HCMvsDT.jpg

9 Tháng Năm, 2022 Tin Tức

– Trong 02 ngày 07 và 08/5, Đoàn công tác Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh do ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cùng lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, một số sở, ngành, địa phương và lãnh đạo, công chức, viên chức Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ông Huỳnh Minh Tuấn
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tặng tranh lưu niệm cho ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân T hành phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tham mưu của Văn phòng, lãnh đạo, công chức, viên chức 02 Văn phòng tham gia giao lưu thể thao (thi đấu bóng đá, tennis), giao lưu văn nghệ.

Dịp này, Đoàn công tác của Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tham quan Khu di tích Xẻo Quít.

Cũng nhân chuyến công tác này, Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao biểu trưng hỗ trợ công tác xã hội cho tỉnh Đồng Tháp gồm: 200 phần quà cho hộ nghèo tại huyện Tháp Mười; 05 máy trợ thở, tạo Oxy cho ngành y tế; 01 căn nhà tình thương; 06 cầu giao thông nông thôn (huyện Hồng Ngự và huyện Tháp Mười) và khám bệnh, phát thuốc dành cho 2.000 trường hợp khó khăn.

Lãnh đạo
Lãnh đạo hai địa phương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, công chức, viên chức 02 Văn phòng

Hoạt động này nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó, phối hợp công tác giữa Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp


Bsltthanh-1200x800.jpg

4 Tháng Năm, 2022 Tin Tức
Không ăn nói lưu loát, ngại giao tiếp nên sau khi ra trường, anh B. đã đi xin việc rất nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Tự cảm thấy bản thân vô dụng khi là gánh nặng của bố mẹ, sau một thời gian dài trầm cảm, tự rạch tay để chết không thành, anh B. đã uống một lúc 80 viên thuốc ngủ, tìm cách giải thoát.

Có thể một phần do tâm lý bi quan khi không tìm được việc làm nên nam thanh niên đã mua 4 hộp thuốc an thần trên mạng và uống 80 viên để tự tử. Trước đó, anh này từng có tiền sử bệnh trầm cảm nhưng bỏ điều trị hơn 1 năm.

Hiện bệnh nhân K. đang cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định.
Hiện bệnh nhân K. đang cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định

Ngày 4/5, bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM) cho biết, bệnh viện đã cấp cứu thành công giúp bệnh nhân K (29 tuổi, ngụ TP HCM) qua cơn nguy kịch. Theo đó, chiều 28/4, anh K. được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, không có phản xạ, đồng tử co sau khi uống 80 viên thuốc an thần.

BS. Thanh thăm khám, điều trị và động viên anh B. mỗi ngày

Ngay lập tức, các bác sĩ tại đây đã đặt nội khí quản, máy thở, dùng thuốc vận mạch cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời, tư vấn gia đình để tiến hành lọc máu hấp phụ cứu K., chi phí mỗi lần khoảng 10 triệu đồng… Cũng tại đây, các bác sĩ bệnh viện đã tiến hành thực hiện lọc máu hấp phụ để cứu K. khi được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân.

Các bác sĩ cho biết, anh K. đã qua cơn nguy kịch sau 3 ngày lọc máu hấp phụ. Hiện bệnh nhân đang cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định. Trước đó, ngày 28/4 anh K. đã mua 4 hộp thuốc an thần trên mạng để tự tử. Vụ việc đã được gia đình phát hiện sau đó, tuy nhiên anh K. không chịu đi bệnh viện. Khoảng 1 tiếng sau, thuốc ngấm, K. vật vã, kích thích… nên được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Ông N.V.N (cha của K.) cho biết, K. có tiền sử trầm cảm từ khi học cấp 2. Sau khi tốt nghiệp đại học tại TP.HCM thì K. vẫn duy trì điều trị trầm cảm. K. cũng từng tự tử bằng cách cắt tay nhưng không thành. K. cũng từng chia sẻ với người cha rằng anh băn khoăn nhất là không tìm được việc làm. Nguyên nhân việc K. quyết định uống thuốc tự tử, có lẽ một phần do tâm lý bi quan ngày càng lớn do không tìm được việc làm, đỉnh điểm là trong đợt dịch Covid-19, K. đã ngưng uống thuốc trầm cảm và cho rằng đã hết bệnh.

Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh cho biết thêm, trước đây Bệnh viện Lê Văn Thịnh chỉ tiếp nhận 1-2 ca tự tử/tháng, thì sau dịch Covid-19, mỗi tuần có từ 3-4 ca. “Đây là tình trạng hết sức báo động. Tôi rất ngạc nhiên khi người nhà bệnh nhân nói rằng thuốc an thần muốn mua trên mạng bao nhiêu cũng có.  Cực kỳ nguy hiểm vì đây là thuốc kiểm soát đặc biệt”, bác sĩ Thanh lo ngại.

