Thuốc Bezafibrate 200mg, Công dụng và những lưu ý khi sử dụng

27 Tháng Hai, 2023

Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Bezafibrate

Loại thuốc: Thuốc chống rối loạn lipid máu (nhóm fibrate).

Hàm lượng: 200mg

Thuốc Benzafibrat 200 mg điều trị tăng triglyceride máu mức độ nặng có hoặc không có HDL cholesterol thấp – Ảnh minh họa: Nguồn Internet

1. Chỉ định

Bezafibrate được chỉ định phối hợp với chế độ ăn và các biện pháp điều trị không dùng thuốc như tập luyện, giảm cân trong các trường hợp sau:

– Điều trị tăng triglyceride máu mức độ nặng có hoặc không có HDL cholesterol thấp.

– Tăng lipid máu hỗn hợp khi có chống chỉ định hoặc không dung nạp với statin.

2. Liều Dùng và Cách dùng

Cách dùng:

Đường uống, uống nguyên viên với nước trong hoặc ngay sau bữa ăn, phải phối hợp với chế độ ăn hạn chế mỡ.

Liều dùng:

Người lớn

Liều khuyến cáo 1 viên, ngày 3 lần. Ở bệnh nhân nhạy cảm, liều dùng nên tăng chậm trong vòng 5 đến 7 ngày để giúp bệnh nhân tránh gặp các tác dụng phụ trên tiêu hóa.

Trẻ em

Liều dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên chưa được thiết lập.

Bệnh nhân suy thận

Chống chỉ định ở bệnh nhân đang thẩm phân máu. Liều dùng ở bệnh nhân suy thận nên được điều chỉnh dựa theo nồng độ creatinin huyết thanh hoặc độ thanh thải creatinin theo bảng sau:

– Độ thanh thải creatinin: Trên 60 ml/phút; 200mg ngày 3 lần.

– Độ thanh thải creatinin: 40-60 ml/phút; 200mg ngày 2 lần.

– Độ thanh thải creatinin: 15-40 ml/phút; 200mg ngày 1 đến 2 lần.

– Độ thanh thải creatinin: Dưới 15 ml/phút; chống chỉ định.

Bệnh nhân cao tuổi

Điều chỉnh liều dựa trên giá trị độ thanh thải creatinin huyết thanh.

3. Quá liều và cách xử lý

Làm gì khi dùng quá liều

Không có triệu chứng cụ thể của quá liều bezafibarate được biết. Suy thận nặng có hồi phục, tiêu cơ vân đã được ghi nhận khi quá liều.

Cách xử trí:

Không có thuốc giải độc khi quá liều bezafibrate; vì vậy điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ được khuyến cáo trong trường hợp quá liều. Trong trường hợp tiêu cơ vân, phải ngừng sử dụng bezafibrate ngay lập tức và theo dõi chức năng thận cẩn thận.

Làm gì khi quên 1 liều

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác Dụng Phụ

– Thường gặp, ADR > 1/100: Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa; Dinh dưỡng: Giảm cảm giác thèm ăn.

– Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100: Thần kinh: Chóng mặt, đau đầu; Tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn; Mô cơ xương, mô liên kết: Yếu cơ, đau cơ, chuột rút.

Thông báo cho Bác sĩ hoặc Dược sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5. Chống chỉ định

– Quá mẫn với bezafibrate, các thuốc nhóm fibrat khác và bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của thuốc.

– Bệnh nhân suy gan tiến triển (ngoại trừ trường hợp gan nhiễm mỡ có liên quan đền việc tăng triplyceride).

– Bệnh nhân bị bệnh lý về túi mật có hoặc không có kèm theo bệnh sỏi mật.

– Bệnh nhân bị hội chứng thận hư và suy thận nặng (nồng độ creatinin huyết thanh trên 530 µmol/1 và độ thanh thải creatinin dưới 15 ml/phút), bệnh nhân thẩm phân máu.

– Kết hợp với chất ức chế cạnh tranh với men khử HMG-CoA (statin) ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh cơ.

– Bệnh nhân được biết có tiền sử dị ứng với ánh sáng hoặc bị nhiễm độc ánh sáng trong thời gian điều trị vơi nhóm thuốc fibrate.

6. Thận trọng khi sử dụng

– Bezafibrate và các thuốc nhóm fibrate khác có thể gây ra bệnh cơ, biểu hiện là yếu cơ hoặc đau, gia tăng đáng kể creatine kinase (CPK). Nguy cơ tiêu cơ vân có thể tăng lên khi sử dụng liều cao hơn khuyến cáo, thường gặp ở bệnh nhân suy thận, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ…

– Bezafibrate nên được sử dụng thận trọng khi kết hợp với chất ức chế cạnh tranh với men khử HMG-CoA (các statin) sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh cơ. Liệu pháp kết hợp Bezafibrate với nhóm Statin không nên dùng cho bệnh nhân có yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh cơ.

– Bezafibrate có thể làm tăng bài tiết cholesterol vào mật, dẫn tới bệnh sỏi mật.

Khi dùng Bezafibrate kết hợp với các resin gắn với acid mật (như colestyramine) thì nên uống hai liều thuốc cách nhau ít nhất 2 giờ.

Khả năng lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có thể gây ra các tác dụng như chóng mặt, đau đầu. Do đó, bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc nếu gặp phải các tác dụng phụ này khi dùng thuốc.

Thời kỳ mang thai 

Không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ có khả năng sinh sản mà không dùng các biện pháp tránh thai khi chưa đánh giá lợi ích điều trị và nguy cơ xảy ra.

Thời kỳ cho con bú

Chưa rõ về việc bezafibrat bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, không nên dùng cho phụ nữ cho con bú, nếu cần thiết phải dùng thì nên ngưng cho con bú.

7. Tương tác thuốc

Thuốc chống đông đường uống

Bezafibrate làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, khi dùng kết hợp cần giảm nửa liều dùng thuốc chống đông và theo dõi chỉ số INR.

Thuốc trị đái tháo đường

Dùng chung với bezafibrate làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường bao gồm cả insulin.

Các resin gắn acid mật

Sự hấp thu của bezafibrate có thể giảm khi dùng đồng thời với các resin gắn acid mật (như colestyramine, colestipol); do đó nên uống hai liều thuốc cách nhau ít nhất 2 giờ.

Cyclosporin

Sự suy giảm chức năng thận thuận nghịch đã được ghi nhận (kèm theo sự gia tăng tương ứng nồng độ creatinine trong huyết thanh) ở những bệnh nhân ghép tạng được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch kết hợp bezafibrate. Cần ngưng điều trị nếu các chỉ số xét nghiệm thay đổi nghiêm trọng.

Thuốc ức chế MAO (Monoamine oxidase)

Chống chỉ định dùng với bezafibrate do nguy cơ gây độc tính trên gan.

Chất ức chế canh tranh với men khử HMG – CoA

Sự kết hợp bezafibrate và thuốc ức chế cạnh tranh với men khử HMG – CoA có thể dẫn tới nguy cơ ngộ độc cơ.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Hoàng Thị Thùy Dung

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group