyện và dấn thân vì sức khoẻ cộng đồng của các thầy thuốc trẻ đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân xã đảo.
Sở Y tế trân trọng ghi nhận và cảm ơn tập thể lãnh đạo và các thầy thuốc của BV Lê Văn Thịnh đã xung phong triển khai đơn vị chạy thận ngay tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ, chính hoạt động thiết thực này đã mang lại nhiều niềm vui khó tả cho người dân không may mắc bệnh suy thận vì đỡ vất vả, gian nan khi phải trải qua chặng đường dài đến các bệnh viện của Thành phố để được chạy thận, thậm chí phải chấp nhận tốn thêm chi phí để thuê nhà trọ ở lại để chạy thận vì quá mệt mỏi khi phải di chuyển một chặng đường xa, qua nhiều tuyến xe buýt để đến được bệnh viện.
Sở Y tế tin rằng lãnh đạo huyện Cần Giờ tiếp tục có thêm những chính sách để thu hút các bác sĩ và điều dưỡng đến công tác lâu dài, là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của đề án củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân Cần Giờ.

Chính thức ra mắt Đơn vị chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, người bệnh vui mừng cho biết không phải mất sức, mất tiền để đi lên Thành phố thuê phòng để được chạy thận (ngày 18/10/2023)

Nguồn: medinet.govn.vn


benhviencangio1-1696130584117552190852-1200x831.jpg

17 Tháng Mười, 2023 Tin Tức

Từ ngày 18-10, đơn vị chạy thận nhân tạo sẽ chính thức vận hành ngay tại Bệnh viện huyện Cần Giờ (TP.HCM). Vậy là chạy thận ở Cần Giờ không còn là giấc mơ, người bệnh sẽ không phải “tha phương” cực nhọc.

Khi có đơn vị chạy thận ngay Cần Giờ, Tấn Tài sẽ không phải vất vả lên tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chạy thận như ba năm qua - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khi có đơn vị chạy thận ngay Cần Giờ, Tấn Tài sẽ không phải vất vả lên tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chạy thận như ba năm qua – Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong danh sách 16 bệnh nhân đăng ký trở về Cần Giờ chạy thận dịp này, có ba bệnh nhân đặc biệt. Họ đều đến từ Thạnh An – xã đảo duy nhất của TP.HCM. Hơn ai hết, chính họ là người thấu hiểu rõ nhất sự cực nhọc khi phải “vượt sóng” vào đất liền chạy thận.

Từ câu chuyện của Huỳnh Tấn Tài

Từ cách đây hơn hai tháng, câu chuyện “gian nan hành trình đi chữa bệnh” của người dân xã đảo Thạnh An xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ. Câu chuyện gây sự chú ý, bởi nhân vật đặc biệt là Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi) – một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên xã đảo này.

Hành trình vào đất liền chạy thận với Tài là cực hình. Từ chiều hôm trước, anh được người thân bế lên ghe vào đất liền thuê trọ. Trắng đêm, chàng trai 34 tuổi cứ thấp thỏm chờ trời sáng để kịp đón xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) chạy thận.

Cả đi lẫn về, anh mất ròng rã 25 tiếng, nếu tính ngày thì mất hai ngày. Một tuần ba lần, Tài mất đến sáu ngày đi chạy thận và chẳng khác nào hành xác với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Và có lẽ Tài chỉ là số ít gắng vượt nghịch cảnh về thời gian, khoảng cách và điều kiện kinh tế để chạy thận. Có người đã bỏ cuộc, sống chung với bệnh tật và ra đi trong giày vò của bệnh tật.

“Tôi chỉ mong sao Bệnh viện huyện Cần Giờ sớm có thể chạy thận, đó cũng là cách tốt nhất giúp bà con xã đảo đỡ mất sức, tốn tiền bạc tới lui lên thành phố như bây giờ”, Tài tâm sự và lặng nhìn ra dòng sông Sài Gòn nơi có những đám lục bình trôi lững lờ mong ước.

Ông Lê Văn Dũng (54 tuổi, ngụ ấp Hòa Thạnh, Thạnh An) vui mừng nói vừa được thông báo về Bệnh viện huyện Cần Giờ chạy thận. Đây là lần đầu tiên ông được chạy thận gần nhà sau một năm suy thận điều trị tại Bệnh viện quận 8.

