Cập nhật: 14:36 – 24/01/2022 | Lần xem: 11783

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM

VIÊM GAN B LÀ GÌ?

VGB là bệnh nhiễm vi rut nặng ảnh hưởng đến gan.

VIÊM GAN B MẠN TÍNH LÀ GÌ

Một số người trưởng thành và nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm VGB và vi rút VGB tồn tại kéo dài trên 6 tháng. Hầu hết những người này không có biểu hiện bệnh. Một số diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan và chết sớm.

NHIỄM VIÊM GAN B CẤP LÀ GÌ?

Nhiễm cấp là trong vòng 6 tháng sau khi bị nhiễm bệnh thì người bệnh có các triệu chứng sau: Mệt mỏi, ăn không ngon, nôn và ói, vàng da (vàng da và mắt), đau dạ dày, đau cơ và khớp.

Nhiễm trùng tự khỏi hoàn toàn trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Những người này tiêu diệt được vi rút VGB và có miễn dịch với bệnh và không bị nhiễm nữa.

VIÊM GAN B LÂY TRUYỀN THẾ NÀO?

VGB lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như máu, dịch âm đạo, tinh dịch của người bị nhiễm bệnh. Việc lây bệnh có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hay quan hệ tình dục đồng giới nam; qua việc hiến máu không được sàng lọc; dùng chung bơm kim tiêm. Nhất là khi mẹ bị nhiễm bệnh VGB thì trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi sinh. Bệnh có thể lây qua vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng) nếu sử dụng chung. VGB không lây qua sữa mẹ, không lây qua tiếp xúc thông thường như dùng chung dụng cụ ăn uống, ôm, hôn, nắm tay.

VIÊM GAN B ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHƯ THẾ NÀO?

Nhiễm trùng VGB có thể ảnh hưởng nặng đến trẻ, đe dọa cuộc sống của trẻ. Trẻ bị nhiễm có nguy cơ cao đến 90% thành người nhiễm VGB mạn tính. Trẻ cũng có thể lây cho người khác. Khi trẻ trưởng thành, có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan. hoặc ung thư gan.

VIÊM GAN B CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

VGB có thuốc điều trị làm giảm số lượng vi rút, giảm tốc độ tiến triển bệnh, giảm biến chứng xơ gan và ung thư gan. Có vắc xin ngăn ngừa VGB. Người mới tiếp xúc với vi rút viêm gan B mà chưa tiêm ngừa vắc xin thì có thể tiêm 1 liều huyết thanh miễn dịch chống VGB và vắc xin càng sớm càng tốt để ngừa lây nhiễm.

Khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi cấp sẽ lây truyền cho thai. Từ 10% đến 20% thai phụ VGB mạn tính sẽ lây cho thai

Một số câu hỏi bà mẹ thắc mắc:

Làm thế nào tôi biết mình bị nhiễm viêm gan B?

–   Thực hiện xét nghiệm máu.

Viêm gan B có ảnh hưởng đến cách sanh hay không?

–   KHÔNG. Bạn vẫn có thể sanh ngã âm đạo cho dù bạn nhiễm VGB.

Nếu tôi bị viêm gan B, tôi có cho trẻ bú sữa mẹ được không?

–   ĐƯỢC. Bạn vẫn cho bé bú mẹ cho dù bạn nhiễm VGB.

Nếu tôi bị nhiễm viêm gan B thì làm cách nào con tôi không bị nhiễm?

–   Bạn cần đi khám chuyên khoa để được điều trị bệnh và điều trị dự phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con. Trong 24 giờ sau sanh, con của bạn sẽ được tiêm liều vắc xin VGB đầu tiên cùng với một liều huyết thanh miễn dịch. Sau đó sẽ tiêm 3 liều vắc xin nữa. Sau khi hoàn tất đợt tiêm vắc xin thì con bạn sẽ được kiểm tra xem có nhiễm VGB không.

Nếu tôi không bị nhiễm viêm gan B thì khi nào con tôi được tiêm ngừa viêm gan B?

–   Tất cả trẻ đều được tiêm phòng vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau sinh và 3 liều vắc xin sẽ được tiêm sau đó.

CÁC BƯỚC THAI PHỤ CẦN BIẾT VỀ VIÊM GAN B KHI ĐI KHÁM THAI:

Bước 1: Ở lần khám thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tư vấn làm xét nghiệm viêm gan B.

Bước 2: Trong trường hợp kết quả dương tính, thai phụ sẽ được chuyển đến cơ sở có khả năng chăm sóc và điều trị viêm gan B cho thai phụ đồng thời áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Bước 3: Khi trẻ sinh ra:

+ Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B liều đầu và huyết thanh miễn dịch trong 24 giờ đầu sau sinh. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm các mũi vắc xin viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

+ Đối với trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm viêm gan B, trẻ vẫn được tiêm vắc xin viêm gan B.

