BS_LIEU-1200x900.jpg

14 Tháng Tư, 2023 Tin TứcTruyền Thông
Võng mạc bình thường – võng mạc đái tháo đường giai đoạn vừa – võng mạc đái tháo đường giai đoạn nặng

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường, có thể gặp ở 10% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và lên đến 90% ở những bệnh nhân đái tháo đường trên 30 năm.

Hậu quả thường gặp nhất của bệnh lý võng mạc đái tháo đường là xuất huyết võng mạc (XHVM). Đây là biến chứng rất nặng nề, có thể gây giảm thị lực thậm chí mù lòa. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đái tháo đường ít quan tâm, không tầm soát khám mắt định kỳ, vì vậy bệnh thường bị bỏ qua hoặc phát hiện khi đã tiến triển nặng.

Xuất huyết võng mạc có thể gây mù lòa

BS. CK2. Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, đa số bệnh nhân tiểu đường ít quan tâm thăm khám mắt, thường có vấn đề về mắt như đau nhức, nhìn mờ… mới đến khám, nên bỏ qua thời gian vàng trong điều trị bệnh lý võng mạc đái tháo đường. Như trường hợp của bệnh nhân Lê Văn T., Tp. Thủ Đức, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, gần đây mắt có triệu chứng nhìn mờ nhiều mới đi khám. Kết quả cho thấy, mắt ông T. bị XHVM.

Khi bị XHVM, khả năng hồi phục chức năng tiếp nhận ánh sáng rất thấp. Võng mạc là một tổ chức thần kinh và việc điều trị hiện nay cho kết quả hạn chế, nếu bệnh phát hiện giai đoạn trễ, tiên lượng xấu, ảnh hưởng đến thị giác của mắt, có thể gây mù lòa.

Theo BS. Bích Liễu, XHVM là một trong những biến chứng mạch máu của bệnh lý đái tháo đường, xảy ra khi thành mạch máu võng mạc bị tổn thương do mức đường huyết cao kéo dài, gây chảy máu (xuất huyết) và thoát dịch (xuất tiết) ra ngoài võng mạc làm giảm chức năng thị lực của mắt. Tình trạng mờ mắt của bệnh nhân nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng và vị trí xuất huyết.

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh XHVM, nhưng yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, chính là thời gian mắc bệnh đái tháo đường, mức độ kiểm soát đường huyết kém. Ngoài ra, còn có yếu tố nguy cơ của bệnh lý tăng huyết áp, bệnh thận nặng, Lipid máu cao, béo phì, hút thuốc lá, phẫu thuật đục thuỷ tinh thể, thiếu máu…

BS. CK2. Huỳnh Thị Bích Liễu đang kiểm tra mắt cho bệnh nhân tại BV Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức

Khám tầm soát mắt để phát hiện bệnh sớm

Các triệu chứng để nhận biết bệnh nhân bị XHVM, bao gồm: mắt nhìn mờ hoặc đột ngột mất thị lực, ruồi bay, thấy mạng nhện hoặc thấy màu đỏ trong tầm nhìn, nhìn thấy sương mù hoặc bóng tối, ánh sáng lóe lên nhanh chóng trong tầm nhìn ngoại vi, tầm nhìn bị bóp méo, giai đoạn muộn bệnh có thể tiến triển thành glôcôm (cườm nước) gây đau nhức mắt – đỏ mắt. Ngoài ra một số bệnh nhân còn cảm giác đau đầu.

Theo BS.CK2. Huỳnh Thị Bích Liễu, hiện nay khoa học tiến bộ, có nhiều trang thiết bị để chẩn đoán XHVM, bao gồm: chụp ảnh đáy mắt: ghi lại diễn tiến và xác định chi tiết độ nặng của bệnh; chụp cắt lớp võng mạc (OCT) – là phương tiện hữu hiệu nhất xác định vị trí và độ nặng của phù võng mạc, đặc biệt trong đánh giá phù hoàng điểm đái tháo đường; chụp mạch huỳnh quang (Fluorescein angiography – FA), để đánh giá vùng võng mạc thiếu máu, xác định tân mạch võng mạc, vi phình mạch hoặc tình trạng thiếu máu hoàng điểm trong phù hoàng điểm đái tháo đường.

Kiểm tra chức năng thị lực của mắt như bệnh nhân có nhìn rõ không, kiểm tra thị trường để phát hiện trong tầm nhìn thấy có dấu hiệu bất thường hay không?

