Dantri01-1200x675.jpg

31 Tháng Tám, 2022 Tin Tức

(Dân trí) – “Người ta có chuyên môn, tự biết phải làm gì tốt nhất. Nếu muốn nhanh thì tự ở nhà chữa. Bác sĩ cũng là con người, đâu phải cái máy” – người đàn ông ngồi chờ em ruột đang cấp cứu chia sẻ.

Những ngày gần đây, nhiều vụ người nhà bệnh nhân hành hung y bác sĩ đang trực cấp cứu liên tiếp xảy ra ở các bệnh viện tại khu vực phía Nam như TPHCM, Vĩnh Long.

Bên cạnh những ý kiến bức xúc, đề nghị xử nghiêm kẻ hành hung, vẫn có một luồng dư luận cho rằng “không có lửa làm sao có khói”, nghi ngờ chính thái độ, cách hành xử của bác sĩ là nguyên nhân xảy ra sự việc. Xã hội dường như vẫn chưa có một cái nhìn trực diện, đầy đủ về những áp lực mà nhân viên y tế cấp cứu nói riêng, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện công lập nói chung phải gánh chịu trong hoàn cảnh hiện tại.

Đến nơi thì bệnh nhân đã mất

Bệnh viện Lê Văn Thịnh nằm tại cửa ngõ phía Đông của TPHCM, khu vực có mật độ dân số đông và tiếp giáp tỉnh Đồng Nai, cũng như rất gần với trục đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Chính vì vậy, nơi đây mỗi ngày phải đón hàng ngàn lượt bệnh nhân vào khám chữa bệnh, trong đó có nhiều trường hợp cấp cứu.

Đêm cuối tuần, áp lực đối với y bác sĩ làm việc tại khoa “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện là hết sức nặng nề.

Đêm trực sống - chết của bác sĩ cấp cứu: Con người, đâu phải cái máy - 1
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

 

21h30, trước cổng khoa Cấp cứu bao trùm một bầu không khí căng thẳng. Có người ngồi dưới bậc thềm, tay ôm trán chau mày. Người khác lại đứng tựa cột liên tục thông báo tình hình người thân qua điện thoại. Chốc chốc, họ hướng mắt về phía khu vực chăm sóc khách hàng. Dường như, ai cũng trông chờ sẽ đến lượt mình được gọi tên.”Xin mời người nhà bệnh nhân D.T.L., 90 tuổi, quê Đồng Nai…” – nghe tiếng nhân viên y tế phát lên, cô Giang (58 tuổi) vội vàng chạy tới. Khi đã xong hết mọi thủ tục viện phí và được thông tin tình trạng bệnh nhân, người phụ nữ lao ngay đến chỗ mẹ đang nằm tạm bợ. Trong căn phòng khoảng 20 giường bệnh đã kín, bà L. co mình lại, bên cạnh là một điều dưỡng truyền nước, trong khi bác sĩ khác dùng ống nghe để kiểm tra sức khỏe.

“Mẹ tôi đi tiểu ra máu mấy ngày nay. Tôi kêu xe cấp cứu đưa bà từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua đây hết 700 ngàn đồng. Từ 6h tối. Tới nơi bác sĩ thấy bà yếu quá nên ưu tiên đưa vào liền rồi chụp CT” – cô Giang nói, mắt không rời ánh nhìn về phía mẹ.

Đêm trực sống - chết của bác sĩ cấp cứu: Con người, đâu phải cái máy - 2

Theo cô Giang, cụ L. đã đi cấp cứu ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh lần thứ 7. Những lần trước, có lúc người con thấy bệnh nhân ra vào liên tục, khiến mẹ phải chờ khá lâu. Dù rất lo lắng cho người thân, cô vẫn kiên nhẫn đợi.

“Tôi biết mẹ đến những ngày cuối đời rồi, nhưng để ở nhà thì xót. Vào bệnh viện công như vầy đã tốt lắm rồi, bác sĩ cũng làm hết sức chứ đâu được ngơi tay” – người phụ nữ chia sẻ.