Bước 4: Ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan B tại các cơ sở y tế.

ThS. BS. Nguyễn Quốc Chinh – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

 

⇨ Tải file tại đây ⇦ 

 

Nguồn:

1. Tổ chức y tế Thế giới (WHO)

(https://www.who.int/news-room/q-a-detail/hepatitis-preventing-mother-to-child-transmission-of-the-hepatitis-b-virus)

2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)

(https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/pdfs/HepBGeneralFactSheet.pdf)

3. Quyết định 2834/QĐ-BYT ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con”

Nguồn tin: HCDC

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B (VGB) TỪ MẸ SANG CON SỚM (hcdc.vn)



https://nld.com.vn/thanh-nien-o-dong-nai-bi-co-ruot-dau-doc-bang-xyanua-duoc-xuat-vien-196240708112948254.htm

Thanh niên ở Đồng Nai bị cô ruột đầu độc bằng Xyanua được xuất viện

Hải Yến

(NLĐO) – Nam thanh niên 18 tuổi bị đầu độc Xyanua được các bác sĩ kịp thời lọc máu, sau gần 1 tháng điều trị đã hồi phục và được xuất viện

Sáng 8-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Phạm Cao Khoa, Khoa Nội tim mạch – Lão học Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân N.H.B.T (18 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị ngộ độc Xyanua đã hồi phục ngoạn mục.
Thanh niên ở Đồng Nai bị cô ruột đầu độc bằng Xyanua được xuất viện- Ảnh 1.

Sau 12-14 giờ lọc máu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch

Cụ thể, sau khi được lọc máu và lọc chất độc, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hiện tỉnh táo, có thể đi lại. Tuy nhiên, vì chất độc có ảnh hưởng đến não, gây yếu liệt cơ nên sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tiếp tục vật lý trị liệu để hồi phục cơ, đồng thời cần được kê thuốc nâng đỡ thể trạng.

“Thông thường, với trường hợp ngộ độc Xyanua, bệnh nhân sẽ bị chết não, thậm chí sống thực vật và nằm một chỗ. Riêng bệnh nhân T. may mắn hồi phục và qua cơn nguy kịch nhanh. Dự kiến, chiều nay, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà” – bác sĩ Khoa thông tin.

Trước đó, ngày 22-6, bệnh nhân N.H.B.T được gia đình đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh đột ngột.

Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy để bảo vệ đường thở. Do diễn tiến tụt huyết áp nên bệnh nhân được sử dụng thuốc vận mạch.

Vì bệnh nhân còn trẻ, đột ngột rối loạn tri giác, hôn mê nên các bác sĩ nhận định ban đầu có thể rối loạn nhịp tim do viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp liên quan yếu tố gia đình. Tuy nhiên, khi khai thác thông tin bệnh sử từ gia đình cung cấp, bác sĩ nghi ngờ nhiễm độc chất nên được lấy dịch dạ dày xét nghiệm độc chất. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc Xyanua.

Ảnh: Đại diện Ban giám đốc TTUT Bs CKII Trần Văn Khanh và Trưởng Phòng CTXH ThS Trần Quang Châu đến thăm động viên gia đình trức khi cháu N.H.B.T xuất viện. – Nguồn ảnh: P.CTXH – BVLVT

Cũng liên quan đến sự việc trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) về hành vi “Giết người”.

Trước đó, từ tháng 10-2023 đến tháng 5-2024, tại gia đình ông Nguyễn Văn H. (xã Vĩnh Thanh) liên tiếp có 5 người chết, gồm ông H., 3 người cháu và 1 người con rể. Các nạn nhân trước khi chết có các biểu hiện bị nôn ói, chóng mặt, nhức đầu.

Tháng 6 vừa qua, nam thanh niên N.H.B.T, cháu nội của ông H., bỗng bị hôn mê, bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.

Nghi ngờ có khuất tất, gia đình bên ngoại của T. đã làm đơn trình báo công an. Điều tra cho thấy Nguyễn Thị Hồng Bích đã đầu độc nhiều người thân trong gia đình, dẫn đến tử vong. Nam thanh niên N.H.B.T., cháu gọi Bích là cô ruột, là một trong số những nạn nhân may mắn hơn.



https://nld.com.vn/cu-ba-ngung-tim-lien-tuc-bac-si-vat-va-hoi-suc-trong-suot-1-gio-196240629163454708.htm

Cụ bà ngưng tim liên tục, bác sĩ vất vả hồi sức trong suốt 1 giờ

Tin, ảnh: Hải Yến

(NLĐO) – Một tuần sau phẫu thuật, cụ bà 69 tuổi đột nhiên khó thở, suy hô hấp do huyết khối bít gần như kín hoàn toàn 2 động mạch phổi. Ê-kíp bác sĩ tim mạch đã luân phiên hồi sức tim phổi trong suốt 1 giờ để cứu người bệnh.

