carbamazepin.png

6 Tháng Năm, 2024 Tin TứcTruyền Thông
Ảnh minh họa: nguồn Internet.

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 100 mg, 200 mg, 400 mg.

Viên nhai: 100 mg, 200 mg.

Viên nang giải phóng kéo dài: 100 mg, 200 mg, 300 mg.

Viên nén giải phóng kéo dài: 100 mg, 200 mg, 400 mg.

Hỗn dịch uống: 100 mg/5 ml.

2 Dược lực học 

Tác dụng dược lý của carbamazepin tương tự như tác dụng của các chất chống co giật thuộc nhóm dẫn chất hydantoin. Tác dụng chống co giật của carbamazepin như phenytoin, chủ yếu liên quan đến hạn chế dẫn truyền qua synap bằng cách làm giảm điện thế màng tế bào. Carbamazepin làm giảm đau dây thần kinh tam thoa do làm giảm dẫn truyền qua synap trong nhân tam thoa. Thuốc cũng được chứng minh là có tác dụng an thần, kháng cholinergic, chống trầm cảm, giãn cơ, chống loạn nhịp tim, kháng bài niệu và ức chế dẫn truyền thần kinh – cơ. Carbamazepin chỉ có tác dụng giảm đau nhẹ.

3 Dược động học 

Trong các nghiên cứu lâm sàng, dạng hỗn dịch, viên nén và viên nén giải phóng kéo dài hấp thu với lượng tương đương vào hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, dạng hỗn dịch hấp thu nhanh hơn và dạng viên nén giải phóng kéo dài hấp thu chậm hơn chút ít so với dạng viên nén thông thường. Sinh khả dụng của dạng viên nén giải phóng kéo dài đạt khoảng 89% so với dạng hỗn dịch. Sau khi uống một thời gian dài, nồng độ đỉnh đạt được sau khoảng 1,5 giờ khi uống dạng hỗn dịch, 4 – 5 giờ khi dùng dạng viên nén thông thường và 3 – 12 giờ khi dùng dạng viên giải phóng kéo dài. Khi dùng chế độ liều 1 hoặc 2 lần/ngày, dạng hỗn dịch cho nồng độ đỉnh cao hơn và nồng độ đáy tháp hơn so với dạng viên nén, nhưng các nồng độ này ở trạng thái ổn định là tương đương khi hỗn dịch được uống 3 lần ngày và dạng viên nén được dùng 2 lần/ngày với cùng tổng liều dùng trong ngày. Sau khi uống dạng viên nén hoặc viên nang giải phóng kéo dài với chế độ liều 2 lần/ngày, nồng độ carbamazepin ở trạng thái ổn định là tương tự như khi dùng dạng viên nén thông thường (giải phóng nhanh) dùng 4 lần/ngày với tổng liều một ngày tương đương. Sinh khả dụng của các chế phẩm dùng đường uống carbamazepin thường trong khoảng từ 85 – 100%. Sinh khả dụng đường trực tràng của carbamazepin thấp hơn so với các dạng bào chế dùng đường uống khoảng 25%. Với liều lên đến 300 mg, khoảng 75% thuốc vào được tuần hoàn chung trong vòng 6 giờ. Do vậy, liều tối đa khuyến cáo cho đường trực tràng là 250 mg/lần, 4 lần/ngày, tương đương với 800 mg/ngày khi dùng theo đường uống.

Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và mức độ hấp thu, bất kể dạng bào chế nào. Các dạng bào chế khác nhau của carbamazepin có thể có sinh khả dụng thay đổi; để tránh giảm hiệu quả hoặc nguy cơ tái xuất hiện cơn co giật hoặc có tác dụng phụ quá mức, cần thận trọng tránh thay đổi dạng bào chế. Nồng độ carbamazepin thay đổi nhiều và có thể nằm trong khoảng từ 0,5 – 25 microgam/ml và không có mối tương quan rõ ràng với liều dùng. Nồng độ điều trị thông thường ở người lớn trong khoảng từ 4 – 12 microgam/ml. Khi điều trị đồng thời với nhiều thuốc, nồng độ của carbamazepin và của các thuốc khác có thể tăng hoặc giảm trong quá trình điều trị và tác dụng của thuốc có thể thay đổi. Khoảng 70 – 80% carbamazepin trong máu gắn với protein huyết thanh. Nồng độ ở trong dịch não – tủy và trong nước bọt khoảng 20 – 30% trong khi nồng độ thuốc trong sữa khoảng 25 – 60% nồng độ của thuốc trong huyết tương.

Carbamazepin vượt qua hàng rào nhau thai. Giả thiết là hấp thu hoàn toàn carbamazepin, thể tích phân bố của thuốc nằm trong khoảng 0,8 – 1,9 lít/kg. Do carbamazepin tự cảm ứng enzym chuyển hóa chính nó nên nửa đời thải trừ thay đổi rất lớn. Hiện tượng tự cảm ứng enzym thường hoàn thành sau khoảng 3 – 5 tuần với chế độ liều không đổi. Nửa đời thải trừ ban đầu từ 25 – 65 giờ, giảm xuống còn 12 – 17 giờ với chế độ liều nhắc lại.

Carbamazepin được chuyển hóa tại gan. Cytochrom P450 3A4 là phân typ enzym chính chịu trách nhiệm chuyển hóa carbamazepin để tạo thành carbamazepin-10,11-epoxid, một chất chuyển hóa có hoạt tính chống co giật trên động vật và hoạt tính giảm đau mạnh trên bệnh nhân bị đau dây thần kinh tam thoa, đồng thời cũng có liên quan đến ADR trên thần kinh của thuốc. Carbamazepin-10,11- epoxid chuyển hóa thành hợp chất bất hoạt và đào thải vào nước tiểu. Sau khi uống C-carbamazepin, 72% hoạt tính phóng xạ được tìm thấy trong nước tiểu và 28% được tìm thấy trong phân.

Trong nước tiểu, chỉ có 3% hoạt tính phóng xạ là của dạng không đổi, còn lại chủ yếu là của chất chuyển hóa liên hợp và chất chyển hóa dạng hydroxyl hóa. Các thông số dược động học của carbamazpin tương tự nhau ở người lớn và trẻ em, tuy nhiên trên đối tượng trẻ em, có mối liên quan kém giữa nồng độ trong huyết tương và liều dùng. Carbamazepin được chuyển hóa thành carbamazepin-10,11-epoxid trên trẻ nhỏ nhanh hơn so với người lớn. Ở trẻ dưới 15 tuổi, có mối liên quan nghịch giữa tỷ lệ CBZ-E/CBZ và tuổi (0,44 ở trẻ dưới 1 tuổi và 0,18 ở trẻ từ 10 – 15 tuổi).

4 Chỉ định 

Bệnh động kinh 

Động kinh cục bộ có triệu chứng phức hợp (động kinh tâm thần vận động, động kinh thùy thái dương).

Người bị động kinh loại này tỏ ra đáp ứng tốt với thuốc hơn các loại động kinh khác.

Động kinh cơn lớn (co cứng – co giật toàn bộ).

Các kiểu động kinh phức hợp gồm các loại trên hoặc các loại động kinh cục bộ hoặc toàn bộ khác.

Đau dây thần kinh tam thoa: Thuốc dùng để giảm đau trong bệnh đau dây thần kinh tam thoa và cũng có lợi ích trong đau dây thần kinh lưỡi – hầu.

Carbamazepin không phải là thuốc giảm đau thông thường, không nên sử dụng để giảm đau trong các trường hợp không nghiêm trọng.

