Thuốc Fentanyl 50 micrograms/ml, hướng dẫn sử dụng và tác dụng phụ cần lưu ý
Thuốc Fentanyl 50 thuộc nhóm thuốc giảm đau gây mê có thành phần chính fentanyl thường được dùng để giảm nhanh các cơn đau nghiêm trọng hoặc đau sau phẫu thuật. Vậy thuốc Fentanyl 50 công dụng như thế nào?
1. Thuốc Fentanyl 50 là thuốc gì?
Thuốc Fentanyl 50 là thuốc giảm đau nhóm opioid có cơ chế giảm đau nhờ tác động vào thụ thể muy-opioid nhờ đó giảm đau rất mạnh và an thần tương tự morphine nhưng mạnh hơn nhiều. Fentanyl ức chế phía trước bao synap và làm gián đoạn xung động cảm giác đau, làm tăng ngưỡng nhận cảm giác đau và giảm, mất các phản xạ với đau của người bệnh. Khi sử dụng liều thấp Fentanyl 50 có tác dụng an thần và liều cao sẽ có tác dụng gây ngủ.
2. Chỉ định của thuốc Fentanyl 50
- Cơn đau cần giảm đau mạnh đòi hỏi opioid như bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
- Giảm đau kiểu an thần và hỗ trợ an thần trong gây mê
- Một thành phần giảm đau trong gây mê tổng quát có luồn ống khí quản và thông khí ở bệnh nhân
- Điều trị giảm đau ở phòng chăm sóc tích cực đối với bệnh nhân được hỗ trợ thông khí
3. Chống chỉ định của thuốc Fentanyl 50
- Bệnh nhân mẫn cảm với fentanyl, mẫn cảm với thuốc có các tác dụng tương tự như morphin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc
- Suy hô hấp không có thông khí nhân tạo
- Đang dùng kết hợp với các thuốc ức chế MAO hoặc trong vòng 2 tuần sau khi ngưng sử dụng các thuốc ức chế MAO
- Tăng áp lực nội sọ và chấn thương sọ não
- Giảm lưu lượng máu và giảm huyết áp
- Nhược cơ nặng
- Trẻ em dưới 2 tuổi
- Không dùng thuốc trong các trường hợp đau nhẹ có thuốc khác phù hợp hơn
4. Liều sử dụng của thuốc Fentanyl 50
Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Fentanyl 50 sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:
Tiền mê:
- An thần người lớn dùng 50-100 microgam tiêm tĩnh mạch chậm. Thuốc tác dụng trong vòng 1-2 phút, tiêm bắp sẽ tác dụng sau 30-60 phút
- Trẻ em (2-12 tuổi) dùng 3-5 microgam/ kg sau đó 1 microgam/kg nếu cần
Bổ trợ trong gây mê:
- Liều thay đổi phụ thuộc vào phẫu thuật lớn hay nhỏ và có hỗ trợ hô hấp không
- Nếu người bệnh tự thở: tiêm tĩnh mạch 50-200 microgam, sau đó tiêm 50 microgam nếu cần sau 30 phút
- Nếu có hỗ trợ hô hấp: liều khởi đầu 300-3500 microgam, sau đó từng thời gian bổ sung 100-200 microgam tuỳ thuộc vào đáp ứng
- Liều cao thường dùng trong phẫu thuật tim và các phẫu thuật phức tạp về thần kinh, chỉnh hình
- Trẻ em: dùng 15 microgam/kg sau đó 1-3 microgam/kg khi cần.
- Dùng phối hợp với thuốc tê vùng (bupivacaine) để gây tê ngoài màng cứng: 50-100 microgam và gây tê tuỷ sống: 25-50 microgam, tác dụng giảm đau kéo dài từ 3-6 giờ
Giảm đau sau mổ:
- Nhỏ giọt vào tĩnh mạch 50-200 microgam/giờ (hoặc bơm tiêm điện)
- Với trẻ em: tiêm tĩnh mạch 3-5 migrogam/kg sau đó 1 microgam/kg
Thuốc Fentanyl 50 rất nguy hiểm khi sử dụng quá liều, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng ngộ độc nhóm opioid gây suy hô hấp. Khi đó cần xử trí cấp cứu bằng cách để bệnh nhân nằm thoải mái, điều trị sốc và suy hô hấp, sau đó dùng thuốc giải độc đặc hiệu naloxone hydrochloride 0,4- 2 mg tiêm tĩnh mạch dưới da hoặc tiêm bắp, bổ sung sau 2-3 phút tối đa 10 mg.
