Hướng dẫn sử dụng thuốc Tenafotin 2000

17 Tháng Năm, 2023
Biệt dược : Tenafotin 2000
Hoạt chất chính : Cefoxitin sodium
Hàm lượng : 2000mg
Dạng bào chế : thuốc bột pha tiêm
Ảnh minh họa : Nguồn Internet

 

1. Dược lực

Cefoxitin là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 2, hoạt động theo cơ chế ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, được sử dụng trong điều trị những tình trạng nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, Cefoxitin cũng có thể được sử dụng trước và trong quá trình phẫu thuật nhằm giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Thuốc có phổ tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm nhưng mạnh hơn với những vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là bacteroides fragilis. Cefoxitin bền với nhiều loại beta-lactamase kể cả bacteroides spp, tuy nhiên đã xuất hiện đề kháng ở B.fragilis và có thể xảy ra đề kháng chéo với những kháng sinh khác.

2. Chỉ định
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên dưới (như áp xe phổi, viêm phổi,… )
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng ổ bụng như: áp xe ổ bụng, viêm phúc mạc
  • Nhiễm trùng phụ khoa: viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu
  • Nhiễm trùng máu
  • Nhiễm trùng xương khớp
  • Nhiễm khuẩn ở da và cấu trúc của da
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trước và sau phẩu thuật ở bệnh nhân mổ lấy thai, phẩu thuật cắt bỏ tử cung vùng âm đạo, cắt bỏ tử cung vùng bụng, phẩu thuật tiêu hóa
3. Chống chỉ định
  • Quá mẫn cảm với nhóm kháng sinh cephalosporin và các kháng sinh beta-lactam khác
4. Cách dùng-Liều dùng

Là thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, vì vậy thuốc cần được pha với một dung dịch pha tiêm và đưa vào cơ thể bằng cách tiêm thuốc sâu vào trong lớp cơ, hoặc tiêm, truyền thuốc vào tĩnh mạch.

Lưu ý
  • Dị ứng với Cefoxitin, với các thành phần còn lại của thuốc hoặc các kháng sinh khác thuộc nhóm Beta-lactam.
  • Tiền sử từng dị ứng với Penicillin, bệnh thận, bệnh gan, rối loạn dạ dày-ruột, tiểu đường, suy tim sung huyết, ung thư, vừa trải qua phẫu thuật hoặc cấp cứu, suy dinh dưỡng.
  • Đang mang thai hoặc cho con bú.

Lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc :

  • Đảm bảo quá trình pha thuốc được thực hiện trong điều kiện vô trùng để tránh nhiễm bẩn thuốc tiêm và đầu tiêm.
  • Quan sát dung dịch tiêm kiểm tra xem thuốc có bị cặn, có phần tử lạ, hay bị đổi màu không, nếu có hãy loại bỏ lọ thuốc đó và xử lý thuốc đúng quy cách.
  • Thuốc chỉ sử dụng một lần, phần thuốc thừa sau khi sử dụng phải được bỏ đi.
  • Dùng thuốc vào những khoảng thời gian bằng nhau để nồng độ kháng sinh luôn được đảm bảo.
  • Sử dụng cho đến khi đủ thời gian đã được chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng đã nhanh chóng cải thiện. Việc bỏ liều có thể dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc và tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Thông báo với bác sĩ nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng hơn.
  • Dung dịch đã pha phải được sử dụng trong 6 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 7 ngày trong tủ lạnh ở nhiệt độ thấp hơn 5 độ C. Cẩn thận làm theo tất cả các hướng dẫn pha chế và bảo quản đối với Cefoxitin 2g.
  • Bảo quản thuốc chưa pha ở nhiệt độ phòng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Cách pha thuốc
  • Tiêm bắp sâu: mỗi lọ Cefoxitin 2g sẽ được hòa vào 4ml nước cất pha tiêm, lắc đều cho tan bột thuốc. Sau đó, thuốc được rút vào bơm và tiêm vào những vị trí có khối cơ lớn như ở mông, đùi, tránh tiêm thuốc vào mạch máu.
  • Tiêm tĩnh mạch chậm: mỗi lọ Cefoxitin 2g được hòa tan với 10ml hoặc 20ml nước cất pha tiêm. Sau đó cũng lắc đều cho tan bột thuốc và rút thuốc vào bơm, người tiêm lựa các tĩnh mạch to ở ngoại biên và đưa thuốc theo đường tĩnh mạch trong 3 đến 5 phút.
  • Truyền tĩnh mạch: đầu tiên bơm 10ml nước cất pha tiêm vào lọ Cefoxitin 2g, sau đó lắc đều cho bột tan ra. Tiếp tục pha loãng dung dịch này trong 50ml đến 1000ml dung môi như: dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch dextrose 5% hoặc 10%, dung dịch dextrose 5% và natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer Lactat.