Ngày 29-6, BSCK2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch – Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa cứu một ca bệnh nặng nguy kịch.
Cụ bà ngưng tim liên tục, bác sĩ vất vả hồi sức trong suốt 1 giờ- Ảnh 1.

Cụ bà hồi phục ngoạn mục sau khi được các bác sĩ liên tục hồi sức 1 giờ đồng hồ vì ngưng tim, ngưng thở nhiều lần

Theo đó, người bệnh là cụ bà P.T.T (69 tuổi), nhập viện cấp cứu trong tình trạng tắc ruột trên nền huyết áp cao. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có một khối u lớn trong đại tràng, xâm lấn ruột non, gây nên tình trạng tắc ruột.

Để giải quyết cấp cứu, các bác sĩ đã phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Bệnh nhân hồi phục tốt, tuy nhiên đến ngày thứ 7 sau phẫu thuật, cụ bà đột nhiên khó thở, suy hô hấp diễn tiến rất nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thy (bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân), Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khoa đã nhanh chóng đưa người bệnh đi chụp CT Scan do nghi ngờ tắc huyết khối, đồng thời báo ngay lên Khoa Nội tim mạch để hội chẩn.

Chỉ trong khoảng 30 phút, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, khi chuyển lên Khoa Nội tim mạch, người bệnh ngưng tim ngưng thở. Kết quả chụp CT ngực cho thấy một bên động mạch phổi bị huyết khối bịt kín hoàn toàn, một bên bị bít 80%.

Ê-kíp cấp cứu của Khoa Nội tim mạch vừa luân phiên hồi sức tim phổi, vừa tiêm thuốc tan huyết khối, thuốc vận mạch liều cao. Bệnh nhân liên tục có nhịp tim rồi lại ngưng tim. Trong suốt một giờ đồng hồ, 5 bác sĩ và 3 điều dưỡng đã liên tục hồi sức, sử dụng 40 ống adrenaline vận mạch cho đến khi nhịp tim của bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch – Lão học (thành viên ê-kíp hồi sức), cho biết thông thường hồi sức tim phổi chỉ thực hiện trong 30 phút, nếu bệnh nhân không duy trì được nhịp tim trở lại thì sẽ thông báo tử vong. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt vì chúng tôi vừa hồi sức, vừa theo dõi tiến trình tan huyết khối. Mặc dù bệnh nhân liên tục ngưng tim nhưng có dấu hiệu cải thiện dần nên ê-kip vẫn quyết định duy trì hồi sức trong suốt một giờ đồng hồ.

Sau 7 ngày điều trị tích cực, cụ bà đã hồi phục tri giác, cai máy thở, đang tiếp tục được theo dõi tại Khoa Ngoại tổng hợp.

Bác sĩ Được nhấn mạnh đây là ca bệnh nặng, rất hiếm gặp. Thông thường các tai biến xảy ra ở ngày thứ 2 – 3 sau mổ, hiếm khi xảy ra ở ngày thứ 8. Người bệnh gần như tắc hoàn toàn 2 động mạch phổi, dẫn đến ngưng tim, thiếu máu não, suy đa cơ quan, khả năng cứu sống và hồi phục gần như bằng 0. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và phối hợp tối đa của 2 khoa, bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.



https://www.sggp.org.vn/benh-nhan-ngo-doc-xyanua-tai-dong-nai-duoc-cuu-song-nhu-the-nao-post747939.html

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp nên bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, các dấu hiệu bất thường đã hướng đến khả năng nhiễm độc Xyanua.

Chiều 5-7, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết đang điều trị cho bệnh nhân N.H.B.T. (18 tuổi, ngụ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị ngộ độc Xyanua.

Theo đó, nam thanh niên nhập viện cấp cứu vào tối 22-6 trong tình trạng hôn mê, mất tri giác đột ngột, rối loạn nhịp tim. Bác sĩ khoa cấp cứu tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân, sử dụng thuốc vận mạch và hội chẩn liên khoa. Trước tình huống bệnh nhân bị rối loạn nhịp, hôn mê, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng bị bệnh lý viêm cơ tim cấp hoặc rối loạn nhịp, liên quan yếu tố gia đình. Tuy nhiên, khai thác thông tin bệnh sử lại không phù hợp với chẩn đoán.

bv-le-van-thinh-497.jpg
Thanh niên 18 tuổi được cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh vào ngày 22-6

Theo BS Nguyễn Phạm Cao Khoa, Khoa Nội Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, điểm nổi bật của người bệnh là tình trạng toan chuyển hoá nặng, lactate tăng cao, phù phổi, giãn đồng tử, do đó nghi ngờ khả năng nhiễm độc chất Xyanua. Đây là độc chất nguy hiểm, làm ức chế hô hấp tế bào do không sử dụng được oxy, hấp thu vào máu rất nhanh và gây tử vong.