“Cũng vì quá xa xôi, một năm qua tôi phải thuê phòng trọ ở quận 8 duy trì chạy thận. Về Cần Giờ chạy thận, tôi được ở nhà, đỡ di chuyển mệt mỏi và ít tốn kém hơn”, ông Dũng xúc động nói.

Trong số 16 người đăng ký về Cần Giờ chạy thận, Lý Tuấn Anh (24 tuổi) là bệnh nhân trẻ tuổi nhất. Ba năm phát hiện suy thận cũng là ba năm Tuấn Anh đều đặn đến Bệnh viện Nhà Bè chạy thận.

Nhà xa, di chuyển liên tục (tuần ba buổi) khiến sức khỏe chàng trai ngày càng suy kiệt. Tuấn Anh còn bảo dạo gần đây chân yếu hẳn không thể đi một mình, mẹ phải đi theo để dìu. “Em ước được về Cần Giờ chạy thận lâu lắm rồi”, Tuấn Anh bộc bạch.

Niềm mong mỏi ấy của Tuấn Anh, Tấn Tài cùng nhiều người bệnh khác đã nhanh chóng “chạm” đến trái tim những người có trách nhiệm ngành y tế.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, đơn vị xung phong hỗ trợ Cần Giờ), nói: “Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, tôi đã gọi điện ngay cho bác sĩ Đoàn Văn Huệ, giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ và được trả lời nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ. Với kinh nghiệm đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, tôi nhận lời ngay”. Kế hoạch nhanh chóng được báo cáo xin ý kiến và được giám đốc Sở Y tế TP.HCM ủng hộ.

Mỗi lần vào đất liền chạy thận với Tài là cực hình. Chân yếu, mọi di chuyển đều phải nhờ người khiêng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mỗi lần vào đất liền chạy thận với Tài là cực hình. Chân yếu, mọi di chuyển đều phải nhờ người khiêng – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tất cả vì người chạy thận

Việc hình thành được đơn vị chạy thận ở Cần Giờ nếu được đặt trong bối cảnh các bệnh viện và ngành y tế đều đứng trước “khó khăn đủ chuyện”, từ nhân sự cho đến trang thiết bị, vật tư thuốc men mới thấy hết sự quý giá.

Quả thật, không phải bệnh viện nào cũng dám nhận cái khó về mình. Nói như bác sĩ Trần Văn Khanh: “Chi viện cho Cần Giờ đơn giản chỉ xuất phát từ trách nhiệm một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể”. Thậm chí, suốt quá trình bắt tay vào thiết kế đơn vị chạy thận, các kỹ sư đã phải túc trực ở Cần Giờ làm xuyên lễ (2-9), tất cả vì người chạy thận.

Cho đến hôm nay, kỹ sư Võ Đình Hiếu – trưởng phòng vật tư, thiết bị y tế (Bệnh viện Lê Văn Thịnh), một trong những người được giao quán xuyến thiết kế đơn vị chạy thận ở Cần Giờ – mới thở phào, đặc biệt sau đánh giá “đáp ứng triển khai thận nhân tạo” từ đoàn thẩm định của Sở Y tế.

Để đáp ứng kịp tiến độ chạy thận trong tháng 10, từ những ngày đầu tháng 9-2023 kỹ sư Hiếu nói anh em đồng nghiệp của hai bệnh viện đều đồng tâm hiệp lực làm cả ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật. “Nếu xét cho đúng trình tự các thủ tục đấu thầu mua sắm rồi người này chờ người kia, tôi nghĩ phải cần từ sáu tháng đến một năm mới có thể hoàn thành đơn vị chạy thận. Chúng tôi đã quyết liệt làm và làm mọi cách nhanh nhất có thể để đạt mục tiêu”, kỹ sư Hiếu chia sẻ. Và cũng từ sự quyết liệt ấy mà chỉ hơn một tháng đã có đơn vị chạy thận đạt tiêu chuẩn “5 sao” như lời kỹ sư Hiếu tâm sự.

Ngoài các vấn đề nêu trên, bác sĩ Trần Văn Khanh cũng nói sở dĩ đơn vị chạy thận triển khai nhanh được là do hoạt động theo mô hình vệ tinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Chẳng hạn như thay vì đấu thầu mua sắm, bệnh viện đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật và sẽ điều hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân sự từ bệnh viện xuống Cần Giờ. Theo ông, quan trọng vẫn là chủ trương, từ đó bệnh viện đã vận dụng mọi thủ tục nhanh, gọn nhất có thể và vẫn đảm bảo pháp lý.