Bệnh hưng – trầm cảm (rối loạn lưỡng cực): Thuốc dùng để dự phòng bệnh hưng – trầm cảm ở người bệnh không đáp ứng với lithi.

5 Chống chỉ định 

Loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính, quá mẫn với carbamazepin hoặc dị ứng với các thuốc có cấu trúc liên quan như các thuốc chống trầm cảm ba vòng, blốc nhĩ – thất, người có tiền sử loạn tạo máu và suy tủy.

Sử dụng đồng thời hoặc trong vòng 14 ngày với chất ức chế monoamin oxidase (IMAO), sử dụng đồng thời với nefazodon, voriconazol.

6 Thận trọng 

Không khuyến cáo sử dụng carbamazepin cho trẻ em trong chỉ định điều trị đau dây thần kinh tam thoa và chỉ định dự phòng rối loạn lưỡng cực.

Carbamazepin cần được sử dụng thận trọng trên người bệnh mắc động kinh phức hợp bao gồm cả cơn vắng ý thức không điển hình do ở các bệnh nhân này, thuốc có thể làm tăng tần suất các cơn co giật toàn thân.

Carbamazepin có thể gây ra ADR nguy hiểm bao gồm các rối loạn về tạo máu, về da, các rối loạn về tim mạch, gan, thận. Thuốc cũng có những độc tính của thuốc chống co giật dẫn xuất hydantoin.

Khi xảy ra các ADR nghiêm trọng đòi hỏi phải ngừng thuốc, cần lưu ý rằng việc ngừng đột ngột bất kỳ thuốc chống co giật nào có thể khởi phát cơn co giật hoặc động kinh liên tục, nên ngừng thuốc từ từ.

Người bệnh cần được kiểm tra kỹ càng trước khi dùng thuốc và được giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị. Cần cân nhắc kỹ lợi ích so với nguy cơ trên người bệnh có tiền sử rối loạn dẫn truyền tim, có tổn thương ở tim, gan, thận hoặc đã có phản ứng trên huyết học hoặc quá mẫn với các thuốc khác (ví dụ các thuốc chống co giật khác) hoặc những người đã từng ngừng đột ngột với carbamazepin.

Phản ứng trên da mức độ nặng và đôi khi gây tử vong, bao gồm cả hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) và hội chứng Stevens-Johnson (SJS) đã được báo cáo với tần suất khoảng 1 – 6 trường hợp/10 000 người bệnh mới sử dụng mà chủ yếu là người da trắng. Tuy nhiên, nguy cơ ở một số nước châu Á được ước đoán cao hơn 10 lần. Cần ngừng thuốc nếu có các dấu hiệu đầu tiên của ban đỏ. Đã có nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa nguy cơ tăng SJS/TEN và sự hiện diện của kháng nguyên bạch cầu người (HLA)-B*1502, kháng nguyên này có trên 15% ở người Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia và một phần người Philippin, 10% ở người Đài Loan (Trung Quốc), 4% ở người phía bắc Trung Quốc, 2 – 4% ở người khu vực Nam Á (bao gồm cả Ấn Độ) và dưới 1% ở người Nhật và Hàn Quốc, gần như không có ở những người ngoài khu vực châu Á (da trắng, Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha và thổ dân châu Mỹ). Do vậy, người bệnh có nguồn gốc châu Á cần được xét nghiệm alen (HLA)-B*1502 trước khi sử dụng carbamazepin. Nếu xét nghiệm dương tính, không nên sử dụng carbamazepin trừ khi lợi ích rõ ràng vượt trội nguy cơ.

Đã có nghiên cứu chứng minh có sự liên quan chặt chẽ giữa nguy cơ tăng SJS/TEN/DRESS (mẩn ngứa do thuốc kèm tăng bạch cầu ái toan) hoặc phát ban với sự hiện diện của kháng nguyên bạch cầu người (HLA)-A*3101, kháng nguyên này có trên 15% ở người Nhật Bản, thổ dân châu Mỹ, Nam Ấn Độ và một số người Ả Rập cổ, 10% ở người Hán Trung Quốc, Hàn Quốc, châu  u, châu Mỹ la tinh và Ấn Độ cổ, và 5% ở người Mỹ gốc Phi, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc cổ (Hồng Kông). Chưa đủ dữ liệu để khuyến cáo xét nghiệm alen HLA-A*3101, tuy nhiên nếu biết người bệnh dương tỉnh với alen HLA-A*3101 cần đánh giá lợi ích vượt trội nguy cơ khi dùng carbamazepin.

Nhiều người bệnh có alen (HLA)-B*1502 hoặc (HLA)-A*3101 dương tính nhưng không bị SJS/TEN và ngược lại nhiều người bệnh có alen (HLA)-B*1502 hoặc (HLA)-A*3101 âm tính nhưng bị SJSTEN, do đó cần nghiên cứu xác định nhiều yếu tố ảnh hưởng khác.

Phản ứng quá mẫn ở nhiều cơ quan xảy ra trong khoảng vài ngày đến vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi dùng thuốc cũng hiếm khi được báo cáo. Cần thận trọng ở người bệnh có tiền sử quá mẫn do các phản ứng quá mẫn với carbamazepin cũng đã được báo cáo ở người bệnh quá mẫn với các thuốc chống co giật khác. Người bệnh đã có phản ứng trên huyết học có nguy cơ ức chế tuy xương, bao gồm cả thiếu máu bất sản và mất bạch cầu hạt. Các thuốc chống động kinh, bao gồm cả carbamazepin làm tăng nguy cơ có các ý tưởng và hành vi tự sát ở người bệnh sử dụng thuốc này với bất kỳ chỉ định nào. Cần giám sát người bệnh về những thay đổi bất thường trong khí sắc và hành vi, về triệu chứng trầm cảm, về ý tưởng và hành vi tự sát.

Carbamazepin có tác dụng kháng cholinergic, do vậy cần giám sát chặt các bệnh nhân có tăng nhãn áp.

Do có liên quan về cấu trúc với các chất chống trầm cảm ba vòng, cần lưu ý về khả năng hoạt hóa cơn loạn thần và cơn lú lẫn hoặc kích động ở người cao tuổi.

Cần tránh sử dụng thuốc trên người bệnh có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Cần thận trọng nếu sử dụng rượu trong khi điều trị với carbamazepin do có thể làm tăng tác dụng an thần.

Do có thể có chóng mặt và ngủ gà, người bệnh cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc hoặc làm các công việc nguy hiểm. Trước khi điều trị, cần tiến hành các xét nghiệm công thức máu và nếu có thể, xét nghiệm cả hồng cầu lưới và nồng độ sắt huyết thanh. Nếu trong quá trình điều trị, số lượng bạch cầu hoặc tiểu cầu thấp hoặc giảm xuống, cần giám sát chặt chẽ người bệnh. Cần ngừng thuốc nếu có dấu hiệu của ức chế tủy xương.

Cần xét nghiệm chức năng gan và xét nghiệm chức năng thận trước điều trị và định kỳ trong quá trình điều trị do thuốc có thể gây tổn thương gan và thận. Cần ngừng thuốc, dựa trên những đánh giá lâm sàng, nếu có bằng chứng về lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy có rối loạn chức năng gan hoặc tổn thương gan mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn hoặc trong trường hợp bệnh lý gan hoạt động.

