Quản lý sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế : thực trạng và giải pháp
Sử dụng kháng sinh không hợp lý : hậu quả và sự cần thiết quản lý sử dụng kháng sinh
Khi người bệnh sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm xuất hiện tình trạng vi sinh vật đột biến hoặc xuất hiện gen kháng thuốc, từ đó vi sinh vật đề kháng lại một kháng sinh mà trước đây vi sinh vật đã nhạy cảm. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi sinh vật, dẫn đến giảm hiệu quả của kháng sinh, thất bại trong điều trị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, sử dụng kháng sinh không hợp lý còn kéo theo sự gia tăng tỉ lệ lây nhiễm cho những người xung quanh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận có sự gia tăng tỉ lệ kháng thuốc so với trước đây, nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc đã xuất hiện trong thời gian gần đây, trong đó rất nhiều vi khuẩn kháng với hầu hết các loại kháng sinh hiện hành, và các vi khuẩn này còn được gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp phù hợp, thì với tốc độ tìm ra các thuốc phát minh hiện nay vốn đã không theo kịp với tốc độ vi khuẩn đề kháng thuốc, trong tương lai gần, việc thiếu thuốc sẽ là hậu quả tất yếu. Thiếu thuốc nói chung và thiếu kháng sinh nói riêng sẽ đưa xã hội loài người trở lại với thời kỳ khi con người chưa có kháng sinh như trước đây, nghĩa là không thể kiểm soát được tỉ lệ bệnh tật và thương vong vì không có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.
Những biểu hiện sử dụng kháng sinh không hợp lý
Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý rất đa dạng, có liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, trong đó cán bộ y tế và người bệnh là hai đối tượng có sự liên quan trực tiếp.
Đối với cán bộ y tế, sử dụng kháng sinh không hợp lý xảy ra khi họ lựa chọn kháng sinh mà không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng kháng sinh của cơ quan quản lý về y tế. Trong thực hành lâm sàng, việc lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là người bệnh và vi khuẩn gây bệnh. Những yếu tố liên quan đến người bệnh cần xem xét khi lựa chọn kháng sinh bao gồm tuổi, tiền sử dị ứng thuốc, chức năng gan thận, tình trạng suy giảm miễn dịch, mức độ nặng của bệnh, bệnh mắc kèm, cơ địa dị ứng của người bệnh. Các yếu tố liên quan đến vi khuẩn cần được xem xét khi lựa chọn kháng sinh bao gồm loại vi khuẩn, độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn. Trong thực tế, những yếu tố liên quan đến người bệnh và vi khuẩn gây bệnh đôi khi không được xem xét một cách đầy đủ, dẫn đến việc lựa chọn kháng sinh không phù hợp. Ngoài việc phải lựa chọn kháng sinh theo đặc điểm của tác nhân gây bệnh và của người bệnh, cán bộ y tế cũng cần phải lựa chọn kháng sinh theo vị trí nhiễm khuẩn, theo dược động học, dược lực học của thuốc, và theo đặc điểm của mô hình kháng thuốc tại nơi mà người bệnh đang được điều trị. Về nguyên tắc, nếu đã có bằng chứng rõ ràng về vi khuẩn và kết quả của kháng sinh đồ, kháng sinh được lựa chọn cho người bệnh phải là kháng sinh có hiệu quả cao nhất với độc tính thấp nhất, đồng thời phải có phổ tác dụng hẹp nhất và gần với các tác nhân gây bệnh được phát hiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong thực tế khi quyết định lựa chọn kháng sinh để điều trị cho người bệnh, cán bộ y tế đã không xem xét các yếu tố về người bệnh và vi khuẩn gây bệnh một cách toàn diện, nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh điều trị khi không có bằng chứng lâm sàng rõ rệt về nhiễm khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý đã được ghi nhận, nguyên nhân thường là do bác sĩ chưa biết được tác nhân vi khuẩn gây bệnh khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh cho người bệnh, nên bác sĩ thường dựa theo kinh nghiệm của mình để dự đoán những tác nhân vi khuẩn gây bệnh và tình hình nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh ngay tại địa phương, từ đó đưa ra quyết định về kháng sinh lựa chọn ban đầu cho người bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong một số trường hợp, ngay cả khi đã có bằng chứng vi khuẩn học, tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn xảy ra vì có trường hợp bác sĩ lựa chọn thuốc không theo tiêu chí “ưu tiên lựa chọn kháng sinh có hiệu quả cao nhất với độc tính thấp nhất, và có phổ tác dụng hẹp nhất gần với các tác nhân gây bệnh đã được phát hiện thông qua kết quả của kháng sinh đồ”. Có nhiều trường hợp người bệnh được chỉ định sử dụng kháng sinh phổ rộng, đôi khi không có khả năng đến được vị trí nhiễm khuẩn với nồng độ hiệu quả, hoặc đến được nơi điều trị nhưng gây độc.