Phòng bệnh là cách tốt nhất bảo vệ mắt

BS. CK2. Huỳnh Thị Bích Liễu lưu ý, dù y học có tiến bộ, nhưng cách tốt nhất để bảo vệ mắt, chính là phòng bệnh. Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết tốt, nên đi khám mắt và tầm soát mắt định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý, mua hoặc sử dùng các loài thảo dược, các loại thuốc quảng cáo trên mạng xã hội, chưa qua kiểm chứng, không rõ nguồn góc, chưa được Bộ y tế cấp phép lưu hành… Ngay cả các loại thực phẩm chức năng bổ mắt, cần có chỉ định của bác sĩ. “Thực phẩm chức năng không phải thực phẩm an toàn, có dị ứng cũng như biến chứng nguy hiểm nếu uống sai liều lượng, hoặc uống thời gian kéo dài…”, BS. Liễu nhấn mạnh.

Khi đã mắc bệnh đái tháo đường, cần được kiểm tra võng mạc ít nhất mỗi năm một lần với bác sĩ chuyên khoa mắt. Khi có vấn đề về thị lực như nhìn mờ, đỏ mắt, cảm thấy đau nhức mắt cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám càng sớm càng tốt. Hãy chú ý đến những thay đổi về tầm nhìn. Liên hệ với bác sĩ mắt của bạn ngay lập tức nếu tầm nhìn của bạn đột nhiên thay đổi hoặc trở nên mờ, đốm hoặc mờ.

Đối với người bệnh có tiền sử huyết áp, cần kiểm tra đo huyết áp thường xuyên, và kiểm soát tốt huyết áp. Có chế độ ăn giảm muối, khẩu phần ăn nhiều rau xanh, tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập vừa sức như đi bộ, tập yoga,..

Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc lá khác, hãy nhờ bác sĩ giúp bạn bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường khác nhau, bao gồm cả bệnh lý võng mạc tiểu đường.

Đối với học sinh và người làm văn phòng, ngồi học hay làm việc cần có tư thế ngồi đúng cách, có đủ ánh sáng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,… để tránh bị cận thị hoặc hạn chế tình trạng tăng độ cận quá nhanh.

Nguồn Hồng Dung: khoahocphothong.com.vn


chuyendoisokchilacongnghe-1280x645-16432549784001082528348-1200x605.jpg

10 Tháng Tư, 2023 Tin Tức

Những khuyến cáo mới trong bản cập nhật lần này bao gồm: xây dựng mạng lưới cộng tác viên công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện, phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 về nhóm tiêu chí hạ tầng công nghệ thông tin theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT, quy trình để triển khai phần mềm hiệu quả, xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung của bệnh viện và liên thông với các nền tảng dùng chung của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định,…

Dưới đây là toàn văn nội dung “Khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh”:

  1. Phổ biến và quán triệt đến từng viên chức và người lao động trong bệnh viện để có nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của bệnh viện nhằm hướng đến mục tiêu: (1) Góp phần cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh; (2) Tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên; (3) Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý bệnh viện; (4) Sử dụng và đóng góp nguồn dữ liệu lớn của ngành y tế thành phố trong công tác quản lý, điều phối và dự báo.

  2. Chuyển đổi số phải được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, do chính Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Kế hoạch chuyển đổi số của bệnh viện phải bao gồm các nội dung và giải pháp cụ thể về củng cố nguồn nhân lực chuyên trách công tác chuyển đổi số và xây dựng mạng lưới cộng tác viên công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn bệnh viện, về đầu tư cho hệ thống hạ tầng CNTT, về xây dựng nền tảng số dùng chung, và đảm bảo an toàn hệ thống thông tin.

  3. Ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng CNTT, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách CNTT được học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên CNTT với sự tham gia của các nhân viên thuộc các khoa, phòng trong toàn bệnh viện. Phòng CNTT chịu trách nhiệm tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên CNTT các kỹ năng cơ bản về sử dụng các phần mềm ứng dụng, về xử lý các tình huống, sự cố hay gặp của hệ thống CNTT. Các cộng tác viên CNTT chịu trách nhiệm hướng dẫn lại cho nhân viên của các khoa, phòng và trực tiếp giải quyết các vấn đề thường gặp trong quá trình triển khai và sử dụng các phần mềm ứng dụng.

