Những điều bạn cần biết về thuốc Acid Fucidic
1. Thuốc Acid fusidic là thuốc gì?
Acid fusidic và dạng muối natri fusidat là một kháng sinh có cấu trúc steroid, thuộc nhóm fusidanin, có tác dụng kìm khuẩn và diệt khuẩn, chủ yếu tác dụng lên vi khuẩn Gram dương.
Acid fusidic ức chế vi khuẩn tổng hợp protein thông qua ức chế một yếu tố cần thiết cho sự chuyển đoạn của các đơn vị phụ peptid và sự kéo dài chuỗi peptid. Mặc dù acid fusidic có khả năng ức chế tổng hợp protein trong tế bào động vật có vú, nhưng do khả năng thâm nhập rất kém vào tế bào chủ nên thuốc có tác dụng chọn lọc chống các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
Acid fusidic tác dụng tốt trên các chủng Staphylococcus, đặc biệt là S. aureus và S. epidermidis (bao gồm cả những chủng kháng meticilin). Nocardia asteroides và nhiều chủng Clostridium cũng rất nhạy cảm với thuốc. Các chủng Streptococcus và Enterococcus ít nhạy cảm hơn.
Hầu hết các chủng Gram âm đều không nhạy cảm với acid fusidic, tuy nhiên thuốc tác dụng tốt đối với Neisseria spp., Bacteroides fragilis. Thuốc có tác dụng trên Mycobacterium leprae, và một phần trên M. tuberculosis.
Thuốc có tác dụng trên một số động vật nguyên sinh bao gồm Giardia lamblia, Plasmodium falciparum. Ở nồng độ cao, in vitro, thuốc có tác dụng ức chế virus phát triển, kể cả HIV, tuy nhiên chưa rõ đó thực sự là tác dụng kháng virus của thuốc hay là tác dụng diện hoạt hoặc tác dụng độc hại tế bào nói chung. Thuốc không có tác dụng đối với nấm.
Kháng thuốc có thể thấy xuất hiện thông qua trung gian nhiễm sắc thể, làm thay đổi tính thấm của thuốc vào tế bào. Tỷ lệ đột biến kháng thuốc cao in vitro. Cho tới nay, chưa thấy kháng chéo với các kháng sinh khác. Khi dùng đơn độc, acid fusidic đường toàn thân rất dễ bị kháng thuốc, tỷ lệ lên tới 5%, do đó cần kết hợp với các kháng sinh khác.
2. Cách sử dụng thuốc Acid Fusidic như thế nào?
Hình: nguồn internet
Thuốc axit fusidic có thể có dạng tiêm truyền, thuốc bôi và dạng thuốc uống. Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc điều trị, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng thuốc chính xác theo chỉ dẫn của bác sĩ Da liễu. Đối với, axit fusidic bôi, bạn lấy một lượng kem mỏng/thuốc mỡ lên vùng da bị nhiễm trùng và thoa nhẹ nhàng trên bề mặt da. Bạn nên dùng 3–4 lần một ngày trừ trường hợp bác sĩ điều trị có chỉ dẫn khác. Bạn cần lưu ý luôn rửa sạch tay thật kỹ càng sau khi dùng thuốc (trừ khi bạn dùng thuốc để trị bệnh ở tay).Có thể băng lại nếu cần. Tránh bôi thuốc thành lớp dày. Giới hạn đợt điều trị không quá 10 ngày do nguy cơ kháng thuốc khi dùng kéo dài.
Nếu vô tình để dính kem vào mắt, bạn nên rửa ngay bằng nước sạch, nhỏ nước muối sinh lý để rửa lại mắt. Mắt lúc này có thể bị đau. Nếu gặp vấn đề về mắt hoặc không khỏi đau, bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ.
3. Liều dùng axit fusidic như thế nào?
Thuốc dùng đường uống, dùng ngoài (dưới dạng acid fusidic hoặc natri fusidat) hoặc đường tĩnh mạch (dạng natri fusidat). 1 g natri fusidat tương đương với 0,98 g acid fusidic. Do acid fusidic hấp thu kém hơn natri fusidat, trong điều trị, 250 mg acid fusidic chỉ tương đương với 175 mg natri fusidat. Vì thế liều của hỗn dịch acid fusidic (thường dùng cho trẻ em) tương đối cao hơn.
Liều thông thường cho người lớn là uống natri fusidat 500 mg, cứ mỗi 8 giờ một lần. Có thể tăng liều gấp đôi trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Để điều trị nhiễm khuẩn Staphylococcus ở da, có thể dùng liều 250 mg/lần, 2 lần/ngày.