Thời điểm này, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nguy cơ tử vong trên đường rất cao. Vì thế, ê kíp quyết định tiến hành lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc chất. Sau 12 giờ lọc máu với hai quả lọc hấp phụ, tình trạng người bệnh cải thiện dần, giảm liều vận mạch, toan chuyển hóa và lactate cải thiện. Dịch dạ dày được lấy xét nghiệm, kết quả ghi nhận có độc chất Xyanua. Ngày 30-6, bệnh nhân cai máy thở. Tuy nhiên, người bệnh bị tiêu cơ vân, tổn thương rải rác vỏ não do độc chất Xyanua.

Sau 2 tuần điều trị, hiện nam thanh niên đã tỉnh táo, nhận biết được người nhà, thực hiện được y lệnh của bác sĩ, đang tập vật lý trị liệu do sức cơ yếu, đi lại cần người hỗ trợ. Về di chứng não, BS Nguyễn Phạm Cao Khoa kỳ vọng bệnh nhân có thể hồi phục được do trẻ tuổi, thể trạng tốt. Thực tế, nhiều trường hợp ngộ độc Xyanua bị tổn thương não rất nặng, thậm chí phải sống thực vật.

z5604714354598_0cf652d26f77029efeddd702af9d641e_censored.jpg
Phòng hồi sức tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh – nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm độc Xyanua

Theo BS Kiều Ngọc Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, đây là ca ngộ độc Xyanua đầu tiên được ghi nhận tại cơ sở y tế này. “Các bác sĩ trẻ đã nhận định đúng, kịp thời xử trí và cứu được người bệnh, đồng thời tìm ra nguyên nhân dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy”, BS Kiều Ngọc Minh chia sẻ.

Trước đó, như Báo SGGP đưa tin, 5 người thân của anh N.H.B.T. cùng chung sống trong một gia đình đã chết một cách bất thường trong vòng 8 tháng. Từ tháng 10-2023 đến tháng 5- 2024, tại gia đình ông N.V.H. (ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) có 5 người tử vong gồm ông H., 2 cháu ngoại, 1 cháu nội và 1 người con rể. Triệu chứng chung đều liên quan đến ngưng tim, rối loạn nhịp tim. Trước khi chết, các nạn nhân bị nôn ói, nhức đầu, chóng mặt.

Đến cuối tháng 6-2024, anh N.H.B.T. (là cháu nội của ông N.V.H.) đột ngột bị hôn mê, bất tỉnh. Sau cấp cứu, bệnh viện thông báo kết quả xét nghiệm dịch dạ dày có chất Xyanua. Nghi ngờ có khuất tất, người thân của anh N.H.B.T. đã làm đơn trình báo công an và đề nghị điều tra. Công an huyện Nhơn Trạch phối hợp các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra vụ việc, bước đầu xác định được một nghi phạm nên đã bắt giữ và đang đấu tranh làm rõ.



https://hcdc.vn/nuoi-con-bang-sua-me–tai-sao-phong-vat-tru-sua-me-tai-noi-lam-viec-la-can-thiet-NiL2Cc.html

Cập nhật: 19:03 – 05/07/2024 | Lần xem: 263

Nuôi con bằng sữa mẹ – Tại sao phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc là cần thiết?

Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ phải quay trở lại làm việc sau khi sinh con, dẫn đến việc khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhằm hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời tạo môi trường làm việc thân thiện, nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực xây dựng phòng vắt sữa mẹ tại nơi làm việc.

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP đề cao việc tạo điều kiện cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Theo nghị định, doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên có trách nhiệm trang bị phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp. Đây là hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến sức khỏe của lao động nữ và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lợi ích thiết thực

• Đối với sức khỏe của mẹ: Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, loãng xương,… Lao động nữ cảm thấy tự tin có thể duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi đi làm.

• Đối với sức khỏe của bé: Tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, dị ứng, tiêu chảy, béo phì,…

• Đối với doanh nghiệp: Tăng cường hiệu quả công việc, giảm thiểu chi phí nghỉ thai sản, nghỉ ốm của lao động nữ, thu hút và giữ chân nhân viên nữ, tạo ra lực lượng lao động ổn định cho doanh nghiệp.

Số lượng phòng vắt, trữ sữa theo số lượng lao động nữ

Theo Quyết định số 5175/QĐ-BYT ngày 09 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y Tế, số lượng phòng vắt, trữ sữa tối thiểu tại nơi làm việc phải đáp ứng theo quy định sau:

Hướng dẫn thiết lập và vận hành phòng vắt, trữ sữa mẹ

+ Người sử dụng lao động phối hợp với Công đoàn, các đơn vị y tế và các tổ chức có liên quan thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc cho Lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.