Ngoài sự lựa chọn loại kháng sinh không phù hợp, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý còn thể hiện ở trường hợp người bệnh không được lựa chọn đường đưa thuốc vào cơ thể một cách phù hợp. Trong hai đường sử dụng phổ biến của kháng sinh, đường uống là đường dùng ưu tiên hơn đường tiêm khi điều trị vì tính tiện dụng, an toàn và chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, để có kết quả trị liệu tốt nhất trong trường hợp cần nồng độ kháng sinh trong máu cao nhưng khó đạt được bằng đường uống, ví dụ như khi người bệnh bị nhiễm khuẩn trầm trọng và tiến triển nhanh, trong khi cấp cứu hoặc trong trường hợp dự phòng trước phẫu thuật, đường tiêm lại là đường được cán bộ y tế ưu tiên sử dụng. Về nguyên tắc, kháng sinh đường tiêm chỉ nên sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết, đồng thời cần lưu ý lựa chọn kháng sinh có sinh khả dụng cao và ít bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Tuy nhiên, trong thực tế, kháng sinh đường tiêm vẫn được bác sĩ sử dụng ngay cả những khi không thật sự cần thiết, hoặc tiếp tục tiêm kháng sinh cho người bệnh mà không chuyển sang đường uống ngay khi có thể, dẫn đến tăng nguy cơ đề kháng thuốc.
Để hạn chế đề kháng thuốc, một trong những yêu cầu khi điều trị là cần lưu ý thực hiện việc xuống thang kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, ưu tiên sử dụng một kháng sinh và chỉ phối hợp kháng sinh nhằm mục đích tăng khả năng diệt khuẩn, giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng và điều trị nhiễm khuẩn do nhiều loại vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, đối với một số kháng sinh, cơ quan quản lý quy định nếu muốn chỉ định cho người bệnh thì phải tiến hành hội chẩn nhằm hạn chế việc sử dụng. Trong thực tế hành nghề, môi trường bệnh viện thường tồn tại nhiều chủng vi khuẩn đề kháng, dẫn đến nhiều trường hợp cán bộ y tế bắt buộc phải dùng kháng sinh liều cao, dùng kháng sinh phổ rộng, và duy trì đường tiêm để đảm bảo hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Bên cạnh những trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý liên quan đến cán bộ y tế, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý còn liên quan đến nhận thức, hành vi và thái độ của người dân trong khi sử dụng thuốc. Đối với người bệnh, vì bản thân họ không đủ kiến thức chuyên môn cần thiết nên họ thường chấp nhận mọi chỉ định của cán bộ y tế, ngay cả khi nghi ngờ những chỉ định đó không hợp lý hoặc có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của mình, vì họ không đủ tự tin để đưa ra những ý kiến có sức thuyết phục đến cán bộ y tế. Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh thường không hoàn thành liều điều trị mà có xu hướng ngưng thuốc ngay khi thấy giảm những triệu chứng, dẫn đến sự gia tăng khả năng xuất hiện các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.
Những giải pháp nhằm hạn chế đề kháng kháng sinh
Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh, vì vậy cần nhận thức rõ thực trạng đề kháng kháng sinh đang là một vấn nạn mang tính toàn cầu, có liên quan đến nhiều quốc gia. Nhân ngày Sức khỏe thế giới 07/4/2011, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi thực hiện một chiến dịch với thông điệp “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” nhằm tạo một hồi chuông cảnh báo đến các quốc gia, đồng thời kêu gọi những hành động thiết thực và những kế hoạch hành động khẩn cấp của các tổ chức quản lý về y tế nhằm có những giải pháp tối ưu, hạn chế đề kháng thuốc, đồng thời yêu cầu người dân trên toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Việt Nam là khu vực có mô hình bệnh tật kép, bên cạnh sự tồn tại của các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần, đái tháo đường, nhiều năm trở lại đây, các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm có tỉ lệ khá cao, trong đó phải kể đến các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, sốt xuất huyết. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng hiện tại vẫn là một trong các liệu pháp điều trị không thể thiếu. Cùng với các nước khác trên thế giới, thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc do Bộ Y tế ban hành, Việt Nam đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là một kế hoạch chống kháng thuốc dài hạn, mang tính toàn diện và cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh”, giúp cho việc sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế được thực hiện một cách hợp lý nhất. Bệnh viện là một trong những cơ sở khám chữa bệnh có tần suất sử dụng kháng sinh cao hơn các cơ sở y tế khác. Tài liệu “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” đã giúp cho các đơn vị, cho giám đốc cơ sở khám chữa bệnh có căn cứ để xây dựng và ban hành tài liệu sử dụng kháng sinh tại đơn vị, giúp đảm bảo hạn chế thực trạng lạm dụng kháng sinh. Hiện nay, các giải pháp đã và đang thực hiện thường tập trung vào việc quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, trong đó, ưu tiên việc thành lập nhóm quản lý sử dụng kháng sinh, xây dựng các quy định về quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, xây dựng tiêu chí đánh giá sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, nhằm đạt được mục tiêu chống kháng thuốc, các giải pháp còn nhằm hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.
Như vậy, việc sử dụng kháng sinh hợp lý đã và đang là yêu cầu quan trọng đối với thầy thuốc trong lựa chọn điều trị. Cán bộ y tế cần đảm bảo nguyên tắc ưu tiên sử dụng kháng sinh đơn độc, hạn chế phối hợp kháng sinh, và hạn chế dùng kháng sinh đường tiêm khi lựa chọn thuốc cho người bệnh, đảm bảo sử dụng kháng sinh hợp lý, góp phần hạn chế sự đề kháng thuốc, giúp tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh, và giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội.
PGS.TS.DS Hoàng Thy Nhạc Vũ