Cũng theo bác sĩ Thanh, hiện nay nhiều người từng mắc Covid-19 gặp tình trạng mất ngủ kéo dài nên tìm đến thuốc an thần mà không cần chỉ định hay đơn thuốc. Bác sĩ khuyến cáo, dùng thuốc ngủ, thuốc an thần tùy tiện, có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, suy thận, hôn mê. Ngoài ra, đối với bệnh nhân trầm cảm, không nên ngưng điều trị hay trị liệu, mà phải tuân thủ việc dùng thuốc, tái khám đều đặn… giúp tránh bùng phát các cơn stress dẫn đến hành động tiêu cực, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

K.Đồng – Phúc Thành

Nguồn: phapluatplus.vn


cuoc-chien-voi-covid-19-tham-_721651168645-1200x800.jpg

29 Tháng Tư, 2022 Tin Tức
– Dịch COVID-19 đang dần bước vào giai đoạn kiểm soát, nhưng mỗi khi nhắc về cuộc chiến này, người chỉ huy tuyến y tế cơ sở lại bồi hồi xúc động.

Những ngày qua, tiếng chuông điện thoại của thầy thuốc ưu tú – bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), thưa dần. Nhưng các kế hoạch tiêm ngừa vắc xin, sàng lọc người nguy cơ, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người dân trên địa bàn lẫn nhân viên y tế… lại chất cao thêm.

Dịch COVID-19 tạm yên, bác sĩ Khanh lại tiếp tục các hoạt động chăm lo cho người bệnh - ẢNH: XUÂN BÌNH
Dịch COVID-19 tạm yên, bác sĩ Khanh lại tiếp tục các hoạt động chăm lo cho người bệnh – Ảnh: Xuân Bình

Xây dựng “thế trận”, “rèn binh” chống dịch

Với bác sĩ Trần Văn Khanh, từ lúc dịch mới xuất hiện, người chỉ huy buộc phải “rèn binh”, huấn luyện cho cấp dưới của mình luôn phải đi trước “kẻ thù”, nếu không, hậu quả rất nghiêm trọng. Mang theo vài bộ đồ, vị bác sĩ ăn ngủ luôn tại bệnh viện, bắt tay vào xây dựng thế trận chống dịch. Tuy nhiên, virus này quá nguy hiểm, một số người lính áo trắng chùn chân, có người xin thôi việc, có người xin nghỉ không lương… Trước tình huống đó, bác sĩ Khanh dùng chiến lược “mưa lâu thấm đất”, quán triệt tinh thần cho các cán bộ thông qua nhiều hoạt động tập huấn, họp giao ban…

Từ lo lắng bỏ “quân ngũ”, người lính áo trắng dần bước ra tuyến đầu, xung phong đến các điểm nóng. Được sự phân công của UBND TPHCM, Sở Y tế, 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đi “đánh trận” tại bốn bệnh viện, bác sĩ cho trạm y tế, trạm y tế lưu động…

Chưa dừng lại, bác sĩ Khanh tiếp tục nhận lệnh tiếp quản Bệnh viện Dã chiến số 3, chia quân cho khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia, tiếp lửa cho Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ… Chỉ còn lại khoảng hơn 300 người dàn trận, quyết tâm không để dịch bệnh tấn công vào bệnh viện.

Trong khi chờ chi viện, bác sĩ Khanh lại “bố trận” bằng công nghệ, chuyển đổi khai báo y tế trực tuyến, máy đo thân nhiệt… tiết kiệm được một nửa nhân lực. Hay trước địa hình TP.Thủ Đức có nhiều hẻm nhỏ, xe cấp cứu không đủ, cũng không thể vào hẻm cứu người, kế hoạch xe máy chở ô-xy, bác sĩ vào hẻm cấp cứu F0 trở nặng của bác sĩ Khanh mang đến hiệu quả bất ngờ, tỷ lệ người tử vong tại nhà giảm xuống rõ rệt.