Bác sĩ Trần Văn Khanh (trái) và bác sĩ Đoàn Văn Huệ khảo sát thiết lập đơn vị chạy thận tại Bệnh viện huyện Cần Giờ vào cuối tháng 8-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh (trái) và bác sĩ Đoàn Văn Huệ khảo sát thiết lập đơn vị chạy thận tại Bệnh viện huyện Cần Giờ vào cuối tháng 8-2023 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hệ thống chạy thử trơn tru

  • Theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, hiện toàn huyện có 41 bệnh nhân được chỉ định phải chạy thận nhân tạo. Tất cả đều phải lên các bệnh viện ở trung tâm thành phố như Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Thịnh, Nhà Bè, quận 8 và Bệnh viện Quân y 175.
  • Thấu hiểu điều này nhưng thực tế Cần Giờ đã bất lực bởi không đáp ứng nhân sự. “Từ xưa đến giờ, chúng tôi vẫn định hướng trong bệnh viện có đơn vị chạy thận nhân tạo”, bác sĩ Đoàn Văn Huệ, giám đốc bệnh viện, nói. Và từ sự “chắp cánh” của Bệnh viện Lê Văn Thịnh có được đơn vị chạy thận ngay Cần Giờ, theo bác sĩ Huệ, là niềm mơ ước của địa phương, nhất là các vùng xa như xã đảo Thạnh An.
  • Bệnh viện cho biết trong lúc chờ ngày khai trương, đơn vị chạy thận nhân tạo đã được cho chạy thử (demo) với bảy bệnh nhân, chia làm hai ca. “Hệ thống vận hành trơn tru, các bệnh nhân đều rất vui vẻ khi được chạy thận gần nhà”, lãnh đạo Bệnh viện huyện Cần Giờ nói.
  • Theo kế hoạch trong thời gian sắp tới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ luân phiên nhân sự định kỳ, người vài tháng để vừa vận hành chạy thận, vừa “cầm tay chỉ việc” cho nhân sự ở địa phương với hy vọng sớm làm chủ được chuyên môn kỹ thuật.
  • Điều khó khăn phía trước, theo bác sĩ Trần Văn Khanh, là huyện Cần Giờ có đến 41 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Tuy vậy, hệ thống máy chạy thận hiện mới chỉ có 5 máy, đáp ứng cơ bản cho 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận ban đầu.
  • “Để đáp ứng tất cả 41 bệnh nhân chạy thận về lâu dài phải cần từ 10-12 hệ thống máy chạy thận, do đó chúng tôi mong muốn có thêm sự chung tay từ các đơn vị khác nhằm đảm bảo chạy thận cho người bệnh không bị gián đoạn”, bác sĩ Khanh nói.

 

Nguồn: tuoitre.vn


Logo-So-Y-Te-TPHCM-Department-of-Healt-of-HCM-City.png

4 Tháng Mười, 2023 Tin TứcTruyền Thông
Đó là nhận định của các chuyên gia của Ngành Y tế Thành phố trong buổi họp khẩn của Sở Y tế vào sáng ngày 04/10/2023.

Sau khi nghe tổ công tác báo cáo lại kết quả điều tra các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights (thực hiện vào ngày 03/10/2023), và các bệnh viện báo cáo cập nhật tình hình thu dung điều trị các trường hợp ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của Ngành Y tế Thành phố thống nhất nhận định như sau:

– Đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến có phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo,…).

– Về loại thực phẩm nào gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc trung thu).

– Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

– Điều quan trọng đó là đã có trường hợp không dự tiệc trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.

– Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn (đang được Viện vệ sinh y tế công cộng TPHCM xử lý).

Với kinh nghiệm hàng chục năm trong công tác cấp cứu ngộ độc hàng loạt ở trẻ em, BS Bạch Văn Cam – cố vấn chuyên môn của BV Nhi Đồng 1 cho biết có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm: Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu; Nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân salmonella spp gây ra.

Hiện còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các bệnh viện (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định), sức khoẻ đều ổn định.

