download.jpg

Thấy bà té ở nhà vệ sinh, cháu trai mới gần 3 tuổi theo thói quen dùng điện thoại gọi cho mẹ qua mạng xã hội. Nhờ vậy, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và phát hiện bị tắc mạch máu nuôi tim nguy kịch.

Ngày 31/8, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp liên tục ngưng tim, ngưng thở 3 lần chỉ trong ít giờ đồng hồ vì biến chứng rất nguy hiểm ở tim.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 1
Khoa Nội tim mạch, nơi điều trị bệnh nhân liên tục bị ngưng tim 3 lần (Ảnh: Hoàng Lê).

Cuộc gọi cứu mạng bà ngoại “thần kỳ” của cháu trai 3 tuổi

Bệnh nhân là bà S.T.N.L. (57 tuổi, quê Bạc Liêu, tạm trú ở TP Thủ Đức). Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 8h ngày 29/8, bà vào nhà vệ sinh rửa mặt thì bất ngờ lên cơn đau ngực, choáng váng và té không ngồi dậy nổi.
Lúc này, trong nhà chỉ có cháu trai gần 3 tuổi. Phát hiện bà bị té, đứa cháu theo thói quen dùng điện thoại bấm gọi cho mẹ qua tài khoản mạng xã hội để thông báo sự việc.
“Cháu tôi mới 2 tuổi rưỡi nhưng lanh lắm, biết bấm điện thoại và biết nói rồi. Lúc đó bé ngủ dậy, gọi ngoại hoài không được nên xuống nhà vệ sinh tìm. Thấy tôi nằm dưới đất, nó bấm điện thoại điện cho mẹ, kêu “ngoại té rồi”.
Mẹ nó nghe vậy mới gọi cho dì tư qua kiểm tra, đưa tôi đi bệnh viện”, bà L. kể.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 2
Bệnh nhân L. kể lại sự việc của mình (Ảnh: Hoàng Lê).
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ekip trực tiến hành sơ cứu, làm các xét nghiệm, chụp chiếu và phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu nuôi tim rất nặng, cần phải can thiệp khai thông mạch máu, đặt stent khẩn cấp, nên chỉ định chuyển tiếp lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Bác sĩ Võ Tấn Được, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, quá trình chuyển viện từ nơi này đến tuyến trên, bệnh nhân bất ngờ lên cơn ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ trong ekip chuyển viện lập tức tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, sốc điện ngay trên xe cấp cứu, để bệnh nhân có nhịp tim trở lại.
Khi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim thêm 2 lần chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, nhưng đều được xử trí hồi sức, sốc điện thành công.
Sau đó, bệnh nhân được can thiệp mạch máu nuôi tim bên phải, khai thông mạch máu và đặt stent mạch vành. Hậu can thiệp, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, tri giác cải thiện, tỉnh táo, bớt đau ngực và khó thở, được chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh để tiếp tục điều trị, theo dõi.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 3
Nhờ được cấp cứu kịp thời và đặt stent, bà L. qua cơn nguy kịch (Ảnh: Hoàng Lê).
Đến ngày 31/8, bệnh nhân đã khỏe hơn, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Dự kiến, người phụ nữ sẽ còn điều trị khoảng 5-10 ngày để theo dõi, đề phòng các tổn thương tim, dùng các thuốc điều trị suy tim trước khi xuất viện.

Căn bệnh gây ngưng tim ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Được cho biết, mạch máu nuôi tim bên phải giữ vai trò quan trọng. Khi tắt mạch này, nút thắt nhịp tim sẽ không có máu nuôi, dẫn đến việc tim ngừng đập.
Thống kê tại khoa Nội Tim mạch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trung bình mỗi năm tiếp nhận điều trị khoảng 200 trường hợp gặp phải tình trạng trên, và tuần nào cũng có từ 1-5 ca bệnh.
Quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, trước đây việc tắc mạch máu nuôi tim thường gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên càng về sau, tình trạng này có dấu hiệu trẻ hóa, khi có những ca bệnh mới hơn 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh.
Triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng tắc mạch máu nuôi tim là đau ngực kèm khó thở nặng. Nếu phát hiện và can thiệp trễ, bệnh nhân sẽ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, còn có thể gặp biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp, thủng thành tim…
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 4
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận điều trị khoảng 200 ca tắc mạch máu nuôi tim (Ảnh: Hoàng Lê).
Bác sĩ khuyến cáo, người dân dù khỏe mạnh cũng cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các chức năng của cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường.
Trường hợp bệnh nhân đã ngưng tim trước khi vào viện, người nhà nên đưa vào cơ sở y tế gần nhất trước để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu, sau đó mới đến các trung tâm can thiệp chuyên sâu, có đủ máy móc, thiết bị hiện đại và nhân lực điều trị.
Ngoài ra, người dân nên chủ động mua bảo hiểm y tế, bởi khi bị biến chứng nặng, cần can thiệp chuyên sâu, đặt stent… sẽ rất tốn kém viện phí điều trị.
“Như trường hợp của bệnh nhân L., vì không có bảo hiểm y tế nên chi phí đặt stent lên đến khoảng 80 triệu đồng. Số tiền điều trị đến khi xuất viện dự kiến cần thêm 20-30 triệu đồng nữa”, bác sĩ Được nói.