Với phương pháp tiêm truyền không liên tục, cần chú ý tạm thời ngưng truyền các dung dịch khác trong quá trình truyền dung dịch cefoxitin.

Liều dùng

Người lớn :

  • Nhiễm trùng chưa có biến chứng: mỗi 6-8 giờ tiêm hoặc truyền tĩnh mạch 1g thuốc.
  • Nhiễm trùng đường niệu chưa có biến chứng: tiêm hoặc truyền tĩnh mạch 1g thuốc mỗi 6 – 8 giờ hoặc tiêm bắp 1g thuốc, ngày 2 lần.
  • Nhiễm trùng từ vừa đến nặng: mỗi 4 giờ tiêm hoặc truyền tĩnh mạch 1g thuốc; hoặc tiêm, truyền tĩnh mạch 2 g thuốc mỗi 6 – 8 giờ.
  • Lậu chưa có biến chứng tiêm bắp 2 g/ngày một liều duy nhất kết hợp với uống 1 g probenecid cũng lúc hoặc trước đó 1 giờ.
  • Khi cần sử dụng liều cao để điều trị nhiễm trùng có thể sử dụng 2 gam tiêm hoặc truyền tĩnh mạch mỗi 4 giờ; hoặc 3 gam tiêm, truyền tĩnh mạch, mỗi 6 giờ, ngày 12 gam.

Trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên :

  • Liều khuyến cáo sử dụng là 20 đến 40 mg thuốc cho mỗi kg cân nặng, cách nhau từ 6-8 giờ. Trường hợp nặng liềucó thể lên đến 200 mg/kg/ngày. Tuy nhiên tổng liều không được vượt quá 12g/ngày.

Dự phòng nhiễm trùng ở người lớn :

  • Dùng liều 2 g trước khi phẫu thuật từ 30 phút đến 1 giờ, sau đó cứ dùng 2g thuốc mỗi 6h kể từ liều đầu tiên không quá 24 giờ.

Dự phòng nhiễm trùng ở trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên :

  • Tiêm tĩnh mạch 30-40 mg thuốc/kg trước khi phẫu thuật, sau đó dùng 30-40 mg/kg mỗi 6 giờ kể từ liều đầu tiên không quá 24 giờ.

Người mổ lấy thai : 

  • Tiêm tĩnh mạch một liều đơn Cefoxitin 2 ngay sau khi kẹp rốn.
5. Tác dụng phụ
  • Phản ứng dị ứng: sưng mặt, cổ họng, khó thở, phát ban
  • Phản ứng da nghiêm trọng: sốt, đau họng, bỏng rát trong mắt, phát ban da đỏ hoặc tím, có thể kèm phồng rộp và bong tróc.

Gọi cho bác sĩ nếu có :

  • Đau dạ dày nặng, tiêu chảy ra có máu;
  • Tiểu ít hoặc bí tiểu
  • Vàng da hoặc vàng mắt
  • Cơn động kinh
  • Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
  • Da xanh xao, dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường, chân tay lạnh.

Tác dụng phụ thường gặp :

  • Đau, sưng, bầm tím hoặc kích ứng khác ở vị trí tiêm
  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Ngứa, phát ban.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị      

 Dược sĩ 

Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn : Tờ Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, drugbank.vn)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group