Thuốc Cefotaxime là gì?

29 Tháng Sáu, 2023
Thuốc Cefotaxime là thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, thuộc nhóm thuốc kháng nấm, kháng virus, chống nhiễm khuẩn, điều trị ký sinh trùng với phổ kháng khuẩn rộng.
Thành phần:
Hoạt chất: Cefotaxim natri tương ứng với 1g Cefotaxim.
Tá dược:Không có.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Chỉ định:

Điều trị các nhiễm khuẩn nặng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Cefotaxim như:

– Nhiễm khuẩn đường hô hấp và tai-mũi-họng.

– Các nhiễm khuẩn ở thận và đường tiết niệu- sinh dục(gồm cả bệnh lậu).

– Các nhiễm khuẩn ờ xương khớp,da và mô mềm.Các nhiễm khuẩn ở ổ bụng.

– Nhiễm khuẩn huyết,viêm màng não và viêm màng trong tim nhiễm khuẩn.

– Phòng ngừa nhiễm khuẩn trước khi phẩu thuật nhất là khi có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Chống chỉ định:

Với những bệnh nhân mẫn cảm với Cephalosporin..

Liều dùng và cách dùng:

Thuốc Cefotaxime chỉ dùng theo đơn bác sĩ.

Cefotaxime được bác sĩ chỉ định tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Đối với tiêm tĩnh mạch, để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng thì tiêm thuốc từ từ trong tối thiểu 3 – 5 phút.

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi liều khuyến cáo là 1 – 2g mỗi ngày / 2lần.

– Bệnh lậu: Tiêm bắp 1 liều duy nhất 1g.

– Lậu lan tỏa: Tiêm tĩnh mạch 1g mỗi 8 giờ và tiếp tục dùng trong 1 – 2 ngày khi bệnh cải thiện. Sau đó chuyển sang điều trị bằng Cefotaxime uống trong tối thiểu 1 tuần.

– Nhiễm khuẩn không biến chứng: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g mỗi 12 giờ.

– Nhiễm khuẩn vừa đến nặng: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 – 2g mỗi 8 giờ.

– Nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng: Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ. Liều tiêm tối đa là 12g/ngày.

– Nhiễm khuẩn huyết: Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 6 – 8 giờ.

– Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương,viêm màng não: Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 6 giờ. Thời gian điều trị bằng Cefotaxime tùy thuộc chủng vi khuẩn, 1 tuần đối với viêm màng não không biến chứng và từ 2 – 3 tuần đối với viêm màng não có biến chứng.

– Nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi trong cộng đồng: Liều 1g mỗi 6 – 8 giờ.

– Nhiễm khuẩn mủ xanh đường hô hấp: Liều 6g mỗi ngày.

– Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: 1 liều duy nhất 1 – 2g từ 30 – 60 phút trước khi phẫu thuật.

– Dự phòng nhiễm khuẩn trong sinh mổ: Tiêm tĩnh mạch Cefotaxime 1g sau kẹp rốn, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sau 6 và 12 giờ tiếp theo.

– Trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi: Tiêm tĩnh mạch 50mg/kg/lần, 12 giờ/lần.

– Trẻ sơ sinh từ 1 – 4 tuần tuổi: Tiêm tĩnh mạch 50mg/kg/lần, 8 giờ/lần.

– Trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi đến dưới 12 tuổi, cân nặng dưới 50kg: 50-100mg/kg/ngày, chia dùng 2 – 4 lần. Nếu bị nhiễm khuẩn nặng có thể áp dụng liều cao hơn như điều trị viêm màng não và trường hợp cần thiết có thể lên đến 200mg/kg và 150mg/kg ở trẻ sơ sinh.

– Trẻ có cân nặng trên 50kg: Dùng Cefotaxime với liều như người lớn nhưng tối đa là 12g/ngày

– Người bị suy thận nặng có độ thanh thải creatinin thấp hơn 10 ml/phút: Giảm một nửa liều sau liều tấn công ban đầu trong khi vẫn giữ số lần tiêm thuốc trong ngày, tối đa 2g/ngày.

