Thấm thía tấm lòng của người dân.
– Dịch COVID-19 đang dần bước vào giai đoạn kiểm soát, nhưng mỗi khi nhắc về cuộc chiến này, người chỉ huy tuyến y tế cơ sở lại bồi hồi xúc động.
Những ngày qua, tiếng chuông điện thoại của thầy thuốc ưu tú – bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), thưa dần. Nhưng các kế hoạch tiêm ngừa vắc xin, sàng lọc người nguy cơ, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người dân trên địa bàn lẫn nhân viên y tế… lại chất cao thêm.
Xây dựng “thế trận”, “rèn binh” chống dịch
Với bác sĩ Trần Văn Khanh, từ lúc dịch mới xuất hiện, người chỉ huy buộc phải “rèn binh”, huấn luyện cho cấp dưới của mình luôn phải đi trước “kẻ thù”, nếu không, hậu quả rất nghiêm trọng. Mang theo vài bộ đồ, vị bác sĩ ăn ngủ luôn tại bệnh viện, bắt tay vào xây dựng thế trận chống dịch. Tuy nhiên, virus này quá nguy hiểm, một số người lính áo trắng chùn chân, có người xin thôi việc, có người xin nghỉ không lương… Trước tình huống đó, bác sĩ Khanh dùng chiến lược “mưa lâu thấm đất”, quán triệt tinh thần cho các cán bộ thông qua nhiều hoạt động tập huấn, họp giao ban…
Từ lo lắng bỏ “quân ngũ”, người lính áo trắng dần bước ra tuyến đầu, xung phong đến các điểm nóng. Được sự phân công của UBND TPHCM, Sở Y tế, 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đi “đánh trận” tại bốn bệnh viện, bác sĩ cho trạm y tế, trạm y tế lưu động…
Chưa dừng lại, bác sĩ Khanh tiếp tục nhận lệnh tiếp quản Bệnh viện Dã chiến số 3, chia quân cho khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia, tiếp lửa cho Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ… Chỉ còn lại khoảng hơn 300 người dàn trận, quyết tâm không để dịch bệnh tấn công vào bệnh viện.
Trong khi chờ chi viện, bác sĩ Khanh lại “bố trận” bằng công nghệ, chuyển đổi khai báo y tế trực tuyến, máy đo thân nhiệt… tiết kiệm được một nửa nhân lực. Hay trước địa hình TP.Thủ Đức có nhiều hẻm nhỏ, xe cấp cứu không đủ, cũng không thể vào hẻm cứu người, kế hoạch xe máy chở ô-xy, bác sĩ vào hẻm cấp cứu F0 trở nặng của bác sĩ Khanh mang đến hiệu quả bất ngờ, tỷ lệ người tử vong tại nhà giảm xuống rõ rệt.
Trong một lần, bác sĩ Khanh khảo sát ở khu điều trị bệnh nhân COVID-19, một bệnh nhân tử vong ngay trước sự bất lực, tiếc nuối của ê-kíp bác sĩ. Nhìn những người bác sĩ với tinh thần thép bật khóc, tức giận chính mình trước cái chết của bệnh nhân, bác sĩ Khanh quay đi, giấu nước mắt vào trong, động viên đồng đội như nói với chính mình: “Rồi sẽ có máy thở, sẽ có đủ thuốc… chúng ta phải mạnh mẽ lên”. Về đơn vị, anh loay hoay tìm phương án để tiết kiệm nhất có thể, kể cả nhân viên có kinh nghiệm hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm để bổ sung lực lượng cho tuyến đầu…
Vào giai đoạn tổng lực chiến đấu, lần đầu tiên trong nghề y, bác sĩ Khanh cảm nhận rõ tình nhân dân. “Ngay lúc thiết bị chưa đủ, anh em phải đi năn nỉ từng tiệm cơm, lò bánh mì, bánh bao… thổi lửa để có lương thực thì bất ngờ các “cựu” F0, F1 hết thời gian cách ly mà chúng tôi chăm sóc trước đó, cùng mạnh thường quân, thậm chí các cụ già đã mang gạo, mì, sữa, có người nấu đồ ăn sẵn, có người đem đến rổ khoai, vài ký rau, trái cây… để tiếp thêm “quân lương”. Người dân rất đồng lòng, tình nguyện vào các khu thu dung, bệnh viện dã chiến, khu cách ly… hỗ trợ bác sĩ”, bác sĩ Khanh xúc động.
Phần thưởng lớn nhất xin dành cho người dân, gia đình nhân viên y tế.
Những ngày qua, TPHCM dần kiểm soát dịch. Ngoài liên tục cập nhật kiến thức khám chữa bệnh, đề phòng các biến chủng của virus, bác sĩ Khanh lại tiếp tục tri ân những tấm lòng hướng về tiền tuyến qua các hoạt động thăm khám sức khỏe, thành lập các đội tiêm ngừa vắc xin COVID-19 vào từng con hẻm, quyết tâm bao phủ không để dịch bùng phát trở lại; thăm khám, tiếp sức cho các em mồ côi do COVID-19…
Nói về các nhân viên của mình, bác sĩ Khanh cho biết: “Tôi rất biết ơn mọi người, bởi thời điểm đó, chúng ta đã cùng nhau, vượt lên trên trách nhiệm đó là tình thương khi chăm sóc, điều trị cho người dân trước khó khăn, áp lực. Giai đoạn đó, chúng ta có thể tự hào khi khoác lên mình chiếc áo trắng của ngành y”. Bác sĩ Khanh cũng gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân của các nhân viên Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Gia đình đã rất khó khăn để đồng thuận cho các “chiến sĩ” ra tiền tuyến, trước giặc vô hình. Bác sĩ Khanh biết đây là cả một sự đấu tranh tư tưởng, bao dung và tình thương to lớn.
Có gia đình chỉ có một người con, có nhân viên vừa lập gia đình đã đi biền biệt nhiều tháng, có các cụ già neo đơn cần nơi nương tựa, hay những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu dịch bệnh là gì nhưng phải nhường người cha, người mẹ của mình cho trận chiến. “Nếu gia đình không tạo điều kiện, không gánh vác những khó khăn thầm lặng, không tự bảo vệ mình thì các chiến sĩ áo trắng không thể nào yên tâm chống dịch. Nếu được một phần thưởng, tất cả hãy dành cho người cha, người vợ, người mẹ và những nhân viên y tế đó”, bác sĩ Khanh rưng rưng.
Khi được hỏi, lúc nào anh dành thời gian cho bản thân và gia đình, bác sĩ Khanh cười hiền: “Cả nhà tôi cùng đi chống dịch mà. Tôi ở TP.Thủ Đức, bà xã chăm lo, điều trị cho sản phụ mắc COVID-19 ở Q.1. Con lớn của tôi là sinh viên y khoa, cũng viết đơn tình nguyện từ khi thành phố phát động. Con út được giao “nhiệm vụ” cao nhất đó là ở nhà an toàn. Điều hạnh phúc nhất của tôi là dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cả nhà bình yên, quây quần bên mâm cơm mỗi tối”.
Nguồn: phunuonline.com.vn