Nguồn: dantri.com.vn

 


can-gio.png

31 Tháng Tám, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt mục tiêu đầu tháng 10-2023 bệnh nhân suy thận sẽ được chạy thận nhân tạo ở Cần Giờ.

Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ đã có sẵn màng lọc chạy thận, điều này rất thuận lợi cho việc thiết lập đơn vị chạy thận sắp tới - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ đã có sẵn màng lọc chạy thận, điều này rất thuận lợi cho việc thiết lập đơn vị chạy thận sắp tới – Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 30-8, đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM cùng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến Bệnh viện huyện Cần Giờ khảo sát lắp đặt hệ thống chạy thận nhân tạo.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh là đơn vị xung phong triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ, sau tuyến bài “Gian nan hành trình đi chữa bệnh” đăng trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 8 đến 10-8.
Ngoài nòng cốt là khoa thận nhân tạo, bệnh viện cử 16 nhân sự từ nhiều khoa, phòng tham gia buổi khảo sát tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, mục tiêu thiết lập đơn vị chạy thận nhân tạo cho bà con nơi đây.
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ – giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ, số bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo tại huyện là 41 người.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ – giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ – Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong đó, đang chạy thận tại các bệnh viện tuyến trên là 38 người và đang suy thận giai đoạn 4, 5 là 3 người. Đó là chưa kể những người chạy thận ở Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và đang tiếp tục rà soát.
“Cần Giờ chưa có máy lọc thận. Hệ thống phòng ốc thiết kế cho lọc thận từng được triển khai hồi dịch COVID-19 nhưng đành gác lại vì không có nhân lực”, bác sĩ Huệ nói và cho hay rất vui mừng khi được sự “chi viện” từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết việc chi viện cho Cần Giờ đơn giản chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể hỗ trợ. Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, ông đã gọi điện cho bác sĩ Đoàn Văn Huệ và được trả lời: “Nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ ngay”.
Với kinh nghiệm chạy thận nhân tạo, đặc biệt đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, bác sĩ Khanh nhận lời ngay.
“Đây là việc người dân đang rất cần, nếu làm được sẽ mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Không riêng gì Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bệnh viện khác nếu có thể chung tay làm được gì thì cứ tham gia. Sẽ quyết tâm làm vì 41 bệnh nhân chạy thận đang phải lặn lội khắp nơi, cố gắng làm xuyên lễ cũng được” – bác sĩ Khanh nói.
Theo đánh giá của bác sĩ Khanh, cơ sở vật chất của Bệnh viện huyện Cần Giờ hiện khá tốt. Bệnh viện có 10 phòng được thiết kế có cổng kết nối hệ thống khí RO, có máy rửa màng lọc.
“Về nhân sự chúng tôi sẽ cử hai bác sĩ lành nghề cùng với hai điều dưỡng cắm tại Bệnh viện huyện Cần Giờ để vận hành chạy thận. Mọi quy trình được giao cho trưởng khoa thận nhân tạo điều tiết” – bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, nếu làm tốt không chỉ bà con ở Cần Giờ, mà cả ở Cần Giuộc (Long An) và Vũng Tàu có thể đến Cần Giờ chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long – phó phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế – cho biết giám đốc Sở Y tế mong muốn nhanh chóng thiết lập hệ thống chạy thận tại Cần Giờ nhằm giảm thiểu thời gian đi lại cho bà con.

Đơn vị chạy thận thứ 40

Theo ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây sẽ là đơn vị chạy thận thứ 40 phục vụ cho gần 4.500 người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận trên địa bàn TP.HCM.
Ông chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan chủ động phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khảo sát thực tế nơi sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận, bổ sung đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho kỹ thuật chạy thận đảm bảo.
Ngoài ra cần tổ chức hội đồng chuyên môn thẩm định cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận trong thời gian sớm nhất.
Sở Y tế cũng sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân có thẻ BHYT theo đúng quy định.
Toàn cảnh Bệnh viện huyện Cần Giờ khá rộng, khang trang nhưng thiếu bác sĩ và các chuyên khoa sâu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Toàn cảnh Bệnh viện huyện Cần Giờ khá rộng, khang trang nhưng thiếu bác sĩ và các chuyên khoa sâu – Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh cùng bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ kiểm tra đường dẫn hệ thống RO - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh cùng bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ kiểm tra đường dẫn hệ thống RO – Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu vực thiết lập đơn vị chạy thận đã có hệ thống dẫn oxy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu vực thiết lập đơn vị chạy thận đã có hệ thống dẫn oxy – Ảnh: DUYÊN PHAN
Đường dẫn hệ thống RO - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đường dẫn hệ thống RO – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguồn: tuoitre.vn


Logo-So-Y-Te-TPHCM-Department-of-Healt-of-HCM-City.png

Sở Y tế TPHCM: Hoan nghênh Bệnh viện Lê Văn Thịnh “xung phong” triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ

Như vậy, Ngành Y tế Thành phố sẽ có thêm một đơn vị chạy thận đặt ngay tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, cũng là đơn vị chạy thận thứ 40 phục vụ cho gần 4.500 người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận trên địa bàn thành phố.
Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (trước đây là BV huyện Cần Giờ) sẽ triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ bị suy thận mạn có chỉ định chạy thận
Trước những khó khăn của người dân Cần Giờ trong tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ, nhất là người dân nghèo mắc bệnh thận mạn cần chạy thận nhân tạo, đặc biệt là sau loạt bài “Gian nan hành trình đi chữa bệnh” đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 8 đến 10-8, Sở Y tế đã kêu gọi các bệnh viện thành phố sẵn sàng luân phiên triển khai kỹ thuật chạy thận tại Cần Giờ thay vì để người dân nghèo mắc bệnh thận phải gian nan đi đến các bệnh viện thành phố để được chạy thận.
Sở Y tế ghi nhận và đánh giá cao lãnh đạo và tập thể các y bác sĩ chuyên khoa Thận của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã “xung phong” xin được triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ. Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan chủ động phối hợp với BV Lê Văn Thịnh và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khảo sát thực tế nơi sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận, bổ sung đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho kỹ thuật chạy thận đảm bảo đúng theo quy định và tổ chức hội đồng chuyên môn thẩm định cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ trong thời gian sớm nhất, dự kiến sẽ chính thức bắt đầu thực hiện kỹ thuật chạy thận vào đầu tháng 10/2023. Đồng thời, Sở Y tế sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội Thành phố quan tâm và xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân có thẻ BHYT theo đúng quy định.
heo kế hoạch, hệ thống RO (đáp ứng tối đa được 10 máy lọc thận) cùng 5 máy lọc thận sẽ được lắp đặt và hoạt động tại Trung tâm Y tế Cần Giờ trong thời gian đầu. Về nhân viên y tế trực tiếp thực hiện kỹ thuật lọc thận, BV Lê Văn Thịnh sẽ cử luân phiên các ê-kíp bao gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng của Khoa Lọc máu đến Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ để trực tiếp thực hiện kỹ thuật chạy thận cho người bệnh.
Triển khai lọc thận tại huyện Cần Giờ còn mang ý nghĩa quan trọng khác đó là tín hiệu khởi động của quá trình hình thành lại bệnh viện huyện Cần Giờ của Ngành Y tế Thành phố. Việc sáp nhập bệnh viện vào Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV (bệnh viện hạng 3 phải sáp nhập vào trung tâm y tế) đã tác động không nhỏ đến sự tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật trong chăm sóc sức khoẻ của người dân đang sinh sống và làm việc tại huyện Cần Giờ, nhất là người lao động nghèo.
Hiện nay, Sở Y tế đang khẩn trương hoàn thiện và trình UBNDTP đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Theo đề án này, Bệnh viện huyện Cần Giờ sẽ được tái thành lập và trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15), triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân huyện Cần Giờ, nhất là các bệnh mạn tính không lây thường gặp; phối hợp các bệnh viện Thành phố triển khai khám tầm soát chuyên khoa, phát hiện sớm bệnh cho người dân Cần Giờ.

Nguồn: medinet.gov.vn


mat.jpg.png

Chịu sống trong cảnh tăm tối suốt thời gian dài vì chưa có điều kiện mổ mắt, hàng trăm người dân Cà Mau bị đục thủy tinh thể dần lấy lại ánh sáng khi được các bác sĩ ở TP.HCM đến tận nơi mổ phaco miễn phí.

Người dân Cà Mau có hoàn cảnh khó khăn bị đục thủy tinh thể được các bác sĩ ở TP.HCM mổ mắt phaco miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước - Ảnh: X.MAI
Người dân Cà Mau có hoàn cảnh khó khăn bị đục thủy tinh thể được các bác sĩ ở TP.HCM mổ mắt phaco miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước – Ảnh: X.MAI

Ước mơ có đôi mắt sáng thành hiện thực

Đoàn y bác sĩ hai bệnh viện ở TP.HCM gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện mắt Tây Nam phối hợp cùng Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP.HCM đã mổ phaco (thay thủy tinh thể nhân tạo) miễn phí cho khoảng 430 người dân Cà Mau vào ngày 26 và 27-8.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân, chủ yếu là người cao tuổi bị đục thủy tinh thể đã đến Bệnh viện Đa khoa Cái Nước xếp hàng chờ được thăm khám, mổ mắt miễn phí.
Đây là ước mơ của họ, khi thời gian qua đã chịu sống trong cảnh tăm tối nhưng không có điều kiện mổ mắt, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.
Người dân được khám mắt trước khi bước vào phòng mổ - Ảnh: X.MAI
Người dân được khám mắt trước khi bước vào phòng mổ – Ảnh: X.MAI
Ba tháng gần đây, đôi mắt của ông Dương Minh Hải (70 tuổi, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) dần nhìn không rõ và đến nay thì trở nặng, phải dùng gậy dò đường đi.
Trong lúc chờ mổ mắt, ông Hải chia sẻ: “Tôi đến bệnh viện địa phương khám và họ yêu cầu lên tuyến trên mổ nhưng vì điều kiện khó khăn nên chưa mổ được”.
Ở tuổi 75, đôi mắt của ông Huỳnh Văn Đực (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã không nhìn rõ mọi thứ xung quanh dù chỉ cách mắt vài mét.
Không giấu được niềm vui được mổ mắt miễn phí ngay tại địa phương, ông Đực nói: “Mắt sắp được sáng trở lại, là ước mơ mấy năm qua. Tôi cảm ơn đoàn bác sĩ TP.HCM và các đơn vị phối hợp, mạnh thường quân”.
Được mổ mắt miễn phí là ước mơ của nhiều người dân Cà Mau bị đục thủy tinh thể, có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: X.MAI
Được mổ mắt miễn phí là ước mơ của nhiều người dân Cà Mau bị đục thủy tinh thể, có hoàn cảnh khó khăn – Ảnh: X.MAI

Mang “ánh sáng” đến gần dân

Theo bác sĩ Lê Nhật Nam – quyền trưởng khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh, do một số nguyên nhân, nhiều người dân tỉnh Cà Mau bị đục thủy tinh thể nhưng chưa được mổ. Các bệnh viện TP.HCM đã mang kỹ thuật cao về địa phương, mổ phaco kính mềm tại chỗ và miễn phí 100%.
Nếu không được mổ mắt miễn phí, tổng chi phí mỗi ca mổ phaco chưa được BHYT thanh toán tại TP.HCM là gần 10 triệu đồng, còn được BHYT thanh toán thì chi phí khoảng 2-3 triệu đồng.
Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh cho rằng dù địa phương đã nỗ lực chăm lo sức khỏe người dân nhưng còn gặp khó khăn khi trang bị những kỹ thuật cao. Đồng thời người dân ở đây cũng không có nhiều điều kiện khám tầm soát bệnh, mổ mắt khi bị đục thủy tinh thể.
Trong khi đó, các bệnh viện, trung tâm mắt lớn tại TP.HCM trong thời gian qua gặp tình trạng quá tải người dân mổ phaco. Nhiều người dân miền Tây đến bệnh viện ở TP.HCM nhưng phải xếp hàng dài chờ đợi để được mổ.
“Chúng tôi đã mang kỹ thuật đến gần dân và kịp lúc”, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói và cho biết sẽ vận động thêm nhiều đơn vị để tiếp tục mổ mắt miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

ca-mau.jpg

Trong 2 ngày 26 và 27/8, Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban Liên lạc) phối hợp với Chương trình “Vượt lên số phận”, Hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Mắt Tây Nam (trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Tây Nam, TP Hồ Chí Minh), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh và mạnh thường quân, nhà tài trợ, đồng hương tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau. Đoàn do Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban Liên lạc, làm Trưởng đoàn.

Sáng nay 26/8, tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và trao tặng 300 suất quà cho người dân trên địa bàn xã.
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại Trạm y tế xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi.

 

Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, tặng quà cho người dân.
Tại huyện Cái Nước, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Mắt Tây Nam mổ mắt miễn phí, đem lại ánh sáng cho hơn 300 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước.
Đoàn y, bác sĩ mổ mắt miễn phí đem lại ánh sáng cho hơn 300 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước.
Đồng thời, khánh thành và bàn giao cầu Đồng hương 152 Lung Đìa (cầu bê tông dài 22 m; rộng 3,3 m; tải trọng 3 tấn) tại ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng do Nhóm bạn Trịnh Việt Trì tài trợ; khánh thành và bàn giao cầu Đồng hương 153 bắc qua sông Ngã Tư – Lung Lá Nhà thể thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, do Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, Ban Liên lạc và Công ty Xăng dầu Cà Mau tài trợ.
Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm tặng quà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Chiều cùng ngày, đoàn khánh thành và bàn giao nhà Đồng hương 161, 163 và 164 cho 3 gia đình: Ông Trần Hợp Bình, ngụ ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP Cà Mau (do Công ty TNHH May thêu giày An Phước tài trợ); bà Võ Ngọc Ánh, ngụ Ấp 10, xã Thới Bình, huyện Thới Bình (do Bệnh viện Lê Văn Thịnh vận động bà Nguyễn Thị Hạ Quyên, TP Thủ Đức trao tặng); bà Nguyễn Thị Nhặm, ngụ ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (do Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm trao tặng).
Lễ khánh thành và bàn giao cầu Đồng hương 153 bắc qua sông Ngã Tư – Lung lá Nhà Thể (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).

Theo chương trình, ngày mai 27/8, tại huyện Phú Tân, đoàn sẽ khánh thành và bàn giao nhà Đồng hương 148 cho ông Nguyễn Văn Quyết, ngụ ấp So Đũa, xã Việt Thắng và tổ chức mổ mắt miễn phí cho hơn 300 người dân trên địa bàn huyện, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Tân./.

Thực hiện: Băng Thanh

Nguồn: baocamau.com.vn

Logo-So-Y-Te-TPHCM-Department-of-Healt-of-HCM-City.png

21 Tháng Bảy, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Điểm chất lượng bệnh viện năm 2022 tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố có nhiều cải tiến rõ rệt và đồng đều ở tất cả các khối bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Nếu như trong 02 năm gần đây, hai bệnh viện chuyên khoa Sản luôn dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chất lượng bệnh viện thì năm 2022 đã có thêm bệnh viện chuyên khoa Nhi là Bệnh viện Nhi đồng 1 vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng điểm chất lượng các bệnh viện. Năm 2022, kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện ghi nhận có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (theo thang điểm 5) tăng 15,6% so với năm 2021. Số lượng bệnh viện đạt điểm dưới 2,5 chỉ còn 01 bệnh viện thuộc khối bệnh viện tư nhân.

Từ 24/02/2023, Sở Y tế TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế trên tổng số 115 bệnh viện bao gồm 54 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân.

Thực hiện quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 bao gồm các nội dung chính: Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, Tiêu chí an toàn phẫu thuật, Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế.

Nhìn chung sau một năm nỗ lực thực hiện các hoạt động chuyên môn, triển khai cải tiến chất lượng tại các bệnh viện, Sở Y tế đã ghi nhận hầu hết các bệnh viện có nhiều hoạt động cải tiến rõ rệt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần xây dựng nền kinh tế Thành phố trong năm vừa qua. Cụ thể trong 37 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (mức chất lượng tốt) có 11 bệnh viện trên 50% tiêu chí đạt mức 5 (mức tối đa). Kết quả có 08 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 tăng 33% so với năm 2021, 29 bệnh viện từ 4 – 4,5 tăng 11,5% so với năm 2021 và 09 bệnh viện dưới 3 giảm 40% so với năm 2021. Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9% so với năm 2021, nhóm bệnh viện Thành phố tăng 2,5% so với năm 2021 và nhóm bệnh viện quận huyện tăng 0,3% so với năm 2021. Qua đó, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm bệnh viện công lập. Nhóm bệnh viện quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn các nhóm khác.

Ngoài những ưu điểm của các bệnh viện qua đợt kiểm tra trên, Sở Y tế ghi nhận vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục và ưu tiên cải tiến trong thời gian tới về các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng tiết chế, các vấn đề tuân thủ quy định ghi chép hồ sơ bệnh án và đặc biệt lưu ý các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự khi có thay đổi phải được cho phép bởi cơ quản quản lý có thẩm quyền để duy trì hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh đảm bảo an toàn người bệnh.

Dưới đây là kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022.

Nguồn: Sở  Y tế TPHCM: medinet.hochiminhcity.gov.vn


canh-bao-ti-le-thai-phu-_281687699108-1200x900.jpg

29 Tháng Sáu, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động vì thiếu đơn hàng, không ít cơ sở kinh doanh đóng cửa… đã ảnh hưởng đến nhiều thai phụ. Có người bị sốc sau khi đi khám và biết mình mang thai vì không đủ tiền để chăm sóc sức khỏe, nuôi con.

Bác sĩ Nguyễn Hương Lan đang tư vấn cho một thai phụ về tầm soát sức khỏe thai kỳ (ảnh chụp tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 19/6) – Ảnh: T.HUYỀN

Hoãn làm xét nghiệm vì chưa có lương

Tại phòng khám sản của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chị N.T.D. – 34 tuổi, cư trú tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức – mặt buồn thiu. 1 tuần nay, chị thấy trong người không khỏe, hay bị chóng mặt và mắc ói. Ban đầu, chị tưởng mình quá căng thẳng vì bị nhà máy tinh giản biên chế, khi tới bệnh viện kiểm tra mới biết đã mang thai 16 tuần.

Vợ chồng chị đều là công nhân và cả 2 cùng mất việc. Chồng chị phải chạy xe ôm để có thu nhập. 2 con đang độ tuổi tiểu học. Đứa con thứ ba xuất hiện lúc này có vẻ như không phù hợp hoàn cảnh. Hiện tại, chị chưa biết trông vào đâu để có tiền chăm sóc thai kỳ chứ chưa nói tới chuyện sau này nuôi con. Cầm kết quả siêu âm trong tay, chị mếu máo với bác sĩ rằng muốn bỏ thai.

Thấy tinh thần thai phụ không tốt, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hương Lan – Phó khoa Sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh – đã động viên, rằng thai đang rất ổn, nhịp tim tốt, và đã có hình hài. Bác sĩ còn nói chị cứ đi làm các xét nghiệm tầm soát thai kỳ, bác sĩ sẽ hỗ trợ chi phí. Lúc này, phản ứng đòi bỏ thai của chị D. không còn quyết liệt và chị đã chịu khám thai theo lời khuyên của bác sĩ.

Khi bệnh nhân ra về, tâm trạng của bác sĩ Nguyễn Hương Lan trĩu nặng. Cũng là phụ nữ, chị hoàn toàn thấu hiểu rằng chi phí khám và tầm soát thai kỳ chỉ là một phần rất nhỏ trong nỗi khó khăn của chị D. Muốn mang thai rồi sinh con, nuôi dưỡng một đứa trẻ trong hoàn cảnh công việc bấp bênh thì người mẹ ấy sẽ còn phải đối diện với rất nhiều nỗi lo toan.

Chị D. không phải trường hợp cá biệt. Ngày 19/6, chị N.K.A. – mang thai 20 tuần tuổi – tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám thai. Khi bác sĩ chỉ định siêu âm tầm soát dị tật thai nhi thì chị đã bật khóc vì không có đủ tiền. Chị xin bác sĩ để chậm lại vài tuần, hôm nay, chỉ cần biết em bé vẫn đang khỏe là được. Khi bác sĩ thăm hỏi hoàn cảnh, chị A. tâm sự đã 3 tháng nay chưa nhận được lương. Doanh nghiệp nơi chị làm việc hứa cuối tháng sẽ trả nên bây giờ chị không có tiền để làm siêu âm hay xét nghiệm.

Không chỉ Khoa Sản của Bệnh viện Lê Văn Thịnh ghi nhận nhiều thai phụ gặp khó khăn do thu nhập bị mất hoặc sụt giảm. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Trưởng khoa Phụ sản cơ sở 2 Bệnh viện Đại học y dược TPHCM – cho biết ông cũng cảm nhận rõ sự lo lắng của các thai phụ đến khám ở đây. Có thai phụ khám thai định kỳ từ đầu và đã có kế hoạch sẽ sinh em bé tại bệnh viện thì nay, gần tới ngày lâm bồn họ lại xin chuyển về quê. Chị thật lòng chia sẻ do thu nhập của vợ chồng không tốt, chồng chỉ nhận được 70% lương nên quyết định chuyển về quê sinh con để giảm chi phí.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung ghi nhận cứ 10 người vào khám thai thì 3 người quay lưng bỏ về luôn sau khi được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm tầm soát thai kỳ. Đa phần những phụ nữ này làm nội trợ, lao động tự do, làm công việc tay chân, người lao động mới bị mất việc hoặc bị giảm lương…

Nên chỉ định kỹ thuật y khoa phù hợp với hoàn cảnh của thai phụ

Cả Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đều thống kê thấy số người đi khám thai sụt giảm hẳn so với những năm trước dịch COVID-19. Chẳng hạn, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung ước tính hiện mỗi ngày Khoa Phụ sản cơ sở 2 Bệnh viện Đại học y dược TPHCM tiếp nhận khoảng 120 thai phụ, chỉ bằng 70% so với bình thường. Trong số các thai phụ tới tầm soát sức khỏe thai kỳ thì những người có tâm lý lo lắng về tài chính chiếm khoảng 30%. Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hương Lan cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám khoảng 70 thai phụ, sụt giảm 30% so với bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, dưới góc độ người làm chuyên môn, các bác sĩ có thể đồng cảm, chia sẻ trước sự khó khăn của các thai phụ khi ra các chỉ định y khoa. Ông cho rằng, các kỹ thuật tầm soát tốt nhất nhưng chưa chắc đã hợp lý nhất với những phụ nữ đang gặp khó khăn về tài chính. Khi ra chỉ định, bác sĩ hãy dành thêm thời gian hỏi han, tư vấn cho thai phụ, đưa ra nhiều phương án cho họ lựa chọn, miễn sao vẫn đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe thai kỳ cơ bản.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung lấy ví dụ có 2 loại xét nghiệm tầm soát bệnh Down ở thai nhi. Xét nghiệm double test được chỉ định ở tất cả thai phụ có thai trong quý đầu (giữa tuần thứ 9 đến hết tuần thứ 13) của thai kỳ, cho phép phát hiện khoảng 95% thai kỳ mắc hội chứng Down, chi phí dao động từ 500.000-600.000 đồng. Còn xét nghiệm NIPT – xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn cho độ chính xác cao gần như tuyệt đối nhưng chi phí cao gấp từ 5 lần so với double test.

Tiếp đến, với các thai phụ tài chính khó khăn, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho rằng chỉ cần siêu âm 4 lần trong suốt quá trình mang thai. Lần siêu âm thứ nhất là từ tuần thai thứ 11-13 (đo độ mờ da gáy thai nhi). Lần siêu âm thứ hai từ tuần thai thứ 20-23 (siêu âm 4D để tầm soát các dị tật). Lần siêu âm thứ ba là vào lúc thai 32 tuần, lần cuối siêu âm trước ngày dự sinh 1 tháng.

Bác sĩ cân nhắc và ra chỉ định hợp lý với hoàn cảnh của thai phụ sẽ góp phần giúp cho những phụ nữ này theo hết được quá trình tầm soát và chăm sóc thai kỳ. Nếu chi phí thăm khám, tầm soát trong thai kỳ vượt quá khả năng thì họ sẽ bỏ dở giữa chừng. Như vậy, mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ không đạt được. Mẹ không được tư vấn và khám thai đầy đủ sẽ không phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn, gây nguy cơ cao khi sinh nở như băng huyết sau sinh, tiền sản giật… Đó còn chưa kể chi phí cho một em bé bị dị tật còn cao hơn rất nhiều lần so với chi phí khám thai, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bác sĩ Nguyễn Hương Lan hy vọng rằng sẽ có những chính sách hỗ trợ xã hội kịp thời cho phụ nữ mang thai đang gặp nhiều khó khăn lúc này.

Thực hiện: Thanh Huyền

Nguồn: phunuonline.com.vn


download.jpg

29 Tháng Sáu, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Tình cảnh “dở khóc, dở cười” trên là chuyện bình thường của nhân viên y tế khi đã chọn làm việc ở Khoa Cấp cứu. Nếu không đồng cảm, họ khó có thể nên vợ nên chồng.

Vừa gọi ly nước đã phải chạy về bệnh viện

Điều dưỡng Hoàng Thị Tuấn Tình, Điều dưỡng trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Tôi đã trải qua 4 năm “thanh xuân” ở khoa Cấp cứu, ai cũng ngạc nhiên với sự lựa chọn này vì đây được xem là “nơi đầu sóng ngọn gió” của mọi bệnh viện. Thời điểm đó, thanh niên, trẻ khỏe, chưa lập gia đình, không có gì ngoài sự máu lửa nên tôi rất hào hứng. Cũng chính thời gian làm việc ở đây đã giúp tôi quen được “một nửa” của cuộc đời mình. Tình yêu của của hai người đồng nghiệp cùng làm việc tại Khoa Cấp cứu cũng lắm tình huống “dở khóc, dở cười”.
Thời mới hẹn hò, là nhân viên cấp cứu nên chúng tôi không bao giờ được tắt điện thoại. Nếu đi chơi cũng chỉ dám quẩn quanh gần viện vì sợ có việc đột xuất. Hôm ấy, tranh thủ ngày nghỉ sau ca trực đêm, chúng tôi đi uống nước. Chưa kịp tâm sự, nước vừa được mang ra thì tôi lại nhận tin nhắn yêu cầu có mặt tại khoa ngay lập tức.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nơi 2 anh Tưởng và chị Tình quen biết rồi kết hôn. Ảnh: GL.
Bỏ lại ly nước, chúng tôi chạy vội về bệnh viện, thay đồ và vào ca trực. Nguyên nhân là người nhà bệnh nhân mâu thuẫn với nhân viên Khoa Cấp cứu, vì thế phải thay toàn bộ kíp trực mới để đảm bảo an toàn.
Rồi một hôm khác, bệnh nhân cấp cứu đông quá nên chúng tôi cũng lại phải bỏ dở ly nước để về phụ mọi người. Chuyện hẹn hò vất vả lắm. Nếu không cùng ngành nghề, chắc không anh nào chấp nhận người yêu tự dưng đi làm lúc đang hẹn hò đâu.
Hẹn hò được 2 năm thì chúng tôi lập gia đình. Thu nhập không cao nhưng sống đủ, hai vợ chồng vẫn trực đêm 3 buổi một tuần. Tất cả thay đổi khi tôi sinh con đầu lòng.
Năm thứ 4 tôi làm điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, theo quy định, khi con tròn 1 tuổi, nhân viên y tế nữ phải trực đêm trở lại. Ngày đầu tiên trở lại vị trí quen thuộc cũng là ngày sinh nhật của đầu tiên con trai. Buổi trưa, tôi tranh thủ nấu nướng bày biện và tổ chức cho bé.
Đến 21h, tôi xách túi vào viện. Bước chân đi tôi buồn rười rượi. Tôi bắt buộc phải cai sữa, uống thuốc cho tiêu sữa và khỏi căng tức. Công việc không thể khác được. Trở về nhà vào sáng hôm sau, tôi đi chợ, nấu nướng, ôm ấp con vào lòng. Khi thấy mọi thứ đã ổn, tôi mới yên tâm chợp mắt sau đêm trực mệt nhoài.
Vợ chồng điều dưỡng Hoàng Thị Tuấn Tình và Phạm Văn Tưởng cùng hai con trai. Ảnh: NVCC
Thu nhập không cao, áp lực lớn, nhưng đổi lại chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm từ đồng nghiệp. Thời điểm tôi bị động thai, Khoa Cấp cứu đã cho nghỉ không lương 1 tháng rồi sắp xếp công việc hành chính. Đến khi con được một tuổi, không thể trực đêm mãi, tôi quyết định chuyển khoa để chăm lo cho gia đình tốt hơn.
Sau 4 năm gắn bó, tôi chuyển sang Khoa Tâm lý lâm sàng. Kinh nghiệm quý giá ở Khoa Cấp cứu đã giúp tôi rất nhiều. Ngay cả việc chăm con, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm từ nghề.

Ở cùng thành phố, 6 tháng không thể gặp nhau

Điều dưỡng Phạm Văn Tưởng, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu
Tôi vào làm việc tại Khoa Cấp cứu sớm hơn 2 tuần so với cô ấy. Với điều dưỡng nữ làm cấp cứu, vất vả nhất là khi gặp các bệnh nhân say rượu, kích động, hay cần súc rửa dạ dày. Nhân sự thiếu, mỗi kíp trực chỉ có 3 người nhưng chưa khi nào Tình “tận dụng” sự thân quen để nhờ tôi gánh việc.
Đồng hành cùng nhau trong những năm đầu tiên làm nghề, cho đến khi dịch Covid-19 ập đến, chúng tôi lại cùng nhau ra tuyến đầu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi xa vợ con đến nửa năm trời dù cả gia đình vẫn ở chung một thành phố. Tôi vào bệnh viện dã chiến, còn Tình đi lấy mẫu cộng đồng. Hai con trai được dì đang là sinh viên đại học chăm sóc.
Thời điểm đó, phải đến cuối tuần, khi có kết quả xét nghiệm âm tính, Tình mới dám về thăm con một ngày. Liên tiếp những ngày sau đó là chuỗi ngày đi lấy mẫu đến tận 2-3h sáng. Buổi tối, vợ chồng chỉ kịp tranh thủ gọi điện để biết nhau vẫn ổn là ngủ thiếp đi.  Khi thành phố bình an trở lại, hai vợ chồng ngồi bên nhau rồi chúng tôi tự hỏi sao gia đình mình có thể vượt qua được những tháng ngày như vậy.

   

Chị Tình vẫn nhớ như in những ngày hai vợ chồng phải xa hai con nhỏ, ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NVCC.

Trong 11 năm làm việc ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thì có đến 10 năm tôi không đón Tết cùng gia đình. Đôi khi cũng tâm tư vì khi cả nhà quây quần đông đủ, tôi ít khi góp mặt. Hai đứa trẻ, có lẽ vì là con của nhân viên y tế nên đã sớm hiểu chuyện dù đôi khi vẫn băn khoăn khi “bố vắng nhà”. Hơn hết, có vợ làm cùng nghề, sự thông cảm dành cho nhau nhiều hơn. Đó là động lực giúp tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.

Nguồn: vietnamnet.vn

 


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group