CDSYT.jpg

24 Tháng Ba, 2023 Tin Tức

SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

(Kèm theo Công văn 244/CĐSQG-CSS ngày 05/03/2023 của Cục Chuyển đổi số
quốc gia)

  1. Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý. Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.

  2. Chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị. Công nghệ thông tin nói đến chi phí là bao nhiêu, nói đến đầu tư là bao nhiêu. Nhiều dự án công nghệ thông tin hoành tráng ở chỗ chi nhiều tiền cho nhà cửa, máy móc, phần mềm. Chuyển đổi số nói đến mang lại giá trị gì, lợi ích gì. Chuyển đổi số chú trọng đánh giá hiệu quả, giá trị tạo ra trừ đi chi phí có dương không. Giống như một dự án đầu tư.

  3. Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung. Công nghệ thông tin chỉ nói đến phần mềm. Phần mềm là viết cho một phòng ban, một tổ chức, một xã, một huyện, một tỉnh. Chuyển đổi số thì xuất hiện khái niệm nền tảng số. Nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm nhiều người dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc, toàn cầu. Ngoài ra, nền tảng số không chỉ đơn thuần là phần mềm giải quyết một việc nào đó mà là một môi trường làm việc.

  4. Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc. Công nghệ thông tin thì nói đến ứng dụng công nghệ thông tin. Nó giống như một công cụ. Công nghệ thông tin cung cấp một công cụ để thực hiện tự động hóa một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ. Chuyển đổi số thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi cách làm là chính, là mục tiêu, công nghệ số chỉ là phương tiện thực hiện.

  5. Chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện. Công nghệ thông tin thì chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức cán bộ thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm phần kế toán chi phí mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức, tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện, và cuối cùng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho công nghệ thông tin trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy. Chuyển đổi số là toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là nửa này nửa kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người mà rời máy tính ra là không làm việc được. Và chỉ khi này thì công nghệ số mới phát huy hiệu quả.

  6. Chuyển trọng tâm từ giám đốc công nghệ thông tin sang người đứng đầu. Công nghệ thông tin thì công nghệ là nhiều, là tự động hóa cái cũ, không phải thay đổi nhiều về cách làm, cách vận hành tổ chức, nên vai trò quyết định là giám đốc công nghệ thông tin. Chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số.

  7. Chuyển từ máy tính rêng lẻ sang điện toán đám mây. Công nghệ thông tin là các hệ thống công nghệ thông tin dùng riêng, mỗi xã, mỗi huyện một cái. Đầu tư tốn kém, cần nhiều người vận hành khai thác. Chuyển đổi số là dùng chung trên đám mây, đầu tư một chỗ, vận hành khai thác một chỗ, dùng chung toàn tỉnh, toàn quốc. Chuyển đối số thì không còn nhìn thấy các hệ thống máy tính ở mỗi tổ chức.

  8. Chuyển từ đầu tư sang thuê. Công nghệ thông tin thì nhà nhà đầu tư, và để dùng riêng. Cấp xã, cấp huyện đầu tư vì do ít tiền nên không đảm bảo một hệ thống đạt chuẩn, không có người chuyên môn vận hành nên nhiều sự cố, nhất là sự cố an toàn, an ninh mạng. Các hệ thống dùng riêng nên kết nối, chia sẻ dữ liệu luôn luôn là vấn đề. Các hệ thống là riêng biệt nên tổng đầu tư tăng tuyến tính theo số đầu mối. Đầu tư xong không có tiền vận hành khai thác nên hàng năm xuống cấp. Chuyển đổi số thì thuê. Thuê như chúng ta dùng dịch vụ điện thoại di động, một mạng di động thì đầu tư nhiều tỷ đô la, nhưng người dùng chỉ trả 60­70 ngàn mỗi tháng. Dùng bao nhiêu thì thuê bấy nhiêu, tăng giảm linh hoạt theo ngày được, còn đầu tư thì giảm không được, muốn tăng thì lại phải đầu tư mới mất hàng năm về thủ tục.

  9. Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ. Công nghệ thông tin là mua phần cứng, phần mềm về dùng, tức là mua sản phẩm. Một sản phẩm mua về có thể dùng không hết công suất, vì vậy lãng phí. Thống kê cho thấy, các máy tính mua về ít khi dùng hết 20% công suất. Mua sản phẩm về thì phải bỏ tiền, bỏ công ra để nuôi sống sản phẩm. Chuyển đổi số thì không mua sản phẩm mà là mua dịch vụ, trả tiền theo tháng, theo năm. Là chi phí thường xuyên. Dịch vụ thì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Không phải lo nghĩ về việc nuôi sống dịch vụ.