  4. Ưu tiên phân bổ nguồn lực để củng cố và phát triển hạ tầng CNTT của bệnh viện. Cần tận dụng hạ tầng CNTT sẵn có để tránh lãng phí, đầu tư bổ sung thêm các thành phần cần thiết có chọn lọc đảm bảo vận hành hệ thống với thời gian sử dụng ít nhất là 5 năm. Phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 về nhóm tiêu chí hạ tầng theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các bệnh viện.

  5. Củng cố và nâng cấp trung tâm dữ liệu (Data Center – DC) của bệnh viện (chọn địa điểm phù hợp, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, điều kiện về môi trường…). Trung tâm dữ liệu phải đáp ứng tiêu chí số 5 thuộc nhóm tiêu chí hạ tầng tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các bệnh viện (bao gồm: thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị kiểm soát người ra vào, nhiệt độ,…). Lưu ý phải có giải pháp hệ thống dự phòng (Disaster Recovery – DR) để đảm bảo bệnh viện vẫn hoạt động khi gặp sự cố. Trường hợp bệnh viện không đủ nguồn lực đầu tư trung tâm dữ liệu, nghiên cứu phương án thuê dịch vụ đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính Phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

  6. Ưu tiên phân bổ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện và các phần mềm mới đối với các vấn đề phổ biến, đòi hỏi sự tham gia của nhiều khoa phòng, qua nhiều bước, tiêu tốn nhiều giấy tờ, công sức và thời gian. Tương ứng với mỗi phần mềm, lãnh đạo bệnh viện cần thành lập tổ công tác chuyên trách để triển khai phần mềm đó. Mỗi tổ công tác bao gồm: một thành viên của Ban giám đốc trực tiếp chỉ đạo, một hoặc nhiều chuyên gia CNTT, các cộng tác viên CNTT của các khoa phòng có liên quan. Tổ công tác xây dựng quy trình thực hiện phần mềm, mỗi bước của quy trình cần quy định rõ trách nhiệm của các khoa phòng có liên quan. Giám đốc bệnh viện ban hành quy định nội bộ về việc triển khai phần mềm, có phân công giám sát, định kỳ sơ kết đánh giá, có khen thưởng và chế tài.

  7. Triển khai đầy đủ các phần mềm ứng dụng không thể thiếu đối với hoạt động của một bệnh viện (HIS, LIS, RIS/PACs, EMR,….), phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 tại phụ lục II của Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các bệnh viện. Việc triển khai các phần mềm ứng dụng này phải đảm bảo kết nối liên thông trên nền tảng dữ liệu dùng chung của bệnh viện. Mặt khác, dữ liệu dùng chung của bệnh viện phải đảm bảo tính liên tục khi có sự thay đổi phần mềm và liên thông với các nền tảng dùng chung của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, bao gồm: (a) Giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng thẻ căn cước công dân(Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030); (b) Đơn thuốc điện tử (Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử); (c) Hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý tiêm chủng, hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa ( Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy  phát triển và sử  dụng các nền tảng số y tế thực hiện  Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030); (d) Chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT (Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 của Bộ Y tế về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan); (e) Nền tảng dữ liệu dùng chung của Sở Y tế.

  8. Đảm bảo an toàn thông tin khi triển khai các phần mềm ứng dụng của bệnh viện theo quy định (Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Thông tư số 53/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 của Bộ Y tế về quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp). Phải có giải pháp phòng chống sự cố gây mất dữ liệu và thông tin của bệnh viện, xây dựng phương án dự phòng và tổ chức diễn tập trong trường hợp xảy ra sự cố do nhiều nguyên nhân khác nhau (thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt,…) hoặc do sự cố hệ thống không thể khắc phục được nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.

  9. Xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh, bao gồm: đăng ký khám bệnh từ xa qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động, tổng đài điện thoại, cổng thông tin đặt hẹn; cung cấp thông tin cho người bệnh qua thư điện tử, tin nhắn,…; có thể tra cứu thông tin y tế trực tuyến, thông tin chi tiết về các dịch vụ  khám chữa bệnh, tư vấn từ xa; nhắc người bệnh tái khám, dùng thuốc, tiêm chủng lần tiếp theo, thanh toán không dùng tiền mặt… Tăng cường ứng dụng các thuật toán về máy học (machine learning) sử dụng nguồn dữ liệu lớn hiện có tại bệnh viện vào việc xây dựng các tiện ích cho người bệnh như: dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm, chờ chụp X-quang, CT-scan, MRI, siêu âm,… và thời gian nằm viện. Tăng cường ứng dụng CNTT trong khảo sát hài lòng, không hài lòng và trải nghiệm của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