Cách cụ L. vài chiếc giường, anh Minh (tên đã thay đổi) liên tục dỗ dành bé Đ.P.L. (5 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Người cha trẻ cho biết, con gái mình bị sốt, nôn ói, chảy máu mũi đến nay là ngày thứ 2. Đưa con đến khám một phòng khám tư tại TP Thủ Đức, khi nghe bác sĩ báo tình trạng bé đã nặng, hai vợ chồng anh Minh quyết định chở con vào thẳng Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Sau khi lấy máu của bé L. để làm xét nghiệm, điều dưỡng Nguyễn Kiều Trúc Giang (32 tuổi) giải thích cho người cha cần phải nằm lại để theo dõi. Giữa lúc nữ nhân viên y tế đang loay hoay ghi thông tin hồ sơ bệnh án cho cháu bé, chuông điện thoại của tổng đài cấp cứu vang lên.

“Cấp cứu 115 báo có một trường hợp đã hôn mê, người thân không thấy nhịp thở, có thể đã ngưng tim. Phải đến nhà gấp…” – điều dưỡng Giang nói và huy động ngay xe cấp cứu. Theo sau, bác sĩ Hồng Đại Hùng ôm vội 2 chiếc vali chứa thuốc, vật tư y tế và máy monitor chuyên dụng. Họ khẩn trương bước lên xe, giao lại căn phòng đầy ắp bệnh nhân cho 7 đồng nghiệp còn lại trong kíp trực.

Còi hụ inh ỏi phá tan màn đêm lạnh lẽo. Chiếc xe cấp cứu luồn lách với tốc độ xé gió. “Đường D3, khu dân cư Nam Long, phường Phước Long B, thấy bản đồ chỉ sắp tới rồi. Gọi cho người nhà ra đón đi” – tài xế thông báo cho nhân viên y tế. Thì ra, những thành viên ngồi trên xe không biết trước con đường mình đang đi. Chỉ có mệnh lệnh cứu người kéo họ tiến về phía trước.

Điều dưỡng Giang tâm sự, trung bình mỗi đêm thường có từ 3 đến 4 ca cấp cứu ngoại viện, chủ yếu là tai nạn giao thông. Thời gian thì vô chừng, có khi là nửa đêm, có khi 2-3h sáng. Nếu trường hợp cần cấp cứu nằm sâu trong hẻm nhỏ, nhân viên y tế phải dùng đến xe 2 bánh.

Xe cấp cứu dừng lại khi thấy người nhà chờ sẵn trước cửa. hai bóng áo trắng tiến nhanh vào trong. Nhưng mọi thứ quá muộn. Da cụ ông P.K.V. (SN 1941) tái mét, mạch và huyết áp không còn, tay chân cứng dần, bất động trên chiếc giường xếp.

Điều dưỡng Giang và bác sĩ Hùng kiểm tra lại lần nữa, rồi nhìn người nhà lắc đầu. Nghe thông báo cụ V. đã mất từ 30 phút trước, người con trai buồn bã, nhưng không bất ngờ. Anh thú thật, cụ ông bị tai biến 6 năm qua, không còn giao tiếp được, sức khỏe ngày một suy kiệt dần. Chiều nay, gia đình có gọi bác sĩ phòng mạch đến chăm sóc, định bụng sáng mai vẫn không ổn sẽ đưa đi bệnh viện. Nhưng ông đã không cầm cự được đến lúc đó…

Sau khi tiến hành thủ tục test Covid-19, ghi nhận thông tin bệnh nhân và hỗ trợ thông báo đến công an địa phương, 2 nhân viên y tế cúi người chia buồn cùng gia đình. Họ ôm máy móc bước ra xe ngoài, với nỗi buồn vì bất lực nhìn bệnh nhân ra đi, dù đã cố gắng hết sức.

“Nghề này là vậy, ban đầu mới vào làm còn sốc, giờ thì như cơm bữa. Mình không thể buồn lâu, vì còn hàng chục bệnh nhân khác đang chờ” – chị Giang nói trên đường quay về bệnh viện.