  10. Chuyển đổi trọng tâm từ tổ chuyên gia công nghệ sang tổ công nghệ số cộng đồng. Công nghệ thông tin chú trọng vào kỹ thuật, công nghệ, chú trọng vào cách làm, vào việc làm ra hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy mà hay thành lập tổ chuyên gia về công nghệ. Chuyển đổi số chú trọng vào sử dụng, chú trọng vào người dùng biết cài đặt và sử dụng, nhất là người dân. Vì vậy mà cần các tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản, đến từng nhà hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số. Các nền tảng số này thì do các doanh nghiệp công nghệ phát triển làm ra và duy trì.

  11. Chuyển từ chú trọng vào làm như thế nào sang làm cái gì. Công nghệ thông tin hay chú trọng vào làm như thế nào. Vì vậy mà nhà lãnh đạo rất khó tham gia. Giám đốc công nghệ thông tin nói cái này không làm được thì nhà lãnh đạo cũng đành chịu vậy. Vì vậy mà nhà lãnh đạo thường đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số thì nhà lãnh đạo nói muốn gì, cần làm cái gì, cần thay đổi cái gì, và sau đó là việc của nhà kỹ thuật. Công nghệ thông tin thế hệ mới, hay còn gọi là công nghệ số có đủ sức mạnh để làm hầu hết các yêu cầu của nhà lãnh đạo. Vì thế mà nhà lãnh đạo ở vào vị trí trung tâm.

  12. Chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng. Công nghệ thông tin tập trung vào người viết phần mềm. Tập trung vào đi tìm người giỏi phần mềm. Chuyển đổi số tập trung vào người dùng. Tập trung vào việc đặt ra bài toán, vào việc sử dụng ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu và đóng góp cho phần mềm thông minh dần lên. Phần mềm thông minh là mục tiêu cuối cùng, và để làm được việc này thì đóng góp tri thức của người dùng có ý nghĩa quyết định. Người dùng xuất sắc thì tạo ra phần mềm xuất sắc. Người đứng đầu phải là người dùng xuất sắc.

  13. Chuyển từ hệ thống công nghệ thông tin sang môi trường số. Hệ thống công nghệ thông tin là hệ thống kỹ thuật. Công nghệ thông tin là xây dựng hệ thống kỹ thuật. Môi trường số là môi trường sống và làm việc. Chuyển đổi số là xây dựng môi trường sống và làm việc mới. Môi trường thì rộng hơn rất nhiều so với hệ thống kỹ thuật.

  14. Chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa. Công nghệ thông tin chú trọng tự động hóa công việc, thay lao động chân tay, thay người. Chuyển đổi số chú trọng việc hỗ trợ để giúp con người thông minh hơn. Giúp con người ra quyết định dựa trên số liệu nhiều hơn, thông minh hơn, không chú trọng việc thay người.

  15. Chuyển từ dữ liệu của tổ chức sang dữ liệu người dùng. Công nghệ thông tin xử lý dữ liệu của tổ chức. Chuyển đổi số thu thập và xử lý dữ liệu người dùng sinh ra hàng ngày để tối ưu hoá hoạt động.

  16. Chuyển đổi từ dữ liệu có cấu trúc sang dữ liệu phi cấu trúc. Công nghệ thông tin thu thập và xử lý dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu được định nghĩa trước, là tri thức cũ. Công nghệ thông tin tập trung vào tự động hoá cái cũ. Không sinh ra tri thức mới. Chuyển đổi số thu thập và xử lý cả dữ liệu phi cấu trúc, phân tích những dữ liệu mới này để sinh ra tri thức mới. Chuyển đổi số tập trung vào tạo ra tri thức mới, tạo ra nhiều giá trị mới.

  17. Chuyển từ công nghệ thông tin sang công nghệ thông tin +. Công nghệ thông tin là công nghệ thông tin. Chuyển đổi số là công nghệ thông tin + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số.

Tham khảo thêm về bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

https://mic.gov.vn/mic2020/Pages/TinTuc/154276/Bo-truong-Nguyen- Manh-Hung-noi-ve-su-khac-nhau-giua-cong-nghe-thong-tin-va-chuyen-doi- so.html


h-n-disease-virus-syringe-abstract-virus-image-backdrop-h-n-text-h-n-virus-danger-relative-illustration-medical-146154871.jpg

26 Tháng Hai, 2023 Tin Tức

Gần đây, ngày 8/02/2023, Tổng Giám đốc của WHO đã có nhận định về tình hình dịch bệnh cúm H5N1 trên thế giới, tuy đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh này đối với con người là thấp nhưng WHO khuyến cáo không chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra.

Đáng lo ngại hơn khi Viện Pasteur TPHCM vừa thông tin cho biết (theo tin từ WHO) tại tỉnh Prey Veng của Campuchia bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao, trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.

Trước đó, ngày 8/02/2023, WHO công bố ghi nhận đã có một số báo cáo về một số loại động vật có vú (bao gồm chồn, rái cá, cáo và sư tử biển) đã bị nhiễm cúm gia cầm H5N1. Theo WHO, H5N1 đã lây lan sang các loài chim và gia cầm hoang dã trong 25 năm qua, nhưng gần đây xuất hiện lây lan sang động vật có vú là dấu hiệu cần được theo dõi chặt chẽ.

