SỨC KHỎE HÔM NAY

Cập nhật: 15:32 – 11/07/2024 | Lần xem: 4735

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, bệnh dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, đã có một số ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, cụ thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng vắc xin và mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ. Ca bệnh bạch hầu gần nhất ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020 là một người từ tỉnh thành khác đến học tập và sinh sống tại Thành phố.

Nguy cơ lan truyền bạch hầu đếnThành phố là có thể

Nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu đến Thành phố Hồ Chí Minh là có thể xảy ra do thành phố có mật độ dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi, và thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh khác. Tuy nhiên, khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu. Người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp.

Giả mạc ở hạnh nhân, hầu họng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh nhân mắc bạch hầu thường xuất hiện ban đầu điển hình như sốt, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi 1 bên hoặc 2 bên có thể lẫn máu. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc giả mạc ở amidan hoặc thành sau họng hoặc mũi với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám, bóng, dai, dính chặt, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.

Mức độ nguy hiểm của bệnh

Bệnh nhân mắc bạch hầu có nguy cơ bị biến chứng như viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.

Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan, bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Cách phòng bệnh bạch hầu

Trước nguy cơ dịch bệnh bạch hầu bùng phát, việc chủ động phòng tránh là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Do đó, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

– Tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất chống lại bệnh bạch hầu. Theo đó, chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vắc xin bạch hầu cho trẻ em theo lịch tiêm chủng gồm 3 mũi cơ bản lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và 1 mũi nhắc lại lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đối với người lớn và trẻ lớn chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

– Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

– Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ

– Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

– Theo dõi thông tin về dịch bệnh bạch hầu từ các nguồn tin cậy như Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, …

Trích nguồn dẫn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC TP HCM).
Bộ phận đăng tin: T3G – TTGDSK – P.CTXH – BV LÊ VĂN THỊNH.
Ngày đăng: 15/07/2024.


SỨC KHỎE HÔM NAY

Cập nhật: 21:23 – 11/07/2024 | 

Hỏi đáp về bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh.

Hình minh họa: người bệnh bạch hầu xuất hiện màng giả có màu trắng ngà (nguồn internet)

Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao?

Bệnh nhân mắc bạch hầu có nguy cơ bị biến chứng như viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do độc tố của vi khuẩn bạch hầu. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Bệnh có thể lây lan thành dịch.

Bệnh mặc dù nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Lưu ý người dân không nên hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các nguồn không chính thống.

Không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu.

Ai có thể mắc bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây lan như thế nào?

Bệnh rất dễ lây lan. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.

Phụ huynh hãy đưa  trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch. Trong trường hợp hoãn tiêm cần đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Ngoài ra có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung khác như:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Theo dõi thông tin về dịch bệnh bạch hầu từ các nguồn tin cậy như Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, …

Lịch tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu hiện nay thế nào?

Vắc xin có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng với 3 liều vào lúc 2,3,4 tháng tuổi để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 01 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Căn cứ theo khyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và theo xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi.

Như vậy, hiện nay Việt Nam đã triển khai tiêm 05 liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của WHO để tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng.

Người dân trong ổ dịch bạch hầu cần làm gì?

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Trích nguồn dẫn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC TP HCM).
Bộ phận đăng tin: T3G – TTGDSK – P.CTXH – BV LÊ VĂN THỊNH.
Ngày đăng: 15/07/2024.


SỨC KHỎE HÔM NAY

Cập nhật: 09:05 – 13/07/2024 |

Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, bệnh dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Trích nguồn dẫn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC TP HCM).
Bộ phận đăng tin: T3G – TTGDSK – P.CTXH – BV LÊ VĂN THỊNH.
Ngày đăng: 15/07/2024.


Cập nhật: 14:36 – 24/01/2022 | Lần xem: 11783

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM

VIÊM GAN B LÀ GÌ?

VGB là bệnh nhiễm vi rut nặng ảnh hưởng đến gan.

VIÊM GAN B MẠN TÍNH LÀ GÌ

Một số người trưởng thành và nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm VGB và vi rút VGB tồn tại kéo dài trên 6 tháng. Hầu hết những người này không có biểu hiện bệnh. Một số diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan và chết sớm.