+ Cơ sở thiết lập và vận hành phòng vắt, trữ sữa mẹ giao cho cán bộ đầu mối và phân công trách nhiệm quản lý, giám sát, đánh giá việc vận hành, sử dụng phòng vắt, trữ sữa mẹ.

+ Căn cứ vào điều kiện cụ thể, đơn vị bố trí thời gian sao cho không ảnh hưởng đến việc sản xuất; phù hợp với công suất sử dụng của phòng vắt, trữ sữa mẹ, tránh quá tải; phù hợp với nhu cầu sinh học của lao động nữ trong việc vắt sữa

Hình ảnh Phòng vắt và trữ sữa mẹ (sưu tầm)

Khoa Sức khoẻ cộng đồng – Môi trường và Bệnh nghề nghiệp, HCDC

 



CẤP CỨU KỊP THỜI CỨU NGƯỜI THOÁT CHẾT TRONG GANG TẤC

Thứ 6, ngày 28/06/2024, 8:00PM, tại BV Lê Văn Thịnh.

(BV.LVT) Hàng ngày trong cuộc sống tai nạn lao động (TNLĐ), tai nạn trong sinh hoạt (TNSH), tai nạn giao thông (TNGT) và nhiều nguyên nhân tai nạn do vô tình, do cố ý hặc do bất cẩn luôn hiện diện quanh cuộc sống hàng ngày đặc biệt là các tai nạn có vết thương tại các vùng trọng yếu như vết thương tim, vết thương vùng cổ – gáy, vết thương động mạch máu liên quan các vùng cơ xương khớp … thường gặp trong cấp cứu hàng ngày tại các bệnh viện.

Đây là các vùng trọng yếu trong cơ thể duy trì nuôi sống các cơ quan, ví dụ như vết thương tim, vết thương vùng cổ vùng này có các mạch máu nuôi não mà thường được gọi là mạch máu vùng cổ – nền cổ (bao gồm: hệ thống động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong, động – tĩnh mạch dưới đòn, động tĩnh mạch vô danh, động mạch cột sống). Vết thương động mạch thường gây mất máu nhiều và cấp tính nên là loại tổn thương cần được xử trí ngay. Mặc khác, các vết thương mạch máu vùng cổ-nền cổ, vết thương tim cần xác định nhanh chẩn đoán và xử trí kịp thời thì cơ hội sống càng cao, vì đây là vùng phức tạp hơn so với vết thương mạch máu ở tứ chi và có tỉ lệ tử vong cao 30- 40%, nguyên nhân chủ yếu là do mất máu nặng, sốc không hồi phục.

Vừa qua, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (BV LVT), Đơn vị phẫu thuật Lồng ngực mạch máu (ĐV PT LN-MM) đã cứu sống bệnh nhân có vết thương tim nguy kịch. Đó là anh L.C.T (sinh năm: 1987) ngụ tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức được người nhà đưa đến phòng cấp cứu (BV LVT) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tiếng tim mờ mạch nhanh 115 lần/phút. Vùng trước ngực bên trái có một vết thương kishc thước khoảng 2x2cm đang chảy máu. Bác sĩ Nguyễn Nhật Minh trực ngày hôm đó sau khi thăm khám tại phòng cấp cứu nhận định đây là trường hợp bệnh nặng, khả năng tử vong cao, ê-kíp trực đã làm việc khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng, hội chẩn liên chuyên khoa thực hiện các thao tác để cấp cứu bệnh nhân đồng thời báo nhanh cho Bác sĩ Nguyễn Thái Dũng phụ trách Đơn vị phẫu thuật Lồng ngực mạch máu phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.

Sau hội chẩn nhanh bệnh nhân được vận chuyển ngay đến phòng mổ tiến hành hành phẫu thuật cấp cứu, khi đến phòng mổ bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc do chèn ép tim, ê-kíp phẫu thuật nhanh chóng vừa hồi sức, vừa tiến hành đặt CVC, CAP cho bệnh nhân, đồng thời các bác sĩ phẫu thuật tiến hành kê tư thế tiến hành mở ngực nhanh phát hiện một vết thương tim xuyên màng ngoài tim, ê-kíp tiếp tục mở rộng khoang màng ngoài tim tìm thấy một vết thương tim đang chảy máu theo nhịp tim và khoảng 200ml máu đỏ thoát ra đồng thời tình trạng sốc của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, ổn định sinh hiệu, các bác sĩ phẫu thuật tiếp tục tìm tổn thương tim, mở rộng khoang màng ngoài tim tìm thấy 01 vết thương đường kính vết thương 0.5×0.5cm gây tổn thương thành tim (thất trái). Nhận định được nguyên nhân các bác sĩ phẫu thuật nhanh chóng cầm máu, khâu lại vết thương sau hơn 1h30 được phẫu thuật tình trạng sinh hiệu bệnh nhân bắt đầu được cãi thiện rõ rệt bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch sau đó được chuyển về phòng hồi sức tiếp tục theo dõi điều trị.