7 Thời kỳ mang thai 

Người ta nghi carbamazepin gây tật nứt đốt sống. Đã gặp các dị tật ngón tay, ngón chân, dị hình xương sọ – mặt, bất thường về tim ở thai nhi khi người mẹ dùng thuốc chống động kinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Việc điều trị phối hợp với các thuốc chống co giật khác làm tăng nguy cơ quái thai. Tuy nhiên, nếu không duy trì được sự kiểm soát các cơn động kinh có hiệu quả thì cũng sẽ làm tăng nguy cơ cho cả mẹ lẫn con. Đó có thể là một mối đe dọa lớn hơn cả nguy cơ khuyết tật cho sơ sinh. Điều này phải được cân nhắc kỹ khi điều trị động kinh trong lúc mang thai.

Nếu phụ nữ đang dùng carbamazepin mà có thai hoặc dự định có thai, hoặc nếu cần bắt đầu điều trị bằng carbamazepin trong thai kỳ, phải cân nhắc cẩn thận lợi ích có thể đạt được của thuốc với các nguy cơ có thể xảy ra, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ở những phụ nữ có khả năng sinh con, nếu dùng carbamazepin, nên dùng đơn trị liệu. Nguy cơ dị tật khi sử dụng carbamazepin phối hợp có thể thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể được phối hợp và có thể cao hơn trong các liệu pháp điều trị phối hợp, bao gồm phối hợp với valproat.

Nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả và theo dõi nồng độ thuốc trong máu. Nồng độ trong máu có thể được duy trì ở giới hạn dưới của phạm vi điều trị 4 – 12 microgam/ml với điều kiện kiểm soát co giật được duy trì hiệu quả. Có bằng chứng cho thấy nguy cơ dị tật với carbamazepin có thể phụ thuộc vào liều, tức là với liều <400 mg/ngày, tỷ lệ dị tật thấp hơn so với liều carbamazepin cao hơn. Người bệnh nên được tư vấn về khả năng tăng nguy cơ dị tật và có cơ hội sàng lọc trước sinh.

Khi mang thai, không nên ngừng thuốc chống động kinh đang điều trị hiệu quả vì tình trạng bệnh nặng hơn gây bất lợi cho cả mẹ và thai nhi.

Theo dõi và phòng ngừa

Thuốc chống động kinh đã được báo cáo làm nặng thêm tình trạng thiếu acid folic khi mang thai, điều này có thể góp phần làm tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở thai của phụ nữ bị động kinh đang được điều trị. Do đó, khuyến cáo bổ sung acid folic trước và trong khi mang thai. Trẻ sơ sinh: Nên cung cấp vitamin K1 cho người mẹ trong vài tuần cuối của thai kỳ, để tránh rối loạn chảy máu ở trẻ. Vitamin k1 cũng nên được cung cấp cho trẻ sơ sinh.

Đã có một vài trường hợp co giật ở trẻ sơ sinh và/hoặc suy hô hấp liên quan đến carbamazepin của mẹ và sử dụng đồng thời với thuốc chống động kinh khác. Một vài trường hợp nôn mửa ở trẻ sơ sinh, tiêu chảy và/hoặc giảm ăn cũng đã được báo cáo liên quan đến việc sử dụng carbamazepin của mẹ. Những phản ứng này có thể đại diện cho một hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ có khả năng mang thai và biện pháp tránh thai: Do carbamazepin gây cảm ứng enzym, có thể dẫn đến sự thất bại về hiệu quả điều trị của thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và/hoặc progesteron khi dùng đồng thời với carbamazepin. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng các biện pháp tránh thai thay thế trong khi điều trị bằng carbamazepin.

8 Thời kỳ cho con bú 

Carbamazepin và chất chuyển hóa epoxid (CBZ-E) có thể vào sữa mẹ với tỷ lệ nồng độ thuốc trong sữa mẹ/huyết tương của hai chất lần lượt là 0,4 và 0,5. Độ an toàn khi sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú chưa được nghiên cứu kỹ. Do nguy cơ các ADR nghiêm trọng trên trẻ, quyết định ngừng cho con bú hay ngừng thuốc cần đưa ra dựa trên tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ. Dựa vào liều dùng hàng ngày khuyến cáo, trẻ nhận hàng ngày vào khoảng 2 – 5 mg carbamazepin và 1 – 2 mg CBZ-E.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Các ADR thường xảy ra là các triệu chứng về TKTW. Các ADR gặp nhiều nhất thường liên quan đến liều dùng. Các phản ứng ở da gặp với tỷ lệ 4 – 6%.

Thường gặp

Toàn thân: chóng mặt.

Máu: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin.

TKTW: mất điều phối, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu.

Tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, kích ứng trực tràng nếu dùng đạn trực tràng.

Da: mày đay, dị ứng da.

Gan: tăng phosphatase kiềm, tăng gamma-GT.

Mắt: khó điều tiết, nhìn một thành hai.

Hệ nội tiết: phù, giữ nước, tăng cân, hạ natri huyết và nồng độ thẩm thấu trong máu giảm do tác dụng kiểu hormon kháng bài niệu (ADH), dẫn đến một số hiếm các trường hợp có nhiễm độc nước kèm theo ngủ lịm, nôn, đau đầu, trạng thái lú lẫn, các rối loạn tâm thần.

Ít gặp

Tiêu hóa: ỉa chảy, táo bón.

TKTW: động tác bất thường, run, mất thăng bằng, loạn trương lực

cơ, rung giật cơ), rung giật nhãn cầu.

Gan: tăng transaminase.

Da: viêm da tróc vảy và đỏ da.

Hiếm gặp

Máu và hệ bạch huyết: tăng bạch cầu, bệnh hạch bạch huyết, thiếu acid folic, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm toàn bộ các tế bào máu, bất sản hồng cầu, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tỉnh cách hồi, rối loạn chuyển hóa porphyrin muộn biểu hiện da, nổi loạn chuyển hóa porphyrin đa dạng, suy tủy, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, tăng hồng cầu lưới, thiếu máu tan huyết.

Tuần hoàn: blốc nhĩ – thất và nhịp tim chậm, các tai biến huyết khối tắc mạch, suy tim sung huyết, suy tuần hoàn, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch và làm nặng thêm chứng thiếu máu cục bộ mạch vành, viêm tĩnh mạch huyết khối, huyết khối – nghẽn mạch.

Thần kinh: nói khó, loạn động mặt, rối loạn vận nhãn, viêm thần kinh ngoại vi, dị cảm, viêm màng não vô khuẩn, yếu cơ, liệt nhẹ, múa giật.

Nội tiết: Tăng prolactin huyết có hoặc không có triệu chứng lâm sàng như chảy sữa, vú to ở nam giới, xét nghiệm chức năng tuyến giáp bất thường, giảm L-thyroxin và tăng hormon kích thích tuyến giáp trong máu, thường không có triệu chứng lâm sàng. Tiêu hóa: thay đổi vị giác, viêm lưỡi, viêm miệng, đau bụng, viêm tụy.

Da và mô dưới da: hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, viêm da tróc vẩy, hội chứng Ivell, rụng tóc, hồng ban nút, rậm lông, thay đổi sắc tố da, ngứa, trứng cá, ban xuất huyết, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, lupus ban đỏ hệ thống, ngứa.

Hệ miễn dịch: rối loạn quá mẫn ảnh hưởng trên nhiều hệ cơ quan biểu hiện là sốt, viêm mạch, giả u lympho, đau khớp, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, gan – lách to, xét nghiệm chức năng gan bất thưởng, hội chứng mất đường mật (phá hủy và biến mất đường mật trong gan) xảy ra với nhiều biểu hiện phối hợp khác nhau. Các cơ quan khác cũng có thể bị ảnh hưởng (phổi, thận, tụy, cơ tim và đại tràng). Các phản ứng quá mẫn khác bao gồm viêm màng não vô khuẩn, kèm theo rung giật cơ, phản ứng phản vệ, phù thần kinh mạch, rối loạn vị giác.

