Đưa máy chạy thận về huyện ven biển duy nhất của TP.HCM
22 Tháng Một, 2024
Nhiều năm qua, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) phải vượt quãng đường hơn 50km, vào trung tâm thành phố để chạy thận. Năm 2023, đơn vị chạy thận được thiết lập ngay tại bệnh viện huyện, giúp bệnh nhân đỡ vất vả.
Anh Huỳnh Tấn Tài, 34 tuổi, ngụ tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần/tuần tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trước đây, anh phải vào đất liền từ chiều hôm trước để sáng hôm sau bắt xe vào bệnh viện, tốn 25 giờ đi và về cho một lần chạy thận.
Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển ở TP HCM, nằm phía đông nam, cách trung tâm TP khoảng 50km đường bộ. Năm 2023, huyện có hơn 40 người bệnh cần chạy thận định kỳ nhưng địa bàn không có cơ sở y tế triển khai kỹ thuật này. Với người bệnh ở xã đảo Thạnh An, sự vất vả còn tăng lên nhiều lần.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã xung phong hỗ trợ Trung tâm Y tế - Bệnh viện huyện Cần Giờ, thiết lập đơn vị thận nhân tạo với 5 máy lọc. Năm 2023, lần đầu tiên máy lọc thận về tới Cần Giờ. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã trực tiếp đưa đoàn xuống khảo sát, đánh giá.
Các chuyên gia nhanh chóng thống nhất phương án và khẩn trương làm xuyên lễ 2/9 để lắp đặt hệ thống nước RO đạt chuẩn và 5 máy chạy thận. Đơn vị thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt tại Cần Giờ với nhân sự của bệnh viện vận hành và đảm bảo an toàn theo quy định.
Anh Huỳnh Tấn Tài đã được chạy thận tại huyện nhà. Anh không còn phải đi từ chiều hôm trước, thuê nhà trọ, bắt xe đi xuyên Rừng Sác để đến bệnh viện duy trì cuộc sống.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thứ 2 từ phải qua) gặp gỡ trực tiếp gia đình người bệnh. Ông cho rằng sẽ cần khoảng 10 máy chạy thận để đáp ứng cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối hiện tại ở Cần Giờ (41 người).
Theo bác sĩ Đoàn Văn Huệ, Giám đốc bệnh viện huyện Cần Giờ, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, lần đầu tiên Cần Giờ có một đơn vị chạy thận. Đây là niềm mơ ước của địa phương, nhất là ở các vùng xa như xã đảo Thạnh An.
Mặc dù thay đổi địa điểm chạy thận, các bệnh nhân vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi Bảo hiểm y tế như trước đây. Người bệnh không phải tốn kém nhiều chi phí ăn uống, di chuyển, không còn cảnh ngất xỉu vì đường xa sau khi chạy thận về nhà.
Ông Trương Minh Dũng (52 tuổi) cho biết đã chạy thận hơn 1 năm qua tại Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Mỗi lần đến lịch chạy thận, ông Dũng phải tranh thủ đi từ sáng sớm để đến kịp giờ, khi về đến nhà đã là chiều tối. Dù rất mệt mỏi nhưng vì tính mạng và sức khoẻ, ông vẫn cố gắng.
Khi nghe tin người bệnh được chạy thận ở Bệnh viện huyện Cần Giờ, ông Dũng và nhiều bệnh nhân vui mừng vì không còn phải trải qua quãng đường vất vả nữa. "Nhà tôi đi đến bệnh viện huyện chỉ 5 phút, từ giờ sẽ không còn tốn công sức và tiền bạc để đi vào nội thành nữa", ông nói.
Toàn huyện Cần Giờ có 19.589 hộ dân, mật độ dân cư thưa, phân bố không đều. Tổng số nhân viên y tế chỉ có 239 người gồm 21 bác sĩ, 125 điều dưỡng, hộ sinh. Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030".
Theo Phó giáo sư, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chăm lo sức khỏe người dân trên địa bàn là chức phận của toàn ngành y tế thành phố. Trong đó, Cần Giờ lâu nay vẫn còn là vùng trũng về y tế, nên giúp bà con nơi đây cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng nhiều càng thiết thực.
Thực hiện: Giao Linh
Nguồn: Vietnamnet.vn