Liều uống của hỗn dịch acid fusidic: Trẻ dưới 1 tuổi: 15 mg/kg/ lần, 3 lần/ngày. Trẻ từ 1 – 5 tuổi: 250 mg/lần, 3 lần/ngày. Trẻ từ 5 – 12 tuổi: 500 mg/lần, 3 lần/ngày. Trẻ em > 12 tuổi và người lớn: 750 mg/lần, 3 lần/ngày.
Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dùng natri fusidat truyền tĩnh mạch chậm. Người lớn cân nặng trên 50 kg dùng liều 500 mg/lần, 3 lần/ngày. Trẻ em và người lớn cân nặng dưới 50 kg, dùng liều 6 – 7 mg/kg/lần, 3 lần/ngày.
Hòa tan lọ bột tiêm 500 mg với 10 ml dung môi. Sau đó pha vào 250 – 500 ml dịch truyền Natri clorid 0,9% hoặc Glucose 5% và truyền tĩnh mạch trung tâm trong ít nhất 2 giờ. Nếu truyền qua tĩnh mạch ngoại vi, chọn mạch lớn và truyền trong ít nhất 6 giờ. Không được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Bột pha tiêm sau khi hòa tan vào dung môi có thể bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 °C trong vòng 48 giờ. Thuốc bị kết tủa nếu pha với các dịch truyền có pH nhỏ hơn 7,4.
Kem và mỡ bôi ngoài da 2%: Bôi một lớp mỏng thuốc 3 – 4 lần mỗi ngày lên vùng da bị nhiễm khuẩn sau khi đã rửa sạch, có thể băng lại nếu cần. Tránh bôi thuốc thành lớp dày. Giới hạn đợt điều trị không quá 10 ngày do nguy cơ kháng thuốc khi dùng kéo dài.
Gel nhỏ mắt 1%: Nhỏ mắt 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần 1 giọt vào túi kết mạc dưới.
4. Liều dùng thuốc axit fusidic với trẻ em như thế nào?
Với trẻ em mắc bệnh nhiễm khuẩn nhạy cảm
Đối với dạng thuốc uống, bạn nên cho trẻ dùng liều lượng tùy theo độ tuổi của trẻ như sau;
Trẻ dưới 1 tuổi: dùng khoảng 15 mg/kg;
Trẻ 1–5 tuổi: dùng 250 mg;
Trẻ 5–12 tuổi: dùng 500 mg uống 3 lần/ngày.
Đối với dạng thuốc tiêm, liều dùng là 20 mg/kg chia làm 3 liều tiêm cho trẻ mỗi ngày. Thuốc được chỉ định truyền chậm trong thời gian ít nhất 2 giờ và nên truyền vào những mạch máu lớn với dòng chảy tốt.
Với trẻ em mắc bệnh đau mắt:
Đối với dạng thuốc nhỏ mắt thì dành cho trẻ trên 2 tuổi hoặc lớn hơn, bạn nhỏ vào mắt bị đau 1 giọt mỗi 12 giờ/ lần trong thời gian 7 ngày.
Với trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng da:
Đối với dạng thuốc axit fusidic bôi mỡ/kem/gel 2%, bạn bôi lên vùng da bị nhiễm khuẩn của trẻ 3–4 lần/ ngày cho đến khi tình trạng cải thiện. Nếu dùng gạc, giảm liều xuống còn 1 – 2 lần/ngày.
Thuốc axit fusidic dùng cho trẻ nhỏ cần dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
5. Tác dụng không mong muốn
Thuốc nhỏ mắt axit fusidic có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn bao gồm:
Đau nhức hoặc nóng đốt trong thời gian ngắn sau khi dùng thuốc;
Phản vệ dị ứng (trường hợp quá mẫn cảm với thuốc).
Báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong khi dùng thuốc axit fusidic bôi:
Khó thở;
Phát ban;
Nhói và ngứa;
Ban ngứa và viêm.
Sưng mặt, cụ thể là ở quanh mắt hoặc mí mắt;
Nóng đỏ và đau nhói ở mắt, kéo dài.
Khi dùng dung dịch axit fusidic, bạn cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi:
Xuất hiện vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt;
Đau, trào ngược dạ dày;
Không thể đi tiểu được (Vô niệu)
Dễ bị bầm tím trên da hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân;
Lở loét miệng, họng, hoặc mắc các nhiễm trùng khác kéo dài và lặp lại.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy
(Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam 2022)