Colchicin – những lưu ý khi sử dụng trong điều trị gout.

30 Tháng Chín, 2022

                               Colchicin – những lưu ý khi sử dụng trong điều trị gout.

  1. Tìm hiểu về colchicin:

Colchicin là alcaloid có nguồn gốc thực vật, chiết xuất từ các loài thực vật Colchium autumnale ( tỏi độc, bả chó, thu thủy tiên) và Gloriosa superba ( ngọt nghẹo).

Từ lâu Colchicin được dùng trong điều trị đợt gout cấp nhờ đặc tính kháng viêm của thuốc do ức chế sự di chuyển của bạch cầu, ức chế ứng động hóa học, chuyển hóa và chức năng của bạch cầu đa nhân nên giảm các phản ứng viêm. Tuy nhiên Colchicin có nhược điểm là khoảng trị liệu hẹp nếu không sử dụng đúng cách thì colchicin lại là loại thuốc có nguy cơ cao do có độc tính nghiêm trọng.

Colchicin được chỉ định dùng trong vòng 36 giờ từ lúc khởi phát cơn gout cấp ( tốt nhất trong vòng 12 hoặc 24 giờ).

  • Liều ban đầu là 0,5- 1,2 mg, sau đó cứ cách 1- 2 giờ lại uống 0,5 – 0,6 mg hoặc cứ cách 2 giờ lại uống 1-1,2 mg cho đến khi hết triệu chứng. Tổng liều trung bình trong một đợt điều trị là 4-6 mg.
  • Đau và sưng khớp thường giảm sau 12 giờ và thường hết hẳn sau khi dùng thuốc 48-72 giờ.
  • Nếu uống lại thì đợt thuốc mới phải cách lần uống cũ 2-3 ngày nếu không thì các tổn thương do colchicin gây ra chưa kịp hồi phục và thuốc có thể bị tích tụ.
  • Dự phòng viêm khớp gút tái phát (bệnh nhân có 1 hoặc vài đợt cấp mỗi năm): Uống colchicin liều thường dùng 0,6 mg/ngày, 3 – 4 lần mỗi tuần. Dự phòng cho người bị gút phải phẫu thuật (ngay cả tiểu phẫu): 0,6 mg/lần, 3 lần mỗi ngày trong 3 ngày trước và 3 ngày sau phẫu thuật.
  1. Tác dụng không mong muốn
  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng, với liều cao: tiêu chảy nặng, chảy máu dạ dày – ruột, nổi ban, tổn thương thận.
  • Ít gặp: Viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu (trị liệu dài ngày), giảm tinh trùng (hồi phục được).
  1. Hướng dẫn cách xử trí ADR
  • Tác dụng phụ thường gặp nhất khi uống colchicin là buồn nôn, đau bụng, nôn và tiêu chảy. Cần ngừng dùng colchicin nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trên vì đó là các dấu hiệu báo động sớm về khả năng có thể sẽ bị ngộ độc nặng hơn. Trị liệu chỉ được tiếp tục khi hết các triệu chứng trên và thường sau 24 – 48 giờ. Có thể dùng các thuốc chống tiêu chảy hay thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị tiêu chảy do colchicin gây ra.
  • Điều trị dài ngày: Cần theo dõi đều đặn xem người bệnh có bị tác dụng phụ không, kiểm tra đều đặn các tế bào máu, công thức bạch cầu. Khi có các tác dụng phụ thì phải hiểu đó là dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc. Nên ngừng dùng colchicin hoặc phải giảm liều.
  1. Tương tác làm tăng nguy cơ ngộ độc colchicin:
  • Nguy cơ ngộ độc colchicin tăng khi dùng kèm với chất ức chế cytochrom P450 3A4 hoặc P- glycoprotein như các thuốc kháng nấm nhóm azol ( fluconazol), thuốc chẹn kênh calci ( diltiazem, verapamil) và kháng sinh nhóm macrolid ( erythromycin ).
  • Dùng đồng thời colchicin và ciclosporin làm tăng độc tính của ciclosporin.
  • Colchicin làm giảm hấp thu vitamin B12 do tác động độc đối với niêm mạc ruột non. Sự  hấp thu này có thể  được phục hồi.
  • Colchicin có thể tăng đáp ứng với các thuốc giống thần kinh giao cảm và  thuốc ức thần kinh.
  1. Thông tin dành cho cán bộ y tế.
  • Tuân thủ chế độ liều lượng được khuyến cáo trong tờ thông tin sản phẩm.
  • Giảm liều trên bệnh nhân lớn tuổi ( đặc biệt ở bệnh nhân trên 75 tuổi), Bệnh nhân suy giảm chức năng gan, suy giảm chức năng thận, bệnh nhân có nguy cơ suy giảm chức năng thận, bệnh nhân có nguy co suy  giảm chức năng thận ( nguy cơ mất nước, dùng thuốc đồng thời) và theo dõi sát những bệnh nhân này.
  • Tuân thủ các chống chỉ định:

– Ở người suy thận nặng ( độ thanh thải creatinin < 30ml/ phút )

– Suy gan nặng.

  • Kiểm tra các nguy cơ tương tác thuốc.
  • Không kết hợp colchicin cùng với pristinamycin hoặc các kháng sinh macrolid ( ngoại trừ spiramycin) do có tương tác thuốc chống chỉ định.
  1. Tư vấn bệnh nhân:
  • Luôn tuân thủ chế độ liều.
  • Hướng dẫn rõ ràng về cách dùng colchicin, đặc biệt là liều tối đa của thuốc.
  • Đảm bảo bệnh nhân nhận thức được rằng colchicin không phải thuốc giảm đau thông thường và không nên dùng để giảm đau không phải do nguyên nhân gút.
  • Dặn bệnh nhân thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các thuốc đang dùng và kiểm tra lại thông tin về sử dụng colchicin trước khi kê đơn thêm các thuốc mới.
  • Nhanh chóng báo cho nhân viên y tế nếu gặp triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Cân nhắc giảm liều hoặc ngừng thuốc trong trường hợp này.
  •                                                                                                                                          DS.Huỳnh Thị Thanh Thủy

Nguồn: Dược thư 2018 – Bản tin cảnh giác dược

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group