Khoản 15h00 cùng ngày bệnh nhân được chuyển về Đơn vị phẫu thuật lồng ngực mạch máu để tiếp tục điều trị. Sau hơn 06 ngày điều trị tại ĐV PT LN-MM được các y bác sĩ điều dưỡng tận tình chăm sóc, thăm khám hàng ngày, kiểm tra các chỉ số liên quan sau hậu phẫu, tình trạng vết thương hiện tại, sinh hiệu, đến nay bệnh nhân nhanh chóng được hồi phục sức khỏe ra viện chờ ngày tái khám.

Ảnh 1: Phòng Công tác xã hội BV Lê Văn Thịnh thăm động viên Anh L.C.T SN 1987, ngụ TP Thủ Đức tại Đơn vị phẫu thuật Lồng ngực – Mạch máu sau khi được cấp cứu thành công. – Nguồn ảnh: P.CTXH

Tiếp theo đó không lâu ĐV PT LN-MM bệnh viện tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam N.T.N (sinh năm 1996) ngụ tại xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vào cấp cứu bệnh viện với vết thương vùng cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay phải chảy nhiều máu khó cầm, bác sĩ trực cấp cứu thông báo hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ trực các khoa và bác sĩ trực ĐV PT LN-MM sau khi hội chẩn đây là vết thương phức tạp, có tổn thương mạch máu, thần kinh – cơ nên đã đề xuất mổ cấp cứu.

Tại phòng mổ sau khi bệnh nhân được kiểm tra sinh hiệu, các xét nghiệm, khám tiền phẫu, ê-kíp phẫu thuật tiến hành gây mê rửa sạch vết thương tiến hành thăm dò mổ thám sát vết thương phát hiện bệnh nhân bị đứt tổn thương mạch mạch máu, thần kinh – cơ, ê-kíp đã tiến hành khâu nối mạch máu, thần kinh, cơ, tiến hành vệ sinh vết thương, cầm máu thám sát lại sau phẫu thuật. Sau hơn 3h00 được phẫu thuật bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch được chuyển qua hồi sức sau đó chuyển lên ĐV PT LN-MM để tiếp tục theo dõi điều trị, chăm sóc hậu phẫu.

Qua tìm hiểu khai thác bệnh sử người nhà bệnh nhân cho biết trong lúc phụ làm lao động tại nhà người thân không may bị kính vỡ rơi cắt đứt vùng cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay được người nhà nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng máu chảy nhiều, huyết áp tụt. Bệnh nhân cũng là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh rất khó khăn, ba mẹ đi làm mướn, chi phí điều trị cao, BHYT hết hạn khong có tiền gia hạn Phòng Công tác xã hội bệnh viện đã tiến hành thủ tục hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân tiếp tục mua BHYT và vận động kinh phí điều trị. Sau hơn 10 ngày điều trị tại ĐV PT LN-MM đến nay tình trạng đã ổn, theo bác sĩ điều trị bệnh nhân còn phải tái khám theo dõi điều trị và lên phương án phẫu thuật tiếp theo.

Ảnh 2: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm trao tặng kinh phí điều trị cho Em N.T.N SN 1997 ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai đang điều trị sau phẫu thuật tại ĐV PT LN-MM. – Nguồn ảnh: P.CTXH.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thái Dũng phụ trách ĐV PT LN-MM nhận xét:

Thứ nhất: “Tỷ lệ tử vong ngoại viện do vết thương tim có thể lên đến 90%, chủ yếu do nguyên nhân mất máu cấp hoặc chèn ép tim cấp. Do vậy, việc chẩn đoán, tiên lượng chính xác và có chỉ định xử trí đúng đắn, kịp thời cho bệnh nhân có vết thương trong tim là những yếu tố quyết định tới khả năng cứu sống người bệnh”.

Thứ hai: Việc sơ cứu đúng cách kịp thời tại chỗ vết thương mạch máu là việc làm vô cùng quan trọng giúp cứu sống người bệnh khi có chấn thương dẫn đến tình trạng mất máu không may xảy ra. Vì thế, nếu biết cách cầm máu sao cho đúng và hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết, nhằm giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh thông tin thêm Bệnh viện Lê Văn Thịnh là bệnh viện đa khoa hạng I tuyến quận huyện, với đội ngũ y, bác sĩ với năng lực chuyên môn được đào tạo bài bản vững vàng, đáp ứng nhu cầu điều trị cho Nhân dân trong thành phố Thủ Đức, vùng lân cận và ngoài tỉnh. Đơn vị phẫu thật Lồng ngực mạch máu mới thành lập tuy chưa lâu những đã phối hợp cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân bị thương có tổn thương liên quan đến mạch máu, vùng ngực, nhất là ngực trái, được đưa vào bệnh viện can thiệp, xử trí kịp thời cứu sống bệnh nhân trong gang tấc giống như những trường hợp cấp cứu nêu trên.