Dù các nhân viên y tế cố gắng đến thật nhanh nhưng cụ ông đã mất trước đó (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ cũng là con người, không phải cái máy

0h, khoảnh khắc đầu tiên của ngày chủ nhật tại bệnh viện là hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy dừng trước cổng khoa Cấp cứu. Ông cầm bảo hiểm y tế đến cho người nhà.

Tuy nhiên khi rà soát thông tin, nhân viên y tế phát hiện thẻ bảo hiểm đã hết hạn. Nghe vậy, người này tỏ ra khó chịu, liên tục cho rằng bảo hiểm mà mình mang tới có thời hạn sử dụng 5 năm.

Khi được chỉ rõ vị trí ghi mốc thời gian sử dụng, ông ta vẫn tức tối, lẩm bẩm vài câu chửi thề trước khi rời đi. Cô nhân viên chăm sóc khách hàng nhìn theo, thoáng buồn rồi tiếp tục công việc. Bởi đây không phải lần đầu cô nhận lấy phản ứng tiêu cực, dù lỗi không thuộc về mình.

0h10, một cậu thanh niên người còm nhom, dẫn theo cô gái đen nhẻm, mặt nhăn nhó ôm bụng bước vào. Đó là Quốc, 20 tuổi (tên đã thay đổi), dẫn theo em gái ruột tên N.A. (18 tuổi) đang mang bầu 5 tháng vào khoa Cấp cứu.

Khai với bác sĩ, Quốc nói trước đó em gái mình có giỡn với những đứa trẻ trong nhà, bị va chạm trúng bụng. Bác sĩ Huỳnh Trần Đức Lợi tiến đến khám và hỏi thăm, nhưng nữ bệnh nhân chỉ khóc, nhìn về phía người anh mà không trả lời.

“Những trường hợp như vậy thường nghi ngờ do bị đánh vì mâu thuẫn với người nhà. Phải chăm sóc, trấn an tinh thần để bệnh nhân bình tĩnh mới hỏi chuyện được” – Bác sĩ Lợi nói nhỏ.

Đúng như dự đoán, sau khi lấy máu và truyền nước, nữ bệnh nhân đã hết khóc. Vị bác sĩ căn dặn người anh hãy nhẹ nhàng với em mình, rồi hướng dẫn đi đến phòng siêu âm để kiểm tra thai nhi. Lúc này, chính nhân viên y tế lại lo cho bệnh nhân hơn cả người anh ruột.

1h sáng, tranh thủ bệnh nhân tạm ổn định, điều dưỡng Nguyễn Thị Vinh bước vào phòng giao ban, buộc vội thớ tóc rối, uống nhanh ngụm nước. Đã là năm thứ 13 chị Vinh công tác tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trong đó có 12 năm gắn bó với lĩnh vực cấp cứu. Thấy khách hỏi, ngày nào bệnh cũng đông vậy thì sao chịu nổi, chị Vinh mỉm cười, nói đêm nay như vậy đã may mắn lắm rồi.

Phút thảnh thơi ngắn ngủi lúc nửa đêm của điều dưỡng Nguyễn Thị Vinh (Ảnh: Hoàng Lê).

“Tối đến giờ, chỉ có một ca hai thanh niên đánh nhau phải chuyển lên khoa xử lý vết thương ở chân. Còn lại các bệnh nhân đều hợp tác, không thấy có say xỉn, chửi bới, dọa đánh chém gì. Với nhân viên trực cấp cứu, chỉ cần 2 chữ bình yên”, một thành viên trong kíp trực đêm 9 người nói thêm.

Gần 1h30, chú Trương Văn Bảy (65 tuổi) đã ngồi ở ghế đá trước khoa Cấp cứu hơn 3 tiếng đồng hồ. Trước đó vào 22h đêm, chú Bảy đưa người em ruột anh ruột tên Trương Thị Tám vào bệnh viện, sau cơn đau ngực dữ dội. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân được nhận viện để đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu. Mỗi phút chờ có kết quả chính xác bệnh tình của em gái là khoảng thời gian dài đằng đẵng với người đàn ông chạy xe ôm.