5. Tác dụng phụ của thuốc Fentanyl 50
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Fentanyl 50 có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Giảm thông khí là tác dụng phụ trầm trọng nhất của thuốc nhóm opioid
- Buồn nôn, nôn, táo bón
- Hạ huyết áp, chậm nhịp tim
- Buồn ngủ, nhức đầu, nhầm lẫn, ảo giác
- Ngứa, đổ mồ hôi
- Bí tiểu
- Phản ứng da: nổi mẩn đỏ, ban đỏ, nổi mề đay, bỏng rát
- Các phản ứng co cứng, giật rung cơ, co đồng tử
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Fentanyl 50
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Fentanyl 50 gồm có:
- Fentanyl 50 không nên dùng trong kiểm soát cơn đau cấp và hậu phẫu, bởi vì không có cơ hội chuẩn liều trong thời gian sử dụng ngắn hạn, suy hô hấp nặng và đe doạ tính mạng có thể xảy ra
- Thuốc thường được sử dụng bởi nhân viên y tế giàu kinh nghiệm gây mê tĩnh mạch, cơ sở y tế đầy đủ thiết bị cấp cứu, đặc biệt là thuốc kháng opioid
- Các trường hợp có bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,lao, hen phế quản, vì tác dụng phụ của thuốc ức chế trung tâm hô hấp nên cần theo dõi chặt chẽ khi đang dùng Fentanyl 50
- Thuốc Fentanyl 50 cũng có tác dụng làm thay đổi nhịp tim nên thận trọng với các đối tượng mắc bệnh lý tim mạch như suy tim, loạn nhịp tim hay là tim nhịp chậm
- Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu có thể làm tăng độc tính của thuốc
- Thuốc Fentanyl 50 có thể gây nghiện nếu bị lạm dụng
- Quan trọng nhất là tình trạng ức chế hô hấp của Fentanyl 50 rất dễ xảy ra nên bác sĩ cần theo dõi sát tình trạng bệnh nhân để phát hiện và đưa ra hướng xử trí kịp thời.
- Thuốc có thể gây suy hô hấp bào thai, do đó khuyến cáo không sử dụng cho phụ nữ mang thai và mẹ đang cho con bú
7. Các tương tác thuốc với Fentanyl 50
Sử dụng đồng thời Fentanyl 50 với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương gồm opioid, giải lo âu, an thần, thuốc gây mê, chống loạn thần, giãn cơ, kháng histamin gây ngủ và rượu có thể làm tăng thêm tác động ức chế, từ đó làm giảm thông khí, hạ huyết áp và ngủ sâu, hôn mê
- Itraconazole làm giảm nồng độ thanh thải của fentanyl tiêm tĩnh mạch 2/3 lần. Sử dụng đồng thời với các chất ức chế CYP3A4 hoạt tính mạch như ritonavir có thể làm gia tăng nồng độ fentanyl
- Fentanyl kết hợp với thuốc hạ áp còn làm tăng tác dụng của chúng, đặc biệt là thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi
Ngoài ra fentanyl còn làm giảm hấp thu một số thuốc trên đường tiêu hoá như metoclopramide, mexiletine,…
Thuốc Fentanyl 50 thuộc nhóm thuốc giảm đau gây mê có thành phần chính fentanyl thường được dùng để giảm nhanh các cơn đau nghiêm trọng hoặc đau sau phẫu thuật. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
Dược sĩ
Trần Thị Diễm Trang
(Theo hướng dẫn sử dụng của Nhà sản xuất)