Trần Châu. – TP.CTXH

 

 



1. Thuốc Acid fusidic là thuốc gì?

Acid fusidic và dạng muối natri fusidat là một kháng sinh có cấu trúc steroid, thuộc nhóm fusidanin, có tác dụng kìm khuẩn và diệt khuẩn, chủ yếu tác dụng lên vi khuẩn Gram dương.

Acid fusidic ức chế vi khuẩn tổng hợp protein thông qua ức chế một yếu tố cần thiết cho sự chuyển đoạn của các đơn vị phụ peptid và sự kéo dài chuỗi peptid. Mặc dù acid fusidic có khả năng ức chế tổng hợp protein trong tế bào động vật có vú, nhưng do khả năng thâm nhập rất kém vào tế bào chủ nên thuốc có tác dụng chọn lọc chống các chủng vi khuẩn nhạy cảm.

Acid fusidic tác dụng tốt trên các chủng Staphylococcus, đặc biệt là S. aureus và S. epidermidis (bao gồm cả những chủng kháng meticilin). Nocardia asteroides và nhiều chủng Clostridium cũng rất nhạy cảm với thuốc. Các chủng Streptococcus và Enterococcus ít nhạy cảm hơn.

Hầu hết các chủng Gram âm đều không nhạy cảm với acid fusidic, tuy nhiên thuốc tác dụng tốt đối với Neisseria spp., Bacteroides fragilis. Thuốc có tác dụng trên Mycobacterium leprae, và một phần trên M. tuberculosis.

Thuốc có tác dụng trên một số động vật nguyên sinh bao gồm Giardia lamblia, Plasmodium falciparum. Ở nồng độ cao, in vitro, thuốc có tác dụng ức chế virus phát triển, kể cả HIV, tuy nhiên chưa rõ đó thực sự là tác dụng kháng virus của thuốc hay là tác dụng diện hoạt hoặc tác dụng độc hại tế bào nói chung. Thuốc không có tác dụng đối với nấm.

Kháng thuốc có thể thấy xuất hiện thông qua trung gian nhiễm sắc thể, làm thay đổi tính thấm của thuốc vào tế bào. Tỷ lệ đột biến kháng thuốc cao in vitro. Cho tới nay, chưa thấy kháng chéo với các kháng sinh khác. Khi dùng đơn độc, acid fusidic đường toàn thân rất dễ bị kháng thuốc, tỷ lệ lên tới 5%, do đó cần kết hợp với các kháng sinh khác.

2. Cách sử dụng thuốc Acid Fusidic như thế nào?

                                                                                                  Hình: nguồn internet

Thuốc axit fusidic có thể có dạng tiêm truyền, thuốc bôi và dạng thuốc uống. Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc điều trị, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng thuốc chính xác theo chỉ dẫn của bác sĩ Da liễu. Đối với, axit fusidic bôi, bạn lấy một lượng kem mỏng/thuốc mỡ lên vùng da bị nhiễm trùng và thoa nhẹ nhàng trên bề mặt da. Bạn nên dùng 3–4 lần một ngày trừ trường hợp bác sĩ điều trị có chỉ dẫn khác. Bạn cần lưu ý luôn rửa sạch tay thật kỹ càng sau khi dùng thuốc (trừ khi bạn dùng thuốc để trị bệnh ở tay).Có thể băng lại nếu cần. Tránh bôi thuốc thành lớp dày. Giới hạn đợt điều trị không quá 10 ngày do nguy cơ kháng thuốc khi dùng kéo dài.

Nếu vô tình để dính kem vào mắt, bạn nên rửa ngay bằng nước sạch, nhỏ nước muối sinh lý để rửa lại mắt. Mắt lúc này có thể bị đau. Nếu gặp vấn đề về mắt hoặc không khỏi đau, bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ.

3. Liều dùng axit fusidic như thế nào?

Thuốc dùng đường uống, dùng ngoài (dưới dạng acid fusidic hoặc natri fusidat) hoặc đường tĩnh mạch (dạng natri fusidat). 1 g natri fusidat tương đương với 0,98 g acid fusidic. Do acid fusidic hấp thu kém hơn natri fusidat, trong điều trị, 250 mg acid fusidic chỉ tương đương với 175 mg natri fusidat. Vì thế liều của hỗn dịch acid fusidic (thường dùng cho trẻ em) tương đối cao hơn.