NHIỄM VIÊM GAN B CẤP LÀ GÌ?

Nhiễm cấp là trong vòng 6 tháng sau khi bị nhiễm bệnh thì người bệnh có các triệu chứng sau: Mệt mỏi, ăn không ngon, nôn và ói, vàng da (vàng da và mắt), đau dạ dày, đau cơ và khớp.

Nhiễm trùng tự khỏi hoàn toàn trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Những người này tiêu diệt được vi rút VGB và có miễn dịch với bệnh và không bị nhiễm nữa.

VIÊM GAN B LÂY TRUYỀN THẾ NÀO?

VGB lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như máu, dịch âm đạo, tinh dịch của người bị nhiễm bệnh. Việc lây bệnh có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hay quan hệ tình dục đồng giới nam; qua việc hiến máu không được sàng lọc; dùng chung bơm kim tiêm. Nhất là khi mẹ bị nhiễm bệnh VGB thì trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi sinh. Bệnh có thể lây qua vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng) nếu sử dụng chung. VGB không lây qua sữa mẹ, không lây qua tiếp xúc thông thường như dùng chung dụng cụ ăn uống, ôm, hôn, nắm tay.

VIÊM GAN B ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHƯ THẾ NÀO?

Nhiễm trùng VGB có thể ảnh hưởng nặng đến trẻ, đe dọa cuộc sống của trẻ. Trẻ bị nhiễm có nguy cơ cao đến 90% thành người nhiễm VGB mạn tính. Trẻ cũng có thể lây cho người khác. Khi trẻ trưởng thành, có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan. hoặc ung thư gan.

VIÊM GAN B CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

VGB có thuốc điều trị làm giảm số lượng vi rút, giảm tốc độ tiến triển bệnh, giảm biến chứng xơ gan và ung thư gan. Có vắc xin ngăn ngừa VGB. Người mới tiếp xúc với vi rút viêm gan B mà chưa tiêm ngừa vắc xin thì có thể tiêm 1 liều huyết thanh miễn dịch chống VGB và vắc xin càng sớm càng tốt để ngừa lây nhiễm.

Khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi cấp sẽ lây truyền cho thai. Từ 10% đến 20% thai phụ VGB mạn tính sẽ lây cho thai

Một số câu hỏi bà mẹ thắc mắc:

Làm thế nào tôi biết mình bị nhiễm viêm gan B?

–   Thực hiện xét nghiệm máu.

Viêm gan B có ảnh hưởng đến cách sanh hay không?

–   KHÔNG. Bạn vẫn có thể sanh ngã âm đạo cho dù bạn nhiễm VGB.

Nếu tôi bị viêm gan B, tôi có cho trẻ bú sữa mẹ được không?

–   ĐƯỢC. Bạn vẫn cho bé bú mẹ cho dù bạn nhiễm VGB.

Nếu tôi bị nhiễm viêm gan B thì làm cách nào con tôi không bị nhiễm?

–   Bạn cần đi khám chuyên khoa để được điều trị bệnh và điều trị dự phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con. Trong 24 giờ sau sanh, con của bạn sẽ được tiêm liều vắc xin VGB đầu tiên cùng với một liều huyết thanh miễn dịch. Sau đó sẽ tiêm 3 liều vắc xin nữa. Sau khi hoàn tất đợt tiêm vắc xin thì con bạn sẽ được kiểm tra xem có nhiễm VGB không.

Nếu tôi không bị nhiễm viêm gan B thì khi nào con tôi được tiêm ngừa viêm gan B?

–   Tất cả trẻ đều được tiêm phòng vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau sinh và 3 liều vắc xin sẽ được tiêm sau đó.

CÁC BƯỚC THAI PHỤ CẦN BIẾT VỀ VIÊM GAN B KHI ĐI KHÁM THAI:

Bước 1: Ở lần khám thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tư vấn làm xét nghiệm viêm gan B.