Nguồn: medinet.gov.vn



2 Tháng Mười, 2023 Tin TứcTruyền Thông

“Danh hiệu” thân thương này là của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân khi nói về người bạn – Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), Phó Trưởng Ban liên lạc Đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban liên lạc).

“Bác sĩ Khanh đã có nhiều đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực: Khám cấp thuốc chữa bệnh, mổ mắt bằng kỹ thuật Phaco miễn phí cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; vận động xây cầu, nhà đồng hương, trao học bổng… Anh đã hết lòng cứu giúp nhiều mảnh đời vượt qua cơn bạo bệnh. Và anh đau đáu làm thế nào để người dân quê nhà đỡ vất vả khi bệnh hiểm nghèo phải chuyển tuyến trên…”, ông Nguyễn Minh Luân dành lời ưu ái.

Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh quê xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Lần về gần nhất là hồi cuối tháng 8 nhưng chỉ kịp ghé qua nhà vì lịch công tác khá dày; vừa phải cùng y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi; vừa phải phối hợp BV Mắt Tây Nam (TP. Hồ Chí Minh) phẫu thuật mắt miễn phí (trong hai ngày 26-27/8), tại BV đa khoa 2 huyện: Cái Nước và Phú Tân. Rồi cùng Ban liên lạc khánh thành, bàn giao cầu và nhà đồng hương ở 3 huyện: Thới Bình, Cái Nước, Phú Tân.

Tôi may mắn được tháp tùng cùng Bác sĩ Khanh trong chuyến công tác này. Hôm tới xã Tân Đức, khi xe vừa chạm ngõ trạm y tế, Bác sĩ Khanh vội vã bước xuống xe, đi thẳng đến quầy tiếp nhận bệnh và ra hiệu cả đoàn vào việc ngay.

Mãi đến khi ổn định, Bác sĩ Khanh mới rời vị trí đi một vòng, chốc lát lại ghé thăm hỏi người bệnh, nhắn nhủ họ ra về nhớ nhận quà vì đó là tấm lòng của đoàn gửi đến bà con.

Giữa cái nắng oi bức, mồ hôi nhễ nhại, Bác sĩ Khanh bước thật mau để di chuyển qua phụ e-kip mổ mắt ở BV đa khoa Cái Nước. Suốt chặng đường, ông cứ gọi điện dò hỏi: “Đông dữ hông? Các chú ráng thu xếp mổ cho bà con nghen. Người ta đã đến, dẫu có mệt cũng hỗ trợ tận tình, đừng để họ về trong nuối tiếc”. Bởi lẽ, trung bình mỗi ca mổ phẫu thuật mắt chi phí gần 3 triệu đồng/người (chưa bao gồm thù lao bác sĩ và chi phí vật tư địa phương). Do đó, nếu bà con lên TP. Hồ Chí Minh mổ thì chi phí lên tới cả chục triệu đồng/người.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19, BV Lê Văn Thịnh là một trong những bệnh viện tuyến đầu, được giao trách nhiệm phải tổ chức khám, thu dung điều trị với quy mô khoảng 6.000 giường bệnh tại 5 cơ sở. Bác sĩ Trần Văn Khanh vừa tham gia tổ chức xây dựng gấp rút bệnh viện và trực tiếp điều trị bệnh nhân tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (Thủ Đức, TP. HCM), vừa chỉ đạo trực tiếp công việc ở BV Lê Văn Thịnh.

“Chính xác là đưa vào sử dụng ngày 7/7. Lúc mới thành lập, BV được giao tiếp nhận điều trị tầng 1 (ca nhiễm chưa có triệu chứng) là 3.000 giường. Sau gần 1 tháng, số ca nhiễm gia tăng, công suất gần như được lấp đầy. Cùng với đó, có từ 3%-5% bệnh nhân đột ngột trở nặng. Thành phố đã giao BV thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và chuyển nặng) để giảm tải bớt cho các tuyến trên. Tính đến ngày trở lại trạng thái bình thường mới (ngày 1/10/2021), tập thể y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh và các đơn vị hỗ trợ đã khám, chữa bệnh cho khoảng 30.000 lượt F0”, Bác sĩ Khanh bồi hồi nhớ.