  10. Tăng cường ứng dụng CNT T trong hoạt động chuyên môn  nhằm hạn chế sai sót bằng các phần mềm  ứng dụng như: Hệ thống nhắc liều, tự động tính liều, cảnh báo tiền sử  dị ứng thuốc, tương tác thuốc, trùng nhóm  điều trị theo mã ATC ( Anatomical Therapeutic Chemical Classification System ); Chỉ định  điều trị phù hợp chẩn đoán  theo phác đồ; Tra cứu thông tin và lịch sử điều trị của người bệnh; Tra cứu phác đồ điều trị của bệnh viện và kho dữ liệu phác đồ điều trị của Sở Y tế,… Triển khai các ứng dụng giúp xác định đúng người bệnh, đúng các dịch vụ kỹ thuật tránh  nhầm lẫn trong phẫu thuật, truyền máu, thực hiện các y lệnh về thuốc, cận lâm sàng, kết quả cận lâm sàng,… bằng cách sử dụng mã vạch hay dùng công nghệ RFID ( Radio Frequency Identificatio n). Khuyến khích triển khai ứng dụng  công nghệ số trong hoạt động chuyên môn như: Ứng dụng Robot trong phẫu thuật; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh, trong điều trị đột quỵ, điều trị ung thư,… Kết nối giữa các bác sĩ tuyến y tế cơ sở với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện để hội chẩn, tư vấn chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa (telemedicine); Đào tạo liên tục từ xa cho bệnh viện tuyến trước.

  11. Triển khai hiệu quả  “Văn phòng số” thay thế cho các thủ tục hành chính  nội bộ của bệnh viện bao gồm: Hệ thống theo dõi  văn bản; Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp; Hệ thống theo dõi và nhắc việc; Hệ thống thông tin  nội bộ qua mạng CNTT cho  nhân viên  bệnh viện  thay cho việc phát hành  văn bản thông báo trong bệnh viện; Triển khai tin nhắn cho nhân viên bệnh viện ( SMS, ứng dụng di động,… ) trong việc nhắc lịch họp, lịch khám bệnh, lịch hội chẩn, lịch phẫu thuật, nhắc điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ;…

  12. Tích hợp chữ ký điện tử hoặc  chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng của bệnh viện, đồng thời phải ban hành quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số theo đúng quy định ( Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính Phủ về quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số). Việc lựa chọn giải pháp chữ ký số ( USB token, Sim PKI, HSM,… ) là tùy thuộc vào mục đích sử dụng, tiện ích mang lại và khả năng chi trả của bệnh viện.

  13. Triển khai bệnh án điện tử ( Electronic Medical Record – EMR ) phải trên cơ sở đã hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý bệnh viện ( HIS ) và trục dữ liệu thông tin tích hợp của bệnh viện, cùng với hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ bệnh án  điện tử ( Clinical Data Repository – CDR ) , và các hệ thống thông  tin hỗ trợ chuyên môn khác (như LIS, RIS/PACs, …). Để việc lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy; lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho việc in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy trở thành hiện thực thì giám đốc bệnh viện phải có văn bản thông báo với Cục Công nghệ thông tin  –  Bộ Y tế để đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của  Cục Công nghệ thông tin theo  đúng hướng  dẫn tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018  của Bộ Y tế về quy  định  hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp bệnh viện đã triển khai  thành công bệnh án điện tử, khuyến  khích  sử dụng bộ dữ  liệu thuật ngữ lâm sàng ( Snomed CT ) giúp liên thông hồ sơ bệnh án điện tử trong nước và trên thế giới.

  14. Vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động  quản lý bệnh viện, bao gồm: xác định phân bố mô hình bệnh tật theo thời  gian  trong  năm  giúp lãnh đạo bệnh viện chủ động phân bổ nguồn lực phục vụ  người bệnh; hỗ t rợ giám sát các hoạt động  quản lý  chất lượng bệnh viện như: giám sát kê đơn, giám sát  tuân thủ phác đồ, giám sát  thời gian chờ tại các khâu  trong quy trình khám chữa bệnh, giám sát tình hình quá tải, ùn ứ người bệnh tại các phòng khám,… giúp phát hiện sai sót và chủ động can thiệp sớm nhằm hạn chế thấp nhất tai biến và than phiền của người bệnh.