Trong một lần, bác sĩ Khanh khảo sát ở khu điều trị bệnh nhân COVID-19, một bệnh nhân tử vong ngay trước sự bất lực, tiếc nuối của ê-kíp bác sĩ. Nhìn những người bác sĩ với tinh thần thép bật khóc, tức giận chính mình trước cái chết của bệnh nhân, bác sĩ Khanh quay đi, giấu nước mắt vào trong, động viên đồng đội như nói với chính mình: “Rồi sẽ có máy thở, sẽ có đủ thuốc… chúng ta phải mạnh mẽ lên”. Về đơn vị, anh loay hoay tìm phương án để tiết kiệm nhất có thể, kể cả nhân viên có kinh nghiệm hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm để bổ sung lực lượng cho tuyến đầu…

Vào giai đoạn tổng lực chiến đấu, lần đầu tiên trong nghề y, bác sĩ Khanh cảm nhận rõ tình nhân dân. “Ngay lúc thiết bị chưa đủ, anh em phải đi năn nỉ từng tiệm cơm, lò bánh mì, bánh bao… thổi lửa để có lương thực thì bất ngờ các “cựu” F0, F1 hết thời gian cách ly mà chúng tôi chăm sóc trước đó, cùng mạnh thường quân, thậm chí các cụ già đã mang gạo, mì, sữa, có người nấu đồ ăn sẵn, có người đem đến rổ khoai, vài ký rau, trái cây… để tiếp thêm “quân lương”. Người dân rất đồng lòng, tình nguyện vào các khu thu dung, bệnh viện dã chiến, khu cách ly… hỗ trợ bác sĩ”, bác sĩ Khanh xúc động.

Phần thưởng lớn nhất xin dành cho người dân, gia đình nhân viên y tế.

Những ngày qua, TPHCM dần kiểm soát dịch. Ngoài liên tục cập nhật kiến thức khám chữa bệnh, đề phòng các biến chủng của virus, bác sĩ Khanh lại tiếp tục tri ân những tấm lòng hướng về tiền tuyến qua các hoạt động thăm khám sức khỏe, thành lập các đội tiêm ngừa vắc xin COVID-19 vào từng con hẻm, quyết tâm bao phủ không để dịch bùng phát trở lại; thăm khám, tiếp sức cho các em mồ côi do COVID-19…

Nói về các nhân viên của mình, bác sĩ Khanh cho biết: “Tôi rất biết ơn mọi người, bởi thời điểm đó, chúng ta đã cùng nhau, vượt lên trên trách nhiệm đó là tình thương khi chăm sóc, điều trị cho người dân trước khó khăn, áp lực. Giai đoạn đó, chúng ta có thể tự hào khi khoác lên mình chiếc áo trắng của ngành y”. Bác sĩ Khanh cũng gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân của các nhân viên Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Gia đình đã rất khó khăn để đồng thuận cho các “chiến sĩ” ra tiền tuyến, trước giặc vô hình. Bác sĩ Khanh biết đây là cả một sự đấu tranh tư tưởng, bao dung và tình thương to lớn.

Có gia đình chỉ có một người con, có nhân viên vừa lập gia đình đã đi biền biệt nhiều tháng, có các cụ già neo đơn cần nơi nương tựa, hay những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu dịch bệnh là gì nhưng phải nhường người cha, người mẹ của mình cho trận chiến. “Nếu gia đình không tạo điều kiện, không gánh vác những khó khăn thầm lặng, không tự bảo vệ mình thì các chiến sĩ áo trắng không thể nào yên tâm chống dịch. Nếu được một phần thưởng, tất cả hãy dành cho người cha, người vợ, người mẹ và những nhân viên y tế đó”, bác sĩ Khanh rưng rưng.

Khi được hỏi, lúc nào anh dành thời gian cho bản thân và gia đình, bác sĩ Khanh cười hiền: “Cả nhà tôi cùng đi chống dịch mà. Tôi ở TP.Thủ Đức, bà xã chăm lo, điều trị cho sản phụ mắc COVID-19 ở Q.1. Con lớn của tôi là sinh viên y khoa, cũng viết đơn tình nguyện từ khi thành phố phát động. Con út được giao “nhiệm vụ” cao nhất đó là ở nhà an toàn. Điều hạnh phúc nhất của tôi là dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cả nhà bình yên, quây quần bên mâm cơm mỗi tối”.

Nguồn: phunuonline.com.vn


3322e25b5d13b44ded02-1200x800.jpg

29 Tháng Tư, 2022 Tin Tức
  • Lễ tiếp nhận bàn giao máy Ecmo từ Sở Y tế TP.HCM, Khởi công công trình chung quanh, chỉnh trang khuôn viên bệnh viện Lê Văn Thịnh, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông và khu vực lân cận trên địa bàn thành phố Thủ Đức là các hoạt động trong những ngày cuối tháng 4/2022.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2022), bệnh viện Lê Văn Thịnh thành phố Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hết sức ý nghĩa.

