Cảnh báo tỉ lệ thai phụ khám định kỳ sụt giảm do kinh tế khó khăn
Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động vì thiếu đơn hàng, không ít cơ sở kinh doanh đóng cửa… đã ảnh hưởng đến nhiều thai phụ. Có người bị sốc sau khi đi khám và biết mình mang thai vì không đủ tiền để chăm sóc sức khỏe, nuôi con.
Hoãn làm xét nghiệm vì chưa có lương
Tại phòng khám sản của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chị N.T.D. – 34 tuổi, cư trú tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức – mặt buồn thiu. 1 tuần nay, chị thấy trong người không khỏe, hay bị chóng mặt và mắc ói. Ban đầu, chị tưởng mình quá căng thẳng vì bị nhà máy tinh giản biên chế, khi tới bệnh viện kiểm tra mới biết đã mang thai 16 tuần.
Vợ chồng chị đều là công nhân và cả 2 cùng mất việc. Chồng chị phải chạy xe ôm để có thu nhập. 2 con đang độ tuổi tiểu học. Đứa con thứ ba xuất hiện lúc này có vẻ như không phù hợp hoàn cảnh. Hiện tại, chị chưa biết trông vào đâu để có tiền chăm sóc thai kỳ chứ chưa nói tới chuyện sau này nuôi con. Cầm kết quả siêu âm trong tay, chị mếu máo với bác sĩ rằng muốn bỏ thai.
Thấy tinh thần thai phụ không tốt, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hương Lan – Phó khoa Sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh – đã động viên, rằng thai đang rất ổn, nhịp tim tốt, và đã có hình hài. Bác sĩ còn nói chị cứ đi làm các xét nghiệm tầm soát thai kỳ, bác sĩ sẽ hỗ trợ chi phí. Lúc này, phản ứng đòi bỏ thai của chị D. không còn quyết liệt và chị đã chịu khám thai theo lời khuyên của bác sĩ.
Khi bệnh nhân ra về, tâm trạng của bác sĩ Nguyễn Hương Lan trĩu nặng. Cũng là phụ nữ, chị hoàn toàn thấu hiểu rằng chi phí khám và tầm soát thai kỳ chỉ là một phần rất nhỏ trong nỗi khó khăn của chị D. Muốn mang thai rồi sinh con, nuôi dưỡng một đứa trẻ trong hoàn cảnh công việc bấp bênh thì người mẹ ấy sẽ còn phải đối diện với rất nhiều nỗi lo toan.
Chị D. không phải trường hợp cá biệt. Ngày 19/6, chị N.K.A. – mang thai 20 tuần tuổi – tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám thai. Khi bác sĩ chỉ định siêu âm tầm soát dị tật thai nhi thì chị đã bật khóc vì không có đủ tiền. Chị xin bác sĩ để chậm lại vài tuần, hôm nay, chỉ cần biết em bé vẫn đang khỏe là được. Khi bác sĩ thăm hỏi hoàn cảnh, chị A. tâm sự đã 3 tháng nay chưa nhận được lương. Doanh nghiệp nơi chị làm việc hứa cuối tháng sẽ trả nên bây giờ chị không có tiền để làm siêu âm hay xét nghiệm.
Không chỉ Khoa Sản của Bệnh viện Lê Văn Thịnh ghi nhận nhiều thai phụ gặp khó khăn do thu nhập bị mất hoặc sụt giảm. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Trưởng khoa Phụ sản cơ sở 2 Bệnh viện Đại học y dược TPHCM – cho biết ông cũng cảm nhận rõ sự lo lắng của các thai phụ đến khám ở đây. Có thai phụ khám thai định kỳ từ đầu và đã có kế hoạch sẽ sinh em bé tại bệnh viện thì nay, gần tới ngày lâm bồn họ lại xin chuyển về quê. Chị thật lòng chia sẻ do thu nhập của vợ chồng không tốt, chồng chỉ nhận được 70% lương nên quyết định chuyển về quê sinh con để giảm chi phí.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung ghi nhận cứ 10 người vào khám thai thì 3 người quay lưng bỏ về luôn sau khi được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm tầm soát thai kỳ. Đa phần những phụ nữ này làm nội trợ, lao động tự do, làm công việc tay chân, người lao động mới bị mất việc hoặc bị giảm lương…
Nên chỉ định kỹ thuật y khoa phù hợp với hoàn cảnh của thai phụ
Cả Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đều thống kê thấy số người đi khám thai sụt giảm hẳn so với những năm trước dịch COVID-19. Chẳng hạn, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung ước tính hiện mỗi ngày Khoa Phụ sản cơ sở 2 Bệnh viện Đại học y dược TPHCM tiếp nhận khoảng 120 thai phụ, chỉ bằng 70% so với bình thường. Trong số các thai phụ tới tầm soát sức khỏe thai kỳ thì những người có tâm lý lo lắng về tài chính chiếm khoảng 30%. Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hương Lan cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám khoảng 70 thai phụ, sụt giảm 30% so với bình thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, dưới góc độ người làm chuyên môn, các bác sĩ có thể đồng cảm, chia sẻ trước sự khó khăn của các thai phụ khi ra các chỉ định y khoa. Ông cho rằng, các kỹ thuật tầm soát tốt nhất nhưng chưa chắc đã hợp lý nhất với những phụ nữ đang gặp khó khăn về tài chính. Khi ra chỉ định, bác sĩ hãy dành thêm thời gian hỏi han, tư vấn cho thai phụ, đưa ra nhiều phương án cho họ lựa chọn, miễn sao vẫn đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe thai kỳ cơ bản.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung lấy ví dụ có 2 loại xét nghiệm tầm soát bệnh Down ở thai nhi. Xét nghiệm double test được chỉ định ở tất cả thai phụ có thai trong quý đầu (giữa tuần thứ 9 đến hết tuần thứ 13) của thai kỳ, cho phép phát hiện khoảng 95% thai kỳ mắc hội chứng Down, chi phí dao động từ 500.000-600.000 đồng. Còn xét nghiệm NIPT – xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn cho độ chính xác cao gần như tuyệt đối nhưng chi phí cao gấp từ 5 lần so với double test.
Tiếp đến, với các thai phụ tài chính khó khăn, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho rằng chỉ cần siêu âm 4 lần trong suốt quá trình mang thai. Lần siêu âm thứ nhất là từ tuần thai thứ 11-13 (đo độ mờ da gáy thai nhi). Lần siêu âm thứ hai từ tuần thai thứ 20-23 (siêu âm 4D để tầm soát các dị tật). Lần siêu âm thứ ba là vào lúc thai 32 tuần, lần cuối siêu âm trước ngày dự sinh 1 tháng.
Bác sĩ cân nhắc và ra chỉ định hợp lý với hoàn cảnh của thai phụ sẽ góp phần giúp cho những phụ nữ này theo hết được quá trình tầm soát và chăm sóc thai kỳ. Nếu chi phí thăm khám, tầm soát trong thai kỳ vượt quá khả năng thì họ sẽ bỏ dở giữa chừng. Như vậy, mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ không đạt được. Mẹ không được tư vấn và khám thai đầy đủ sẽ không phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn, gây nguy cơ cao khi sinh nở như băng huyết sau sinh, tiền sản giật… Đó còn chưa kể chi phí cho một em bé bị dị tật còn cao hơn rất nhiều lần so với chi phí khám thai, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Hương Lan hy vọng rằng sẽ có những chính sách hỗ trợ xã hội kịp thời cho phụ nữ mang thai đang gặp nhiều khó khăn lúc này.
Thực hiện: Thanh Huyền
Nguồn: phunuonline.com.vn