Cơ quan quản lý sức khỏe Singapore (HSA) khuyến cáo thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin và nguy cơ tự tử
Thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRIs) được sử dụng trong điều trị trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác. Các thuốc SSRI được cấp phép ở Singapore gồm escitalopram, fluoxetin, fluvoxamin, paroxetin và sertralin. Ở Việt Nam, các SSRI được cấp phép bao gồm citalopram, escitalopram, fluoxetin, fluvoxamin, paroxetin, sertralin, và dapoxetin. Các thuốc này hầu hết được chỉ định cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên. Fluvoxamin được chấp thuận sử dụng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên để điều trị hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Mặc dù chưa có SSRI nào kể trên được đặc biệt dùng điều trị trầm cảm ở trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, thuốc vẫn được sử dụng ngoài chỉ định trên nhóm bệnh nhân này. Trầm cảm và các rối loạn tâm thần ở trẻ em và trẻ vị thành niên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Việc sử dụng SSRI ngoài chỉ định đã được khuyến cáo trong một số hướng dẫn điều trị.
SSRI và nguy cơ tự tử
Thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRIs) được cho là có liên quan đến nguy cơ tự tử phụ thuộc vào độ tuổi, nguy cơ này tăng lên đặc biệt ở những bệnh nhân dưới 25 tuổi. Tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả chưa được làm rõ, vì nguy cơ tự tử có thể bị làm nhiễu do tình trạng tâm thần và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh nhân. Một phân tích meta gồm 24 thử nghiệm có đối chứng ngắn hạn về rối loạn trầm cảm nặng (MDD) hoặc các rối loạn tâm thần khác trên 4400 trẻ em và trẻ vị thành niên đã chỉ ra có sự gia tăng nguy cơ của ý định và hành vi tự tử (nhưng chưa tự tử thành công) trong vài tuần đầu điều trị khởi đầu với SSRIs so với nhóm dùng giả dược (4% với 2%; tỉ số nguy cơ [RR] 1,95; 95% CI 1,28-2,98). Tương tự, phân tích gộp khác gồm 295 thử nghiệm có đối chứng ngắn hạn (trung vị kéo dài 2 tháng) với 11 thuốc điều trị trầm cảm, trong đó phần lớn là SSRI, trên 77 000 người trường thành có MDD hoặc các rối loạn tâm thần khác đã chỉ ra nguy cơ cao hơn gặp hành vi tự tử liên quan đến sử dụng thuốc chống trầm cảm ở những người dưới 25 tuổi (tỉ số chênh [OR] 2.30, 95% CI 1.04 đến 5.09). Tuy nhiên, không ghi nhận nguy cơ gia tăng ở người trưởng thành từ 25 đến 64 tuổi (OR 1.03, 95% CI 0.68-1.58) và nguy cơ này giảm ở những người trên 65 tuổi (OR 0.06, 95% CI 0.01-0.58).
Xu hướng kê đơn SSRIs tại Singapore
Theo dữ liệu từ các trang thông tin y tế điện tử, trung bình khoảng 50 000 bệnh nhân được kê SSRI mỗi năm từ năm 2017 đến năm 2021. Trong số các bệnh nhân này nhiều nhất là người lớn (>= 25 tuổi; 82.9%), người trẻ tuổi (18-24 tuổi; 13.5%) và trẻ em/trẻ vị thành niên (<18 tuổi; 3.6%).
Xu hướng gia tăng kê đơn với SSRI đã được ghi nhận trong 5 năm. Mức độ gia tăng từ 3,5% đến 4,7% mỗi năm từ 2017 đến 2020, sau đó là sự tăng nhanh chóng lên đến 9,1% từ 2020 đến 2021. Khi phân tích theo độ tuổi, tỷ lệ mỗi năm trẻ em hoặc trẻ vị thành niên được kê đơn SSRI duy trì ổn định ở mức 3,4% từ 2017 đến 2020 và tăng lên 4,1% vào năm 2021, trong khi ở nhóm người trẻ tuổi có sự gia tăng ổn định qua các năm từ 11,2% vào năm 2017 đến 15,5% vào năm 2021. Mặt khác, tỷ lệ kê đơn SSRI ở người lớn giảm mỗi năm từ 85,4% vào năm 2017 đến 80,5% vào năm 2021.
Tài liệu thông tin thuốc cho người bệnh
Các cảnh báo về tự tử và các rối loạn tâm thần trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cần phải nhấn mạnh những nguy cơ ở những người dưới 25 tuổi và để nâng cao nhận thức, cảnh giác của người bệnh.
Đánh giá và khuyến cáo của HSA
Theo HSA, mặc dù các cảnh báo và khuyến cáo về nguy cơ tự tử đã được nhấn mạnh trong tờ thông tin sản phẩm của SSRI và tờ thông tin cho bệnh nhân, nhưng cần thiết phải nhắc nhở nhân viên y tế về mối liên quan của SSRI với nguy cơ tự tử ở người trẻ tuổi và tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có sẵn.
Các nhân viên y tế được khuyên nên dựa theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có sẵn trong quá trình tư vấn sử dụng SSRI cho bệnh nhân và/hoặc các nhân viên y tế. Điều này sẽ có ích trong quá trình tư vấn sử dụng SSRI và xử lý các tác dụng không mong muốn.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
Dược sĩ
Đinh Khắc Thành Đô
(Nguồn: Cảnh giác dược)