Ôm tờ báo trên tay, chú Bảy cho biết, từ lúc vào viện đã quan sát thấy rất nhiều trường hợp vào ra tại khoa Cấp cứu. Chú nhận định, ai cái nghề y cũng rất vất vả, trực đêm suốt, xui rủi còn ăn đòn. Do đó, mỗi bên nên hiểu cho nhau một chút, thay vì lúc nào cũng muốn được ưu tiên số 1.

“Người ta có chuyên môn, tự biết phải làm gì tốt nhất, mình biết gì mà ý kiến nhanh chậm. Nếu muốn nhanh thì tự ở nhà chữa. Mà khám nhanh, khám ẩu không đúng bệnh thì mới chết. Bác sĩ cũng là con người, đâu phải cái máy. Qua mùa dịch Covid-19, còn được ngồi ở đây nói chuyện là may mắn rồi”, chú Bảy tâm sự.

2h, kíp trực 4 bác sĩ, 5 điều dưỡng thấm mệt. Họ bắt đầu chia ca nhau tạm chợp mắt. Nơi nghỉ lưng của các nhân viên y tế là một căn phòng nhỏ có 3 chiếc giường tầng, ngoài mấy ổ cắm sạc điện thoại và gối tự trang bị, không có bất cứ vật dụng nào khác. Hỏi 9 người mà có 6 giường sao đủ chỗ ngủ, điều dưỡng Vinh bật cười tiết lộ: Đâu có khi nào tất cả được dừng tay cùng lúc, lúc đó bệnh nhân cấp cứu lấy ai lo!

“Nằm trên thì mát nhưng không có ổ cắm. Còn nằm dưới thì nóng và có muỗi. Nhưng điện thoại em còn đến 83%, vì cả đêm lo làm có xài đâu mà sạc”, bác sĩ Lợi nói rồi chạy lên tầng trên. Có lẽ vì quá mệt, anh thiếp đi trong phút chốc, tranh thủ nạp lại ít sức lực để cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, khi đêm vẫn còn dài.

Nguồn: dantri.com.vn


Z2600010605146_6577C.jpg

12 Tháng Bảy, 2022 Tin Tức

Kính gửi Quý đồng nghiệp là nhân viên y tế ở khắp mọi miền Tổ quốc đã tham gia chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua!\

Thưa các bạn, một cảm xúc thật khó tả khi nhớ lại những tháng ngày đầy gian nan, thử thách đối với mỗi nhân viên y tế, tất cả chúng ta đã cùng với người dân và chính quyền Thành phố căng mình chống chọi lại với đại dịch COVID-19, thấm thoát đã gần một năm trôi qua!

Đó là khoảng thời gian không thể quên được đối với mỗi nhân viên y tế Thành phố chúng tôi, tất cả đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đau thương khác nhau. Nếu như đó là cảm xúc lo lắng tăng dần của những ngày đầu tháng sáu khi chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày cứ tăng cao theo cấp số nhân trong khi số giường của các bệnh viện dã chiến không kịp đáp ứng, rồi chuyển sang trạng thái hoang mang thật sự khi dịch bệnh cứ diễn biến xấu dần theo mỗi ngày của tháng bảy rồi tháng tám… và cả tháng chín. Số ca trở nặng cứ tăng nhanh mỗi ngày, vượt quá khả năng tiếp nhận cấp cứu của các bệnh viện, tiếng còi xe cấp cứu cứ vang lên khắp thành phố như xé lòng, và nhất là khi phải tận mắt chứng kiến số trường hợp tử vong tại các bệnh viện cứ tăng cao mỗi ngày cho dù tất cả nhân viên y tế Thành phố đã căng sức và nỗ lực hết mình… Tất cả nhân viên y tế chúng tôi lúc bấy giờ tuy không một lời kêu than nhưng trên nét mặt của từng người đã lộ rõ dấu hiệu kiệt sức về thể chất và mệt mỏi về tinh thần, chúng tôi thật sự lo lắng về khả năng cầm cự với dịch bệnh khi nhân viên y tế bắt đầu có dấu hiệu của hội chứng “burned-out”!