  15. Khuyến khích các đơn vị tham quan, học tập, chia sẻ  kinh nghiệm lẫn nhau khi thực hiện  chuyển đổi số, nhất là các hoạt động hướng đến  làm hài lòng người bệnh. Khi gặp những khó khăn trong triển khai chuyển đổi số theo các khuyến cáo trên đây, đơn vị cần chủ động trao đổi với Ban công nghệ thông tin của Sở Y tế để được hỗ trợ.

Nguồn: medinet.hochiminhcity.gov.vn

 


44.jpg

THÁNG 03′ TIẾP SỨC ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI DÂN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

Thứ hai, ngày 25/03/2023, 14:00PM, tại Bệnh viên Lê Văn Thịnh, Thành phố Thủ Đức.

(BV-LVT) Hoạt động tháng cao điểm nhân kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25-3, Đoàn bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cùng Công ty Cổ Phần QH Plus (Quỹ Từ thiện Vun Gốc) và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với và chính quyền địa phương huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) tổ chức Chương trình khám bệnh và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã Đồng Thạnh và Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây).

Từ sáng sớm đoàn y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh xuất phát về điểm khám tại nhà văn hóa xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Theo lịch khám là 08h00 sáng cùng ngày nhưng Bà con đã đến đây từ rất sớm để chờ đón đoàn y bác sĩ bệnh viện thành phố về khám bệnh, phát thuốc, tặng quà miễn phí cho bà con, theo chính quyền địa phương đa số người dân những hộ nghèo , gia đình chính sách nơi đây có hoàn cảnh rất khó khăn, địa phương cũng đã nỗ lực vận động cùng chăm lo nhưng cũng chỉ được một phần nào hỗ trợ ch bà con nơi đây.

 

Bà con đến từ rất sớm chờ đoàn y, bác sĩ đến khám. – Nguồn ảnh: Trần Châu (P.CTXH)

Bác Nguyễn T, 61 tuổi cho biết, tôi làm nghề bán vé số bị tai nạn trông quá trình snh hoạt bị giẫm phải đinh hơn ba ngày nay chưa đi tiêm ngừa được, nghe đoàn y bác sĩ thành phố về đây khám tôi tranh thủ ghé qua nhờ xem tình trạng như thế nào, theo đánh giá của bác sĩ khám hiện tại vết thương đang mưng mũ viêm xung quanh, cần lên tuyến trên để xử trí tiếp tục và tiêm ngừa để phòng ngừa uống ván mặc dù đã trễ.

Kiểm tra đo huyết áp trước khi vào khám bệnh. – Nguồn ảnh: Trần Châu (P.CTXH)

Cùng hoàn cảnh Bà Lê Thị Do, 64 tuổi, ngụ tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, bị xe máy tông khi đi bán vé số khoảng 6 tháng trước. Sau ca phẫu thuật, bà đi lại được nhưng sức khỏe yếu dần. Thêm vào đó, bệnh phổi khiến bà khó thở, mệt mỏi, thở dốc thường xuyên.

Nghe tin đoàn bác sĩ từ TP.HCM về Tiền Giang, em L.H.T (9 tuổi) vội chở bà lên hội trường khám từ thiện. Hai bà cháu chậm chạp trên chiếc xe đạp thường dùng để bán vé số. “Cũng may hôm nay là chủ nhật, con không đi học nên chở bà đi khám bệnh”, T. nói.

Em được bà ngoại nuôi từ khi mới 3 tháng tuổi. Cha mẹ em chia tay, mẹ đi biền biệt không về. Cậu bé lớn lên bằng nghề bán vé số của bà ngoại. Em cho biết sau buổi sáng ở trường, chiều về, cậu bé sẽ phụ bà bán số. Có hôm đi khắp nơi, hai bà cháu bán được gần 100 tờ, tích cóp đủ sống qua ngày.

Cách đây ít lâu, hai bà cháu gặp mẹ T. cũng đang bán vé số. “Con nhìn mẹ nhưng mẹ không nhìn con”, T. kể rồi chạy vào gần chỗ bà ngoại đang đo huyết áp.

Bà được các Bác sĩ bệnh viện Lê Văn Thịnh siêu âm tại chỗ. – Nguồn ảnh: Trần Châu (P.CTXH)

Theo Ông Trần Quang Châu, Trưởng Phòng Công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chương trình từ thiện khám bệnh, phát thuốc tặng quà cho bà con vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn được Phòng CTXH thực hiện thường xuyên giúp cho bà con được tiếp cận thăm khám, làm cận lâm sàng, chẩn đón tại chỗ giúp định hướng công tác điều trị sau này cho bà con. Ngoài ra trong lúc thăm khám nếu phát hiện những ca bệnh đặc biệt khó khăn tại cơ sở chưa đủ điều kiện để điều trị thì được bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận hỗ trợ điều trị cho người dân.