Bước 2: Trong trường hợp kết quả dương tính, thai phụ sẽ được chuyển đến cơ sở có khả năng chăm sóc và điều trị viêm gan B cho thai phụ đồng thời áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Bước 3: Khi trẻ sinh ra:

+ Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B liều đầu và huyết thanh miễn dịch trong 24 giờ đầu sau sinh. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm các mũi vắc xin viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

+ Đối với trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm viêm gan B, trẻ vẫn được tiêm vắc xin viêm gan B.

Bước 4: Ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan B tại các cơ sở y tế.

ThS. BS. Nguyễn Quốc Chinh – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

 

⇨ Tải file tại đây ⇦ 

 

Nguồn:

1. Tổ chức y tế Thế giới (WHO)

(https://www.who.int/news-room/q-a-detail/hepatitis-preventing-mother-to-child-transmission-of-the-hepatitis-b-virus)

2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)

(https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/pdfs/HepBGeneralFactSheet.pdf)

3. Quyết định 2834/QĐ-BYT ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con”

Nguồn tin: HCDC

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM (hcdc.vn)



https://nld.com.vn/thanh-nien-o-dong-nai-bi-co-ruot-dau-doc-bang-xyanua-duoc-xuat-vien-196240708112948254.htm

Thanh niên ở Đồng Nai bị cô ruột đầu độc bằng Xyanua được xuất viện

Hải Yến

(NLĐO) – Nam thanh niên 18 tuổi bị đầu độc Xyanua được các bác sĩ kịp thời lọc máu, sau gần 1 tháng điều trị đã hồi phục và được xuất viện

Sáng 8-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Phạm Cao Khoa, Khoa Nội tim mạch – Lão học Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân N.H.B.T (18 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị ngộ độc Xyanua đã hồi phục ngoạn mục.
Thanh niên ở Đồng Nai bị cô ruột đầu độc bằng Xyanua được xuất viện- Ảnh 1.

Sau 12-14 giờ lọc máu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch

Cụ thể, sau khi được lọc máu và lọc chất độc, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hiện tỉnh táo, có thể đi lại. Tuy nhiên, vì chất độc có ảnh hưởng đến não, gây yếu liệt cơ nên sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tiếp tục vật lý trị liệu để hồi phục cơ, đồng thời cần được kê thuốc nâng đỡ thể trạng.

“Thông thường, với trường hợp ngộ độc Xyanua, bệnh nhân sẽ bị chết não, thậm chí sống thực vật và nằm một chỗ. Riêng bệnh nhân T. may mắn hồi phục và qua cơn nguy kịch nhanh. Dự kiến, chiều nay, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà” – bác sĩ Khoa thông tin.

Trước đó, ngày 22-6, bệnh nhân N.H.B.T được gia đình đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh đột ngột.

Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy để bảo vệ đường thở. Do diễn tiến tụt huyết áp nên bệnh nhân được sử dụng thuốc vận mạch.

Vì bệnh nhân còn trẻ, đột ngột rối loạn tri giác, hôn mê nên các bác sĩ nhận định ban đầu có thể rối loạn nhịp tim do viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp liên quan yếu tố gia đình. Tuy nhiên, khi khai thác thông tin bệnh sử từ gia đình cung cấp, bác sĩ nghi ngờ nhiễm độc chất nên được lấy dịch dạ dày xét nghiệm độc chất. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc Xyanua.

Ảnh: Đại diện Ban giám đốc TTUT Bs CKII Trần Văn Khanh và Trưởng Phòng CTXH ThS Trần Quang Châu đến thăm động viên gia đình trức khi cháu N.H.B.T xuất viện. – Nguồn ảnh: P.CTXH – BVLVT

Cũng liên quan đến sự việc trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) về hành vi “Giết người”.

Trước đó, từ tháng 10-2023 đến tháng 5-2024, tại gia đình ông Nguyễn Văn H. (xã Vĩnh Thanh) liên tiếp có 5 người chết, gồm ông H., 3 người cháu và 1 người con rể. Các nạn nhân trước khi chết có các biểu hiện bị nôn ói, chóng mặt, nhức đầu.

Tháng 6 vừa qua, nam thanh niên N.H.B.T, cháu nội của ông H., bỗng bị hôn mê, bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.