Hiện tại, WHO đánh giá mức độ rủi ro của cúm H5N1 đối với con người là thấp, kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, sự lây truyền H5N1 sang người vẫn không phổ biến và không bền vững. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc của WHO kêu gọi không được chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra khi có bát kỳ sự biến đổi nào của tác nhân gây bệnh.

Trước mắt, WHO khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc trực tiếp hoặc thu gom động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, thay vào đó phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý. WHO khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác với nhau.

WHO đang làm việc với các cơ quan chức năng và các quốc gia để theo dõi chặt chẽ tình hình và nghiên cứu các trường hợp nhiễm H5N1 ở người. Mạng lưới phòng xét nghiệm toàn cầu của WHO, Hệ thống giám sát và ứng phó cúm toàn cầu tiếp tục xác định và giám sát các chủng vi rút cúm đang lưu hành, đồng thời cung cấp khuyến cáo cho các quốc gia về nguy cơ của H5N1 đối với sức khỏe con người, các biện pháp kiểm soát dịch cúm H5N1 và hướng dẫn điều trị. WHO tiếp tục đồng hành với các nhà sản xuất để đảm bảo rằng khi cần thì nguồn cung cấp vắc xin và thuốc kháng vi-rút sẽ luôn có sẵn trên phạm vi toàn cầu.

Theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận có người mắc và tử vong do cúm H5N1 trong 20 năm qua (2003-2023).

 

(Tài liệu tham khảo: WHO Director-General’s opening remarks at the media briefing – 8 February 2023)
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: medinet.hochiminhcity.gov.vn

LVTOnl01.jpg

3 Tháng Hai, 2023 Tin Tức
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2) được xây dựng vào năm 2008 với quy mô ban đầu chỉ 60 giường bệnh, thực hiện nghĩa vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện đã có sự “lột xác” nhanh chóng. Phát triển toàn diện về quy mô, cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực và chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động thăm khám đang từng bước hoàn thiện. Để giảm bớt nổi lo của người bệnh trong qua trình thăm khám, bệnh viện đã phối hợp cùng YouMed cho ra mắt ứng dụng đặt khám online, giúp ngươi dân an tâm đặt khám trực tuyến ngay tại nhà.

Tại sao bạn nên tải ngay ứng dụng đặt khám online với Bệnh viện Lê Văn Thịnh?

Ứng dụng bệnh viện quận 2 với nhiều tiện ích giúp quá trình thăm khám của người bệnh dễ dàng hơn
Ứng dụng bệnh viện Lê Văn Thịnh với nhiều tiện ích giúp quá trình thăm khám của người bệnh dễ dàng hơn.

Ứng dụng đặt khám online ban đầu được YouMed ra mắt là giải pháp giúp bệnh nhân đặt khám tại nhà, với thông tin hồ sơ và lựa chọn ngày giờ khám phù hợp bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện đúng thời gian đã đặt khám mà không cần chờ đợi hàng giờ tại bệnh viện. Tuy nhiên không dừng ở đó, ứng dụng đặt khám online còn cải tiến thêm những tính năng khác nhằm trở thành người bạn đồng hành cho bệnh nhân. 5 tính năng nổi bật nhất của ứng dụng bao gồm:

  1. Đặt lịch khám dễ dàng và nhanh chóng.
  2. Thanh toán trực tuyến tiện lợi.
  3. Quản lý và lưu trữ hồ sơ sức khỏe.
  4. Nhắc tái khám thông minh.
  5. Cập nhật tin y tế chính thống.

Lấy phương châm hỗ trợ tối đa cho người bệnh trong các giai đoạn chăm sóc sức khỏe làm cốt lõi, ứng dụng luôn đồng hành và hỗ trợ từ việc đặt khám đến nhắc tái khám đúng lịch hẹn, thanh toán trực tuyến, lưu trữ hồ sơ sức khỏe, và cập nhật các thông tin y tế chính thống với 100% các bài viết hoàn toàn được biên soạn bởi các bác sĩ, dược sĩ.

Hướng dẫn đặt lịch khám trực tuyến qua ứng dụng với Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Để đặt lịch khám với bác sĩ qua ứng dụng với bệnh viện Lê Văn Thịnh, bạn chỉ cần thao tác các bước đơn giản sau:

3 bước cài đặt ứng dụng

Để cài đặt ứng dụng bạn làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Vào App Store hoặc Google Play hoặc quét QR Code trên điện thoại
  • Bước 2: Tìm từ khóa “BV Quận 2” trên thanh tìm kiếm
  • Bước 3: Ấn vào biểu tương “Tải về” để tiến hành cài đặt.
3 bước cài đặt ứng dụng bệnh viện quận 2
3 bước cài đặt ứng dụng đặt khám với Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

4 bước tạo hồ sơ bệnh nhân

  • Bước 1: Nhấn “Bệnh nhân”
  • Bước 2: Nhấn “Thêm hồ sơ”
  • Bước 3: Nhập thông tin cần thiết
  • Bước 4: Nhấn “Thêm hồ sơ”.
4 bước tạo hồ sơ bệnh nhân
4 bước tạo hồ sơ bệnh nhân.