Gan: viêm gan kiểu ứ mật, tổn thương nhu mô hoặc loại hỗn hợp, vàng da, viêm gan u hạt, suy gan.

Hô hấp: Các phản ứng quá mẫn ở phổi, như: sốt, khó thở, viêm phổi.

Chuyển hóa – nội tiết: Rối loạn chuyển hóa xương (giảm nồng độ calci và 25-hydroxy-cholecalciferol trong máu) dẫn đến chứng nhuyễn xương, loãng xương, tăng cholesterol, bao gồm cả cholesterol HDL và triglycerid trong máu.

Tâm thần: lú lẫn hoặc kích hoạt các bệnh tâm thần khác, kích động, bồn chồn, hung hãng hoặc trầm cảm, ảo giác (ảo thị và ảo thanh), chứng chán ăn.

Cơ – xương: đau cơ, đau khớp, tăng cơn co giật.

Sinh dục – tiết niệu: protein niệu, tăng creatinin, viêm thận kẽ, suy thận, đái ra máu, thiểu niệu, đái rắt, bí đái, bất thường trong sinh tinh trùng (giảm số lượng và/hoặc khả năng di động của tinh trùng). Mắt: đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, tăng nhãn áp.

Tai: ù tai, tăng thính lực, giảm thính lực.

Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Các ADR khá phổ biến của carbamazepin, đặc biệt trong giai đoạn đầu điều trị, gồm có hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ và mất điều phối. Có thể giảm thiểu các tác dụng này bằng bắt đầu điều trị với liều thấp. Buồn ngủ và rối loạn chức năng tiểu não và vận nhãn cũng là các triệu chứng của nồng độ carbamazepin quá cao trong huyết tương và có thể hết khi tiếp tục điều trị với liều thấp. Các ADR liên quan đến liều dùng thường tự hết trong một vài ngày hoặc sau khi tạm thời giảm liều.

Khi bị các ADR nặng như phát ban đỏ toàn thân, phản ứng quá mẫn, có thể cần phải ngừng điều trị.

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng

Dạng viên nén thường, viên nén giải phóng kéo dài và hỗn dịch uống cùng bữa ăn, trong khi dạng viên nang có thể dùng bất kể lúc nào. Để hạn chế mất thuốc khi dùng hỗn dịch qua ống thông dạ dày (do thuốc bám vào ống nhựa PVC), thuốc cần được hòa loãng trước với một thể tích dung môi đủ lớn (ví dụ nước tinh khiết, dung dịch dextrose 5%, natri clorid 0,9%) và rửa ống bằng 100 ml dung môi sau khi đưa thuốc. Không nên trộn lẫn dạng hỗn dịch với các dung dịch thuốc khác. Viên nén giải phóng kéo dài cần nuốt nguyên viên và không được nhai hoặc làm vỡ. Một số dạng viên nang giải phóng kéo dài có thể mở vỏ nang và các hạt thuốc có thể rắc vào thức ăn, nhưng không nên nhai hoặc nghiền. Dạng viên giải phóng kéo dài (viên nén hoặc viên nang) được dùng 2 lần/ngày với cùng liều dùng như các dạng bào chế thông thường.

10.2 Liều lượng 

10.2.1 Điều trị động kinh 

Nên ưu tiên dùng một thuốc nhưng cũng có thể cần phải phối hợp. Phải bắt đầu cho carbamazepin với liều thấp và khi tăng hoặc giảm liều phải tiến hành dần dần từng bước. Khi bổ sung carbamazepin vào chế độ trị liệu chống co giật, thì nên thêm dần dần carbamazepin trong khi đó phải duy trì hoặc giảm dần các thuốc chống co giật kia, trừ phenyltoin có thể phải tăng liều. Khi ngừng dùng carbamazepin, phải giảm liều từ từ để tránh tăng cơn động kinh hoặc tình trạng động kinh liên tục.

Với người mang thai chỉ nên dùng carbamazepin đơn trị liệu với liều thấp nhất có thể được.

Liều cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 

Bắt đầu uống 100 – 200 mg, 1 hoặc 2 lần/ngày và cứ một tuần lại tăng thêm 200 mg cho đến khi đạt được đáp ứng tối đa. Liều dùng không được quá 1 000 mg/ngày cho trẻ em từ 12 – 15 tuổi và 1 200 mg cho người bệnh trên 15 tuổi. Những liều tới 1 600 mg/ngày cho người lớn cũng đã được dùng trong một vài trường hợp cá biệt. Liều duy trì: Dùng liều thấp nhất có hiệu quả, thường từ 800 – 1 200 mg/ngày.

Liều cho trẻ em từ 6 – 12 tuổi: 

Bắt đầu thường là 100 mg, 2 lần/ngày với dạng viên nén hoặc 50 mg, 4 lần/ngày đối với dạng hỗn dịch và cứ sau một tuần lại tăng thêm 100 mg, chia làm 3 – 4 lần/ngày cho đến khi đáp ứng tối đa đạt được. Liều dùng không được quá 1 000 mg/ngày. Liều duy trì điều chỉnh đến liều thấp nhất có hiệu quả, thường là: 400 – 800 mg/ngày.

Liều cho trẻ em dưới 6 tuổi: 

Bắt đầu 10 – 20 mg/kg/ngày, chia thành 2 hoặc 3 lần (dạng viên nén) và chia làm 4 lần (dạng hỗn dịch) và cứ tăng liều dần sau mỗi tuần cho tới khi đạt được đáp ứng lâm sàng tối đa. Liều duy trì điều chỉnh đến liều thấp nhất có hiệu quả, thường là 15 – 35 mg/kg/ngày. Còn có thể dùng carbamazepin theo đường trực tràng với liều tối đa là 250 mg/lần, cách 6 giờ/1 lần, cho người bệnh tạm thời không thể dùng đường uống. Nên tăng liều thêm 25%, khi chuyển từ dạng uống sang dạng thuốc trực tràng và không nên dùng đường này quá 7 ngày (viên đặt 125 mg và 250 mg tương ứng với viên nén 100 mg và 200 mg).

10.2.2 Điều trị đau dây thần kinh tam thoa 

Người lớn: Uống 100 mg/lần, 2 lần/ngày dạng viên nén và 50 mg/lần, 4 lần/ngày dạng hỗn dịch. Liều tăng từ từ để tránh buồn ngủ. Phần lớn người bệnh đạt được tác dụng giảm đau ở liều 200 mg/lần, 3 hoặc 4 lần/ngày. Khi đã giảm đau được một số tuần thì giảm dần liều.

10.2.3 Dự phòng rối loạn lưỡng cực ở bệnh nhân không đáp ứng với lithi

Người lớn: Liều ban đầu là 400 mg/ngày, chia làm nhiều lần, tăng lên dần cho đến khi kiểm soát được triệu chứng hoặc đạt được mức liều 1 600 mg/ngày, chia làm nhiều lần. Liều thông thường nằm trong khoảng từ 400 – 600 mg.

Liều ở người cao tuổi : Độ thanh thải carbamazepin bị giảm ở một số người cao tuổi, do đó liều duy trì có thể cần phải thấp hơn,

Trẻ em: Không khuyến cáo sử dụng carbamazepin cho trẻ em trong chỉ định điều trị đau dây thần kinh tam thoa và chỉ định dự phòng rối loạn lưỡng cực.

11 Tương tác thuốc 

Tương tác thuốc với carbamazepin hầu như hoàn toàn liên quan đến đặc tính gây cảm ủng enzym của thuốc.

