THUỐC ROCURONIUM KHI SỬ DỤNG CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

25 Tháng Ba, 2024

Là thuốc thuộc nhóm thuốc giãn cơ và tăng trương lực cơ được chỉ định trong hỗ trợ gây mê trong chăm sóc đặc biệt.

1. Chỉ định:

Giãn cơ trong phẫu thuật, đặt nội khí quản, hỗ trợ trong thực hiện hô hấp có điều khiển.

2. Chống chỉ định:

Người có tiền sử phản ứng quá mẫn với rocuronium hoặc ion bromid.

Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng.

3. Thận trọng:

Rocuronium có tương tác với nhiều nhóm khác nhau, cần thận trọng khi dùng kết hợp với các thuốc khác.

Thận trọng khi dùng rocuronium cho những đối tượng bệnh nhân mắc một trong những bệnh như bị nhược cơ; mất cân bằng điện giải; trong trường hợp phẫu thuật ở trạng thái hạ thân nhiệt, người bị bỏng; người bị suy nhược, suy kiệt; bệnh nhân có thở máy.

    Hình: nguồn internet

4. Liều lượng và cách dùng:

Cách dùng:

Rocuronium bromid được tiêm tĩnh mạch nhanh hoặc truyền tĩnh mạch.

Liều lượng:

Liều lượng phải được điều chỉnh cẩn thận, tùy theo nhu cầu và đáp ứng của từng người bệnh. Nên dùng một máy kích thích dây thần kinh ngoại biên để giám sát chính xác mức độ giãn thần kinh – cơ, để giảm thiểu khả năng quá liều và để đánh giá hồi phục sau khi thần kinh – cơ bị chẹn ở người được gây mê loại enfluran, isofluran… vì các thuốc này tăng tác dụng chẹn thần kinh  – cơ.

Người lớn:

Liều khởi đầu ( để đặt nội khí quản) thông thường là 0,6mg/kg, tiêm tĩnh mạch nhanh.

Sau khi tiêm, giãn cơ cần thiết để đặt nội khí quản đạt được trong vòng 1 phút và đa số người bệnh đã được đặt nội khí quản xong trong vòng 2 phút, giãn cơ tối đa thường có trong vòng 3 phút.

Khi dùng đồng thời với gây mê phối hợp nhiều thuốc, liều ban đầu này thường làm giãn cơ đủ cho lâm sàng khoảng 31 phút. Nếu dùng liều ban đầu cao hơn thì sẽ làm giãn cơ đủ cho lâm sàng trong khoảng 58 phút.

Liều duy trì: Để đặt nội khí quản nhanh ở người đã được tiền mê và gây mê thỏa đáng, liều ban đầu rocuronium bromid 0,6 – 1,2mg/kg đã tạo điều kiện tốt cho đặt nội khí quản trong khoảng dưới 2 phút.

Trẻ em:

Trẻ em ( 1- 14 tuổi) và trẻ bú mẹ  (1 – 12 tháng tuổi) khi gây mê bằng halothan, độ nhạy cảm với rocuronium bromid giống như ở người lớn, nhưng thời gian xuất hiện giãn cơ và thời gian giãn cơ ngắn hơn so với người lớn. Chưa có dữ liệu nào cho phép khuyến cáo dùng rocuronium bromid cho trẻ nhỏ từ 0 – 1 tháng tuổi.

Liều ban đầu: Khi dùng đồng thời với gây mê bằng halothan ở trẻ em từ 3 tháng tuổi – 12 tuổi, liều ban đầu đã được dùng là 0,6mg/kg. Giãn cơ tối đa thường có trong vòng 1 phút. Liều này tạo điều kiện cho đặt nội khí quản trong vòng 1 phút và làm giãn cơ đủ cho lâm sàng trong khoảng 41 phút . Ở trẻ em 3 – 12 tháng tuổi và trong khoảng 27 phút ở trẻ em trên 1 tuổi – 12 tuổi.

                                                                      Hình: nguồn internet

Liều duy trì:

Có thể cho truyền tĩnh mạch liên tục liều duy trì ở trẻ em từ 3 tháng  đến 12 tuổi với tốc độ truyền 12 microgam ( 0,012mg)/kg/phút khi chẹn thần kinh – cơ còn 10% trị số kiểm tra.

Với người bệnh béo phì ( có cân nặng vượt quá 30% trọng lượng cơ thể lý tưởng của họ): Liều duy trì phải dựa theo trọng lượng khối cơ thể không mỡ.

Người cao tuổi hoặc người suy thận và suy gan: Liều duy trì giảm: 75 – 100 microgam/kg ( 0,075 – 0,10mg/kg).

5. Tương tác thuốc:

Không dùng đồng thời với suxamethonium. Chỉ dùng rocuronium cho đến khi dấu hiệu của suxamethonium đã hết.

Một số chất có thể làm tăng tác dụng của rocuronium: Các thuốc gây mê bay hơi như isofluran, enfluran, desfluran hoặc halothan, các thuốc gây tê hay dùng kết hợp, một số kháng sinh dùng phối hợp như aminosid, polymycin, lincosamid, tetracyclin, chất đối kháng calci, thuốc tiêm chứa magnesi.

Các thuốc đối kháng làm giảm tác dụng của rocuronium: thuốc ức chế cholinesterase, các thuốc chữa động kinh như carbamazepine hoặc phenytoin khi dùng kéo dài.

Các tương tác bất lợi tăng lên ở số lớn người bệnh có chức năng thần kinh – cơ bị suy yếu và hoạt tính enzyme cholinesterase huyết bị giảm.

Tương kỵ:

Không trộn lẫn thuốc tiêm rocuronium bromid với các dung dịch kiềm ( ví dụ dung dịch tiêm barbiturat) trong cùng một bơm tiêm hoặc tiêm truyền cùng một lúc bằng cùng một dây truyền dịch.

Rocuronium tương kỵ với các dung dịch có chứa các chất sau: Amoxcillin, amphotericin, azathiprin, cefazolin, cloxacilin, dexamethasone, diazepam, enoximon, erythromycin, famotidine, furosemide, hydrocortisone ( succinat natri), insulin, intralipid, methohexital, trimethoprim và vancomycin.

Tương hợp:

Rocuronium bromid có thể pha vào các dung dịch sau:

+ Dung dịch natri clorid 0,9%, glucose 5%, ringer lactat.

+ Dùng trong vòng 24 giờ sau khi pha.

6. Quá liều và xử trí:

Triệu chứng: Yếu cơ, suy hô hấp, ngừng thở trong quá trình phẫu thuật và gây mê.

Xử trí: Điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Duy trì thông khí bằng hô hấp hỗ trợ hoặc hô hấp điều khiển cho đến khi hô hấp trở lại hoàn toàn bình thường.

Có thể sử dụng các thuốc ức chế cholinesterase với liều phù hợp như neostigmine, pyridostigmin hoặc edrophonium để làm đảo ngược tác dụng giãn cơ của rocuronium bromid. Trong trường hợp các thuốc trên chưa tác dụng phải duy trì hô hấp hỗ trợ cho đến khi người bệnh tự thở được. Cần lưu ý rằng nếu sử dụng nhắc lại các thuốc ức chế cholinesterase có thể rất nguy hiểm cho người bệnh.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ Lương Ngọc Khánh Ngân

(Tài liệu tham khảo: Theo tờ hướng dẫn từ nhà sản xuất)

 

 

 

Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group