Thuốc Betahistin – chỉ định và những lưu ý khi sử dụng

27 Tháng Hai, 2023
Hoạt chất: Betahistine dihydrochloride 8, 16, 24 mg

Thuốc Betahistidin được chỉ định trong điều trị triệu chứng của chóng mặt tái phát liên quan hoặc không liên quan đến ống tai. Ảnh minh họa: nguồn Internet.
1. Chỉ định

– Điều trị triệu chứng của chóng mặt tái phát liên quan hoặc không liên quan đến ống tai.

2. Liều dùng

– Betahistine 8 và 16mg: liều cho người lớn là mỗi ngày 24-48mg, được chia thành nhiều lần uống trong ngày.

– Viên nén Betahistine 24 mg sẽ được dùng với liều 1 viên, hai lần mỗi ngày, tốt nhất với thức ăn.

– Trẻ em và thanh thiếu niên: Không nên dùng  cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi vì thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.

– Người cao tuổi: Vì dữ liệu hạn chế ở nhóm bệnh nhân này, Betahistine phải được sử dụng thận trọng ở người cao tuổi.

– Suy thận: Không có dữ liệu trên bệnh nhân suy thận.

– Suy gan: Không có dữ liệu trên bệnh nhân suy gan.

– Thời gian điều trị: Thời gian điều trị được đề nghị là từ 2 đến 3 tháng. Có thể lặp lại đợt điều trị như là một điều trị liên tục hoặc điều trị gián đoạn, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng.

3. Tác dụng không mong muốn

– Thường gặp: Đau dạ dày, buồn nôn, nôn, khô miệng và tiêu chảy.

– Hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, nồng độ transaminase tăng.

– Ít gặp: Đau đầu, suy nhược, buồn ngủ, phản ứng quá mẫn.

Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4. Chống chỉ định

– Mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.

– Các đợt loét dạ dày – tá tràng.

– U tuyến thượng thận.

5. Thận trọng khi sử dụng

– Bệnh nhân hen cần được theo dõi cẩn thận trong khi dùng Betahistine (nguy cơ co thắt phế quản).

– Việc uống thuốc cùng với thức ăn giúp phòng ngừa đau dạ dày.

– Betahistine không thích hợp để điều trị các điều kiện sau:

+ Chóng mặt kịch phát lành tính.

+ Chóng mặt kèm theo rối loạn thần kinh trung ương.

6. Khả năng lái xe và vận hành máy móc

– Betahistine được chỉ định với Ménière và chóng mặt tiền đình. Cả hai bệnh này có thể gây tác dụng tiêu cực lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Trong các nghiên cứu lâm sàng được thiết kế đặc biệt để điều tra khả năng lái xe và vận hành máy móc, Betahistine không gây ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể.

7. Thời kỳ mang thai và cho con bú

– Xin ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bạn dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

– Các nghiên cứu trên động vật trong phòng thí nghiệm đã không nhấn mạnh lên bất kỳ tác động gây quái thai nào. Trong trường hợp không có tác dụng gây quái thai ở động vật, không có dị dạng nào xảy ra ở người. Thực tế, cho đến nay, các chất gây dị dạng ở người đã chứng tỏ là gây quái thai ở động vật trong các nghiên cứu thực hiện trên cả hai loài.

– Hiện tại chưa có dữ liệu có liên quan hoặc đầy đủ để đánh giá liệu Betahistine có gây dị dạng hay độc tính lên thai khi dùng trong thai kỳ.

– Do đó, Betahistine không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai như một biện pháp phòng ngừa.

– Không có dữ liệu để khẳng định liệu Betahistine có qua sữa mẹ hay không. Nguy cơ không rõ. Do đó, không nên cho con bú trong khi dùng Betahistine.

8. Tương tác thuốc

– Các số liệu in vitro đã cho thấy các thuốc ức chế MAO bao gồm MAO B (ví dụ: Selegiline) ức chế chuyển hóa betahistine, vì vậy phải thận trọng khi dùng đồng thời betahistine và các thuốc ức chế MAO.

– Betahistine có cấu trúc tương tự như histamine, tương tác thuốc giữa betahistine với các thuốc kháng histamine có thể ảnh hưởng hiệu quả của một trong số các thuốc này về mặt lý thuyết.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Hoàng Thị Thùy Dung

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group