Hyoscin – butylbromid 20,0 mg Dung dịch tiêm

18 Tháng Mười, 2022

Hyoscin – butylbromid là thuốc giãn cơ được bác sĩ chỉ định làm giảm các cơn co thắt đường tiêu hoá, và hoặc đường tiết niệu – sinh dục, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, giảm các cơn đau do co thắt. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

  1. Thành phần công thức thuốc:

– Mỗi ống 1ml chứa 20,0 mg hyoscin- butylbromid.

Dạng bào chế:

– Dung dịch tiêm

  1. Chỉ định:

– Co thắt cấp tính dạ dày, đường mật và đường niệu-sinh dục, kể cả cơn đau quặn mật và thận. Như một sự trợ giúp trong quá trình chẩn đoán và điều trị khi có vấn đề về co thắt như nội soi dạ dày và chụp X-quang.

  1. Liều dùng và cách dùng:

– Người lớn:

– 1 ống (20mg) tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, lặp lại sau 30 phút nếu cần thiết. Khi tiêm tĩnh mạch nên tiêm tĩnh mạch chậm (trong một số hiếm trường hợp, hyoscin- butylbromid có thể gây giảm đáng kể huyết áp và kể cả sốc). Khi sử dụng trong nội soi, có thể cần tiêm lập lại liều này nhiều hơn.

– Liều tối đa mỗi ngày là 100 mg.

Đối tượng đặc biệt:

– Người lớn tuổi: Hiện không có thông tin chuyên biệt về việc sử dụng sản phẩm này ở người lớn tuổi. Các nghiên cứu thực hiện bao gồm bệnh nhân trên 65 tuổi và không có báo cáo tác dụng ngoại ý chuyên biệt trên nhóm tuổi này.

Trẻ em:

– Không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em. Không nên sử dụng hyoscin- butylbromid dung dịch liên tục mỗi ngày hoặc dùng trong thời gian dài mà không xác định nguyên nhân gây đau bụng.

Pha loãng:

– Hyoscin- butylbromid dung dịch tiêm có thể được pha loãng với dung dịch dextrose hoặc natri clorid 0.9%

  1. Chống chỉ định:

– Những bệnh nhân đã biết quá mẫn với hyoscin butylbromid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

– Tăng nhãn áp góc hẹp không được điều trị

– Phì đại tiền liệt tuyến kèm ứ nước tiểu.

– Hẹp cơ học đường tiêu hóa

– Nhịp tim nhanh

– Phình ruột kết

– Nhược cơ

Nếu dùng tiêm bắp, chống chỉ định dùng hyoscin- butylbromid dung dịch tiêm:

– Những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông vì khi tiêm bắp có thể xuất hiện tụ máu trong cơ. Có thể tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch cho những bệnh nhân này.

  1. Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc:

Trong các trường hợp nặng, đau bụng không rõ nguyên nhân kéo dài hoặc tiến triển xấu, hoặc xuất hiện cùng các triệu chứng như sốt, buồn nôn, nôn, thay đổi đại tiện, đau bụng khi khám, giảm huyết áp, ngất hoặc có máu trong phân, cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán thích hợp để xác định nguyên nhân của các triệu chứng.

Hyoscin – butylbromid dung dịch tiêm có thể gây các tác dụng bất lợi nghiêm trọng, bao gồm nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và phản ứng phản vệ. Những tác dụng bất lợi nghiêm trọng này có thể dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân có bệnh tim như suy tim, bệnh mạch vành, loạn nhịp tim tăng huyết áp và trong phẩu thuật tim. Cần giám sát chặt chẽ những bệnh nhân này và đảm bảo sẵn sàng phương tiện cũng như nhân lực cấp cứu khi cần thiết.

Do các thuốc kháng cholinergic có khả năng làm giảm tiết mồ hôi, Hyoscin – butylbromid cần được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân đang sốt. Sử dụng các thuốc kháng cholinergic như Hyoscin – butylbromid có thể gây tăng áp lực nội nhãn ở những bệnh nhân chưa được chẩn đoán và chưa được điều trị tăng nhãn áp góc hẹp. Do đó bệnh nhân nên nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa trong trường hợp có đau mắt, đỏ mắt kèm mất thị lực khi tiêm Hyoscin – butylbromid.

Sau khi tiêm Hyoscin – butylbromid đã quan sát thấy các trường hợp quá mẫn kể cả sốc phản vệ. Cũng như tất cả các thuốc gây phản ứng như trên, nên theo dõi bệnh nhân sau khi tiêm Hyoscin – butylbromid.

Hyoscin – butylbromid dạng tiêm vẫn tiếp tục chống chỉ định cho bệnh nhân bị nhịp tim nhanh.

  1. Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Dữ liệu sử dụng Hyoscin – butylbromid trên phụ nữ có thai còn hạn chế. Các nghiên cứu trên động vật không cho thấy tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến độc tính khả năng sinh sản. Chưa có thông tin phù hợp Hyoscin – butylbromid và các chất chuyển hóa của nó tiết vào sữa mẹ. Như biện pháp phòng ngừa nên tránh dùng Hyoscin – butylbromid trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Chưa tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở người.

  1. Tương tác, tương kỵ của thuốc

Hyoscin – butylbromid có thể gây tăng tác dụng kháng cholinergic của các thuốc như chống trầm cảm ba bốn vòng, kháng histamin, chống loạn thần, quinidin, amantadin, disopyramid và các thuốc kháng cholinergic khác (như tiotropium, ipratropium, các hợp chất giống atropin).

Điều trị kết hợp với các thuốc đối kháng dopamin như metoclopramid có thể gây giảm tác dụng của cả hai thuốc trên đường tiêu hóa.

Tác dụng gây chậm nhịp tim của thuốc kích thích beta giao cảm có thể tăng lên do Hyoscin – butylbromid.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

DS.Phan Thị Thanh Trà

Tài liệu tham khảo: tờ hướng dẫn sử dụng, Drugbank.vn

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group