Chiều 29/4, đại diện Sở Y tế thành Phố Hồ Chí Minh đã đến bệnh viện Lê Văn Thịnh bàn giao máy Ecmo cho bệnh viện, cùng tham dự có các chuyên gia về vận hành máy Ecmo, chuyên nghĩa đã hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ khoa hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện để đưa vào vận hành.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM trao bảng tượng trưng bàn giao máy Ecmo
Đại diện Sở Y tế TP.HCM trao bảng tượng trưng bàn giao máy Ecmo

Đây là máy Ecmo đầu tiên được chuyển giao cho bệnh viện theo kế hoạch chuyển giao chuyên môn kỹ thuật của Sở Y tế TP.HCM. Sau khi bệnh viện vận hành tốt,Sở Y tế sẽ chuyển tiếp tục chuyển giao thêm máy thứ hai trang bị đầy đủ cơ sở về tiềm lực máy móc thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến quận huyện nhằm phục vụ cho người dân khu vực thành phố Thủ Đức và khu vực lân cận.

Đến nay, bệnh viện Lê Văn Thịnh là bệnh viện đầu tiên tiếp nhận vận hành máy Ecmo vào công tác điều trị cho  người bệnh. Đây cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện Lê Văn Thịnh, đưa ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị là một hướng đi đầy thách thức nhưng cũng rất đáng tự hào ở một bệnh viện tuyến quận huyện.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cổng Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cổng Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Dịp này, Ban giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tiến hành  lễ khởi công công trình chỉnh trang quanh khuôn viên bệnh viện, xây dựng bố trí lại các vị trí để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Sau khi chỉnh trang bệnh viện sẽ có thêm bộ mặt tươi mới hơn so với nguyên bản trước đây, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, thông thoáng, giúp bệnh nhân thoải mái khi đến khám và điều trị tại bệnh viện.

Công trình được cải tạo chỉnh trang lại nhiều hạng mục khác nhau như cổng bệnh viện được thay mới, xây dựng hàng rào chung quang bệnh viện, chỉnh trang công viên bệnh viện, tăng cường trồng cây xanh, lát gạch mới trên vỉa hè … các hạng mục đều được làm mới.

Công trình được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hoá vận động tài trợ, đơn vị thi công công trình là Công ty Khang Điền một đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực về bất động sản và xây dựng sẽ tặng toàn bộ kinh phí cho công tác chỉnh trang cải tạo các hạng mục của bệnh viện.

Trao quà hỗ trợ cho người dân phường Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông và khu vực lân cận.
Trao quà hỗ trợ cho người dân phường Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông và khu vực lân cận.

Dịp này, phòng Công tác xã hội phối hợp với Công Đoàn, Đoàn TN của bệnh viện, đã trao tặng 40 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên địa bàn phường Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông và khu vực lân cận, nhằm động viên chia sẻ cùng người dân  vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Khanh chia sẽ tại buổi lễ khởi công và bàn giao.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Khanh chia sẽ tại buổi lễ khởi công và bàn giao.

Phát biểu tại buổi lễ BSCK II Trần Văn Khanh, Bí thư Đảng Uỷ, Giám đốc bệnh viện  chia sẻ: “ Các công trình nêu trên được bàn giao, khởi công xây dựng đã được chuẩn bị từ rất lâu nhưng do thiếu hụt nguồn kinh phí và ảnh hưởng dịch bệnh covid-19 nên đến hôm nay mới chính thức được khởi công, chúng tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm chia sẻ từ lãnh đạo cấp trên, các Mạnh thường quân. Công trình sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng mang rất nhiều ý nghĩa, một diện mạo mới, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động và sau hơn một năm thành lập thành phố Thủ Đức.

Nguồn: Trần Châu

 


BScn0.png

27 Tháng Tư, 2022 Tin Tức
– Tan ca dạy, cô giáo K.O. chạy xe máy về nhà, tới vòng xoay Phú Hữu (TP Thủ Đức) thì va chạm với xe tải cùng chiều rồi bị bánh xe chèn ngang người.

Bác sĩ Nguyễn Khải Thy – khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, vừa qua các bác sĩ của bệnh viện đã bật báo động đỏ toàn viện, mổ khẩn cứu chị T.T.K.O. (giáo viên, ở TP Thủ Đức) bị đa chấn thương, sốc mất máu do va chạm với xe tải.