4 bước đặt khám qua ứng dụng

  • Bước 1: Chọn thông tin khám phù hợp (bao gồm nhấn vào đặt lịch khám,chọn khoa khám, chọn ngày giờ khám)
  • Bước 2: Chọn hồ sơ bệnh nhân (bao gồm Chọn hồ sơ và xác nhận hồ sơ bệnh nhân)
  • Bước 3: Tiến hành thanh toán phí khám (bao gồm chọn phương thức thanh toán, Xác nhận thông tin thanh toán)
  • Bước 4: Xác nhận đặt lịch và hoàn thành quy trình (Ứng dụng sẽ hiện thông tin để xác nhận sau đó sẽ thông báo nhắc lịch khám trước khi đi khám 1 ngày).
4 bước đặt khám qua ứng dụng Bệnh viện quận 2
4 bước đặt khám qua ứng dụng Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Việc cơ thể mắc bệnh và phải thường xuyên phải chờ đợi thăm khám là một quá trình rất mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến tinh thần người bệnh. Thấu hiểu được điều này YouMed kết hợp với bệnh viện Lê Văn Thịnh đã ra mắt ứng dụng đặt khám trực tiếp để giải quyết nổi lo lắng này cho bệnh nhân. Tải ngay ứng dụng BV Lê Văn Thịnh để trải nghiệm đặt lịch khám dễ dàng, thanh toán tiện lợi!

Nguồn: Youmed.


TTLao-1200x800.jpg

12 Tháng Một, 2023 Tin Tức

– Phóng viên Dân trí theo chân đoàn y bác sĩ Việt Nam vượt đường xa đến khám bệnh ở nước bạn Lào để ghi nhận những khoảnh khắc đáng nhớ, xúc động trên hành trình nghĩa tình, trong thời điểm Tết đến, xuân về… 

Những ngày cuối tháng 12/2022, chuyến xe lăn bánh từ TPHCM đưa đoàn y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đến khám chữa bệnh miễn phí tại nước bạn Lào. Sau khoảng 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đây được xem là lần đầu tiên, chuyến xe nghĩa tình được nối lại.

Hơn nửa ngày di chuyển, chuyến xe đưa gần 40 người vượt đường xa khoảng 800km, xuyên biên giới qua các cửa khẩu ở Bình Phước (Việt Nam), Campuchia mới đến Lào. Quên đi sự mệt mỏi, trông ai cũng háo hức bởi nhiều người lần đầu đặt chân tới xứ sở triệu voi. Quan trọng hơn, chuyến “xuất ngoại” có ý nghĩa hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương…

Hành trình nghĩa tình

Từ sáng sớm, đoàn y bác sĩ có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Thà Tèng, tỉnh Sekong, nơi có mật độ dân số thấp, cuộc sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Trong và sau đại dịch Covid-19, sự khó khăn trở nên chồng chất về nhiều mặt, trong đó có y tế, sức khỏe.

Chuyến khám chữa bệnh miễn phí của đoàn bác sĩ Việt Nam được phía nước bạn Lào vui mừng chào đón.

Biết đoàn thiện nguyện Việt Nam sang hỗ trợ, hàng trăm người dân, phần lớn là người già và trẻ em, chia thành nhiều nhóm đứng nối dài trước khu vực khám bệnh. Có người di chuyển bằng chiếc “tuk tuk” (xe máy kéo cabin chở khách – phương tiện khá phổ biến ở Lào), có người ôm con ngồi xe công nông dính đầy bụi đất chờ đợi… Họ hớn hở chào đón sự xuất hiện của những người bạn phương xa.

Ông Sompong Duanghorm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sekong trải lòng, đại dịch Covid-19 đã làm công tác đào tạo y bác sĩ địa phương bị gián đoạn. Gần 3 năm xảy ra dịch bệnh, tỉnh rơi vào tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế. Nhiều năm qua, Sekong luôn phải đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh theo mùa, kể cả bệnh tim mạch.

“Các bệnh xuất hiện liên tục, nhanh, khiến chúng tôi không thể theo kịp. Chúng tôi đã cố gắng hợp tác với y tế Việt Nam để cải thiện nhưng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn cần rất nhiều. Do đó, hoạt động khám chữa bệnh lần này của các bạn thật sự rất ý nghĩa”, ông Sompong Duanghorm chia sẻ.

