Những thông tin bạn cần biết trước khi sử dụng thuốc acid ursodeoxycholic

27 Tháng Hai, 2023
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

1. Cơ chế tác dụng

  • Acid ursodeoxylic là một acid mật ưa nước có trong tự nhiên, nguồn gốc từ cholesterol, có một ít trong dịch acid mật toàn phần ở người. Uống acid ursodeoxylic làm tăng tỷ lệ này tùy theo liều dùng để trở thành acid mật chính, thay thế, chiếm chỗ lượng acid mật ưa nước nội sinh độc hại tích tụ trong bệnh lý gan ứ mật.
  • Ngoài ra Acid ursodeoxylic còn có cơ chế tác dụng khác bao gồm bảo vệ các tế bào biểu mô của ống dẫn mật bị tổn thương chống lại tác động độc của các acid mật, ức chế sự tự hủy hoại của tế bào gan, thay đổi hay điều hòa chức năng miễn dịch, kích thích tiết mật từ các tế bào gan và tế bào lót của ống dẫn mật.
  • Acid ursodeoxylic ở người có thể làm tăng khả năng hòa tan cholesterol của mật, chuyển mật có sỏi thành mật không sỏi.

2. Chỉ định

  • Điều trị xơ gan mật nguyên phát.
  • Làm tan sỏi mật đối với sỏi không bị calci hóa, không cản tia X quang, có đường kính nhỏ hơn 20mm, đặc biệt sỏi trong túi mật còn tốt, sỏi vụn hoặc sỏi tái phát trong ống dẫn mật sau khi đã phẫu thuật hoặc cho những người từ chối hay có chống chỉ định cắt bỏ túi mật hoặc có khuynh hướng gia tăng nguy cơ trong lúc phẫu thuật.

3. Liều lượng và cách dùng

  • Xơ gan mật nguyên phát:

Liều dùng cho người lớn là 13 – 15 mg /kg mỗi ngày chia làm 2 – 4 lần.

  • Nên kiểm tra chức năng gan và birirubin mỗi tháng trong 6 tháng kể từ  ngày bắt đầu điều trị và nhắc lại kiểm tra mỗi 6 tháng tiếp theo.
  • Làm tan sỏi mật:

Liều dùng cho người lớn là từ 8 – 12 mg/ kg chia ra 2 đến 3 lần uống trong ngày.

  • Nên uống sau ăn và lưu ý liều dùng sau cùng trong ngày là sau bữa tối. Thời gian điều trị không quá 2 năm, trong quá trình điều trị cần kiểm tra tiến triển sỏi mật qua siêu âm vào tháng thứ  6 và 12 để đánh giá, tiếp tục theo dõi tiến triển mỗi 1-3 tháng sau đó. Sau khi sỏi tan hoàn toàn vẫn cần phải tiết tục sử dụng thuốc thêm từ 3 – 4 tháng.
  • Lưu ý sau 12 tháng không thấy sỏi mật tan phần nào, có thể liệu pháp không mang lại hiệu quả và phải nghĩ đến liệu pháp khác.

4. Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với thuốc, các acid mật hay với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị:
  • Viêm túi mật hay ống dẫn mật cấp tính
  • Tắc ống dẫn mật
  • Cơn đau quặn mật thường xuyên
  • Sỏi mật vôi hóa thấy trên X quang
  • Suy giảm khả năng co bóp của túi mật
  • Phụ nữ có thai hay đang nuôi con bú, hay phụ nữ dự định mang thai.

5. Cảnh báo và biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi sử dụng

–   Trong 3 tháng đầu điều trị, các thông số chức năng gan AST (SGOT), ALT (SGPT) và γ-GT nên được bác sĩ theo dõi 4 tuần một lần, sau đó 3 tháng một lần.

Khi được sử dụng để hòa tan sỏi mật cholesterol:

–   Để đánh giá tiến trình điều trị và phát hiện kịp thời bất kỳ sự vôi hóa nào của sỏi mật, tùy thuộc vào kích thước sỏi, nên quan sát túi mật (chụp túi mật)  ở tư thế đứng và nằm ngửa (kiểm soát bằng siêu âm) 6-10 tháng sau sự khởi đầu của điều trị.

