VASTAREL_CHỈ ĐỊNH VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG

6 Tháng Năm, 2024

Hoạt chất: Trimetazidin dihydrochloride 35mg.

Ảnh minh họa: nguồn Internet.
  1. Chỉ định:
    Chỉ định cho người lớn trong liệu pháp bổ sung/hỗ trợ vào biện pháp trị liệu hiện có để điều trị triệu chứng ở bệnh nhân đau thắt ngực ổn định không được kiểm soát đầy đủ hoặc bệnh nhân không dung nạp với các liệu pháp điều trị đau thắt ngực khác.
  2. Liều dùng và cách dùng:
    Dùng đường uống.

Dùng mỗi lần một viên trimetazidin 35mg, hai lần mỗi ngày, nghĩa là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối, trong bữa ăn.

Hiệu quả của việc điều trị nên được đánh giá sau 3 tháng và trimetazidin nên được ngừng sử dụng nếu không có đáp ứng điều trị.

Quần thể đặc biệt

Bệnh nhân suy thận

Ở các bệnh nhân suy thận mức độ trung bình (độ thanh thải creatinine 30 – 60ml/phút), liều khuyến cáo là một viên 35mg vào buổi sáng, uống trong bữa sáng.

Bệnh nhân cao tuổi

Ở các bệnh nhân cao tuổi, nồng độ trimetazidin có thể tăng do sự suy giảm chức năng thận liên quan đến tuổi, ở các bệnh nhân suy thận mức độ trung bình (độ thanh thải creatinine 30 – 60ml/phút), liều khuyến cáo là một viên 35mg vào buổi sáng, uống trong bữa sáng.

Việc chỉnh liều ở các bệnh nhân cao tuổi cần được tiến hành thận trọng.

Quần thể bệnh nhi

Độ an toàn và hiệu quả của trimetazidin ở trẻ em dưới 18 tuổi chưa được thiết lập. Hiện chưa có dữ liệu.

  1. Chống chỉ định:

– Mẫn cảm với trimetazidin hoặc với bất cứ tá dược nào.

– Bệnh parkinson, có triệu chứng Parkinson, run, hội chứng chân không nghỉ và các rối loạn vận động có liên quan khác.

– Suy thận nặng (độ thanh thải creatinine < 30ml/phút).

  1. Cảnh báo và thận trọng:

Sản phẩm thuốc không phải là thuốc chữa trị cơn đau thắt ngực, cũng không được chỉ định là điều trị đầu tiên cho bệnh đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim cũng như thời điểm trước khi nhập viện hoặc trong ngày nhập viện đầu tiên.

Khi có cơn đau thắt ngực, bệnh động mạch vành cần được đánh giá lại và cân nhắc điều trị đáp ứng (điều trị bằng thuốc và có thể là tái thông tuần hoàn).

Trimetazidin có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng parkinson (run, mất vận động, tăng trương lực cơ), do đó các triệu chứng này cần phải được đánh giá thường xuyên, đặc biệt ở các bệnh nhân cao tuổi. Trong các trường hợp có nghi ngờ, các bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có được sự đánh giá chính xác.

Khi xảy ra các rối loạn vận động như triệu chứng parkinson, hội chứng chân không nghỉ, run, tư thế đi không vững, cần ngưng sử dụng trimetazidin.

Những trường hợp này có tỷ lệ thấp và thường hồi phục sau khi ngừng điều trị. Phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 4 tháng sau khi ngừng điều trị trimetazidin. Nếu các triệu chứng parkinson vẫn tổn tại trên 4 tháng sau khi ngừng thuốc, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Ngã có thể xảy ra, liên quan đến tư thế đi không vững hoặc hạ huyết áp, đặc biệt ở các bệnh nhân đang điều trị với thuốc chống cao huyết áp.

Nên thận trọng khi kê đơn trimetazidin trên các bệnh nhân có khả năng tăng nồng độ trimetazidin:

– Suy thận mức độ trung bình,

– Bệnh nhân tuổi cao hơn 75.

Sản phẩm thuốc này nhìn chung không được khuyến cáo trong thời kỳ cho con bú.

Lái xe và vận hành máy móc

Trimetazidin không cho thấy ảnh hưởng đến huyết động trong các nghiên cứu lâm sàng, tuy nhiên các trường hợp hoa mắt và ngủ mơ đã được quan sát thấy khi thuốc được lưu hành trên thị trường, các trường hợp này có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Thai kỳ và cho con bú

Có thai

Không có dữ liệu về việc sử dụng trimetazidin trên phụ nữ có thai. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra những ảnh hưởng có hại trực tiếp và gián tiếp liên quan đến độc tính sinh sản. Như một biện pháp đề phòng, nên tránh sử dụng VASTAREL trong quá trình mang thai.

Cho con bú

Chưa rõ liệu trimetazidin/các chất chuyển hóa có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Một nguy cơ cho trẻ mới sinh/trẻ sơ sinh không thể được ngoại trừ. VASTAREL không nên sử dụng trong quá trình cho con bú.

Khả năng sinh sản

Các nghiên cứu liên quan đến độc tính sinh sản cho thấy không có ảnh hưởng trên khả năng sinh sản của chuột cống đực và cái.

  1. Tương tác thuốc:

Chưa có tương tác nào được báo cáo.

  1. Tác dụng không mong muốn
    Thường gặp: Chóng mặt, đau đầu; Đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn và nôn; Phát ban, ngứa, nổi mề đay.

Hiếm gặp: Đánh trống ngực, ngoại tâm thu, nhịp tim nhanh; Hạ huyết áp động mạch, hạ huyết áp tư thế có thể liên quan đến ốm mệt, chóng mặt hoặc ngã, đặc biệt ở các bệnh nhân đang điều trị với thuốc chống tăng huyết áp, đỏ bừng.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Hoàng Thị Thùy Dung

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group