Chính vào thời điểm ấy, nhân viên Ngành Y tế Thành phố như được tiếp thêm sức mạnh khi đón nhận hàng nghìn rồi hàng chục nghìn các bạn đồng nghiệp là bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, các chiến sĩ quân y,… đến từ mọi miền đất nước để cùng chung sức, cùng gánh vác và chia sẻ công tác chống dịch với nhân viên y tế Thành phố. Tất cả nhân viên y tế chúng ta đã cùng với người dân và Chính quyền Thành phố chiến đấu không mệt mỏi với dịch bệnh COVID-19 và đã kiểm soát được dịch bệnh để Thành phố có được như ngày hôm nay. Chúng tôi xin ghi nhớ mãi những hình ảnh đẹp và vô cùng sống động của những tháng ngày đau thương ấy, những hình ảnh đã tạo nên một dấu ấn lịch sử của Ngành Y tế Thành phố về những tháng ngày chống chọi với đại dịch COVID-19.

Một lần nữa, Ngành Y tế Thành phố xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến quý đồng nghiệp – những Chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời tiếp sức cho nhân viên y tế Thành phố chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” ấy vẫn được các chiến sĩ áo trắng của Ngành y tế Thành phố tiếp tục hun đúc và phát huy để ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của các dịch bệnh mới nổi và dịch bệnh lưu hành, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng bùng phát trong giai đoạn hiện nay.

Nhân dịp này, từ đáy lòng mình, cho phép chúng tôi chuyển lời xin lỗi về sự chậm trễ trong việc gửi giấy khen và tiền thưởng đến quý đồng nghiệp trên cả nước, chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ và lượng thứ của các bạn!

(Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương gửi Giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng theo quy định qua tài khoản của các Sở y tế tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ quốc phòng, các trường học,… Tất cả sẽ hoàn thành trong tuần này). 

Thay mặt Ngành Y tế Thành phố

Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

PGS TS BS Tăng Chí Thượng

Nguồn: medinet.hochiminhcity.gov.vn


kich-hoat-bao-dong-do-cuu-_311657215385.jpg

11 Tháng Bảy, 2022 Tin Tức
Ngày 7/7, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết đã cứu sống một trường hợp bị đa chấn thương nghiêm trọng do té lầu nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ. Bệnh nhân là anh T.V.C., sinh năm 1981, quê ở tỉnh Hậu Giang, hiện làm thợ hồ tại TP.Thủ Đức.\

Vào lúc 9g ngày 27/6, anh C. được người dân đưa tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Những người làm cùng cho biết anh C. đang làm tại lầu 3 của công trình xây dựng thì bỗng dưng bị tường đổ trúng người, khiến anh té xuống đất. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân có vết thương dập nát ở vùng đầu và vùng trán kích thước 5cm, sưng đau biến dạng đùi và cẳng chân trái. Vết thương mặt trước 1/3 phần trên cẳng chân trái bệnh nhân dập nát, chảy nhiều váng mỡ, cổ chân trái cũng bị hạn chế vận động, động mạch mu chân và chày sau bên trái khó bắt…

Nhận định đây là trường hợp rất nặng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, kết hợp liên chuyên khoa cùng hội chẩn để cứu bệnh nhân. Anh C. được sơ cứu, băng ép cầm máu, cố định chi thể, cột sống cổ, cột sống thắt lưng, truyền dịch, giảm đau tích cực; đồng thời tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết.

Anh C. đã qua cơn nguy kịch, đang được bác sĩ thăm khám.