Theo đại diện của “Quỹ từ thiện Vun Gốc” thì đơn vị cũng thường xuyên đồng hành với các đơn vị về an sinh xã hội, trong đợt này các thành viên Công ty Cổ Phần QH Plus cùng đồng hành chăm lo sức khỏe cho bà con vùng sâu vùng xa được trải nghiệm thêm về hoàn cảnh khó khăn của người dân khi được chăm sóc về y tế.

Đại diện các đơn vị trao quà tặng cho bà con. – Nguồn ảnh: Trần Châu (P.CTXH)

Đợt khám từ thiện lần này được tổ chức nhân kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3. Tại chương trình đoàn đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng 300 phần quà nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn và người có công với cách mạng. Tổng trị giá chương trình 110 triệu đồng do Công ty Cổ Phần QH Plus “Quỹ từ thiện Vun Gốc” ; Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh và Đoàn bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ.

Theo bác sĩ Hùng, qua thăm khám, đa phần bà con có bệnh về xương khớp vì làm nông, hoặc mắc bệnh về huyết áp, tiểu đường, tim mạch… do lớn tuổi. Một số trường hợp bị bệnh Parkinson, ung thư gan. cần phải điều trị lâu dài và kiên trì.

Sau khi khám bà con nhận thuốc, nhận quà ra về. – Nguồn ảnh: Trần Châu (P.CTXH)

Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch huyện Gò Công Tây, cho biết địa phương rất trân trọng khi đoàn y bác sĩ của TP.HCM và mạnh thường quân về cấp thuốc và khám bệnh cho bà con. Đặc biệt, với người bệnh lớn tuổi hay neo đơn, việc đến cơ sở y tế thăm khám rất khó khăn vì không có người đưa đón.

Theo nhận xét đoàn Y, Bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh với tay nghề cao về đây đã mang đến cho bà con nhiều cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời gian tới”, ông Bình chia sẻ.

Trần Châu. TP.CTXH


au-chanh.jpg

22 Tháng Ba, 2023 Tin TứcTruyền Thông
TNV – Chắp nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm, giải tỏa những bức xúc hay mâu thuẫn, chia sẻ buồn đau của bệnh nhân, thực hiện hoạt động xã hội trong bệnh viện… là công việc của nhân viên công tác xã hội tại các bệnh viện. Sự hỗ trợ tích cực của họ đã làm tăng sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.
Ông Trần Quang Châu, trưởng phòng CTXH bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam để ghi nhận vai trò của nghề công tác xã hội. Ngày Công tác xã hội Việt Nam còn là sự tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nghề công tác xã hội (CTXH) chỉ mới được biết đến trong 10 năm gần đây và hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về chức năng của phòng CTXH, đặc biệt là phòng CTXH trong bệnh viện.

Nhân sự của phòng Công tác xã hội.

Tại các bệnh viện hiện nay, công việc thường ngày của nhân viên CTXH được bắt đầu bằng việc lên các khoa, phòng được phân công phụ trách thăm hỏi, động viên và tìm hiểu về những người bệnh mới vào trong diện chế độ chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Có dữ liệu, nhân viên CTXH tìm các phương án hỗ trợ người bệnh, từ việc tư vấn cho người nhà về phác đồ điều trị, thủ tục hành chính, trấn an tinh thần, giải tỏa những căng thẳng… và chắp nối nhu cầu của người bệnh nghèo tới các nhà hảo tâm. Tại một số bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người bệnh, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… góp phần đáng kể giảm những khó khăn trong quá trình khám, điều trị.