Ông Korlakanh Boudsaba, Trưởng Phòng Y tế huyện Thà Tèng tiếp lời, dân số khu vực này hơn 40.000 người. Nơi đây có 118 bản, nằm rải rác nhiều địa điểm, di chuyển khó khăn. Dù mỗi bản có đặt trạm y tế nhưng số lượng nhân viên y tế ít, người có chuyên môn giỏi lại càng ít.

“Sau đại dịch Covid-19, tình hình còn khó khăn hơn. Cán bộ y tế trình độ bậc đại học của trung tâm y tế chúng tôi chỉ có 2-3 người, còn lại chủ yếu là cao đẳng, trung cấp và nhân viên phụ giúp việc.

Ngành y tế huyện đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất là thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo huyện; thứ hai là thực hiện những chương trình do các tổ chức đoàn thể, đoàn thanh niên xây dựng; thứ ba là tiếp thu các đóng góp, ý kiến từ người dân. Huyện đã phối hợp nhiều đơn vị nâng cao nâng lực chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn không xuể…”, ông Boudsaba nhìn nhận.

Nhớ thương đất Việt

Hiểu sự mong mỏi của người dân nước bạn trong chuyến đi, các y bác sĩ TPHCM cố gắng bắt tay vào việc nhanh nhất. 8h, công tác chuẩn bị, khám chữa bệnh bắt đầu.

Khi trực tiếp đối diện khám bệnh cho người dân, đoàn thiện nguyện mới hiểu vì sao lãnh đạo ngành y tế địa phương tâm tư đến vậy.

Ông Thonkham (70 tuổi, công an viên đã về hưu) lê từng bước nặng nhọc chờ đến lượt đo huyết áp, khám sức khỏe. Ông cho biết, 6 năm qua đã bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ khắp người, đi nhiều nơi điều trị nhưng bệnh cứ tái diễn mỗi khi trái gió trở trời. Nghe đoàn y bác sĩ Việt Nam đến, ông chờ đợi mấy ngày qua.

Bà Khenkhap (86 tuổi, nông dân), được con cháu dìu đến Trung tâm y tế huyện trong tình trạng đau nhức cơ thể nhiều năm. Không những vậy, bà còn bị chứng đau bao tử hành hạ, khiến việc ăn uống gặp rất nhiều khó khăn. Bà xem việc được khám chữa bệnh là cơ hội cải thiện sức khỏe ở tuổi xế chiều…

Sau khi khám, bệnh nhân và gia đình các bệnh nhân được đoàn công tác phát một túi thuốc lớn, hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng, cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bản thân; kèm theo phần nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, mì gói…

Chứng kiến đoàn y bác sĩ Việt Nam hỗ trợ tận tình, những nhân viên y tế Lào xúc động. “Ở đây, người dân muốn phẫu thuật phải lên bệnh viện tỉnh”, Nokky Souliyaphan (25 tuổi) đang hướng dẫn bệnh nhân đo điện tim, chia sẻ. Cô là một trong 3 trường hợp có bằng đại học (học tại Việt Nam) làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Thà Tèng.

Nhắc lại chuyện xưa, Nokky luôn nhớ về Việt Nam. Nữ nhân viên y tế kể lại, hơn 6 năm trước, cô thi đậu chuyên ngành Xét nghiệm của Đại học Quảng Nam. Nhiều năm xa nhà, ấn tượng của cô là sự hiếu khách, hỗ trợ hết mình của sinh viên, thầy cô và những người bạn. Lúc sắp ra trường, Nokky từng nhen nhóm suy nghĩ sẽ ở lại Việt Nam nhưng rồi cô quyết định trở về quê hương, dù mọi thứ khó khăn.

“Mỗi ngày, trung tâm sẽ làm xét nghiệm cho khoảng 50 người. Tuy thu nhập còn thấp nhưng tôi được ở gần gia đình, được chăm sóc cho người dân quê hương mình. Cuộc sống sau dịch có phần khó khăn hơn…”, nữ cử nhân chia sẻ.

Nhân viên y tế Nokky Souliyaphan vui mừng vì người dân quê hương được bác sĩ Việt Nam hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tận tình.

Có mặt trong buổi khám còn có Souksavanh Seelaphet (27 tuổi), học Y sĩ đa khoa tại trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Nhớ lại thời sinh viên, cô cho biết, ngoài 2 năm học chuyên môn, cô phải mất một năm học tiếng Việt để thuận lợi giao tiếp. Sau khi tốt nghiệp, Souksavanh cũng chọn về huyện Thà Tèng làm việc, phụ trách phòng khám nhi.

Sau 5 năm chưa trở lại Việt Nam, khi thấy các y bác sĩ thiện nguyện ghé thăm quê hương, Souksavanh có cảm giác như gặp lại những người bạn cũ thân thương. “Tôi rất thích cháo gà, bánh ướt, hủ tiếu ở Việt Nam và rất thèm được đi du lịch Đà Nẵng…”, Souksavanh cười nói khi nhớ về Việt Nam.