Chẩn đoán ban đầu xác định bệnh nhân bị sốc chấn thương, gãy 1/3 dưới thân xương, lồi cầu trong xương đùi trái, gãy hở độ 2 ở 1/3 phần trên của xương cẳng chân trái, gãy kín hai mắt cá cẳng chân trái, gãy kín xương gót trái, gãy mỏm ngang đốt sống 1.2 trái, dập não xuất huyết thùy đỉnh trái, nứt sọ thái dương… Bệnh nhân đã được chuyển tới Khoa Gây mê hồi sức, phối hợp với Khoa Ngoại chấn thương để phẫu thuật xử lý cầm máu vết thương hở, can thiệp kết hợp thân xương đùi, xương chày trái bằng đinh nội tủy.

Theo bác sĩ Phạm Văn Anh – Khoa Chấn thương chỉnh hình – người điều trị trực tiếp cho anh C., ca phẫu thuật đã kéo dài trong hai tiếng đồng hồ. Trong khi phẫu thuật, bệnh nhân bị rối loạn huyết động, nhiều lần dọa ngưng tim. Đến nay, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng chín đơn vị máu, sức khỏe hậu phẫu ổn định, dự kiến xuất viện sau năm ngày nữa. Tổng chi phí điều trị của anh C. lên tới hơn 100 triệu đồng do không có bảo hiểm y tế. Điều các bác sĩ lo ngại nhất là sau này bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng chức năng vận động do gãy quá nhiều xương. Bệnh nhân đang được lên kế hoạch tiếp cận vật lý trị liệu sớm nhất có thể để hạn chế di chứng này.

Hiện tại, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang điều trị cho ba ca té lầu, đa phần là tai nạn lao động. Qua đó, bác sĩ Phạm Văn Anh khuyến cáo người dân cần thực hiện đúng các quy tắc về an toàn lao động để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, người lao động rất cần có bảo hiểm y tế để phòng khi có sự cố không may xảy ra.


SDT.jpg

1 Tháng Bảy, 2022 Tin Tức

Điện thoại lạ mạo xưng cảnh sát giao thông, thông báo phạt nguội để lừa.

Sáng ngày 27.10 tại Bình Thuận, phóng viên báo Lao Động nhận được cuộc gọi từ số +186653363473. Khi bấm nghe điện thoại thì nhận được trả lời tự động từ tổng đài (hệ thống IVR) thông báo “đây là Cục CSGT, bạn có 1 biên lai cần nộp phạt” và hướng dẫn bấm phím 9 để được hỗ trợ.

Số gọi đến là số có định dạng khác các số thuê bao của các nhà mạng.
Số gọi đến là số có định dạng khác các số thuê bao của các nhà mạng.

Sau khi nhấn phím 9, phóng viên được gặp 1 người phụ nữ xưng là “Cục quản lý giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, tra cứu thông tin thì không có cục nào tên này. Sau đó, phóng viên yêu cầu người tự xưng là “cục” cung cấp biển số xe vi phạm thì người này yêu cầu cung cấp thông tin họ tên, năm sinh, số CMND để tra cứu hệ thống.

Phóng viên đã cung cấp ngẫu nhiên họ tên, năm sinh (không phải tên mình) và đọc 1 dãy số CMND bất kỳ để người này thực hiện cái gọi là “tra cứu”. Điều lạ là ít giây sau khi “tra cứu”, người này tiếp tục trò chuyện và nói đúng thông tin về quê quán, số điện thoại của “người bị phạt”.

Người này tiếp tục khẳng định có 1 biên lai phạt nguội và yêu cầu ra kho bạc nhà nước đóng phạt. Tuy nhiên, khi hỏi “Kho bạc nhà nước là nơi ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ?” thì người này liền dập máy.

Thời gian qua, nhiều người phản ánh bị các số lạ gọi, xưng là tổng đài CSGT, thông báo có phạt nguội, yêu cầu “người vi phạm” chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng hoặc cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Camera giao thông được lắp đặt trên QL1 qua Bình Thuận. Ảnh: Phạm Duy
Camera giao thông được lắp đặt trên QL1 qua Bình Thuận. Ảnh: Phạm Duy

 

Trước đó vào tháng 7.2021, Phòng CSGT tỉnh Bình Thuận đã có văn bản khuyến cáo về việc “xử phạt nguội” qua hệ thống camera. Văn bản nêu rõ, để công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là việc xử phạt qua hình ảnh được thực hiện đúng quy định, tránh tình trạng người dân bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo qua hình thức “phạt nguội”.


