BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ: ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH?

21 Tháng Sáu, 2022
Năm nay, trường hợp đầu tiên của bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở Mỹ. Trước đó, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở nhiều quốc gia châu Âu. Trong số này, 7 trường hợp đã được báo cáo ở Anh trong khi một số trường hợp cũng đã được báo cáo ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì? 

Bệnh đậu mùa khỉ là một loại bệnh được gây ra bởi virus có tên là đậu mùa khỉ (Monkeypox) là một zoonosis virus (một loại virus từ động vật truyền sang người ) với các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ nhàng hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu xảy ra ở trung và tây Phi, thường ở gần rừng mưa nhiệt đới, và ngày càng xuất hiện ở các khu vực đô thị. Vật chủ là động vật bao gồm một loạt các loài gặm nhấm và linh trưởng không phải con người.

2. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua đường nào?

– Lây truyền từ động vật sang người (zoonotic) có thể xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc tổn thương da, niêm mạc của động vật bị nhiễm bệnh.

– Ăn thịt chưa nấu chín và các sản phẩm động vật khác của động vật bị nhiễm bệnh là một yếu tố nguy cơ có thể xảy ra.

– Lây truyền từ người sang người có thể là kết quả của việc tiếp xúc gần gũi với dịch tiết đường hô hấp, tổn thương da của người bị nhiễm bệnh hoặc dùng chung các đồ vật của người bị nhiễm bệnh.

– Lây truyền qua các hạt hô hấp giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp và kéo dài.

– Tuy nhiên, chuỗi lây truyền dài nhất được ghi nhận trong cộng đồng đã tăng trong những năm gần đây từ 6 lên 9 ca lây nhiễm từ người sang người liên tiếp. Điều này có thể phản ánh khả năng miễn dịch suy giảm trong tất cả các cộng đồng do ngừng tiêm phòng đậu mùa.

– Lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi (có thể dẫn đến bệnh đậu mùa bẩm sinh) hoặc trong khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

– Mặc dù tiếp xúc vật lý gần gũi là một yếu tố nguy cơ lây truyền nổi tiếng, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua đường tình dục hay không. Các nghiên cứu là cần thiết để hiểu rõ hơn về nguy cơ này.

3. Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi nhiễm trùng đến khi bắt đầu các triệu chứng) của bệnh đậu mùa khỉ thường là từ 6 đến 13 ngày nhưng có thể dao động từ 5 đến 21 ngày.

Bệnh đậu mùa khỉ  (Ảnh minh họa: nguồn Internet)

– Giai đoạn virus xâm nhập kéo dài 5 ngày: sốt, nhức đầu dữ dội, sưng hạch bạch huyết, đau lưng, đau cơ và suy nhược cơ thể. Điểm khác biệt của bệnh đậu mùa khỉ so với các bệnh khác là nổi hạch trong khi các triệu chứng còn lại tương tự bệnh thủy đậu, bệnh sởi hoặc đậu mùa thông thường.

– Giai đoạn hai là phát ban trên da: biểu hiện trong 1 đến 3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt, phát ban tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là ở thân và tiến triển tuần tự, rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa nhô cao, sau đó là mụn nước và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng). Các triệu chứng thường rõ ràng trong vòng hai đến 4 tuần và vảy rơi ra.

4. Điều trị bệnh đậu mùa khỉ

– Hiện tại chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh đậu mùa khỉ. Điều trị bệnh đậu mùa khỉ chỉ là điều trị hỗ trợBệnh nhân sẽ cần phải ở trong một bệnh viện chuyên khoa để nhiễm trùng không lan rộng và các triệu chứng chung có thể được điều trị.

– Người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ tránh tình trạng suy nhược cơ thể.

5. Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ?

– Luôn cập nhật thông tin y tế về căn bệnh này

– Trong việc ăn uống cần ăn chín, uống sôi tránh ăn các thực phẩm còn sống, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

– Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus bệnh đậu mùa như động vật bị bệnh, động vật chết ở những nơi có nguy cơ xảy ra bệnh đậu mùa khỉ.

– Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh và có nguy cơ mắc bệnh.

– Vệ sinh sạch sẽ môi trường và cơ thể sau khi tiếp xúc người có nguy cơ nhiễm.

– Giữ vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch có chứa cồn.

– Tiêm phòng vaccine đậu mùa thông thường, do virus đậu mùa khỉ có phần giống với virus đậu mùa thông thường nên vaccin đậu mùa có thể ngăn bệnh đến 85%. Hiện tại chưa có vaccine đậu mùa khỉ nên đây là phương pháp rất khả thi.

– Nâng cao ý thức phòng tránh bệnh của bản thân, gia đình và những người xung quanh.

– Đối với những người đang nhiễm bệnh cần theo dõi, khám chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế những ảnh hưởng xấu nhất có thể xảy ra.

Hy vọng thông qua bài viết trên độc giả đã hiểu được thêm thông tin về bệnh đậu mùa khỉ và cách lây lan của chúng để có cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Theo dõi website Bệnh viện Lê Văn Thịnh để nắm thêm nhiều thông tin về y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Ds. Trần Thị Diễm Trang

(Theo Who)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group