Theo đó, ngày 15/4 sau khi tan trường, cô K.O. điều khiển xe máy về nhà, đến vòng xoay Phú Hữu (TP Thủ Đức) thì va chạm với một chiếc xe tải, bánh trước xe tải chèn ngang người và xe máy của cô O.. Do đoạn đường đông xe nên xe tải di chuyển chậm, phát hiện tai nạn, tài xế thắng gấp, cùng người dân đưa cô K.O. ra ngoài.

Phát hiện tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông đang điều tiết lưu thông tại khu vực này cũng đến hỗ trợ. Tuy nhiên, xe cộ quá đông nên hơn 20 phút sau, cô O. mới được đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu.

Bác sĩ kiểm tra vết thương sau mổ cho cô O.
Bác sĩ kiểm tra vết thương sau mổ cho cô O.

 

Lúc này, cô K.O. vẫn còn tỉnh, hơi hoảng loạn, nhưng mệt nhiều, đau bụng, đau vùng hai bên mông, mạch đập nhanh, tay chân lạnh, vã mồ hôi, vùng bụng căng to… tuy cô O. còn tri giác nhưng do mất nhiều máu nên kèm theo diễn tiến nặng rất nhanh. Ê-kíp bác sĩ cấp cứu bật báo động đỏ toàn viện để hội chẩn, đưa ra phương án khẩn cấp.Bác sĩ Thy cho biết: “Nhìn bên ngoài thì bệnh nhân có vẻ bình thường, tỉnh táo, nhưng bụng đã trương cứng, thở mệt phải hỗ trợ oxy, mạch, huyết áp không ổn định, nếu chậm trễ sẽ tử vong bất kỳ lúc nào”.

Các bác sĩ mau chóng vừa siêu âm, làm các xét nghiệm, hội chẩn liên chuyên khoa, vừa chuẩn bị phòng phẫu thuật, huy động máu… để đưa bệnh nhân đến phòng mổ sớm nhất có thể. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, cô O. bị chấn thương nặng vùng bụng, chảy máu trong khoang bụng, gãy tay phải, gãy xương chậu…

Ngay khi xác định được chấn thương, ê-kíp bác sĩ lập tức chuyển thẳng cô O. đến phòng mổ, đặt nội khí quản, mổ khẩn, thám sát khoang bụng, ghi nhận có nhiều máu tươi khoảng hơn 1 lít, ruột non bị thủng nhiều nơi đang chảy máu, mạch máu tổn thương, hoại tử, huyết áp, mạch tụt nhanh….  Các bác sĩ vừa thao tác tỉ mỉ, vừa phải đảm bảo nhanh chóng, hạn chế tối đa mất máu, bên cạnh đó máu cũng được truyền bù liên tục.

Hơn 2 tiếng đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ khống chế được chảy máu, khâu các vết thương, thám sát cơ quan nội tạng khác. May mắn, lá lách, gan, đại tràng,… của bệnh nhân không tổn thương. Sau mổ, cô O. qua cơn nguy kịch, mạch, huyết áp dần ổn định. Hiện tại, cô đã được rút nội khí quản, các vết thương tiến triển tích cực, tiếp xúc tốt.

Được hỏi về tai nạn trước đó, cô O. cho biết va chạm xảy ra quá nhanh, cô chưa kịp định thần đã thấy mình nằm dưới bánh xe lớn. Đến bây giờ cô vẫn chưa biết nguyên nhân xảy ra tai nạn.

Cô chia sẻ: “Tôi chỉ nhớ khi té xuống, cả phần nửa người dưới đau nhói, máu chảy nhiều, mọi người đến rất đông, ai đó nói kéo chị ấy ra. Khi đó, một đồng nghiệp đi cùng đã gọi điện thoại cho gia đình tôi.

Cảnh sát giao thông và mọi người cũng gọi xe cấp cứu, taxi nhưng không xe nào đến hiện trường được. Lúc này, một chiếc xe của công an phường đi ngang, các anh cảnh sát dùng xe này đưa tôi vào bệnh viện. May mắn khi ngã xuống, chiếc xe máy đã phần nào cản được bánh xe tải cho tôi. Tôi cũng cám ơn các bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu tôi”.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông thường hầu hết tai nạn va chạm với xe tải, nạn nhân mất máu rất nhiều, rất nhanh, gây sốc mất máu, tổn thương đa cơ quan, nhất là vùng bụng. Lúc này, sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Bằng mọi giá, phải chuyển người bệnh đến cơ sở y tế thật nhanh để được can thiệp phẫu thuật kịp thời, bởi nạn nhân có thể tử vong do mất máu, sốc đau, suy hô hấp,…

Nguồn: phunuonline.com.vn


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group