Nói đến nghề CTXH trong bệnh viện, phải kể đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh( TP Thủ Đức, TPHCM ).Đâylà bệnh viện có tổ CTXH ra đời năm 2010, tiền thân Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) trước đây là tổ chăm sóc khách hàng bước đầu làm nền tảng cho việc xây dựng hình thành công tác xã hội bệnh viện. Đến năm 2016 Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh được thành lập theo quyết định số : 01/QĐ-BV ngày 05/01/2016 của Giám đốc Bệnh viện Quận 2 (Nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh). Phòng CTXH với 5 chức năng nhiệm vụ chính: Hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế; Hoạt động gây quỹ; Tổ chức sự kiện; Quan hệ công chúng và hỗ trợ cộng đồng; Đào tạo, huấn luyện và tham gia các hoạt động do Ban giám đốc bệnh viện phân công. Kể từ khi thành lập đến nay, Phòng CTXH của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thực sự đạt hiệu quả cao, trở thành điểm đến cho nhiều bệnh nhân nghèo. Đặc biệt, từ năm 2020 đến hết tháng 2/2023, Phòng CTXH của Bệnh viện đã kêu gọi và nhận được hơn 10 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn từ cộng đồng với các gia đình bệnh nhân.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viên Lê Văn Thịnh.

Các hoạt động CTXH ở đây khá bài bản, giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác… và vận động sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ bệnh nhân các suất ăn từ thiện, mở nhà ăn Hạnh Phúc, cũng như hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Hàng ngày, nhân viên CTXH sẽ lên thăm hỏi, chia sẻ, phát phiếu cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp các y, bác sỹ để giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hiện tại, hỗ trợ trong điều trị và các chính sách xã hội khác…

Tổ chức các buổi thiện nguyện, khám, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con vùng sâu vùng xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn. Hàng năm tổ chức 25 đoàn tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, bà con có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh: Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai, Long An, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau ….với số tiền thuốc và quà hàng năm trên 500 triệu.

Bên cạnh đó, Phòng CTXH còn tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện về hoạt động CTXH cho các sinh viên chuyên ngành CTXH tại các trường đại học và các đơn vị quan tâm tới ngành nghề CTXH.Đặc biệt, các bệnh nhân không bao giờ cảm thấy yếu ớt, lạc lõng nơi bệnh viện trong những ngày lễ, Tết. Phòng CTXH sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các dịp lễ, Tết.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viên Lê Văn Thịnh.

Đến nay, Phòng CTXH của bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, các đơn vị, cá nhân quan tâm đến các bệnh nhân . Hàng tháng, những khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất cơm, cháo sẽ được phòng cập nhật công khai trên website của bệnh viện. Mô hình này càng khẳng định sự cần thiết của nghề CTXH ở bệnh viện.

Chia sẻ về những hoạt động CTXH tại bệnh viện,ông Trần QuangChâu,  Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Lê Văn  Thịnh  cho biết: Làm nghề CTXH là đi sớm, về muộn, là sự hy sinh đối với gia đình, bất kể ngày lễ, Tết đều phải sẵn sáng đáp ứng công việc. Bất kỳ lúc nào có điện thoại bệnh nhân cần hỗ trợ, hoặc có nhà hảo tâm muốn hỗ trợ bệnh nhân nghèo, chúng tôi luôn có mặt kịp thời. Chúng tôi luôn làm hết sức mình vì người bệnh, chia sẻ những khó khăn, nỗi đau và đồng hành với họ.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viên Lê Văn Thịnh.

Có thể nói, nghề CTXH là nghề của tình thương, mọi nhiệm vụ mà cán bộ CTXH thực hiện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, để những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng, chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân và cùng họ vượt qua trở ngại, chiến thắng bệnh tật.

Theo đánh giá của BSCKII Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện:CTXH trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Phòng  CTXH đã có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân – bệnh viện – người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.

Với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên.

Phòng Công tác xã hội đạt thành tựu y khoa mùa 3 năm 2022.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) được thành lập theo Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 27/02/2007 của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố về việc thành lập Bệnh viện Quận 2 trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân Quận 2.

Từ khi thành lập đến nay, bệnh viện đã trải qua 2 giai đoạn khởi đầu và phát triển. Năm 2008, bệnh viện bắt đầu bước vào hoạt động với tổng số 124 nhân viên, trong đó có 29 Bác sĩ, 62 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Hộ sinh, 04 phòng chức năng, 06 khoa lâm sàng, 01 khoa cận lâm sàng. Với quy mô ban đầu là 60 giường, đến năm 2010 tăng lên 150 giường.

​Năm 2012, từ chỗ vắng bóng người đến khám, chữa bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thu hút từ 1.000 – 1.500 lượt người đến khám, chữa bệnh mỗi ngày, tăng 3 lần so với năm 2011; lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng cao, công suất giường bệnh đạt trên 90%; tỷ lệ chuyển tuyến năm 2012 so với năm 2011 giảm 72%.