– Người bị suy gan: Không cần điều chỉnh liều, điều chỉnh trong trường hợp nếu có suy thận kèm theo.

Điều trị với Cefotaxime quá liều nếu thấy có triệu chứng tiêu chảy nặng trong thời gian dài thì cần xem xét người bệnh bị viêm đại tràng có màng giả, khi đó cần ngừng dùng thuốc và thay thế loại kháng sinh khác có tác dụng điều trị viêm đại tràng. Hoặc thấy người bệnh có biểu hiện ngộ độc thì cần ngừng thuốc và xử trí ngay.

Thận trọng và cảnh báo:

Cefotaxime có thể gây ra hiện tượng mẫn cảm,do đó phải thận trọng,nhất là khi tiêm lần đầu cho bệnh nhân đã bị dị ứng với penicillin.Nếu thấy ban đỏ ngoài da hoặc nổi mề đay phải ngưng sử dụng thuốc ngay và báo cho bác sĩ.

Dị ứng chéo với Penicillin và các dẫn xuất.

Tác dụng không mong muốn:

– Tác dụng phụ thường gặp nhất: buồn nôn, nôn, viêm ruột kết, tiêu chảy, tại chỗ tiêm đau ngứa, có phản ứng viêm, viêm tắc tĩnh mạch.

– Các tác dụng ít gặp hơn gồm: Thay đổi vi khuẩn ở ruột, vi khuẩn kháng thuốc gây bội nhiễm, giảm bạch cầu.

– Hiếm gặp: Các phản ứng quá mẫn, thậm chí là sốc phản vệ, thiếu máu tan máu, tiểu cầu và bạch cầu hạt giảm, tiêu chảy do Clostridium difficile, viêm kết tràng có màng giả, bilirubin và các enzym gan tăng.

Nếu thấy có biểu hiện nào nêu trên, người bệnh cần liên hệ ngay với dược sĩ, bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn hướng dẫn.

Tương tác thuốc:

– Cephalosporin và Colistin:Dùng phối hợp kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin với Colistin(là kháng sinh Polymyxin) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.

– Cephalosporin và các ureido – penicillin(Azlocillin hay Meziocillin):Dùng đồng thời các loại thuốc này sẽ làm giảm độ thanh thải Cefotaxim.Phải giảm liều Cefotaxim trong trường hợp này.

– Người bệnh bị suy thận có thể bị bệnh về não và bị cơn động kinh cục bộ nếu dùng Cefotaxim đồng thời với Aziocillin.

– Cefotaxim làm tăng tác dụng với thận của Cyclosporine.

Phụ nữ mang thai và cho con bú:

– Thời kỳ mang thai:

Cefotaxim không được dùng cho phụ nữ mang thai,nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ,trừ khi có chỉ định cấp thiết.

– Thời kỳ cho con bú:

Cefotaxim được bài tiết trong sữa mẹ với nồng độ thấp.Nên thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú.

Ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc:

Cefotaxim không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành các thiết bị máy móc.

Quá liều:

Nếu trong và sau khi điều trị mà người bệnh bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài thì phải nghỉ đến người bệnh có thể bị viêm đại tràng có màng giả,đây là một rối loạn tiêu hóa nặng.Cần phải ngưng sử dụng Cefotaxim và thay thế bằng một kháng sinh có tác dụng lâm sàng trị viêm đại tràng.(Metronidazole hoặc Vancomycin)

Nếu có triệu chứng ngộ độc phải ngưng sử dụng Cefotaxim ngay và đưa người bệnh đến bệnh viện để điều trị.Có thể làm thẩm tách màng bụng hay lọc máu để giảm nồng độ Cefotaxim trong máu.

Bảo quản:

Bảo quản nơi khô mát,nhiệt độ không quá 30°C

Tránh ánh sáng.

Để xa tầm tay trẻ em.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao,tận tâm và luôn lấy người bệnh là trung tâm cho mọi hoạt động,nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe,hay cần thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn,thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Lưu Văn Song

(Theo hướng dẫn sử dụng thuốc của Nhà sản Xuất)

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group