Hẹn ngày trở lại…

Theo thống kê trong một ngày, hơn 1.100 trường hợp đã được đội ngũ y bác sĩ Việt Nam tận tình khám, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân địa phương không nói được tiếng Việt, họ cười hiền, biểu đạt những lời cảm ơn qua ánh mắt và cử chỉ.

Bác sĩ Trần Quý Phương Thùy, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh, là một trong những trường hợp đầu tiên “hành nghề” xuyên biên giới. Cô tâm sự, ban đầu cũng khá mệt do di chuyển nhiều thời gian nhưng bản thân cảm thấy vui vì chuyến đi mang nhiều ý nghĩa khi hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Bác sĩ Thùy nhớ nhất là trường hợp của nữ bệnh nhân 30 tuổi, đến cầu cứu trong tình trạng lở loét nặng. Nói qua thông dịch viên, bệnh nhân cho biết đã lên bệnh viện tỉnh điều trị vài lần nhưng không khỏi, cơ thể cứ đau, ngứa ngày càng nặng. Cách đây không lâu, hai con nhỏ của chị cũng lâm cảnh tương tự.

“Gia đình chị mong muốn được chữa khỏi bệnh. Qua thăm khám, tôi phát hiện 3 mẹ con bị viêm da cơ địa, vì để lâu và không chăm sóc đúng cách nên đã biến chứng nặng. Tôi kê toa thuốc nhưng ra các tiệm thuốc gần đây tìm đều không có bán, dù là những loại thuốc cơ bản. Nếu có cơ hội, tôi muốn được quay trở lại, mang đầy đủ thuốc để giúp đỡ người dân nơi đây”, bác sĩ Thùy chia sẻ.

Ngồi trên xe về lại trung tâm tỉnh Sekong, bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, nhớ lại trường hợp của một phụ nữ 50 tuổi, được gia đình đẩy đến trong tình trạng vùng dưới chân bị biến dạng, bốc mùi hôi thối và sức khỏe suy kiệt. Kiểm tra, xem xét tất cả các triệu chứng, bác sĩ Thanh phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường đã lâu nhưng không kiểm soát tốt, khiến chân bị lở loét, nhiễm trùng nặng.

“Bệnh nhân cần được nằm điều trị nội khoa, kiểm tra xem có hẹp mạch máu. Khả năng bà ấy sẽ phải cắt bỏ bàn chân vì tình trạng hoại tử quá nặng. Chúng tôi chỉ biết khuyên lên tuyến trên gấp để cấp cứu, vì nơi đây không đủ khả năng điều trị, nếu để lâu có thể nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Thanh nói.

Nữ bác sĩ Thanh trăn trở mãi khi chứng kiến một ca bệnh mà “cái chết được báo trước”. Đó là cụ bà hơn 70 tuổi, con trai đưa đến trong tình trạng bụng chướng, vàng da. Bà được siêu âm kiểm tra, kết quả cho thấy một khối u gan đa ổ kích thước rất lớn.

“Bệnh nhân đã bị tắc ứ đường mật, biến chứng ung thư gan di căn, thời gian sống có lẽ chỉ còn vài tháng. Điều đáng nói là khi đến với chúng tôi, dù đã có triệu chứng kéo dài, bệnh nhân cũng không mường tượng được mình bị bệnh nặng, mà chỉ nghĩ bị mệt mỏi, ăn uống kém…”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Trên đường trở về TPHCM sau nhiều ngày làm thiện nguyện, các bác sĩ trải lòng, dù chưa thể tận tay điều trị lâu dài, hiệu quả cho người dân địa phương nhưng ít nhất qua chuyến đi, tất cả gửi gắm cho nhau về sự cần thiết của phát triển y tế tuyến cơ sở và vấn đề chăm sóc sức khỏe luôn được quan tâm hàng đầu.

Chuyến thiện nguyện lần này của đoàn y bác sĩ Việt Nam ngoài tinh thần hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực y tế còn phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái, giao lưu học hỏi giữa hai nước…

Bác sĩ Việt vượt 800km xuyên biên giới khám bệnh cho người dân Lào - 16

Nguồn: dantri.com.vn


20383c7b10ecc8b291fd-1200x939.jpg

6 Tháng Một, 2023 Tin Tức
– Sáng 5/1/2023, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác bảo lãnh viện phí. Tham dự chương trình có: BS.CKII Trần Văn Khanh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh; ông Đỗ Hoàng Phương, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt; bà Nguyễn Thị Triệu Giang, Giám đốc Ban Giải quyết quyền lợi bảo hiểm – Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cùng lãnh đạo các khoa, phòng ban hai đơn vị.
Đại diện hai đơn vị thực hiện nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác bảo lãnh viện phí.

Phát biểu tại buổi lễ, BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh bày tỏ sự trân trọng và tin tưởng đối với Bảo hiểm Bảo Việt. Việc ký kết hợp tác với Bảo hiểm Bảo Việt là một trong những nỗ lực của Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám và điều trị tại đây.