Các thuốc ức chế CYP 344 gây giảm chuyển hóa carbamazepin và do vậy có thể làm tăng nồng độ của carbamazepin, như: Isoniazid, Verapamil, Diltiazem, ritonavir, dextropropoxyphen, fluoxetin, fluvoxamin, paroxetin, có thể là cimetidin, omeprazol, acetazolamid, Danazol, nicotinamid (ở người lớn, chỉ khi dùng liều cao), trazodon, Vigabatrin, kháng sinh macrolid (ví dụ: Erythromycin, Clatithromycin ), các kháng nấm nhóm azol (ví dụ: itraconazol, ketoconazol, fluconazol, voriconazol), loratadin, olanzapin, nước nho, các chất ức chế Protease để điều trị HIV (như ritonavir).

Các chất có thể làm tăng nồng độ chất chuyển hóa có hoạt tỉnh carbamazepin-10,11-epoxid trong huyết tương: Quetiapin, primidon, progabid, acid valproic, valnoctamid và valpromid. Do làm tăng nồng độ CBZ-E sẽ làm tăng ADR (chóng mặt, ngủ gà, mất điều phối, nhìn một thành hai), cần điều chỉnh liều dùng của thuốc và/hoặc giám sát nồng độ thuốc trong máu.

Các thuốc có thể làm giảm nồng độ carbamazepin trong máu: phenobarbital phenytoin và fosphenytoin, primidon hoặc theophylin, aminophylin, Rifampicin, Cisplatin hoặc Doxorubicin và mặc dù dữ liệu còn có phần mâu thuẫn, có thể là cả clonazepam hoặc oxcarbazepin. Mefloquin có thể đối kháng tác dụng chống động kinh của carbamazepin. Cần điều chỉnh liều dùng của thuốc.

Isotretinoin được báo cáo là làm thay đổi sinh khả dụng và/hoặc độ thanh thải carbamazepin và carbamazepin-10,11-epoxid; cần giám sát nồng độ carbamazepin huyết tương.

Nồng độ carbamazepin có thể giảm khi dùng cùng các chế phẩm có chứa dược liệu Hypericum perforatum.

Tác dụng của carbamazepin trên nồng độ của các thuốc khác dùng kèm:

Carbamazepin có thể làm giảm nồng độ và do vậy giảm hiệu quả điều trị của một số thuốc: levothyroxin, clobazam, clonazepam, ethosuximid, primidon, acid valproic, Alprazolam, corticosteroid (ví dụ prednisolon, Dexamethason); ciclosporin, Digoxin, doxycyclin; dẫn chất dihydropyridin như felodipin và isradipin; indinavir, saquinavir, ritonavir, Haloperidol, imipramin, buprenorphin, methadon, paracetamol, Tramadol, các chế phẩm có chứa oestrogen và/hoặc progestogen (cần cân nhắc biện pháp tránh thai khác), gestrinon, tibolon, toremifen, theophylin, thuốc chống đông đường uống (warfarin và Acenocoumarol), lamotrigin, tiagabin, topiramat, bupropion, Citalopram, mianserin, sertralin, trazodon, các thuốc chống trầm cảm ba vòng (như imipramin, Amitriptylin, nortriptylin, clomipramin), clozapin, oxcarbazapin, olanzapin, quetiapin, itraconazol, imatinib và risperidon.

Một số phối hợp cần lưu ý đặc biệt:

Sử dụng đồng thời carbamazepin và levotiracetam đã được báo cáo làm tăng độc tính carbamazepin.

Sử dụng đồng thời carbamazepin và Isoniazid đã được báo cáo làm tăng độc tính trên gan do isoniazid.

Phối hợp carbamazepin với metoclopramid hoặc các thuốc an thần mạnh khác như haloperidol, thioridazin, có thể làm tăng tác dụng phụ trên hệ thần kinh.

Sử dụng đồng thời carbamazepin và một vài thuốc lợi tiểu (hydroclorothiazid, furosemid) có thể dẫn đến giảm natri huyết. Carbamazepin có thể đối kháng tác dụng của các thuốc giãn cơ không khử cực (như pancuronium).

Carbamazepin, giống với các thuốc có tác dụng tâm thần khác, có thể làm giảm dung nạp rượu.

Không có tương tác gắn với protein nào có ý nghĩa lâm sàng được thông báo.

Dùng đồng thời lithi với carbamazepin có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ độc thần kinh, ngay cả khi nồng độ cả lithi và carbamazepin trong máu dưới mức gây độc.

Dùng đồng thời thuốc ức chế MAO với carbamazepin đã gây cơn sốt cao, cơn tăng huyết áp, co giật nặng và tử vong; phải ngừng thuốc ức chế MAO ít nhất 14 ngày trước khi bắt đầu liệu pháp carbamazepin hoặc ngược lại.

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau 1 – 3 giờ. Nổi bật nhất là các rối loạn thần kinh – cơ. Các rối loạn tim mạch nhẹ hơn; các tai biến tim trầm trọng chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (trên 60 g).

Nếu kèm theo uống rượu hoặc dùng các thuốc chống trầm cảm ba vòng, barbiturat hay hydantoin, thì những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc carbamazepin cấp tính có thể nặng thêm hoặc thay đổi.

12.2 Xử trí

Tiên lượng của các trường hợp ngộ độc nặng phụ thuộc chủ yếu vào việc loại bỏ thuốc nhanh chóng, có thể bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, làm giảm hấp thu thuốc bằng các biện pháp thích hợp (uống 100 g than hoạt, sau đó cứ cách 4 giờ lại uống 50 g, cho đến khi bình phục).

Nếu các biện pháp trên không thể thực thi, thì phải chuyển ngay đến bệnh viện để đảm bảo các chức năng sống cho người bệnh. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Điều trị triệu chứng và hỗ trợ: Cần theo dõi các chức năng hô hấp, tim (theo dõi điện tâm đồ), huyết áp, nhiệt độ, phản xạ đồng tử, chức năng thận, bàng quang trong một số ngày.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Huỳnh Thị Thanh Thủy

(Theo: Dược Thư Quốc gia Việt Nam 2022)


citaloram.png

6 Tháng Năm, 2024 Tin TứcTruyền Thông

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 10 mg, 20 mg và 40 mg.

Dung dịch uống nhỏ giọt: 40 mg/ml, 10 mg/5 ml.

Ảnh minh họa: nguồn Internet. 

2 Dược lực học 

Citalopram là thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI). Thuốc không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến các chất dẫn truyền khác như noradrenalin, dopamin và acid gamma aminobutyric (GABA).

Các chất chuyển hóa chính của citalopram có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin, tuy nhiên hiệu lực và tính chọn lọc của chúng thấp hơn so với citalopram. Các chất chuyển hóa không góp phần vào tác dụng chống trầm cảm của citalopram.

Citalopram ức chế giai đoạn giấc ngủ có cử động mắt nhanh (rapid eye movement – REM) trong giấc ngủ và làm tăng thời gian ngủ sâu. Sự thay đổi giấc ngủ làm cải thiện các triệu chứng trầm cảm.

Trái ngược với các thuốc chống trầm cảm ba vòng và một số thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin khác, citalopram không có hoặc có ái lực rất thấp đối với một loạt các thụ thể bao gồm thụ thể 5-HT1A, 5-HT2, thụ thể dopamin D1 và D2; thụ thể alpha1, alpha2 và beta adrenergic, thụ thể histamin H1, thụ thể cholinergic loại muscarin, thụ thể benzodiazepin và thụ thể opioid. Do đó, citalopram có ít tác dụng phụ hơn các thuốc chống trầm cảm khác ví dụ: khô miệng, rối loạn bàng quang, rối loạn đường ruột, mờ mắt, độc tính trên tim và hạ huyết áp tư thế đứng.

