Vitamin E ( Alphatocopherol)

29 Tháng Sáu, 2023
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Vitamin E là một loại vitamin có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và đặc biệt là sắc đẹp của chị em phụ nữ. Một khi cơ thể bị thiếu hụt loại vitamin E, bạn cần bổ sung nó với liều lượng thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
1. Dược lý và cơ chế tác dụng

Vitamin E là thuật ngữ chỉ một số các hợp chất thiên nhiên và tổng hợp, chất quan trọng nhất là các tocopherol, trong đó alphatocopherol có hoạt tính nhất và được phân bố rộng rãi trong tự nhiên; các chất khác của nhóm tocopherol gồm beta, gamma và delta tocopherol, nhưng những chất này không dùng trong điều trị, mặc dù chúng có trong thực phẩm.

Ngoài việc làm mất các triệu chứng thiếu vitamin E, vitamin E còn được sử dụng làm chất chống oxy hóa mà về mặt lý thuyết có thể do một trong các cơ chế tác dụng sau:

Ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào; ngăn cản tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại. ví dụ các sản phẩm peroxy hóa do chuyển hóa các acid béo chưa bão hòa; phản ứng với các gốc tự do (nguyên nhân gây tổn hại màng tế bào do oxy hóa), mà không tạo ra các gốc tự do khác trong quá trình đó.

Có mối tương quan giữa vitamin A và vitamin E: Tăng hấp thu vitamin A qua ruột khi có vitamin E; vitamin E bảo vệ vitamin A khỏi bị thoái hóa do oxy hóa làm cho nồng độ vitamin A trong tế bào tăng lên; vitamin E cũng bảo vệ chống lại tác dụng của chứng thừa vitamin A.

2. Chỉ định

Dùng để điều trị và phòng thiếu vitamin E (chế độ ăn thiếu vitamin E, trẻ em bị xơ nang tuyến tụy hoặc kém hấp thu mỡ do teo đường dẫn mật hoặc thiếu betalipoprotein huyết, trẻ sơ sinh thiếu tháng rất nhẹ cân khi đẻ). Các dấu hiệu chính thiếu vitamin E là các biểu hiện về bệnh cơ và thần kinh như giảm phản xạ, dáng đi bất thường, giảm nhạy cảm với rung động và cảm thụ bản thân, liệt cơ mắt, bệnh võng mạc nhiễm sắc tố, thoái hóa sợi trục thần kinh.

Vitamin E cũng được dùng làm thuốc chống oxy hóa kết hợp với vitamin C, vitamin A và selenium.

3. Lưu ý khi dùng vitamin E cho phụ nữ mang thai và và cho con bú
  • Thời kỳ mang thai

Trong thời kỳ mang thai, thiếu hoặc thừa vitamin E đều không gây biến chứng cho mẹ hoặc thai nhi. Ở người mẹ được dinh dưỡng tốt, lượng vitamin E có trong thức ăn là đủ và không cần bổ sung. Nếu chế độ ăn kém, nên bổ sung cho đủ nhu cầu hàng ngày khi có thai.

  • Thời kỳ cho con bú

Vitamin E vào sữa. Sữa người có lượng vitamin E gấp 5 lần sữa bò và có hiệu quả hơn trong việc duy trì đủ lượng vitamin E trong huyết thanh cho trẻ đến 1 năm tuổi.

Nhu cầu vitamin E hàng ngày trong khi cho con bú là 12 mg. Chỉ cần bổ sung cho mẹ khi thực đơn không cung cấp đủ lượng vitamin E cần cho nhu cầu hàng ngày.

4. Tác dụng không mong muốn (ADR)

Vitamin E thường được dung nạp tốt. Liều cao có thể gây ỉa chảy, đau bụng, và các rối loạn tiêu hóa khác và cũng có thể gây mệt mỏi, yếu. Viêm da tiếp xúc đã xảy ra sau khi bôi thuốc.

Tiêm tĩnh mạch tocopherol đã có trường hợp gây tử vong hoặc gây độc cho gan, thận và hệ tạo máu, nhưng có thể là do thuốc bị nhiễm tạp chất.

5. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng: Vitamin E thường dùng qua đường uống. Nếu không uống được, có thể tiêm bắp.

Liều lượng: Liều khuyến cáo thay đổi, 1 phần do hoạt tính khác nhau của các chế phẩm. Tuy vậy, liều khuyến cáo hàng ngày gấp 4 đến 5 lần khẩu phần khuyến cáo hàng ngày (RDA), hoặc từ 40 đến 50 mg d – alphatocopherol trong hội chứng thiếu hụt vitamin E.

Xơ nang tuyến tụy: 100 – 200 mg dl – alphatocopheryl acetat hoặc khoảng 67 đến 135 mg  d – alphatocopherol.

Bệnh thiếu betalipoprotein – máu: 50 – 100 mg dl – alphatocopheryl acetat/kg hoặc 33 đến 67 mg    d – alphatocopherol/kg.

Dự phòng bệnh võng mạc do đẻ thiếu tháng: 15 – 30 đơn vị/kg (10 – 20 mg alphatocopherol tương đương/kg) mỗi ngày để duy trì nồng độ tocopherol huyết tương giữa 1,5 – 2 microgam/ml.

Dự phòng: 10 – 20 mg hàng ngày.

6. Cánh báo và thận trọng khi dùng thuốc

Vitamin E đã được báo cáo là có khuynh hướng gây chảy máu ở những bệnh nhân thiếu vitamin k hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu, do đó cần theo dõi thời gian prothrombin. Có thể cần thiết phải điều chỉnh liều lượng của thuốc chống đông trong và sau khi điều trị bằng vitamin E.

Vitamin E đã được báo cáo tăng nguy cơ huyết khối ở bệnh nhân dễ mắc phải tình trạng này, trong đó có bệnh nhân dùng estrogen. Phát hiện này chưa được xác nhận nhưng cần được lưu ý khi điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ uống thuốc tránh thai chưa estrogen.

Một tỷ lệ cao hơn của viêm ruột hoại tử đã được ghi nhận ở trẻ sơ sinh thiếu tháng có cân nặng dưới 1,5kg điều trị bằng vitamin E.

Thận trọng ở bệnh nhân suy gan, thận và cần giám sát chặt chẽ chức năng gan, thận ở nhưng bệnh nhân này.

7. Tương tác thuốc

Vitamin E đối kháng với tác dụng của vitamin K, nên làm tăng thời gian đông máu.

Nồng độ vitamin E thấp ở người bị kém hấp thu do thuốc (như kém hấp thu khi dùng cholestyramin).

Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ huyết khối ở bệnh nhân dùng estrogen.

Vitamin E có thể làm tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu ( A,D,K) hoặc các thuốc ưa dầu (Steroid, kháng sinh, kháng histamin, cycloporin, tacrolimus).

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Huỳnh Thị Thanh Thủy

(Nguồn: Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, Dược thư quốc qia Việt Nam)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group