Khi hai nhân viên y tế yêu nhau: Đang hẹn hò cũng phải về viện trực ngay lập tức
29 Tháng Sáu, 2023
Tình cảnh “dở khóc, dở cười” trên là chuyện bình thường của nhân viên y tế khi đã chọn làm việc ở Khoa Cấp cứu. Nếu không đồng cảm, họ khó có thể nên vợ nên chồng.
Vừa gọi ly nước đã phải chạy về bệnh viện
Điều dưỡng Hoàng Thị Tuấn Tình, Điều dưỡng trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Tôi đã trải qua 4 năm “thanh xuân” ở khoa Cấp cứu, ai cũng ngạc nhiên với sự lựa chọn này vì đây được xem là “nơi đầu sóng ngọn gió” của mọi bệnh viện. Thời điểm đó, thanh niên, trẻ khỏe, chưa lập gia đình, không có gì ngoài sự máu lửa nên tôi rất hào hứng. Cũng chính thời gian làm việc ở đây đã giúp tôi quen được “một nửa” của cuộc đời mình. Tình yêu của của hai người đồng nghiệp cùng làm việc tại Khoa Cấp cứu cũng lắm tình huống “dở khóc, dở cười”.
Thời mới hẹn hò, là nhân viên cấp cứu nên chúng tôi không bao giờ được tắt điện thoại. Nếu đi chơi cũng chỉ dám quẩn quanh gần viện vì sợ có việc đột xuất. Hôm ấy, tranh thủ ngày nghỉ sau ca trực đêm, chúng tôi đi uống nước. Chưa kịp tâm sự, nước vừa được mang ra thì tôi lại nhận tin nhắn yêu cầu có mặt tại khoa ngay lập tức.
Bỏ lại ly nước, chúng tôi chạy vội về bệnh viện, thay đồ và vào ca trực. Nguyên nhân là người nhà bệnh nhân mâu thuẫn với nhân viên Khoa Cấp cứu, vì thế phải thay toàn bộ kíp trực mới để đảm bảo an toàn.
Rồi một hôm khác, bệnh nhân cấp cứu đông quá nên chúng tôi cũng lại phải bỏ dở ly nước để về phụ mọi người. Chuyện hẹn hò vất vả lắm. Nếu không cùng ngành nghề, chắc không anh nào chấp nhận người yêu tự dưng đi làm lúc đang hẹn hò đâu.
Hẹn hò được 2 năm thì chúng tôi lập gia đình. Thu nhập không cao nhưng sống đủ, hai vợ chồng vẫn trực đêm 3 buổi một tuần. Tất cả thay đổi khi tôi sinh con đầu lòng.
Năm thứ 4 tôi làm điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, theo quy định, khi con tròn 1 tuổi, nhân viên y tế nữ phải trực đêm trở lại. Ngày đầu tiên trở lại vị trí quen thuộc cũng là ngày sinh nhật của đầu tiên con trai. Buổi trưa, tôi tranh thủ nấu nướng bày biện và tổ chức cho bé.
Đến 21h, tôi xách túi vào viện. Bước chân đi tôi buồn rười rượi. Tôi bắt buộc phải cai sữa, uống thuốc cho tiêu sữa và khỏi căng tức. Công việc không thể khác được. Trở về nhà vào sáng hôm sau, tôi đi chợ, nấu nướng, ôm ấp con vào lòng. Khi thấy mọi thứ đã ổn, tôi mới yên tâm chợp mắt sau đêm trực mệt nhoài.
Thu nhập không cao, áp lực lớn, nhưng đổi lại chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm từ đồng nghiệp. Thời điểm tôi bị động thai, Khoa Cấp cứu đã cho nghỉ không lương 1 tháng rồi sắp xếp công việc hành chính. Đến khi con được một tuổi, không thể trực đêm mãi, tôi quyết định chuyển khoa để chăm lo cho gia đình tốt hơn.
Sau 4 năm gắn bó, tôi chuyển sang Khoa Tâm lý lâm sàng. Kinh nghiệm quý giá ở Khoa Cấp cứu đã giúp tôi rất nhiều. Ngay cả việc chăm con, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm từ nghề.
Ở cùng thành phố, 6 tháng không thể gặp nhau
Điều dưỡng Phạm Văn Tưởng, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu
Tôi vào làm việc tại Khoa Cấp cứu sớm hơn 2 tuần so với cô ấy. Với điều dưỡng nữ làm cấp cứu, vất vả nhất là khi gặp các bệnh nhân say rượu, kích động, hay cần súc rửa dạ dày. Nhân sự thiếu, mỗi kíp trực chỉ có 3 người nhưng chưa khi nào Tình “tận dụng” sự thân quen để nhờ tôi gánh việc.
Đồng hành cùng nhau trong những năm đầu tiên làm nghề, cho đến khi dịch Covid-19 ập đến, chúng tôi lại cùng nhau ra tuyến đầu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi xa vợ con đến nửa năm trời dù cả gia đình vẫn ở chung một thành phố. Tôi vào bệnh viện dã chiến, còn Tình đi lấy mẫu cộng đồng. Hai con trai được dì đang là sinh viên đại học chăm sóc.
Thời điểm đó, phải đến cuối tuần, khi có kết quả xét nghiệm âm tính, Tình mới dám về thăm con một ngày. Liên tiếp những ngày sau đó là chuỗi ngày đi lấy mẫu đến tận 2-3h sáng. Buổi tối, vợ chồng chỉ kịp tranh thủ gọi điện để biết nhau vẫn ổn là ngủ thiếp đi. Khi thành phố bình an trở lại, hai vợ chồng ngồi bên nhau rồi chúng tôi tự hỏi sao gia đình mình có thể vượt qua được những tháng ngày như vậy.
Chị Tình vẫn nhớ như in những ngày hai vợ chồng phải xa hai con nhỏ, ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NVCC.
Trong 11 năm làm việc ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thì có đến 10 năm tôi không đón Tết cùng gia đình. Đôi khi cũng tâm tư vì khi cả nhà quây quần đông đủ, tôi ít khi góp mặt. Hai đứa trẻ, có lẽ vì là con của nhân viên y tế nên đã sớm hiểu chuyện dù đôi khi vẫn băn khoăn khi “bố vắng nhà”. Hơn hết, có vợ làm cùng nghề, sự thông cảm dành cho nhau nhiều hơn. Đó là động lực giúp tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.
Nguồn: vietnamnet.vn