Mặc dù citalopram không liên kết với thụ thể opioid nhưng thuốc có tác dụng giảm đau cảm thụ như các thuốc giảm đau opioid. Hoạt tính của d-amphetamin tăng lên sau khi dùng citalopram.

người bình thường, citalopram không làm suy giảm chức năng nhận thức và chức năng tâm thần vận động. Thuốc không có hoặc có rất ít tác dụng an thần.

Citalopram không ảnh hưởng đến nồng độ prolactin trong máu và hormon tăng trưởng.

3 Dược động học 

Hấp thu: Thuốc hấp thu gần như hoàn toàn và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thời gian thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu là 3,8 giờ. Sinh khả dụng đường uống khoảng 80%.

Phân bố: Thể tích phân bố của thuốc là 12,3 lit/kg. Tỷ lệ liên kết protetin huyết tương của citalopram và chất chuyển hóa dưới 80%. Thuốc có khả năng vượt qua hàng rào máu – não.

Chuyển hóa: Thuốc chuyển hóa mạnh ở gan thông qua CYP3A4 và CYP 2C19. Chất chuyển hóa còn hoạt tính của citalopram bao gồm demethylcitalopram, didemethylcitalopram và citalopram-N-oxid.

Thải trừ: Thuốc được thải trừ chủ yếu qua gan (85%) và thận (15%). Tỷ lệ thuốc thải trừ qua thận dưới dạng không đổi khoảng 12%. Nửa đời thải trò của thuốc khoảng 1,5 ngày ở người có chức năng gan, thận bình thường. Trạng thái ổn định của thuốc đạt được sau 1 – 2 tuần. Ở liều điều trị 40 mg/ngày, nồng độ thuốc trung bình trong máu là 250 nanomol/lit (dao động từ 100 – 500 nanomol/lit). Không có mối liên quan rõ ràng giữa nồng độ thuốc trong máu với đáp ứng điều trị hay ADR.

Người cao tuổi ( 65 tuổi): Giảm chuyển hóa của citalopram trên người cao tuổi dẫn đến giảm thanh thải và tăng nửa đời thải trừ của thuốc

Bệnh nhân suy giảm chức năng gan: Citalopram thải trừ chậm trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Nửa đời thải trừ và nồng độ citalopram ở trạng thái ổn định cao gấp 2 lần so với bệnh nhân có chức năng gan bình thường.

Bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Citalopram thải trừ chậm trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận nhẹ đến trung bình, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều tới dược động học của thuốc.

4 Chỉ định 

Điều trị rối loạn trầm cảm (đơn cực).

Điều trị rối loạn hoảng sợ.

5 Chống chỉ định 

Bệnh nhân quá mẫn với citalopram.

Bệnh nhân có khoảng QT kéo dài hoặc bệnh nhân đang dùng các thuốc kéo dài khoảng QT (xem thêm ở mục tương tác thuốc). Bệnh nhân đang dùng 1 thuốc ức chế monoamin oxidase bao gồm selegilin với liều trên 10 mg/ngày.

Không dùng citalopram trong 14 ngày sau khi ngừng sử dụng 1 thuốc ức chế monoamin oxidase.

Không dùng 1 thuốc ức chế monoamin oxidase trong 7 ngày sau khi ngừng citalopram.

Phối hợp với Linezolid hoặc pimozid.

6 Thận trọng 

Bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận: Sử dụng thận trọng.

Trẻ em dưới 18 tuổi: 

Không nên dùng citalopram cho trẻ em dưới 18 tuổi. Các hành vi liên quan đến tự sát (hành vi, ý nghĩ tự sát) và kích động (hung hãng, chống đối và tức giận) thường báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng so sánh điều trị giữa thuốc điều trị trầm cảm với giả dược trên trẻ dưới 18 tuổi. Nếu phải sử dụng, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận các dấu hiệu tự sát. Dữ liệu về độ an toàn dài hạn ở trẻ em và thanh thiếu niên liên quan đến phát triển, nhận thức vẫn còn chưa đầy đủ.

Ý nghĩ tự sát/tự sát hoặc tình trạng bệnh xấu đi 

Trầm cảm có liên quan đến tăng nguy cơ ý định tự sát, làm hại bản thân và tự sát. Nguy cơ tự sát vẫn tồn tại cho đến khi tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể. Bệnh nhân có thể chưa cải thiện nhiều trong một vài tuần đầu. Do đó bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ cho đến khi tình trạng bệnh được cải thiện. Kinh nghiệm làm sáng cho thấy tỷ lệ tự sát có thể tăng trong giai đoạn phục hồi sớm. Dùng citalopram cho các bệnh tâm thần khác có thể làm tăng biến cố liên quan đến tự sát. Nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tự sát khi dùng citalopram cho các bệnh tâm thần khác.

Bệnh nhân có tiền sử tự sát hoặc những người có ý nghĩ tự sát trước khi bắt đầu điều trị có nguy cơ tự sát cao hơn và nên được theo dõi cẩn thận khi điều trị. Phân tích gộp các thử nghiệm lâm sàng về thuốc chống trầm cảm ở bệnh nhân người lớn bị rối loạn tâm thần cho thấy bệnh nhân dưới 25 tuổi có nguy cơ tự sát khi dùng các thuốc điều trị trầm cảm cao hơn.

Bệnh nhân có nguy cơ tự sát cao nên kết hợp với liệu pháp điều trị bằng thuốc, đặc biệt trong giai đoạn điều trị sớm và sau khi thay đổi liều. Bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân nên được cảnh báo về sự cần thiết phải theo dõi bất kỳ dấu hiệu bệnh tiến triển xấu đi, suy nghĩ tự sát, tự sát, thay đổi bất thường trong hành vi và liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này.

Bệnh nhân đái tháo đường: 

Điều trị bằng thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin có thể ảnh hưởng tới kiểm soát đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường. Liều Insulin và các thuốc điều trị đường uống có thể phải hiệu chính.

Co giật: 

Co giật là nguy cơ tiềm ẩn của các thuốc chống trầm cảm. Ngừng dùng citalopram nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của co giật. Không nên dùng citalopram trên bệnh nhân động kinh không ổn định. Bệnh nhân động kinh được kiểm soát nên được theo dõi cần thận khi dùng citalopram. Ngừng dùng citalopram nếu bệnh nhân gia tăng tần suất cơn co giật.

Hưng cảm: 

Thận trọng khi sử dụng citalopram trên bệnh nhân có tiền sử hưng cảm. Ở những bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực, bệnh nhân có thể thay đổi sang trạng thái hưng cảm. Ngừng citalopram khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hưng cảm.

Loạn thần: 

Điều trị các bệnh nhân tâm thần trong giai đoạn trầm cảm có thể làm tăng các triệu chứng loạn thần.

Xuất huyết: 

Đã có báo cáo về kéo dài thời gian chảy máu, chảy máu bất thường như ban xuất huyết, xuất huyết phụ khoa, xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết dưới da khi sử dụng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin. Thận trọng ở những bệnh nhân dùng citalopram, đặc biệt khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông đường uống, các thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu hoặc các thuốc có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết (ví dụ như thuốc chống loạn thần không điển hình, Aspirin, thuốc chống viêm không steroid, ticlopidin và dipyridamol) cũng như ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn chảy máu.