Cùng trên tinh thần mang đến quyền lợi tối ưu cho người bệnh khi đến thăm khám tại bệnh viện, ông Đỗ Hoàng Phương, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, hai bên sẽ cùng nhau đưa ra những giải pháp đảm bảo tài chính, giúp bệnh nhân được trải nghiệm những dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Theo đó, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt sẽ thanh toán trực tiếp các chi phí y tế phát sinh khi khách hàng của Công ty sử dụng dịch vụ y tế, sức khỏe tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh và đã được Tổng Công ty xác nhận đồng ý thanh toán thông qua thư xác nhận bảo lãnh.

Theo nội dung của bản ký kết, phạm vi của dịch vụ được bảo lãnh là các chi phí thanh toán trực tiếp dịch vụ y tế ngoại trú và nội trú, bao gồm: khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, vật lý trị liệu, giường bệnh, phẫu thuật, thủ thuật, thuốc, vật tư y tế.

Thanh Nhàn

Nguồn: www.hcmcpv.org.vn


chay-than-867-1200x681.jpg

17 Tháng Mười Một, 2022 Tin Tức

Bệnh nhân 77 tuổi sợ hãi khi trải qua nhiều giờ thực hiện thủ thuật. Bà nắm chặt tay cô điều dưỡng trẻ đang ngồi dưới băng ca để tạm nghỉ sau 12 giờ làm việc liên tục.

Đó là hình ảnh được bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) chụp lại khi theo dõi qua camera giám sát. Cô gái trong ảnh là điều dưỡng Châu Thị Yến Trinh.

Chị Trinh kể lại, bà cụ vừa chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh 2 ngày nhưng chạy thận đã 10 năm ở cơ sở khác. Bà được mổ tạo cầu nối động – tĩnh mạch ở 2 tay, 2 đùi nhiều lần, mạch máu xơ vữa nhiều. Do đó, khi chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ phải thực hiện thủ thuật đặt đường hầm phía bên cổ trái để lọc máu.

Người bệnh 77 tuổi nắm tay điều dưỡng để bớt sợ. Chị Trinh ngồi gục vì mỏi sau 12 giờ làm việc.
Thông thường thủ thuật này kéo dài từ 1,5 đến 2 giờ, bệnh nhân được gây tê, tiêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, với bà cụ, việc thực hiện khá khó khăn, toàn bộ quá trình siêu âm, tiến hành, xử lý các phát sinh kéo dài đến 5 giờ. 

“Bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau, gây tê nhưng vẫn sợ hãi và đòi về. Bà nói không muốn chạy thận nữa, để bà chết đi mà người con cứ bắt phải làm. Chúng tôi nghe rất thương, dỗ dành rằng con cái thương bà mới muốn bà chạy thận. Nói một hồi bà cũng đồng ý”, chị Trinh kể.

Tuy nhiên, vì tâm lý sợ hãi, bà liên tục than đau, nắm chặt tay điều dưỡng suốt thời gian làm thủ thuật. “Hôm đó tôi làm việc gần 12 giờ liên tục nên khá mỏi chân. Tôi định đi ngồi một chút nhưng bà bảo cho bà nắm tay để bớt sợ. Vậy nên tôi ngồi xuống tại chỗ luôn, chuyện chỉ đơn giản vậy thôi”, điều dưỡng Trinh cười.

Chăm sóc bệnh nhân chạy thận đã 4 năm, chị Trinh cho biết, không thể tránh khỏi chuyện bị to tiếng, quát mắng. Có thể, người bệnh buồn việc nhà, đau đớn, mệt mỏi nên cáu gắt với điều dưỡng.

“Ngày mai họ lại xin lỗi thôi, mình không trách gì cả mà thương bệnh nhân nhiều hơn. Ở đây có những người chạy thận đến lúc chết, có người không ai chăm sóc hoặc không có tiền… Chúng tôi không giúp được gì hơn, chỉ biết lắng nghe rồi tâm sự với người bệnh”, chị Trinh nói.

Bác sĩ Từ Kim Thanh cho hay, việc chạy thận là suốt đời nên bệnh nhân gắn bó với y bác sĩ như gia đình. Những lần mổ tay, đâm kim, đặt tĩnh mạch đùi… trong nhiều năm khiến họ sợ hãi và ám ảnh. “Sự đau đớn, mệt mỏi của người chạy thận chỉ có điều dưỡng thấu hiểu nhất”, bác sĩ Thanh kể.

Bệnh nhân vừa bị cắt chân phải, chạy thận 3 lần/tuần.

 

Theo điều dưỡng Mai Thị Hà, người đã gắn bó 10 năm ở Khoa Thận Nội tiết, công việc tại khoa không theo giờ hành chính mà chia ca kíp. Nếu ca sau thiếu người hoặc nhiều việc hơn, chị có thể ở lại hỗ trợ đồng nghiệp. Có những thời điểm, việc nhiều đến mức chị Hà không kịp đón con, bé phải ở trường đến tối chờ mẹ.