SXHD-1200x750.jpg

14 Tháng Năm, 2022 Tin Tức

BVLVT – TP.HCM đang vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng tăng nhưng nhiều người bị nhiễm SXH nghĩ mình bị nhiễm Covid-19 nên lơ là, cho rằng bệnh sẽ tự khỏi, đến khi nhập viện bệnh đã trở nặng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, dịch SXH đang diễn biến phức tạp, tính đến giữa tháng 4, TP.HCM đã ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện và 2 ca tử vong. Với số ca mắc SXH nặng gia tăng trong thời gian gần đây, có khả năng cao là số người mắc bệnh có thể nhiều hơn số ca được ghi nhận. Những ca SXH trở nặng và hai trường hợp tử vong đều có nguyên nhân phát hiện và nhập viện trễ.

Khoa nhi của BV Lê Văn Thịnh

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức, vừa tiếp nhận bệnh nhân 14 tuổi, ngụ tại TP.HCM, bị sốt, được gia đình test dương tính với Covid-19, nên gia đình để bé ở nhà theo dõi đến khi bệnh trở nặng mới đưa bé đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện này cho thấy: Bé vừa bị nhiễm SXH và Covid-19, bệnh nhân trong tình trạng bệnh chuyển nặng, như huyết áp tuột, hạ đường huyết, gan to… Sau thời gian điều trị nhiều ngày, bé đã khỏe và xuất viện.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức, vừa tiếp nhận bệnh nhân 14 tuổi, ngụ tại TP.HCM, bị sốt, được gia đình test dương tính với Covid-19, nên gia đình để bé ở nhà theo dõi đến khi bệnh trở nặng mới đưa bé đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện này cho thấy: Bé vừa bị nhiễm SXH và Covid-19, bệnh nhân trong tình trạng bệnh chuyển nặng, như huyết áp tuột, hạ đường huyết, gan to… Sau thời gian điều trị nhiều ngày, bé đã khỏe và xuất viện.

Một số điều cần lưu ý giữa sốt xuất huyết và mắc Covid-19

SXH lây lan do muỗi vằn Aedes đốt người bệnh nhiễm virus, rồi sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

SXH có thời gian ủ bệnh từ 5 – 7 ngày, sốt cao đột ngột từ 39 – 41 độ C, đau đầu nhức mỏi toàn thân, đau bụng buồn nôn, da và kết mạc sung huyết, chấm xuất huyết ngoài da…

Triệu chứng trở nặng: Đột nhiên đau bụng và cảm giác đau tăng dần; bồn chồn trong người, vật vã, li bì; số lần và số lượng đi tiểu giảm dần; chảy máu bất kỳ chỗ nào (chân răng, mũi…); đi ngoài ra máu, bón; da sung huyết, dễ bị bầm tím khi va đập…

Trong khi đó, Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn của người nhiễm. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 – 7 ngày, có các triệu chứng: ho, hắt hơi, đau rát họng; ớn lạnh, tức ngực; có thể mất vị giác, khứu giác; ngạt mũi, chảy nước mũi, tiêu chảy… Khi triệu chứng trở nặng, ở thời điểm từ 5 – 8 ngày, người bệnh sẽ bị tình trạng khó thở do thiếu oxy; suy hô hấp sau từ 8 – 12 ngày; suy đa cơ quan…

BS Thanh Hùng khuyến cáo: Hiện nay, SXH chưa vào đỉnh điểm của dịch bệnh, số ca nhập viện không nhiều, chính vì chưa nhiều, đây cũng là thời điểm nhiều người lơ là, không chú ý hoặc bỏ sót SXH. Người nhiễm bệnh Covid-19 có thể chồng nhiễm SXH cùng lúc.