Hội chứng serotonin: 

Trong một số ít trường hợp, hội chứng serotonin đã được báo cáo ở những bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin. Dấu hiệu của hội chứng serotonin có thể gồm kích động, run, rung giật cơ và thân nhiệt cao. Ngừng dùng citalopram ngay lập tức và điều trị triệu chứng.

Các thuốc chủ vận serotonergic: 

Không nên dùng đồng thời citalopram với các thuốc có tác dụng trên hệ serotonergic như Tramadol tryptophan, oxitriptan, Sumatriptan hoặc tryptophan.

Hạ natri huyết: 

Hạ natri huyết do bất thường bài tiết hormon chống bài niệu là ADR hiểm gặp khi sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và có thể được giải quyết bằng cách ngừng sử dụng thuốc. Bệnh nhân nữ cao tuổi có nguy cơ hạ natri huyết cao khi dùng citalopram.

Lo lắng, bồn chồn: 

Việc sử dụng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin hoặc noradrenalin (SSRI hoặc SNRI có liên quan đến dấu hiệu lo lắng, bồn chồn, khó chịu, đi lại liên tục. Điều này có thể xảy ra trong những tuần tăng đầu điều trị. Ở những bệnh nhân có dấu hiệu này, tăng liều có thể tăng ADR.

Hội chứng cai thuốc 

Hội chứng cai thuốc khi ngừng điều trị xuất hiện tương đối phổ biến, đặc biệt khi ngưng thuốc đột ngột. Nguy cơ hội chứng cai thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: thời gian điều trị, liều điều trị và tỷ lệ giảm liều.

Chóng mặt, rối loạn cảm giác (bao gồm dị cảm và sốc điện), rối loạn giấc ngủ (bao gồm mất ngủ và ác mộng), kích động hoặc lo âu, buồn nôn hoặc nôn, run, lú lẫn, đổ mồ hội, đau đầu, tiêu chảy, đánh trống ngực, khó chịu và rối loạn thị giác là các ADR phổ biến nhất sau khi ngừng các thuốc SSRI hoặc SNRI.

Thông thường, các ADR có mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể gặp triệu chứng mức độ nặng hơn. Các triệu chứng thường xảy ra trong những ngày đầu tiên sau khi ngừng điều trị, nhưng đã có những báo cáo rất hiếm gặp ở những bệnh nhân vô tình bỏ lỡ một liều. Nhìn chung, các triệu chứng này thường mất đi trong vòng 2 tuần mặc dù ở một số bệnh nhân có thể kéo dài 2 – 3 tháng.

Liều citalopram nên được giảm dần trước khi ngừng điều trị trong một khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng tùy thuộc đáp ứng của bệnh nhân.

Xương khớp: 

Các nghiên cứu dịch tễ trên bệnh nhân 50 tuổi trở lên cho thấy bệnh nhân dùng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có nguy cơ gãy xương cao hơn. Cơ chế dẫn đến nguy cơ này chưa được biết rõ.

Kéo dài khoảng QT: 

Mức độ gây kéo dài khoảng QT của citalopram phụ thuộc vào liều. Các trường hợp kéo dài khoảng thời gian QT và rối loạn nhịp thất bao gồm cả xoắn đỉnh được báo cáo trong giai đoạn thuốc lưu hành trên thị trường, chủ yếu ở bệnh nhân nữ, hạ Kali huyết, dùng đồng thời thuốc gây kéo dài khoảng QT hoặc có các bệnh tim khác.

Thận trọng ở những bệnh nhân có nhịp tim chậm, bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp tính trong thời gian gần đây hoặc suy tim mất bù. Rối loạn điện giải như hạ kali huyết và hạ magnesi huyết, làm tăng nguy cơ loạn nhịp ác tính. Cần điều chỉnh rối loạn điện giải trước khi bắt đầu điều trị bằng citalopram.

Nếu bệnh nhân có bệnh tim ổn định, xem xét điện tâm đồ trước khi bắt đầu điều trị. Theo dõi điện tâm đồ trong trường hợp bệnh nhân quá liều hoặc có các bệnh rối loạn chuyển hóa nặng (suy gan).

Nếu có dấu hiệu rối loạn nhịp tim xảy ra trong khi điều trị bằng citalopram, nên ngừng điều trị và thực hiện điện tâm đồ.

Bệnh glôcôm góc đóng:

Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin bao gồm citalopram có thể ảnh hưởng đến kích thước đồng tử dẫn đến giãn đồng tử. Tác dụng giãn đồng tử này có khả năng thu hẹp góc dẫn đến tăng áp lực nội nhãn và tăng nhãn áp góc đóng đặc biệt là ở những bệnh nhân nhạy cảm. Thận trọng khi sử dụng citalopram ở bệnh nhân glôcôm góc đóng hoặc có tiền sử tăng nhãn áp.

Lo âu: 

Bắt đầu điều trị bằng thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng triệu chứng lo âu trên một số bệnh nhân mắc rối loạn hoảng sợ. Triệu chứng này thường giảm xuống trong vòng 2 tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị. Nên bắt đầu với liều thấp để giảm triệu chứng lo âu trên bệnh nhân.

7 Thời kỳ mang thai 

Dữ liệu trên phụ nữ mang thai cho thấy citalopram không gây nhiễm độc phôi hoặc dị tật sơ sinh. Tuy nhiên, citalopram không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai trừ khi cần thiết và chỉ sau khi cân nhắc kì lợi ích – nguy cơ.

Trẻ sơ sinh cần được theo dõi nếu người mẹ dùng citalopram trong giai đoạn sau của thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối. Tránh ngừng thuốc đột ngột trong thời gian mang thai.

Trong trường hợp dùng citalopram ở người mẹ vào những tháng cuối thai kỳ, các triệu chứng sau đây có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh: suy hô hấp, tím tái, ngừng thở, co giật, thân nhiệt không ổn định, khổ bủ, nôn, hạ đường huyết, tăng trương lực, hạ huyết áp, tăng phản xạ, run, run rẩy, khó chịu, thờ ơ, khóc liên tục, buồn ngủ và khó ngủ. Những triệu chứng này có thể do hiệu ứng serotonergic hoặc hội chứng cai thuốc. Trong phần lớn các trường hợp, các biến chứng xảy ra ngay lập tức hoặc sớm (< 24 giờ) sau khi sinh. Dữ liệu dịch tễ cho thấy việc sử dụng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin trong thai kỳ, đặc biệt là vào cuối thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ tăng áp lực động mạch phổi với nguy cơ quan sát khoảng 5/1 000 trường hợp.

8 Thời kỳ cho con bú 

Citalopram được bài tiết vào sữa mẹ với một lượng nhỏ. Trẻ sơ sinh khi bú sẽ nhận được liều thuốc khoảng 5% liều của mẹ (tính theo mg/kg). Dữ liệu hiện tại không đủ để đánh giá nguy cơ của citalopram cho trẻ sơ sinh. Thận trọng khi dùng citalopram cho trẻ bú sữa mẹ. Nếu phải sử dụng citalopram để điều trị, ngừng nuôi con bằng sửa mẹ.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

ADR của citalopram thường là nhẹ và thoáng qua. Chúng thường xuất hiện trong 1 hoặc 2 tuần điều trị đầu tiên và giảm đi sau đó. Hội chứng cai thuốc: Ngừng dùng citalopram (đặc biệt là ngừng đột ngột) thường dẫn đến hội chứng cai thuốc với triệu chứng: chóng mặt, rối loạn cảm giác (ví dụ dị cảm, cảm giác điện giật), rối loạn giấc ngủ (bao gồm mất ngủ và những giấc mơ dữ dội), kích động hoặc lo lắng, buồn nôn, nôn, run, lú lẫn, đổ mồ hôi, đau đầu, tiêu chảy, đánh trống ngực, khó chịu, và rối loạn thị giác. Thông thường, mức độ triệu chứng thưởng từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp triệu chứng mức độ nặng hoặc kéo dài.