Nghi ngờ có khuất tất, gia đình bên ngoại của T. đã làm đơn trình báo công an. Điều tra cho thấy Nguyễn Thị Hồng Bích đã đầu độc nhiều người thân trong gia đình, dẫn đến tử vong. Nam thanh niên N.H.B.T., cháu gọi Bích là cô ruột, là một trong số những nạn nhân may mắn hơn.



https://nld.com.vn/cu-ba-ngung-tim-lien-tuc-bac-si-vat-va-hoi-suc-trong-suot-1-gio-196240629163454708.htm

Cụ bà ngưng tim liên tục, bác sĩ vất vả hồi sức trong suốt 1 giờ

Tin, ảnh: Hải Yến

(NLĐO) – Một tuần sau phẫu thuật, cụ bà 69 tuổi đột nhiên khó thở, suy hô hấp do huyết khối bít gần như kín hoàn toàn 2 động mạch phổi. Ê-kíp bác sĩ tim mạch đã luân phiên hồi sức tim phổi trong suốt 1 giờ để cứu người bệnh.

Ngày 29-6, BSCK2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch – Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa cứu một ca bệnh nặng nguy kịch.
Cụ bà ngưng tim liên tục, bác sĩ vất vả hồi sức trong suốt 1 giờ- Ảnh 1.

Cụ bà hồi phục ngoạn mục sau khi được các bác sĩ liên tục hồi sức 1 giờ đồng hồ vì ngưng tim, ngưng thở nhiều lần

Theo đó, người bệnh là cụ bà P.T.T (69 tuổi), nhập viện cấp cứu trong tình trạng tắc ruột trên nền huyết áp cao. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có một khối u lớn trong đại tràng, xâm lấn ruột non, gây nên tình trạng tắc ruột.

Để giải quyết cấp cứu, các bác sĩ đã phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Bệnh nhân hồi phục tốt, tuy nhiên đến ngày thứ 7 sau phẫu thuật, cụ bà đột nhiên khó thở, suy hô hấp diễn tiến rất nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thy (bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân), Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khoa đã nhanh chóng đưa người bệnh đi chụp CT Scan do nghi ngờ tắc huyết khối, đồng thời báo ngay lên Khoa Nội tim mạch để hội chẩn.

Chỉ trong khoảng 30 phút, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, khi chuyển lên Khoa Nội tim mạch, người bệnh ngưng tim ngưng thở. Kết quả chụp CT ngực cho thấy một bên động mạch phổi bị huyết khối bịt kín hoàn toàn, một bên bị bít 80%.

Ê-kíp cấp cứu của Khoa Nội tim mạch vừa luân phiên hồi sức tim phổi, vừa tiêm thuốc tan huyết khối, thuốc vận mạch liều cao. Bệnh nhân liên tục có nhịp tim rồi lại ngưng tim. Trong suốt một giờ đồng hồ, 5 bác sĩ và 3 điều dưỡng đã liên tục hồi sức, sử dụng 40 ống adrenaline vận mạch cho đến khi nhịp tim của bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch – Lão học (thành viên ê-kíp hồi sức), cho biết thông thường hồi sức tim phổi chỉ thực hiện trong 30 phút, nếu bệnh nhân không duy trì được nhịp tim trở lại thì sẽ thông báo tử vong. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt vì chúng tôi vừa hồi sức, vừa theo dõi tiến trình tan huyết khối. Mặc dù bệnh nhân liên tục ngưng tim nhưng có dấu hiệu cải thiện dần nên ê-kip vẫn quyết định duy trì hồi sức trong suốt một giờ đồng hồ.

Sau 7 ngày điều trị tích cực, cụ bà đã hồi phục tri giác, cai máy thở, đang tiếp tục được theo dõi tại Khoa Ngoại tổng hợp.

Bác sĩ Được nhấn mạnh đây là ca bệnh nặng, rất hiếm gặp. Thông thường các tai biến xảy ra ở ngày thứ 2 – 3 sau mổ, hiếm khi xảy ra ở ngày thứ 8. Người bệnh gần như tắc hoàn toàn 2 động mạch phổi, dẫn đến ngưng tim, thiếu máu não, suy đa cơ quan, khả năng cứu sống và hồi phục gần như bằng 0. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và phối hợp tối đa của 2 khoa, bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group