Cảm động sâu sắc nhất đối với bệnh nhân nghèo khi đó là vị bác sĩ có nụ cười hiền, giọng nói trầm ấm, ngoài là “thủ lĩnh” khoác chiếc áo blouse trắng, ông còn tích cực tham gia tiêm vắc-xin ở các khu phong tỏa, cách ly. Cùng thời điểm này, ông sáng lập, vận động mạnh thường quân xây “Nhà ăn hạnh phúc” để cung cấp miễn phí cơm trưa (mỗi tuần 5 ngày) cho người bệnh và thân nhân người bệnh, người bán vé số, kể cả nhân viên BV có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch và duy trì đến nay đã được hơn 3 năm với hàng trăm suất cơm nóng hổi, ấm áp nghĩa tình.

Sau 15 năm hình thành và phát triển, dưới sự chèo lái của Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh và lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ cùng góp sức, BV Lê Văn Thịnh được công nhận là BV hạng I dẫn đầu tuyến quận, huyện với nhiều thành tích ấn tượng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Ngày 19/5 vừa qua, tại lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập BV, BS.CKII Trần Văn Khanh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều tập thể, cá nhân của BV cùng được khen thưởng dịp này.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, ngày 18/8, BV Lê Văn Thịnh đã được Hiệp hội Đột quỵ Thế giới (World Stroke Organization – WSO) trao chứng nhận Vàng (Gold Status) về điều trị đột quỵ. BV Lê Văn Thịnh là 1 trong 36 bệnh viện, trung tâm đột quỵ của cả nước đạt được chứng nhận này trong quý II năm 2023.

Mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030 của BS.CKII Trần Văn Khanh cùng Ban lãnh đạo BV là phát triển nơi đây trở thành bệnh viện đa khoa thông minh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân TP. Thủ Đức nói riêng và các vùng lân cận nói chung, mở rộng quy mô 1.000 giường bệnh, đầu tư trang thiết bị và con người, nỗ lực vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.

“Tôi còn nợ đồng nghiệp, cộng sự của mình rất nhiều ân tình. Tấm Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng không chỉ dành cho riêng tôi mà dành cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức, thầy thuốc của BV Lê Văn Thịnh đã luôn trách nhiệm và làm tốt “sứ mệnh” của người làm nghề y. Song, với chúng tôi, thật quý giá và đáng tự hào hơn chính những lời khen ngợi và sự tin tưởng của Nhân dân”, Bác sĩ Khanh trải lòng.

Cũng chính sự trách nhiệm và “sứ mệnh” ấy mà nay BV Lê Văn Thịnh còn trở thành “địa chỉ nhân đạo” đã “hồi sinh” nhiều mảnh đời khốn khó, trong đó có nhiều trường hợp ở 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.

Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban liên lạc nói về người em, người “cộng sự” ngắn gọn: “Tốt bụng, và giàu lòng nhân ái!”. Bởi, theo vị tướng, khó có thể đong đếm những gì Bác sĩ Khanh đã làm, cũng khó có thể đo lường tình cảm Bác sĩ Khanh dành cho quê hương, dành cho người nghèo để mà nhận xét về ông.

Chỉ biết rằng, hành trình nhân ái của Ban liên lạc nói chung và của Bác sĩ Khanh nói riêng sẽ còn diễn ra liên tục, tấm lòng vẫn mãi hướng về quê hương, sẵn sàng trao đi những yêu thương, những giá trị nhân văn đáng quý!./.

Băng Thanh – Đồ hoạ: Lê Tuấn

Nguồn: baocamau.vn


download.jpg

Thấy bà té ở nhà vệ sinh, cháu trai mới gần 3 tuổi theo thói quen dùng điện thoại gọi cho mẹ qua mạng xã hội. Nhờ vậy, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và phát hiện bị tắc mạch máu nuôi tim nguy kịch.

Ngày 31/8, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp liên tục ngưng tim, ngưng thở 3 lần chỉ trong ít giờ đồng hồ vì biến chứng rất nguy hiểm ở tim.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 1
Khoa Nội tim mạch, nơi điều trị bệnh nhân liên tục bị ngưng tim 3 lần (Ảnh: Hoàng Lê).

