Thuốc Eperison: Thuốc giãn cơ và những lưu ý khi sử dụng
Eperisone là thuốc được chỉ định để cải thiện các triệu chứng tăng trương lực cơ nhờ cắt đứt các vòng xoắn bệnh lý của sự co thắt cơ vân.… Vậy thuốc Eperison được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc thông qua bài viết sau.
Eperisone có tác dụng như thế nào?
Do tác động lên hệ thần kinh trung ương và cơ trơn mạch máu, thuốc Eperison có tác dụng:
– Làm giảm các phản xạ tủy và gây giãn cơ vân, cải thiện các triệu chứng liên quan chứng tăng trương lực cơ như sự co cứng của vai, đau đốt sống cổ, sự co cơ kiểu nhức đầu, hoa mắt, đau thắt lưng và sự co cứng các đầu chi-có thể đi kèm với bệnh lý não tủy, hội chứng đốt sống cổ, viêm quanh khớp vai và thắt lưng.
– Giãn mạch, làm tăng tuần hoàn.
– Eperison cắt đứt vòng bệnh lý bao gồm: Co cơ gây rối loạn tuần hoàn máu, sau đó gây đau và làm tăng thêm trương lực cơ.
Chỉ định
– Cải thiện các triệu chứng tăng trương lực cơ liên quan đến những bệnh sau: hội chứng đốt sống cổ, viêm quanh khớp vai và thắt lưng.
– Liệt cứng liên quan đến những bệnh sau: bệnh mạch máu não, liệt cứng do tủy, thoái hóa đốt sống cổ, di chứng sau phẫu thuật (bao gồm cả u não tủy), di chứng sau chấn thương (chấn thương tủy, tổn thương đầu), xơ cứng cột bên teo cơ, bại não, thoái hóa tủy, bệnh mạch máu tủy và các bệnh lý não tủy khác.
Liều lượng – cách dùng
– Thông thường đối với người lớn, uống 3 viên/ngày, chia làm 3 lần sau mỗi bữa ăn. –
– Liều lượng nên được điều chỉnh theo tuổi của bệnh nhân và mức độ trầm trọng của triệu chứng.
- Sử dụng cho người lớn tuổi: do người lớn tuổi thường có chức năng sinh lý giảm nên cần được theo dõi thận trọng và có các biện pháp như giảm liều.
- Sử dụng cho trẻ em: độ an toàn cho trẻ em chưa được thiết lập ( không đủ thử nghiệm lâm sàng).
Chống chỉ định
Mẫn cảm với Eperison hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
- Thời kỳ mang thai: Độ an toàn của eperison trong thai kỳ chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai khi lợi ích của việc điều trị hơn nguy cơ có thể xảy ra.
- Thời kỳ cho con bú: Eperison không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu cần phải dùng thuốc, người mẹ phải ngưng cho con bú.
Tác dụng phụ không mong muốn
Quá mẫn: Phát ban, ngứa, phù, khó thở,…
Rối loạn da nghiêm trọng: Sốt, ban đỏ, da có mụn nước, tróc da, bọng nước hoặc có thể chảy máu nặng ở môi, mắt, mũi…
Các tác dụng không mong muốn khác như:
– Gan: Tăng men gan.
– Thận: Xuất hiện protein niệu…
– Huyết học: thiếu máu, số lượng hồng cầu hay trị số hemoglobin bất thường.
– Tâm thần kinh: mất ngủ, nhức đầu, buồn ngủ, co cứng, tê cứng, run đầu chi.
– Tiêu hoá: buồn nôn, nôn, chán ăn, khô miệng, táo bón, tiêu chảy, đau bụng.
– Tiết niệu: Bí tiểu, tiểu không tự chủ, cảm giác tiểu không hết,…
– Toàn thân: Mệt mỏi, choáng váng, giảm trương lực cơ, chóng mặt.
– Khác: nóng bừng, đổ mồ hôi, đánh trống ngực.
Ngừng thuốc khi có dấu hiệu bất thường và xin thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc eperison. Nên theo dõi chức năng gan, thận và làm các xét nghiệm huyết học.
Tương tác với thuốc Eperisone
Đã có xảy ra tình trạng rối loạn điều tiết mắt sau khi dùng đồng thời tolperison (thuốc có cấu trúc tương tự Eperison) với methocarbamol. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang sử dụng methocarbamol.
Thông báo cho bác sĩ những thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin, thuốc dược liệu…) và thực phẩm mà bạn đang sử dụng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ.
Thận trọng khi dùng thuốc
Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan.
Yếu sức, chóng mặt hay buồn ngủ có thể xảy ra khi dùng thuốc. Ngưng dùng hay giảm liều khi có dấu hiệu đầu tiên của các triệu chứng đó. Bệnh nhân dùng thuốc không nên lái xe hay điều khiển máy móc.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
Dược sĩ
Huỳnh Thị Thanh Thủy
(Nguồn: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất)