Logo-So-Y-Te-TPHCM-Department-of-Healt-of-HCM-City.png

4 Tháng Mười, 2023 Tin TứcTruyền Thông
Đó là nhận định của các chuyên gia của Ngành Y tế Thành phố trong buổi họp khẩn của Sở Y tế vào sáng ngày 04/10/2023.

Sau khi nghe tổ công tác báo cáo lại kết quả điều tra các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights (thực hiện vào ngày 03/10/2023), và các bệnh viện báo cáo cập nhật tình hình thu dung điều trị các trường hợp ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của Ngành Y tế Thành phố thống nhất nhận định như sau:

– Đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến có phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo,…).

– Về loại thực phẩm nào gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc trung thu).

– Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

– Điều quan trọng đó là đã có trường hợp không dự tiệc trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.

– Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn (đang được Viện vệ sinh y tế công cộng TPHCM xử lý).

Với kinh nghiệm hàng chục năm trong công tác cấp cứu ngộ độc hàng loạt ở trẻ em, BS Bạch Văn Cam – cố vấn chuyên môn của BV Nhi Đồng 1 cho biết có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm: Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu; Nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân salmonella spp gây ra.

Hiện còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các bệnh viện (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định), sức khoẻ đều ổn định.

Nguồn: medinet.gov.vn



2 Tháng Mười, 2023 Tin TứcTruyền Thông

“Danh hiệu” thân thương này là của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân khi nói về người bạn – Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), Phó Trưởng Ban liên lạc Đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban liên lạc).

“Bác sĩ Khanh đã có nhiều đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực: Khám cấp thuốc chữa bệnh, mổ mắt bằng kỹ thuật Phaco miễn phí cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; vận động xây cầu, nhà đồng hương, trao học bổng… Anh đã hết lòng cứu giúp nhiều mảnh đời vượt qua cơn bạo bệnh. Và anh đau đáu làm thế nào để người dân quê nhà đỡ vất vả khi bệnh hiểm nghèo phải chuyển tuyến trên…”, ông Nguyễn Minh Luân dành lời ưu ái.

Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh quê xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Lần về gần nhất là hồi cuối tháng 8 nhưng chỉ kịp ghé qua nhà vì lịch công tác khá dày; vừa phải cùng y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi; vừa phải phối hợp BV Mắt Tây Nam (TP. Hồ Chí Minh) phẫu thuật mắt miễn phí (trong hai ngày 26-27/8), tại BV đa khoa 2 huyện: Cái Nước và Phú Tân. Rồi cùng Ban liên lạc khánh thành, bàn giao cầu và nhà đồng hương ở 3 huyện: Thới Bình, Cái Nước, Phú Tân.

Tôi may mắn được tháp tùng cùng Bác sĩ Khanh trong chuyến công tác này. Hôm tới xã Tân Đức, khi xe vừa chạm ngõ trạm y tế, Bác sĩ Khanh vội vã bước xuống xe, đi thẳng đến quầy tiếp nhận bệnh và ra hiệu cả đoàn vào việc ngay.

Mãi đến khi ổn định, Bác sĩ Khanh mới rời vị trí đi một vòng, chốc lát lại ghé thăm hỏi người bệnh, nhắn nhủ họ ra về nhớ nhận quà vì đó là tấm lòng của đoàn gửi đến bà con.

Giữa cái nắng oi bức, mồ hôi nhễ nhại, Bác sĩ Khanh bước thật mau để di chuyển qua phụ e-kip mổ mắt ở BV đa khoa Cái Nước. Suốt chặng đường, ông cứ gọi điện dò hỏi: “Đông dữ hông? Các chú ráng thu xếp mổ cho bà con nghen. Người ta đã đến, dẫu có mệt cũng hỗ trợ tận tình, đừng để họ về trong nuối tiếc”. Bởi lẽ, trung bình mỗi ca mổ phẫu thuật mắt chi phí gần 3 triệu đồng/người (chưa bao gồm thù lao bác sĩ và chi phí vật tư địa phương). Do đó, nếu bà con lên TP. Hồ Chí Minh mổ thì chi phí lên tới cả chục triệu đồng/người.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19, BV Lê Văn Thịnh là một trong những bệnh viện tuyến đầu, được giao trách nhiệm phải tổ chức khám, thu dung điều trị với quy mô khoảng 6.000 giường bệnh tại 5 cơ sở. Bác sĩ Trần Văn Khanh vừa tham gia tổ chức xây dựng gấp rút bệnh viện và trực tiếp điều trị bệnh nhân tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (Thủ Đức, TP. HCM), vừa chỉ đạo trực tiếp công việc ở BV Lê Văn Thịnh.

“Chính xác là đưa vào sử dụng ngày 7/7. Lúc mới thành lập, BV được giao tiếp nhận điều trị tầng 1 (ca nhiễm chưa có triệu chứng) là 3.000 giường. Sau gần 1 tháng, số ca nhiễm gia tăng, công suất gần như được lấp đầy. Cùng với đó, có từ 3%-5% bệnh nhân đột ngột trở nặng. Thành phố đã giao BV thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và chuyển nặng) để giảm tải bớt cho các tuyến trên. Tính đến ngày trở lại trạng thái bình thường mới (ngày 1/10/2021), tập thể y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh và các đơn vị hỗ trợ đã khám, chữa bệnh cho khoảng 30.000 lượt F0”, Bác sĩ Khanh bồi hồi nhớ.

Cảm động sâu sắc nhất đối với bệnh nhân nghèo khi đó là vị bác sĩ có nụ cười hiền, giọng nói trầm ấm, ngoài là “thủ lĩnh” khoác chiếc áo blouse trắng, ông còn tích cực tham gia tiêm vắc-xin ở các khu phong tỏa, cách ly. Cùng thời điểm này, ông sáng lập, vận động mạnh thường quân xây “Nhà ăn hạnh phúc” để cung cấp miễn phí cơm trưa (mỗi tuần 5 ngày) cho người bệnh và thân nhân người bệnh, người bán vé số, kể cả nhân viên BV có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch và duy trì đến nay đã được hơn 3 năm với hàng trăm suất cơm nóng hổi, ấm áp nghĩa tình.

Sau 15 năm hình thành và phát triển, dưới sự chèo lái của Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh và lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ cùng góp sức, BV Lê Văn Thịnh được công nhận là BV hạng I dẫn đầu tuyến quận, huyện với nhiều thành tích ấn tượng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Ngày 19/5 vừa qua, tại lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập BV, BS.CKII Trần Văn Khanh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều tập thể, cá nhân của BV cùng được khen thưởng dịp này.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, ngày 18/8, BV Lê Văn Thịnh đã được Hiệp hội Đột quỵ Thế giới (World Stroke Organization – WSO) trao chứng nhận Vàng (Gold Status) về điều trị đột quỵ. BV Lê Văn Thịnh là 1 trong 36 bệnh viện, trung tâm đột quỵ của cả nước đạt được chứng nhận này trong quý II năm 2023.

Mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030 của BS.CKII Trần Văn Khanh cùng Ban lãnh đạo BV là phát triển nơi đây trở thành bệnh viện đa khoa thông minh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân TP. Thủ Đức nói riêng và các vùng lân cận nói chung, mở rộng quy mô 1.000 giường bệnh, đầu tư trang thiết bị và con người, nỗ lực vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.

“Tôi còn nợ đồng nghiệp, cộng sự của mình rất nhiều ân tình. Tấm Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng không chỉ dành cho riêng tôi mà dành cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức, thầy thuốc của BV Lê Văn Thịnh đã luôn trách nhiệm và làm tốt “sứ mệnh” của người làm nghề y. Song, với chúng tôi, thật quý giá và đáng tự hào hơn chính những lời khen ngợi và sự tin tưởng của Nhân dân”, Bác sĩ Khanh trải lòng.

Cũng chính sự trách nhiệm và “sứ mệnh” ấy mà nay BV Lê Văn Thịnh còn trở thành “địa chỉ nhân đạo” đã “hồi sinh” nhiều mảnh đời khốn khó, trong đó có nhiều trường hợp ở 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.

Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban liên lạc nói về người em, người “cộng sự” ngắn gọn: “Tốt bụng, và giàu lòng nhân ái!”. Bởi, theo vị tướng, khó có thể đong đếm những gì Bác sĩ Khanh đã làm, cũng khó có thể đo lường tình cảm Bác sĩ Khanh dành cho quê hương, dành cho người nghèo để mà nhận xét về ông.

Chỉ biết rằng, hành trình nhân ái của Ban liên lạc nói chung và của Bác sĩ Khanh nói riêng sẽ còn diễn ra liên tục, tấm lòng vẫn mãi hướng về quê hương, sẵn sàng trao đi những yêu thương, những giá trị nhân văn đáng quý!./.

Băng Thanh – Đồ hoạ: Lê Tuấn

Nguồn: baocamau.vn


download.jpg

Thấy bà té ở nhà vệ sinh, cháu trai mới gần 3 tuổi theo thói quen dùng điện thoại gọi cho mẹ qua mạng xã hội. Nhờ vậy, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và phát hiện bị tắc mạch máu nuôi tim nguy kịch.

Ngày 31/8, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp liên tục ngưng tim, ngưng thở 3 lần chỉ trong ít giờ đồng hồ vì biến chứng rất nguy hiểm ở tim.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 1
Khoa Nội tim mạch, nơi điều trị bệnh nhân liên tục bị ngưng tim 3 lần (Ảnh: Hoàng Lê).

Cuộc gọi cứu mạng bà ngoại “thần kỳ” của cháu trai 3 tuổi

Bệnh nhân là bà S.T.N.L. (57 tuổi, quê Bạc Liêu, tạm trú ở TP Thủ Đức). Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 8h ngày 29/8, bà vào nhà vệ sinh rửa mặt thì bất ngờ lên cơn đau ngực, choáng váng và té không ngồi dậy nổi.
Lúc này, trong nhà chỉ có cháu trai gần 3 tuổi. Phát hiện bà bị té, đứa cháu theo thói quen dùng điện thoại bấm gọi cho mẹ qua tài khoản mạng xã hội để thông báo sự việc.
“Cháu tôi mới 2 tuổi rưỡi nhưng lanh lắm, biết bấm điện thoại và biết nói rồi. Lúc đó bé ngủ dậy, gọi ngoại hoài không được nên xuống nhà vệ sinh tìm. Thấy tôi nằm dưới đất, nó bấm điện thoại điện cho mẹ, kêu “ngoại té rồi”.
Mẹ nó nghe vậy mới gọi cho dì tư qua kiểm tra, đưa tôi đi bệnh viện”, bà L. kể.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 2
Bệnh nhân L. kể lại sự việc của mình (Ảnh: Hoàng Lê).
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ekip trực tiến hành sơ cứu, làm các xét nghiệm, chụp chiếu và phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu nuôi tim rất nặng, cần phải can thiệp khai thông mạch máu, đặt stent khẩn cấp, nên chỉ định chuyển tiếp lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Bác sĩ Võ Tấn Được, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, quá trình chuyển viện từ nơi này đến tuyến trên, bệnh nhân bất ngờ lên cơn ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ trong ekip chuyển viện lập tức tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, sốc điện ngay trên xe cấp cứu, để bệnh nhân có nhịp tim trở lại.
Khi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim thêm 2 lần chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, nhưng đều được xử trí hồi sức, sốc điện thành công.
Sau đó, bệnh nhân được can thiệp mạch máu nuôi tim bên phải, khai thông mạch máu và đặt stent mạch vành. Hậu can thiệp, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, tri giác cải thiện, tỉnh táo, bớt đau ngực và khó thở, được chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh để tiếp tục điều trị, theo dõi.
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 3
Nhờ được cấp cứu kịp thời và đặt stent, bà L. qua cơn nguy kịch (Ảnh: Hoàng Lê).
Đến ngày 31/8, bệnh nhân đã khỏe hơn, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Dự kiến, người phụ nữ sẽ còn điều trị khoảng 5-10 ngày để theo dõi, đề phòng các tổn thương tim, dùng các thuốc điều trị suy tim trước khi xuất viện.

Căn bệnh gây ngưng tim ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Được cho biết, mạch máu nuôi tim bên phải giữ vai trò quan trọng. Khi tắt mạch này, nút thắt nhịp tim sẽ không có máu nuôi, dẫn đến việc tim ngừng đập.
Thống kê tại khoa Nội Tim mạch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trung bình mỗi năm tiếp nhận điều trị khoảng 200 trường hợp gặp phải tình trạng trên, và tuần nào cũng có từ 1-5 ca bệnh.
Quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, trước đây việc tắc mạch máu nuôi tim thường gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên càng về sau, tình trạng này có dấu hiệu trẻ hóa, khi có những ca bệnh mới hơn 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh.
Triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng tắc mạch máu nuôi tim là đau ngực kèm khó thở nặng. Nếu phát hiện và can thiệp trễ, bệnh nhân sẽ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, còn có thể gặp biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp, thủng thành tim…
TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 4
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận điều trị khoảng 200 ca tắc mạch máu nuôi tim (Ảnh: Hoàng Lê).
Bác sĩ khuyến cáo, người dân dù khỏe mạnh cũng cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các chức năng của cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường.
Trường hợp bệnh nhân đã ngưng tim trước khi vào viện, người nhà nên đưa vào cơ sở y tế gần nhất trước để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu, sau đó mới đến các trung tâm can thiệp chuyên sâu, có đủ máy móc, thiết bị hiện đại và nhân lực điều trị.
Ngoài ra, người dân nên chủ động mua bảo hiểm y tế, bởi khi bị biến chứng nặng, cần can thiệp chuyên sâu, đặt stent… sẽ rất tốn kém viện phí điều trị.
“Như trường hợp của bệnh nhân L., vì không có bảo hiểm y tế nên chi phí đặt stent lên đến khoảng 80 triệu đồng. Số tiền điều trị đến khi xuất viện dự kiến cần thêm 20-30 triệu đồng nữa”, bác sĩ Được nói.

Nguồn: dantri.com.vn

 


can-gio.png

31 Tháng Tám, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt mục tiêu đầu tháng 10-2023 bệnh nhân suy thận sẽ được chạy thận nhân tạo ở Cần Giờ.

Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ đã có sẵn màng lọc chạy thận, điều này rất thuận lợi cho việc thiết lập đơn vị chạy thận sắp tới - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ đã có sẵn màng lọc chạy thận, điều này rất thuận lợi cho việc thiết lập đơn vị chạy thận sắp tới – Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 30-8, đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM cùng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến Bệnh viện huyện Cần Giờ khảo sát lắp đặt hệ thống chạy thận nhân tạo.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh là đơn vị xung phong triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ, sau tuyến bài “Gian nan hành trình đi chữa bệnh” đăng trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 8 đến 10-8.
Ngoài nòng cốt là khoa thận nhân tạo, bệnh viện cử 16 nhân sự từ nhiều khoa, phòng tham gia buổi khảo sát tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, mục tiêu thiết lập đơn vị chạy thận nhân tạo cho bà con nơi đây.
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ – giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ, số bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo tại huyện là 41 người.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ – giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ – Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong đó, đang chạy thận tại các bệnh viện tuyến trên là 38 người và đang suy thận giai đoạn 4, 5 là 3 người. Đó là chưa kể những người chạy thận ở Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và đang tiếp tục rà soát.
“Cần Giờ chưa có máy lọc thận. Hệ thống phòng ốc thiết kế cho lọc thận từng được triển khai hồi dịch COVID-19 nhưng đành gác lại vì không có nhân lực”, bác sĩ Huệ nói và cho hay rất vui mừng khi được sự “chi viện” từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết việc chi viện cho Cần Giờ đơn giản chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể hỗ trợ. Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, ông đã gọi điện cho bác sĩ Đoàn Văn Huệ và được trả lời: “Nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ ngay”.
Với kinh nghiệm chạy thận nhân tạo, đặc biệt đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, bác sĩ Khanh nhận lời ngay.
“Đây là việc người dân đang rất cần, nếu làm được sẽ mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Không riêng gì Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bệnh viện khác nếu có thể chung tay làm được gì thì cứ tham gia. Sẽ quyết tâm làm vì 41 bệnh nhân chạy thận đang phải lặn lội khắp nơi, cố gắng làm xuyên lễ cũng được” – bác sĩ Khanh nói.
Theo đánh giá của bác sĩ Khanh, cơ sở vật chất của Bệnh viện huyện Cần Giờ hiện khá tốt. Bệnh viện có 10 phòng được thiết kế có cổng kết nối hệ thống khí RO, có máy rửa màng lọc.
“Về nhân sự chúng tôi sẽ cử hai bác sĩ lành nghề cùng với hai điều dưỡng cắm tại Bệnh viện huyện Cần Giờ để vận hành chạy thận. Mọi quy trình được giao cho trưởng khoa thận nhân tạo điều tiết” – bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, nếu làm tốt không chỉ bà con ở Cần Giờ, mà cả ở Cần Giuộc (Long An) và Vũng Tàu có thể đến Cần Giờ chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long – phó phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế – cho biết giám đốc Sở Y tế mong muốn nhanh chóng thiết lập hệ thống chạy thận tại Cần Giờ nhằm giảm thiểu thời gian đi lại cho bà con.

Đơn vị chạy thận thứ 40

Theo ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây sẽ là đơn vị chạy thận thứ 40 phục vụ cho gần 4.500 người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận trên địa bàn TP.HCM.
Ông chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan chủ động phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khảo sát thực tế nơi sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận, bổ sung đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho kỹ thuật chạy thận đảm bảo.
Ngoài ra cần tổ chức hội đồng chuyên môn thẩm định cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận trong thời gian sớm nhất.
Sở Y tế cũng sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân có thẻ BHYT theo đúng quy định.
Toàn cảnh Bệnh viện huyện Cần Giờ khá rộng, khang trang nhưng thiếu bác sĩ và các chuyên khoa sâu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Toàn cảnh Bệnh viện huyện Cần Giờ khá rộng, khang trang nhưng thiếu bác sĩ và các chuyên khoa sâu – Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh cùng bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ kiểm tra đường dẫn hệ thống RO - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh cùng bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ kiểm tra đường dẫn hệ thống RO – Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu vực thiết lập đơn vị chạy thận đã có hệ thống dẫn oxy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu vực thiết lập đơn vị chạy thận đã có hệ thống dẫn oxy – Ảnh: DUYÊN PHAN
Đường dẫn hệ thống RO - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đường dẫn hệ thống RO – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguồn: tuoitre.vn


Logo-So-Y-Te-TPHCM-Department-of-Healt-of-HCM-City.png

Sở Y tế TPHCM: Hoan nghênh Bệnh viện Lê Văn Thịnh “xung phong” triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ

Như vậy, Ngành Y tế Thành phố sẽ có thêm một đơn vị chạy thận đặt ngay tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, cũng là đơn vị chạy thận thứ 40 phục vụ cho gần 4.500 người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận trên địa bàn thành phố.
Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (trước đây là BV huyện Cần Giờ) sẽ triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ bị suy thận mạn có chỉ định chạy thận
Trước những khó khăn của người dân Cần Giờ trong tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ, nhất là người dân nghèo mắc bệnh thận mạn cần chạy thận nhân tạo, đặc biệt là sau loạt bài “Gian nan hành trình đi chữa bệnh” đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 8 đến 10-8, Sở Y tế đã kêu gọi các bệnh viện thành phố sẵn sàng luân phiên triển khai kỹ thuật chạy thận tại Cần Giờ thay vì để người dân nghèo mắc bệnh thận phải gian nan đi đến các bệnh viện thành phố để được chạy thận.
Sở Y tế ghi nhận và đánh giá cao lãnh đạo và tập thể các y bác sĩ chuyên khoa Thận của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã “xung phong” xin được triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ. Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan chủ động phối hợp với BV Lê Văn Thịnh và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khảo sát thực tế nơi sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận, bổ sung đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho kỹ thuật chạy thận đảm bảo đúng theo quy định và tổ chức hội đồng chuyên môn thẩm định cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ trong thời gian sớm nhất, dự kiến sẽ chính thức bắt đầu thực hiện kỹ thuật chạy thận vào đầu tháng 10/2023. Đồng thời, Sở Y tế sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội Thành phố quan tâm và xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân có thẻ BHYT theo đúng quy định.
heo kế hoạch, hệ thống RO (đáp ứng tối đa được 10 máy lọc thận) cùng 5 máy lọc thận sẽ được lắp đặt và hoạt động tại Trung tâm Y tế Cần Giờ trong thời gian đầu. Về nhân viên y tế trực tiếp thực hiện kỹ thuật lọc thận, BV Lê Văn Thịnh sẽ cử luân phiên các ê-kíp bao gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng của Khoa Lọc máu đến Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ để trực tiếp thực hiện kỹ thuật chạy thận cho người bệnh.
Triển khai lọc thận tại huyện Cần Giờ còn mang ý nghĩa quan trọng khác đó là tín hiệu khởi động của quá trình hình thành lại bệnh viện huyện Cần Giờ của Ngành Y tế Thành phố. Việc sáp nhập bệnh viện vào Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV (bệnh viện hạng 3 phải sáp nhập vào trung tâm y tế) đã tác động không nhỏ đến sự tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật trong chăm sóc sức khoẻ của người dân đang sinh sống và làm việc tại huyện Cần Giờ, nhất là người lao động nghèo.
Hiện nay, Sở Y tế đang khẩn trương hoàn thiện và trình UBNDTP đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Theo đề án này, Bệnh viện huyện Cần Giờ sẽ được tái thành lập và trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15), triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân huyện Cần Giờ, nhất là các bệnh mạn tính không lây thường gặp; phối hợp các bệnh viện Thành phố triển khai khám tầm soát chuyên khoa, phát hiện sớm bệnh cho người dân Cần Giờ.

Nguồn: medinet.gov.vn


mat.jpg.png

Chịu sống trong cảnh tăm tối suốt thời gian dài vì chưa có điều kiện mổ mắt, hàng trăm người dân Cà Mau bị đục thủy tinh thể dần lấy lại ánh sáng khi được các bác sĩ ở TP.HCM đến tận nơi mổ phaco miễn phí.

Người dân Cà Mau có hoàn cảnh khó khăn bị đục thủy tinh thể được các bác sĩ ở TP.HCM mổ mắt phaco miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước - Ảnh: X.MAI
Người dân Cà Mau có hoàn cảnh khó khăn bị đục thủy tinh thể được các bác sĩ ở TP.HCM mổ mắt phaco miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước – Ảnh: X.MAI

Ước mơ có đôi mắt sáng thành hiện thực

Đoàn y bác sĩ hai bệnh viện ở TP.HCM gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện mắt Tây Nam phối hợp cùng Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP.HCM đã mổ phaco (thay thủy tinh thể nhân tạo) miễn phí cho khoảng 430 người dân Cà Mau vào ngày 26 và 27-8.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân, chủ yếu là người cao tuổi bị đục thủy tinh thể đã đến Bệnh viện Đa khoa Cái Nước xếp hàng chờ được thăm khám, mổ mắt miễn phí.
Đây là ước mơ của họ, khi thời gian qua đã chịu sống trong cảnh tăm tối nhưng không có điều kiện mổ mắt, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.
Người dân được khám mắt trước khi bước vào phòng mổ - Ảnh: X.MAI
Người dân được khám mắt trước khi bước vào phòng mổ – Ảnh: X.MAI
Ba tháng gần đây, đôi mắt của ông Dương Minh Hải (70 tuổi, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) dần nhìn không rõ và đến nay thì trở nặng, phải dùng gậy dò đường đi.
Trong lúc chờ mổ mắt, ông Hải chia sẻ: “Tôi đến bệnh viện địa phương khám và họ yêu cầu lên tuyến trên mổ nhưng vì điều kiện khó khăn nên chưa mổ được”.
Ở tuổi 75, đôi mắt của ông Huỳnh Văn Đực (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã không nhìn rõ mọi thứ xung quanh dù chỉ cách mắt vài mét.
Không giấu được niềm vui được mổ mắt miễn phí ngay tại địa phương, ông Đực nói: “Mắt sắp được sáng trở lại, là ước mơ mấy năm qua. Tôi cảm ơn đoàn bác sĩ TP.HCM và các đơn vị phối hợp, mạnh thường quân”.
Được mổ mắt miễn phí là ước mơ của nhiều người dân Cà Mau bị đục thủy tinh thể, có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: X.MAI
Được mổ mắt miễn phí là ước mơ của nhiều người dân Cà Mau bị đục thủy tinh thể, có hoàn cảnh khó khăn – Ảnh: X.MAI

Mang “ánh sáng” đến gần dân

Theo bác sĩ Lê Nhật Nam – quyền trưởng khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh, do một số nguyên nhân, nhiều người dân tỉnh Cà Mau bị đục thủy tinh thể nhưng chưa được mổ. Các bệnh viện TP.HCM đã mang kỹ thuật cao về địa phương, mổ phaco kính mềm tại chỗ và miễn phí 100%.
Nếu không được mổ mắt miễn phí, tổng chi phí mỗi ca mổ phaco chưa được BHYT thanh toán tại TP.HCM là gần 10 triệu đồng, còn được BHYT thanh toán thì chi phí khoảng 2-3 triệu đồng.
Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh cho rằng dù địa phương đã nỗ lực chăm lo sức khỏe người dân nhưng còn gặp khó khăn khi trang bị những kỹ thuật cao. Đồng thời người dân ở đây cũng không có nhiều điều kiện khám tầm soát bệnh, mổ mắt khi bị đục thủy tinh thể.
Trong khi đó, các bệnh viện, trung tâm mắt lớn tại TP.HCM trong thời gian qua gặp tình trạng quá tải người dân mổ phaco. Nhiều người dân miền Tây đến bệnh viện ở TP.HCM nhưng phải xếp hàng dài chờ đợi để được mổ.
“Chúng tôi đã mang kỹ thuật đến gần dân và kịp lúc”, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói và cho biết sẽ vận động thêm nhiều đơn vị để tiếp tục mổ mắt miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

ca-mau.jpg

Trong 2 ngày 26 và 27/8, Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban Liên lạc) phối hợp với Chương trình “Vượt lên số phận”, Hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Mắt Tây Nam (trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Tây Nam, TP Hồ Chí Minh), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh và mạnh thường quân, nhà tài trợ, đồng hương tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau. Đoàn do Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban Liên lạc, làm Trưởng đoàn.

Sáng nay 26/8, tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và trao tặng 300 suất quà cho người dân trên địa bàn xã.
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại Trạm y tế xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi.

 

Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, tặng quà cho người dân.
Tại huyện Cái Nước, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Mắt Tây Nam mổ mắt miễn phí, đem lại ánh sáng cho hơn 300 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước.
Đoàn y, bác sĩ mổ mắt miễn phí đem lại ánh sáng cho hơn 300 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước.
Đồng thời, khánh thành và bàn giao cầu Đồng hương 152 Lung Đìa (cầu bê tông dài 22 m; rộng 3,3 m; tải trọng 3 tấn) tại ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng do Nhóm bạn Trịnh Việt Trì tài trợ; khánh thành và bàn giao cầu Đồng hương 153 bắc qua sông Ngã Tư – Lung Lá Nhà thể thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, do Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, Ban Liên lạc và Công ty Xăng dầu Cà Mau tài trợ.
Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm tặng quà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Chiều cùng ngày, đoàn khánh thành và bàn giao nhà Đồng hương 161, 163 và 164 cho 3 gia đình: Ông Trần Hợp Bình, ngụ ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP Cà Mau (do Công ty TNHH May thêu giày An Phước tài trợ); bà Võ Ngọc Ánh, ngụ Ấp 10, xã Thới Bình, huyện Thới Bình (do Bệnh viện Lê Văn Thịnh vận động bà Nguyễn Thị Hạ Quyên, TP Thủ Đức trao tặng); bà Nguyễn Thị Nhặm, ngụ ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (do Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm trao tặng).
Lễ khánh thành và bàn giao cầu Đồng hương 153 bắc qua sông Ngã Tư – Lung lá Nhà Thể (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).

Theo chương trình, ngày mai 27/8, tại huyện Phú Tân, đoàn sẽ khánh thành và bàn giao nhà Đồng hương 148 cho ông Nguyễn Văn Quyết, ngụ ấp So Đũa, xã Việt Thắng và tổ chức mổ mắt miễn phí cho hơn 300 người dân trên địa bàn huyện, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Tân./.

Thực hiện: Băng Thanh

Nguồn: baocamau.com.vn

6d1df286-80e2-4dc0-84e6-d6ebe793b2d7.jpg

16 Tháng Tám, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Ngày 15/8/2023, tại BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, Ngày hội Việc làm lần đầu tiên được Sở Y tế TP.HCM tổ chức với 64 cơ sở y tế trên địa bàn tham gia đã rộng cửa chào đón, mời gọi 270 bác sĩ trẻ “đầu quân”.

Đây là những bác sĩ trẻ đã tham gia chương trình thí điểm thực hành tại BV đa khoa gắn với trạm y tế (TYT), được khởi xướng bởi chính quyền TP.HCM hồi năm 2021. Đến đầu năm 2022, tổng cộng 270 bác sĩ trẻ (hầu hết đến từ trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, số ít đến từ trường ĐH Y dược TP.HCM) chính thức về các TYT “cọ sát thực tế” thông qua chương trình thực hành tại các BV trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dự Lễ Đón bác sĩ trẻ về TYT hồi đầu năm 2022

Qua 18 tháng thực hành tại các BV đa khoa, các TYT trên địa bàn, 270 bác sĩ trẻ đã thực sự trưởng thành, đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Với các bác sĩ trẻ, đó là khoảng thời gian thực hành lâm sàng cần thiết và đặc biệt ý nghĩa cho nghề nghiệp. Còn với ngành y tế và chính quyền TP.HCM, đó là nỗ lực tăng cường nhân sự y tế cơ sở phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân, điều hết sức cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn tác động, ảnh hưởng nặng nề.

Tới nay, hành trình thực hành, trải nghiệm của các bác sĩ trẻ nơi gần dân nhất về y tế, cũng là quá trình phục vụ ngành, phục vụ người dân của 270 “blouse trắng” này đã hoàn tất. Vì vậy, ngành y tế và chính quyền TP.HCM đã tổ chức Ngày hội Việc làm dành riêng cho những bác sĩ trẻ này, mở ra cơ hội lựa chọn nơi làm việc phù hợp nhất với bản thân.

Có 64 cơ sở y tế (bệnh viện tuyến TP.HCM và tuyến quận, huyện; trung tâm y tế; HCDC, chi cục DS-KHHGĐ…) tham gia Ngày hội việc làm. Tại 64 gian hàng, lãnh đạo các cơ sở y tế trực tiếp chào đón, chia sẻ thông tin, nhu cầu tuyển dụng và mời gọi các bác sĩ trẻ “đầu quân”. Có gian hàng 2 chỉ tiêu tuyển dụng (BV Nhi đồng 1), lại có gian hàng đến 10 chỉ tiêu tuyển dụng (BV huyện Củ Chi), hàng loạt gian hàng khác trung bình 4-5 chỉ tiêu tuyển dụng…

“Mong các bác sĩ trẻ tìm hiểu, suy nghĩ, cân nhắc và lựa chọn được đơn vị phù hợp nhất với sở trường, sở thích của mình. Được vậy, sự gắn bó và phát triển sẽ lâu dài…”- PGS.BS.Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhắn nhủ các bác sĩ trẻ khi tuyên bố khai mạc Ngày hội Việc làm.

Phạm Hồng Thành- BS thực hành tại BV Nhân dân 115 theo chương trình thí điểm thực hành tại BV đa khoa gắn với TYT, khi được giao nhiệm vụ thay mặt 270 bác sĩ trẻ đồng môn chia sẻ cảm tưởng, đã nói rằng “đến với chương trình thí điểm này em và các bạn vừa mừng vừa lo”.

Theo BS.Thành, mừng vì mình đã tốt nghiệp trở thành người bác sĩ và lại có cơ hội được tham gia chương trình này để cùng đóng góp, cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết của mình cho ngành y tế TP.HCM; được hỗ trợ cho người dân một cách gần gũi sát sao trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 và tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

“Còn lo là vì chúng em còn quá non trẻ, mới ra trường chưa có kinh nghiệm chuyên môn, chưa trải nghiệm cuộc sống và rất cần có một môi trường làm việc để trau dồi kiến thức, phát triển chuyên môn và ổn định việc làm cải thiện kinh tế bản thân trang trải cuộc sống. Rất may mắn và kịp thời, các nỗi lo ấy cũng nhanh chóng được xoá tan… Chúng em xin hứa sẽ luôn yêu nghề, thương yêu người bệnh như người thân của mình với phương châm: Vững y đạo; sáng y đức; sâu y lý và thạo y thuật…”- BS.Thành bộc bạch.

Bí thư Nguyễn Văn Nên có bài phát biểu nhiều cảm xúc tại Ngày hội việc làm dành cho bác sĩ trẻ.

Tại Ngày hội Việc làm giúp các bác sĩ trẻ, có một vị khách đặc biệt là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Còn nhớ, hồi đầu năm 2022 khi ngành y tế và chính quyền TP.HCM tổ chức Lễ Đón các bác sĩ trẻ về TYT, Bí thư Nên đã gắng sắp xếp thời gian đến dự và động viên. Hôm nay, người đứng đầu Thành ủy khiến cả Ngày hội bất ngờ khi xướng tên 3 bác sĩ trẻ trước khi có lời phát biểu chính thức. Hóa ra, đây là những bác sĩ đã cam kết “cháy hết mình phục vụ” hồi đầu năm 2022.

Bí thứ Nên đã ôn lại thời gian phôi thai kế hoạch thí điểm chương trình thực hành tại BV đa khoa gắn với TYT. Đặc biệt là bối cảnh y tế TP.HCM đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Theo Bí thư Nên, thời điểm đó cũng có ý kiến bàn nên cân nhắc, xem xét thế này, thế khác… Nhưng ngành y tế và chính quyền TP.HCM đã quyết tâm thực hiện và Ngày hội việc làm giúp 270 thầy thuốc trẻ xem như điểm cuối hành trình.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các bên liên quan, mà chủ lực là ngành y tế, sớm tổ chức tổng kết (dự kiến vào cuối tuần này) chương trình để mô hình hóa, đồng thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Theo Bí thư Nên, đây là khóa 1 thí điểm và những khóa tới sẽ trở nên chính thức. Khi đó, niềm vui tìm được bến đỗ lâu dài của các bác sĩ trẻ tại Ngày hội việc làm sẽ không chỉ dừng lại ở con số 270, mà ngày càng nhiều hơn…

Những khoảnh khắc tại Ngày hội việc làm dành cho bác sĩ trẻ

Lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM bàn chuyện “đầu quân” với bác sĩ trẻ
Giám đốc BV Lê Thịnh- BS.Trần Văn Khanh trao đổi với BS trẻ
BS trẻ tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại gian hàng BV Nhân dân Gia Định
Gian hàng BV Lê Văn Việt chào đón không ít BS trẻ
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều BS trẻ
Lãnh đạo phòng KHTH và phòng Nhân sự BV TP.Thủ Đức chào đón bác sĩ trẻ đến gian hàng việc làm

Thực Hiện: Thanh Giang

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn

 

 

 

 


Logo-So-Y-Te-TPHCM-Department-of-Healt-of-HCM-City.png

21 Tháng Bảy, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Điểm chất lượng bệnh viện năm 2022 tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố có nhiều cải tiến rõ rệt và đồng đều ở tất cả các khối bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Nếu như trong 02 năm gần đây, hai bệnh viện chuyên khoa Sản luôn dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chất lượng bệnh viện thì năm 2022 đã có thêm bệnh viện chuyên khoa Nhi là Bệnh viện Nhi đồng 1 vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng điểm chất lượng các bệnh viện. Năm 2022, kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện ghi nhận có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (theo thang điểm 5) tăng 15,6% so với năm 2021. Số lượng bệnh viện đạt điểm dưới 2,5 chỉ còn 01 bệnh viện thuộc khối bệnh viện tư nhân.

Từ 24/02/2023, Sở Y tế TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế trên tổng số 115 bệnh viện bao gồm 54 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân.

Thực hiện quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 bao gồm các nội dung chính: Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, Tiêu chí an toàn phẫu thuật, Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế.

Nhìn chung sau một năm nỗ lực thực hiện các hoạt động chuyên môn, triển khai cải tiến chất lượng tại các bệnh viện, Sở Y tế đã ghi nhận hầu hết các bệnh viện có nhiều hoạt động cải tiến rõ rệt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần xây dựng nền kinh tế Thành phố trong năm vừa qua. Cụ thể trong 37 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (mức chất lượng tốt) có 11 bệnh viện trên 50% tiêu chí đạt mức 5 (mức tối đa). Kết quả có 08 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 tăng 33% so với năm 2021, 29 bệnh viện từ 4 – 4,5 tăng 11,5% so với năm 2021 và 09 bệnh viện dưới 3 giảm 40% so với năm 2021. Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9% so với năm 2021, nhóm bệnh viện Thành phố tăng 2,5% so với năm 2021 và nhóm bệnh viện quận huyện tăng 0,3% so với năm 2021. Qua đó, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm bệnh viện công lập. Nhóm bệnh viện quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn các nhóm khác.

Ngoài những ưu điểm của các bệnh viện qua đợt kiểm tra trên, Sở Y tế ghi nhận vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục và ưu tiên cải tiến trong thời gian tới về các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng tiết chế, các vấn đề tuân thủ quy định ghi chép hồ sơ bệnh án và đặc biệt lưu ý các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự khi có thay đổi phải được cho phép bởi cơ quản quản lý có thẩm quyền để duy trì hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh đảm bảo an toàn người bệnh.

Dưới đây là kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022.

Nguồn: Sở  Y tế TPHCM: medinet.hochiminhcity.gov.vn


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group