Cuộc gọi cứu mạng bà ngoại “thần kỳ” của cháu trai 3 tuổi

Bệnh nhân là bà S.T.N.L. (57 tuổi, quê Bạc Liêu, tạm trú ở TP Thủ Đức). Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 8h ngày 29/8, bà vào nhà vệ sinh rửa mặt thì bất ngờ lên cơn đau ngực, choáng váng và té không ngồi dậy nổi.
Lúc này, trong nhà chỉ có cháu trai gần 3 tuổi. Phát hiện bà bị té, đứa cháu theo thói quen dùng điện thoại bấm gọi cho mẹ qua tài khoản mạng xã hội để thông báo sự việc.
“Cháu tôi mới 2 tuổi rưỡi nhưng lanh lắm, biết bấm điện thoại và biết nói rồi. Lúc đó bé ngủ dậy, gọi ngoại hoài không được nên xuống nhà vệ sinh tìm. Thấy tôi nằm dưới đất, nó bấm điện thoại điện cho mẹ, kêu “ngoại té rồi”.
Mẹ nó nghe vậy mới gọi cho dì tư qua kiểm tra, đưa tôi đi bệnh viện”, bà L. kể.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 2
Bệnh nhân L. kể lại sự việc của mình (Ảnh: Hoàng Lê).
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ekip trực tiến hành sơ cứu, làm các xét nghiệm, chụp chiếu và phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu nuôi tim rất nặng, cần phải can thiệp khai thông mạch máu, đặt stent khẩn cấp, nên chỉ định chuyển tiếp lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Bác sĩ Võ Tấn Được, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, quá trình chuyển viện từ nơi này đến tuyến trên, bệnh nhân bất ngờ lên cơn ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ trong ekip chuyển viện lập tức tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, sốc điện ngay trên xe cấp cứu, để bệnh nhân có nhịp tim trở lại.
Khi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim thêm 2 lần chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, nhưng đều được xử trí hồi sức, sốc điện thành công.
Sau đó, bệnh nhân được can thiệp mạch máu nuôi tim bên phải, khai thông mạch máu và đặt stent mạch vành. Hậu can thiệp, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, tri giác cải thiện, tỉnh táo, bớt đau ngực và khó thở, được chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh để tiếp tục điều trị, theo dõi.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 3
Nhờ được cấp cứu kịp thời và đặt stent, bà L. qua cơn nguy kịch (Ảnh: Hoàng Lê).
Đến ngày 31/8, bệnh nhân đã khỏe hơn, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Dự kiến, người phụ nữ sẽ còn điều trị khoảng 5-10 ngày để theo dõi, đề phòng các tổn thương tim, dùng các thuốc điều trị suy tim trước khi xuất viện.

Căn bệnh gây ngưng tim ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Được cho biết, mạch máu nuôi tim bên phải giữ vai trò quan trọng. Khi tắt mạch này, nút thắt nhịp tim sẽ không có máu nuôi, dẫn đến việc tim ngừng đập.
Thống kê tại khoa Nội Tim mạch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trung bình mỗi năm tiếp nhận điều trị khoảng 200 trường hợp gặp phải tình trạng trên, và tuần nào cũng có từ 1-5 ca bệnh.
Quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, trước đây việc tắc mạch máu nuôi tim thường gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên càng về sau, tình trạng này có dấu hiệu trẻ hóa, khi có những ca bệnh mới hơn 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh.
Triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng tắc mạch máu nuôi tim là đau ngực kèm khó thở nặng. Nếu phát hiện và can thiệp trễ, bệnh nhân sẽ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, còn có thể gặp biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp, thủng thành tim…
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 4
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận điều trị khoảng 200 ca tắc mạch máu nuôi tim (Ảnh: Hoàng Lê).
Bác sĩ khuyến cáo, người dân dù khỏe mạnh cũng cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các chức năng của cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường.
Trường hợp bệnh nhân đã ngưng tim trước khi vào viện, người nhà nên đưa vào cơ sở y tế gần nhất trước để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu, sau đó mới đến các trung tâm can thiệp chuyên sâu, có đủ máy móc, thiết bị hiện đại và nhân lực điều trị.
Ngoài ra, người dân nên chủ động mua bảo hiểm y tế, bởi khi bị biến chứng nặng, cần can thiệp chuyên sâu, đặt stent… sẽ rất tốn kém viện phí điều trị.
“Như trường hợp của bệnh nhân L., vì không có bảo hiểm y tế nên chi phí đặt stent lên đến khoảng 80 triệu đồng. Số tiền điều trị đến khi xuất viện dự kiến cần thêm 20-30 triệu đồng nữa”, bác sĩ Được nói.

Nguồn: dantri.com.vn

 


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group