“Hiện nay, nhiễm Covid-19 đa số sẽ tự khỏi, nhưng SXH nếu không phát hiện sớm thì sẽ rất nguy hiểm khi bệnh trở nặng, có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng, như tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu…”, BS Hùng, nhấn mạnh.

BS Hùng cũng lưu ý thêm rằng: Vào mùa mưa, thời tiết ẩm thấp, vì vậy người dân cũng nên cảnh giác với một số bệnh như hô hấp, dị ứng da, tiêu hóa và tay chân miệng.

Nguồn: khoahocphothong.com.vn


KTD81.jpg

11 Tháng Năm, 2022 Tin Tức

LVT – Vừa qua, tại BV Lê Văn Thịnh Tp Thủ Đức, TPHCM khối Thi đua 8 các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM đã tổ chức Hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2022.Thông qua thông báo số 2660/TB-HĐTĐKT ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng thi đua khen thưởng Sở Y tế về việc phân công Khối trưởng các Khối thi đua ngành y tế năm 2022, trong đó Khối thi đua 8 gồm các Bệnh viện: Lê Văn Thịnh, Lê Văn Việt, thành phố Thủ Đức, Quận 12, Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi, giao cho Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh làm khối trưởng.

Tại Hội nghị, khối thi đua 8, gồm 07 đơn vị trực thuộc Sở Y tế cam kết tổ chức đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao với năng suất và hiệu quả cao nhất trong năm 2022. Giám đốc 07 đơn vị thuộc Khối thi đua 8 cam kết hưởng ứng và thực hiện tốt các nội dung thi đua, cụ thể như sau:

1. Triển khai thực hiện tốt chương trình hoạt động của Khối thi đua 8, giới thiệu mô hình mới, giải pháp mới có liên quan đến công tác điều hành, quản lý, nhằm nâng cao mọi hoạt động tại đơn vị.

2.Triển khai phong trào thi đua yêu nước năm 2022 với khẩu hiệu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” do các cấp phát động.

3.Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng  khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trên cơ sở thực hiện tốt 83 tiêu chí đánh giá chất lượng Bệnh viện.

4. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) tại đơn vị.

5. Thực hiện có hiệu quả Thông tư 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế Quy định về quy tắc ứng xử của viên chức, người lao động đổi mới phong cách hướng tới sự hài lòng người bệnh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ”.

​6. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính: Hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh; đơn giản các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh tại các đơn vị.

7. Phát động các hoạt động thể dục – thể thao cho nhân viên y tế, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thông qua các hoạt động thiện nguyện.

8.Tham gia đầy đủ, đúng thành phần theo quy chế, kế hoạch hoạt động của Khối thi đua 8, Giao lưu, học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực của từng đơn vị thành viên nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ trong viên chức và người lao động. Tổ chức tốt đăng ký, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thành viên trong khối.

Trên cơ sở ký kết thi đua, các đơn vị thuộc Khối thi đua 8 xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể với tình hình hoạt động của đơn vị, triển khai đến cán bộ, viên chức và người lao động thực hiện, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Các đơn vị thuộc Khối thi đua 8 đăng ký và cam kết thực hiện tốt các nội dung thi đua, danh hiệu thi đua và các mô hình tiêu biểu như sau:

Hoạt động an sinh xã hội: Bệnh viện thành phố Thủ Đức đăng cai khám từ thiện, địa điểm tại Củ Chi. Bệnh viện huyện Củ Chi chọn xây dựng căn nhà tình thương sẽ trao vào dịp lễ 2/9.

– Hoạt động hội thao: Bệnh viện huyện Bình Chánh đăng cai thực hiện.

– Hoạt động nghiên cứu khoa học: Bệnh viện Lê Văn Thịnh đăng cai.

– Báo cáo chuyên đề: Bệnh viện Quận 12 đăng cai thực hiện, báo cáo chuyên đề sẽ được tổ chức lồng ghép vào cuộc họp sơ kết 6 tháng, địa điểm tại BV Quận 12., ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thành viên trong khối.


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group