–  Nếu không thể nhìn thấy túi mật trên hình ảnh X-quang, hoặc trong trường hợp sỏi mật bị vôi hóa, khả năng co bóp của túi mật bị suy giảm hoặc các cơn đau quặn mật thường xuyên, thì không nên sử dụng Acid ursodeoxylic.

–  Nếu bị tiêu chảy, phải giảm liều và trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, nên ngừng điều trị.

–  Kiểm soát thành phần của mật để xác định khả năng phá vỡ sự bão hòa đối với cholesterol là yếu tố tiên lượng quan trọng về kết quả điều trị.

–  Nếu điều trị tán sỏi dài ngày, phải thực hiện kiểm tra transaminase và phosphatase kiềm ngay trước khi dùng thuốc.

–  Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.

6. Tương tác với các thuốc khác và các dạng tương tác khác

–  Không nên sử dụng đồng thời với colestyramine, colestipol và một số thuốc kháng axit (ví dụ: nhôm hydroxit và/hay smectit (oxid nhôm), vì các chế phẩm này gắn kết với acid ursodeoxycholic trong ruột và do đó ức chế sự hấp thụ và hiệu quả của thuốc. Nếu việc sử dụng một chế phẩm có chứa một trong những chất này là cần thiết, nó phải được thực hiện ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi dùng Acid ursodeoxylic.

–  Acid ursodeoxylic có thể làm tăng hấp thu ciclosporin từ ruột. Nếu bệnh nhân đang dùng ciclosporin phải lưu ý kiểm tra nồng độ thuốc trong máu và điều chỉnh liều, nếu cần thiết. và làm tăng nồng độ ciclosporin trong huyết thanh, do đó cần được bác sĩ kiểm tra và điều chỉnh liều ciclosporin nếu cần.

–  Trong những trường hợp Acid ursodeoxylic có thể làm giảm sự hấp thu của ciprofloxacin.

–  Khuyến cáo rằng các loại thuốc được biết là làm tăng đào thải cholesterol qua mật, chẳng hạn như hormone estrogen, thuốc tránh thai đường uống và một số thuốc hạ cholesterol máu, không nên được kê đơn đồng thời.

7. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các tác dụng không mong muốn dựa trên dữ liệu về tần suất sau:

Rất thường gặp (≥ 1/10)

Thường gặp (≥ 1/100 đến < 1/10)

Ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100)

Hiếm gặp (≥ 1/10.000 đến < 1/1.000)

Rất hiếm gặp (< 1/10.000 )

Không biết (không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn).

Bảng liệt kê các phản ứng bất lợi

Rối loạn tiêu hóa Thường gặp Tiêu chảy, phân nhão
Hiếm gặp  Đau bụng trên bên phải trầm trọng trong điều trị xơ gan mật nguyên phát.
Rối loạn gan mật Rất hiếm Vôi hóa sỏi mật
Rối loạn da và dưới da Rất hiếm Mề đay

 

8. Quá liều và cách xử trí

–  Tiêu chảy có thể xảy ra khi dùng quá liều. Nói chung, các triệu chứng quá liều khác khó xảy ra vì sự hấp thu Acid ursodeoxylic giảm khi tăng liều  vì vậy liều cao hơn sẽ được bài tiết qua phân.

–  Không cần thiết dùng các biện pháp xử trí dặc hiệu, chủ yếu bù nước và cân bằng điện giải trong trường hợp gặp tiêu chảy.

–  Trong trường hợp vô tình uống liều cao acid ursodeoxycholic, khuyến cáo thực hiện các biện pháp xử trí như trường hợp ngộ độc thông thường và cho dùng cholestyramin (do khả năng tạo phức với acid mật).

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Huỳnh Thị Thanh Thủy

(Tài liệu tham khảo: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group