Thuốc Atelec_Những lưu ý khi sử dụng
Tên chung quốc tế: Cilnidipine
Mã ATC: C08CA14
Loại thuốc: Thuốc điều trị tăng huyết áp. Thuốc chẹn kênh calci.
Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén bao phim 10mg
I/Dược lý
1.Dược lực học
Cilnidipine là một thuốc chẹn kênh calci thế hệ thứ 4, có hoạt tính ngăn chặn cả kênh calci type N và L.
Cilnidipine gắn vào kênh calci type L có nhiều trên màng tế bào cơ trơn thành động mạch và cách ngăn cản dòng calci đi vào tế bào, dẫn đến tác dụng giãn mạch và hạ huyết áp.
Cilnidipine cũng hoạt động trên kênh calci loại N nằm ở cuối dây thần kinh giảo cảm, ức chế sự phóng thích norepinephrine, ngăn chặn sự gia tăng huyết áp do stress.
Cilinidipine không làm tăng hoạt tính giao cảm hoặc tăng nhịp tim phản xạ khi bị hạ huyết áp, thuốc ức chế đáp ứng tăng huyết áp gây ra do stress mà không ảnh hưởng tới lưu lượng máu não, không ảnh hưởng nhịp tim, cải thiện tỷ lệ tim – ngực (CTR), không ảnh hưởng đến chức năng thận, làm giảm chỉ số xơ vữa động mạch và lipid peroxide trong huyết thanh.
Cilinidipine được cho là hữu ích với bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân bị đái tháo đường và albumin niệu, bệnh thận mãn tính.
2.Dược động học
Hấp thu
Cinidipine hấp thu rất nhanh với nồng độ tối đa đạt được sau 2 giờ.
Phân bố
Sự phân bố của cilnidipine có xu hướng cao hơn ở gan, thận huyết tương và các mô khác. Cilnidipine không tích tụ nhiều trong mô sau khi dùng nhiều lần. Sinh khả dụng thấp, khoảng 13% do khả năng hòa tan trong nước thấp và tính thấm cao. Cilnidipine có thể tích phân bố lớn. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương rất cao, gần 98%.
Chuyển hóa
Cinidipine được chuyển hóa qua cả gan và thận. Thuốc được chuyển hóa nhanh chóng bởi các microsome gan bằng quá trình dehydro hóa. Enzyme chính tham gia vào quá trình dehydro hóa cilnidipine của vòng dihydropyridine là CYP3A.
Thải trừ
Cilnidipine được thải trừ qua nước tiểu (20%) và qua phân (80%).
II/Chỉ định
Điều trị tăng huyết áp.
III/Chống chỉ định
- Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với cilnidipine.
- Phụ nữ có thai hoặc có khả năng mang thai.
IV/Liều lượng và cách dùng
Người lớn:
Uống 1 lần/ngày sau bữa ăn sáng.
- Liều dùng 5 – 10 mg/lần/ngày. Chỉnh liều theo tuổi và triệu chứng của bệnh nhân. Có thể tăng liều lên 20 mg/lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ.
- Người bị tăng huyết áp nặng: dùng liều 10 – 20 mg/lần/ngày.
Quá liều và xử trí quá liều
Quá liều và độc tính
Quá liều cilnidipine có thể gây hạ huyết áp quá mức.
Cách xử lý khi quá liều
Bệnh nhân cần được nâng cao chi dưới, truyền dịch và dùng các thuốc tăng huyết áp.
Thận trọng khi sử dụng cilnidipine cho các đối tượng sau
- Bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan nặng vì nồng độ thuốc trong huyết tương có thể tăng lên.
- Người có tiền sử phản ứng nghiêm trọng với thuốc chẹn kênh calci.
Khi giảm liều cần theo dõi chặt chẽ. Việc ngừng đột ngột thuốc chẹn kênh calci có thể làm nặng thêm một số triệu chứng. Nếu ngừng cilnidipine từ liều 5mg / ngày nên tiến hành các biện pháp thích hợp như thay thế bằng các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.
Người cao tuổi: Theo dõi chặt chẽ tình trạng của bệnh nhân và nên dùng với liều khởi đầu thấp hơn (ví dụ 5 mg) để tránh tác dụng hạ huyết áp quá mức ở người cao tuổi.
Trẻ em: Chưa có kinh nghiệm lâm sàng sử dụng cilnidipine ở trẻ em nên chưa xác định được độ an toàn.
Thai kỳ
Thời kỳ mang thai
Không sử dụng cilnidipine cho phụ nữ có thai.
Thời kỳ cho con bú
Không sử dụng cilnidipine cho phụ nữ cho con bú.
V/Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp: Chưa có dữ liệu
Ít gặp: Tăng AST (GOT), ALT (GPT), LDH, tăng creatinin hoặc BUN, protein niệu dương tính. Nhức đầu, chóng mặt, chóng mặt khi đứng lên, cứng cơ vai. Đỏ bừng mặt, đánh trống ngực, cảm giác nóng, điện tâm đồ bất thường, hạ huyết áp. Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng. Phát ban. Tăng hoặc giảm bạch cầu, bạch cầu trung tính và hemoglobin. Phù mặt và chi dưới, khó chịu toàn thân, tiểu rắt, tăng cholesterol huyết thanh, tăng hoặc giảm CK (CPK), acid uric, kali và phospho huyết thanh.
Hiếm gặp: Có cặn lắng đọng trong nước tiểu. Buồn ngủ, mất ngủ, run ngón tay, hay quên. Đau ngực, tỷ lệ tim – ngực tăng, nhịp tim nhanh, block nhĩ thất, cảm giác lạnh. Táo bón, chướng bụng, khát nước, phì đại nướu, ợ nóng, tiêu chảy. Da đỏ và ngứa. Răng hoặc giảm hồng cầu (RBC), hematocrit, bạch cầu ưa acid và tế bào lympho. Cảm giác yếu, co cứng cơ sinh đôi cẳng chân, khô quanh mắt, sung huyết mắt và cảm giác kích ứng, rối loạn vị giác, glucose niệu dương tính, tăng hoặc giảm đường huyết đói, protein toàn phần, calci và CRP huyết thanh, ho, giảm tiểu cầu.
Không xác định tần suất: Tê. Ngoại tâm thu. Nhạy cảm với ánh sáng. Rối loạn chức năng gan.
VI/Tương tác thuốc
1.Tương tác với các thuốc khác
- Sử dụng đồng thời cinidipine với thuốc điều trị tăng huyết áp khác có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.
- Cildinipine làm tăng nồng độ digoxin trong huyết tương.
- Cimetidine làm tăng nồng độ huyết thanh của cilnidipine do cimetidine làm giảm lưu lượng máu qua gan và ức chế enzyme CYP3A4 dẫn đến ngăn cản chuyển hóa của cilnidipine do enzyme ở microsom gan.
- Rifampicin làm giảm tác dụng của cilndipine do enzyme chuyển hóa thuốc ở gan (cytochrom P-450) được cảm ứng bở rifampicin, thúc đẩy sự chuyển hóa các thuốc này.
- Nhóm azol kháng nấm như itraconazol, miconazol làm tăng nồng độ của cilnidipine trong huyết tương do nhóm azol kháng nấm ức chế enzyme chuyển hóa cilnidipine là CYP3A4.
2.Tương tác với thực phẩm
Tránh dùng nước bưởi chùm khi đang sử dụng cilnidipine vì làm tăng nồng độ cilnidipine trong huyết tương.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị
Dược sĩ
Đinh Khắc Thành Đô
(Nguồn: Drugbank.vn, Tờ HDSD của nhà sản xuất)