Liều thông thường cho người lớn là uống natri fusidat 500 mg, cứ mỗi 8 giờ một lần. Có thể tăng liều gấp đôi trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Để điều trị nhiễm khuẩn Staphylococcus ở da, có thể dùng liều 250 mg/lần, 2 lần/ngày.

Liều uống của hỗn dịch acid fusidic: Trẻ dưới 1 tuổi: 15 mg/kg/ lần, 3 lần/ngày. Trẻ từ 1 – 5 tuổi: 250 mg/lần, 3 lần/ngày. Trẻ từ 5 – 12 tuổi: 500 mg/lần, 3 lần/ngày. Trẻ em > 12 tuổi và người lớn: 750 mg/lần, 3 lần/ngày.

Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dùng natri fusidat truyền tĩnh mạch chậm. Người lớn cân nặng trên 50 kg dùng liều 500 mg/lần, 3 lần/ngày. Trẻ em và người lớn cân nặng dưới 50 kg, dùng liều 6 – 7 mg/kg/lần, 3 lần/ngày.

Hòa tan lọ bột tiêm 500 mg với 10 ml dung môi. Sau đó pha vào 250 – 500 ml dịch truyền Natri clorid 0,9% hoặc Glucose 5% và truyền tĩnh mạch trung tâm trong ít nhất 2 giờ. Nếu truyền qua tĩnh mạch ngoại vi, chọn mạch lớn và truyền trong ít nhất 6 giờ. Không được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Bột pha tiêm sau khi hòa tan vào dung môi có thể bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 °C trong vòng 48 giờ. Thuốc bị kết tủa nếu pha với các dịch truyền có pH nhỏ hơn 7,4.

Kem và mỡ bôi ngoài da 2%: Bôi một lớp mỏng thuốc 3 – 4 lần mỗi ngày lên vùng da bị nhiễm khuẩn sau khi đã rửa sạch, có thể băng lại nếu cần. Tránh bôi thuốc thành lớp dày. Giới hạn đợt điều trị không quá 10 ngày do nguy cơ kháng thuốc khi dùng kéo dài.

Gel nhỏ mắt 1%: Nhỏ mắt 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần 1 giọt vào túi kết mạc dưới.

4. Liều dùng thuốc axit fusidic với trẻ em như thế nào?

Với trẻ em mắc bệnh nhiễm khuẩn nhạy cảm

Đối với dạng thuốc uống, bạn nên cho trẻ dùng liều lượng tùy theo độ tuổi của trẻ như sau;

Trẻ dưới 1 tuổi: dùng khoảng 15 mg/kg;

Trẻ 1–5 tuổi: dùng 250 mg;

Trẻ 5–12 tuổi: dùng 500 mg uống 3 lần/ngày.

Đối với dạng thuốc tiêm, liều dùng là 20 mg/kg chia làm 3 liều tiêm cho trẻ mỗi ngày. Thuốc được chỉ định truyền chậm trong thời gian ít nhất 2 giờ và nên truyền vào những mạch máu lớn với dòng chảy tốt.

Với trẻ em mắc bệnh đau mắt:

Đối với dạng thuốc nhỏ mắt thì dành cho trẻ trên 2 tuổi hoặc lớn hơn, bạn nhỏ vào mắt bị đau 1 giọt mỗi 12 giờ/ lần trong thời gian 7 ngày.

Với trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng da:

Đối với dạng thuốc axit fusidic bôi mỡ/kem/gel 2%, bạn bôi lên vùng da bị nhiễm khuẩn của trẻ 3–4 lần/ ngày cho đến khi tình trạng cải thiện. Nếu dùng gạc, giảm liều xuống còn 1 – 2 lần/ngày.

                                                              Hình: nguồn internet

Thuốc axit fusidic dùng cho trẻ nhỏ cần dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

5. Tác dụng không mong muốn

Thuốc nhỏ mắt axit fusidic có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn bao gồm:

Đau nhức hoặc nóng đốt trong thời gian ngắn sau khi dùng thuốc;

Phản vệ dị ứng (trường hợp quá mẫn cảm với thuốc).

Báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong khi dùng thuốc axit fusidic bôi:

Khó thở;

Phát ban;

Nhói và ngứa;

Ban ngứa và viêm.

Sưng mặt, cụ thể là ở quanh mắt hoặc mí mắt;

Nóng đỏ và đau nhói ở mắt, kéo dài.

Khi dùng dung dịch axit fusidic, bạn cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi:

Xuất hiện vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt;

Đau, trào ngược dạ dày;

Không thể đi tiểu được (Vô niệu)

Dễ bị bầm tím trên da hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân;

Lở loét miệng, họng, hoặc mắc các nhiễm trùng khác kéo dài và lặp lại.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

 

Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy

(Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam 2022)

 

 


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group