​Với sự phát triển vượt bậc, năm 2014, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, được nâng hạng từ Bệnh viện hạng III lên hạng II theo Quyết định số 4047/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

​Năm 2019 Bệnh viện Lê Văn Thịnh, sau khi thẩm định chuyên môn kỹ thuật, cơ sở vật chất đủ điều kiện, quá trình cải tiến chất lượng chỉ số cải tiến chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí không ngừng thay đổi tăng dần qua các năm cùng với sự phấn đấu nổ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, lãnh đạo bệnh viện. Đến ngày 10/02/2020 theo Quyết định số 445/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận Bệnh viện Lê Văn Thịnh là bệnh viện hạng I của thành phố trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Khám cấp thuốc và trao quà cho bà con nghèo nước bạn Lào.

Ngày 07/04/2021 Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) được đổi tên chính thức thành Bệnh viện Lê Văn Thịnh theo Quyết định số : 1199/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.

Nguồn: thanhnienviet.vn


44a45897f47c2e22776d-1200x899.jpg

24 Tháng Hai, 2023 Tin TứcTruyền Thông

Với chủ chủ đề “Hướng về y tế cộng đồng”, Giải thưởng “Thành tựu Y khoa Việt Nam” đã chọn ra 10 thành tựu y khoa ấn tượng năm 2022 để trao thưởng.

Chiều 23-2, Giải thưởng “Thành tựu Y khoa Việt Nam” năm 2022 được Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) và Sở Y tế TP HCM phối hợp tổ chức trao giải.

Giải thưởng được triển khai từ tháng 7-2022, nhận được nhiều sự quan tâm của đội ngũ thầy thuốc, các cơ sở y tế trên cả nước.

Hội đồng thẩm định chuyên môn đã thống nhất 15 đề cử có giá trị cao. Qua bình chọn của gần 40.000 tin nhắn và trên facebook “, Ban tổ chức đã chọn ra 10 thành tựu y khoa ấn tượng năm 2022 để trao thưởng.

Câu lạc bộ Hy vọng – Đồng hành cùng trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh là một trong 10 giải thưởng “Thành tựu Y khoa Việt Nam” năm 2022

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc VOH, cho biết Giải thưởng “Thành tựu Y khoa Việt Nam” năm 2022 có chủ đề “Hướng về y tế cộng đồng”, nhằm vinh danh những thành tựu y khoa mà đội ngũ y – bác sĩ Việt Nam đã dày công nghiên cứu áp dụng, đạt hiểu quả cao trong phòng bệnh, tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, gửi lời chúc mừng đội ngũ y – bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2); đồng thời tri ân, biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ y – bác sĩ thành phố cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

“Đây là giải thưởng có ý nghĩa lớn không chỉ tiếp thêm lửa động viên đối với các thầy thuốc có những sáng tạo trong y học mà còn là sự tri ân sâu sắc của xã hội với các thiên thần blouse trắng” – ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Danh sách 10 thành tựu y khoa Việt Nam năm 2022

1. ACOCU – Mô hình chăm sóc bệnh nhân hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng của Liên Chi hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Hội Y học TP HCM).

2. Bệnh viện Nhân ái – Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái của tập thể Bệnh viện Nhân Ái.

3. Cấp cứu trầm cảm – Một giải pháp khẩn cấp cứu người của Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần.

4. Chăm sóc người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại cộng đồng của Trung tâm Y tế quận Tân Phú.

5. Câu lạc bộ Hy vọng – Đồng hành cùng trẻ em mồ côi cha mẹ do COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

6. Đưa công nghệ AI chẩn đoán X quang phổi về phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại xã đảo Thạnh An của ông Trần Đặng Minh Trí và ông Trần Đặng Đình Áng.

7. Trả lại giọng nói và nụ cười cho 10.000 trẻ bị sứt môi chẻ vòm của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

8. Phát hiện chùm ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam của đơn vị Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), Bệnh Nhiệt đới và đơn vị Nghiên cứu lâm sàng – Trường Đại học Oxford (OUCRU).

9. Phát hiện sớm dịch bệnh mới nổi bằng công nghệ giải trình tự gen của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và đơn vị Nghiên cứu lâm sàng – Trường Đại học Oxford (OUCRU).

10. Tăng cường hiệu quả điều trị tại trạm y tế qua hội chẩn từ xa của Phòng Nghiệp vụ Y- CNTT (Sở Y tế TP HCM).


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group