“Không thể nói công việc không vất vả, chúng tôi làm việc xuyên lễ tết vì bệnh nhân chạy thận không thể ngưng được. Đôi lúc mệt mỏi muốn dừng lại nhưng nghĩ đến bệnh nhân và 10 năm gắn bó, tôi lại cố gắng thêm”, chị Hà cười.

Ở đây hiện có hơn 200 bệnh nhân chạy thận chu kỳ. Ai cũng có màu da xám xịt và sự mệt mỏi. Trên giường là một người bệnh 68 tuổi đang lọc máu 3 lần/tuần, mỗi lần 3 giờ. Chân phải của bà vừa bị cắt bỏ, tay phải sưng phù, đi lại phải có người dìu dắt hoặc xe lăn.

Máy báo hiệu hoàn thành quy trình lọc máu, nữ điều dưỡng cẩn thận tháo các đường ống đang nối vào tay người bệnh.

“Bệnh này làm người ta biến dạng, khổ lắm. Không biết cái chân còn lại bao giờ phải cắt. Cũng may các cô ở đây thương người, nhẹ nhàng với chúng tôi”, bà vừa cười vừa thở dài.

Nguồn: vietnamnet.vn


tt1411.jpg

14 Tháng Mười Một, 2022 Tin Tức

Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng vật vã, lơ mơ, nôn ói ra máu. Chị đã uống một ngụm thuốc cỏ cháy tự tử.

Ngày 10/11, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho biết vừa cứu sống một trường hợp tự tử bằng uống thuốc cỏ cháy.

Nạn nhân là một phụ nữ ngụ tại Đồng Nai, được chồng đưa vào viện trong tình trạng khó thở, mệt, kích thích, lơ mơ, gọi không tiếp xúc, ói liên tục và nôn ra khoảng 50ml máu.

Khai thác bệnh sử được biết, một giờ trước nhập viện, nạn nhân uống thuốc diệt cỏ, thành phần diquat, cùng nhóm với paraquat. Người chồng đã sơ cứu ban đầu tại nhà. Ước lượng chị đã uống một ngụm thuốc cỏ cháy khoảng 10ml. Theo bác sĩ, đây là mức ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân được cứu sống, đang phục hồi khả quan.

Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, Khoa Nội tiết – Thận, cho biết, SpO2 khi đó khoảng 90-92%, có hiện tượng toan máu, men gan cao, thận suy. Bệnh nhân được xử trí đặt sonde dạ dày.

Đặc điểm của ngộ độc nhóm paraquat là bệnh nhân không được thở oxy vì sẽ tăng tổn thương phổi, xơ phổi và tử vong rất nhanh. Do đó, bác sĩ tư vấn người nhà lọc máu cấp cứu để kịp giờ vàng để cứu sống. Nhận được sự đồng ý, các bác sĩ tiến hành lọc máu hấp phụ liên tục 5 ngày.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên, người bệnh lại nôn ói lẫn máu lượng lớn khoảng 200ml, phải nội soi cấp cứu, cầm máu trực tiếp trong lúc nội soi. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân có cảm giác loét vùng hầu họng rất nhiều. Chức năng gan thận tiếp tục suy.

Sau 5 ngày thực hiện đúng phác đồ lọc máu hấp phụ với 8 quả lọc, bệnh nhân đã ổn định, gan hồi phục, chức năng thận có cải thiện nhưng vẫn chưa được như ban đầu. Bác sĩ Thanh cho biết, bệnh nhân sẽ được theo dõi thêm từ 1 đến 3 tháng sau khi xuất viện.

Do thua lỗ làm ăn, người phụ nữ đã nghĩ quẩn và uống thuốc diệt cỏ.

Theo bác sĩ Thanh, đặc điểm ngộ độc các chất diquat, paraquat là tổn thương đa cơ quan, nạn nhân có thể tử vong do tổn thương xơ phổi, suy gan cấp, suy thận cấp và loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh cũng phải đối mặt với các di chứng kể cả khi đã được cứu sống. Ngộ độc paraquat hiện nay không nhiều nhưng nếu uống lượng lớn, tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Mỗi tuần, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận từ 3-5 ca ngộ độc, tần suất này kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay. Phần lớn, các nạn nhân uống thuốc trừ sâu hoặc Paracetamol, thuốc an thần.

Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện nạn nhân ngộ độc, cần phải cho bệnh nhân nôn ra chất độc rồi đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Lưu ý, nên đưa nạn nhân vào cơ sở y tế gần nhà nhất thay vì chọn các bệnh viện lớn, bởi có thể mất đi thời gian vàng, khả năng cứu sống sẽ thấp hơn.

Nguồn: vietnamnet.vn


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group