Thường gặp

Thần kinh: đau đầu.

Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: chán ăn.

Tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn.

Mắt: rối loạn điều chỉnh mắt, nhìn mờ. ADR này phụ thuộc vào liều và thường mất đi khi ngừng sử dụng thuốc.

Da: phát ban, ngứa.

Ít gặp

Tâm thần: lo lắng.

Thần kinh: chóng mặt.

Mắt: Bệnh võng mạc (thay đổi sắc tố điểm vàng hoặc bất thường thị trường của mắt) hiếm khi xảy ra nếu không dùng quá liều khuyến cáo. Ở giai đoạn sớm, ADR này có thể hồi phục bằng cách ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu các triệu chứng tiến triển, bệnh có thể tiếp tục xảy ra ngay cả khi đã ngừng thuốc.

Thay đổi giác mạc (phù hoặc đục giác mạc) có thể không triệu chứng hoặc gây mở mắt, sợ ánh sáng. Các triệu chứng thường thoáng qua hoặc mất đi khi ngừng dùng thuốc.

Hiếm gặp

Máu và hệ bạch huyết: suy tủy, thiếu máu, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

Miễn dịch: nổi mề đay, phù mạch, co thắt phế quản.

TKTW: co giật, hội chứng ngoại tháp.

Mắt: bệnh hoàng điểm, thoái hóa điểm vàng.

Tai: mất khả năng nghe.

Cơ – xương – khớp: yếu cơ, teo cơ, nguy cơ gãy xương cao hơn.

Chuyển hóa: tụt đường huyết.

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Thuốc dùng dạng uống. Dung dịch nhỏ giọt đường uống có thể uống cùng với nước, nước hoa quả như nước cam, nước táo.

10.2 Liều lượng 

10.2.1 Điều trị trầm cảm 

Viên nén, người lớn:

Liều khởi đầu: Uống 20 mg/lần, 1 lần mỗi ngày.

Liều dùng có thể tăng mỗi 20 mg/ngày, trong vòng 3 – 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Liều tối đa là 40 mg/ngày.

Bệnh nhân trầm cảm cần điều trị ít nhất 6 tháng để giải quyết hết các triệu chứng.

Viên nén, người cao tuổi: Uống 10 – 20 mg/lần, 1 lần mỗi ngày. Liều tối đa là 20 mg/ngày.

Dung dịch uống nhỏ giọt, người lớn:

Liều khởi đầu: 16 mg/lần, 1 lần mỗi ngày.

Liều dùng có thể tăng mỗi 16 mg/ngày, trong vòng 3 – 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Liều tối đa của citalopram là 32 mg/ngày.

Dung dịch uống nhỏ giọt, người cao tuổi: 8 – 16 mg/ngày. Liều tối đa là 32 mg/ngày.

10.2.2 Điều trị rối loạn hoảng sợ 

Viên nén, người lớn:

Liều khởi đầu: Liều 10 mg/lần, 1 lần mỗi ngày.

Liều dùng có thể tăng mỗi 10 mg/ngày. Liều thông thường điều trị rối loạn hoảng sợ là 20 – 30 mg/ngày. Liều tối đa là 40 mg/ngày.

Viên nén, người cao tuổi:

Liều khởi đầu 10 mg/ngày.

Liều dùng có thể tăng mỗi 10 mg/ngày. Liều tối đa là 20 mg/ngày.

Dung dịch uống nhỏ giọt, người lớn:

Liều khởi đầu: Liều 8 mg/lần, 1 lần mỗi ngày.

Liều dùng có thể tăng mỗi 8 mg/ngày. Liều thông thường điều trị rối loạn hoảng sợ là 16 – 24 mg/ngày. Liều tối đa là 32 mg/ngày.

Dung dịch uống nhỏ giọt, người cao tuổi:

Liều khởi đầu 8 mg/ngày.

Liều dùng có thể tăng mỗi 8 mg/ngày. Liều tối đa là 16 mg/ngày.

Bệnh nhân suy giảm chức năng gan:

Bệnh nhân suy gan nhẹ – trung bình: Liều khởi đầu 10 mg/ngày (đối với viên nén) trong 2 tuần đầu. Tùy thuộc đáp ứng, liều có thể được tăng lên đến tối đa là 20 mg/ngày.

Thận trọng khi dùng thuốc trên bệnh nhân suy gan nặng.

Bệnh nhân suy giảm chức năng thận:

Bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình: Không cần hiệu chỉnh liều.

Bệnh nhân suy thận nặng (Clcr < 20 ml/phút): Chưa có thông tin.

Bệnh nhân giảm chuyển hóa CYP 2C19:

Liều khởi đầu là 10 mg/ngày, trong 2 tuần đầu tiên. Sau đó có thể tăng liều lên tối đa 20 mg mỗi ngày tùy thuộc đáp ứng của bệnh nhân.

11 Tương tác thuốc 

11.1 Tương tác chống chỉ định 

Thuốc ức chế monoamin oxydase 

Việc sử dụng đồng thời citalopram và các thuốc ức chế monoamin oxydase có thể dẫn đến các ADR nghiêm trọng, trong đó có hội chứng serotonin.

Các phản ứng nghiêm trọng gây tử vong đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và thuốc ức chế monoamin oxydase (bao gồm thuốc ức chế monoamin oxydase không hồi phục chọn lọc như selegilin hay thuốc ức chế monoamin oxydase hồi phục chọn lọc như linezolid, moclobemid) hoặc ở những bệnh nhân gần đây đã ngừng thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và bắt đầu dùng thuốc monoamin oxydase. Một số trường hợp có đặc điểm tương tự như hội chứng serotonin như kích động, run, rung giật cơ và tăng thân nhiệt.

Thuốc kéo dài khoảng QT 

Nghiên cứu được động học và được lực học giữa citalopram và các thuốc khác kéo dài khoảng QT chưa được thực hiện. Tuy nhiên, không thể loại trừ tương tác cộng độc tính của citalopram và các thuốc kéo dài khoảng QT. Do đó, chống chỉ định phối hợp citalopram với các thuốc kéo dài khoảng QT như thuốc chống loạn nhịp nhóm IA và III, thuốc chống loạn thần (ví dụ các dẫn xuất fentiazin, pimozid, Haloperidol), thuốc chống trầm cảm ba vòng, một số thuốc kháng sinh ví dụ, Sparfloxacin, Moxifloxacin, Erythromycin đường tĩnh mạch, pentamidin, thuốc điều trị chống sốt rét đặc biệt là halofantrin) và một số thuốc kháng histamin (astemizol, mizolastin).

Pimozid 

Dùng đồng thời một liều đơn pimozid 2 mg cho bệnh nhân điều trị bằng citalopram 40 mg/ngày trong 11 ngày làm tăng AUC và Cmax của pimozid. Sử dụng đồng thời pimozid và citalopram làm tăng QT khoảng 10 ms. Do tương tác được ghi nhận ngay ở liều thấp pimozid, chống chỉ định dùng đồng thời citalopram và pimozid.

Selegilin (thuốc ức chế chọn lọc monoamin oxydase B)

Đã có các báo cáo về hội chứng serotonin khi dùng đồng thời selegilin và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin. Tại liều điều trị, selegilin ức chế chọn lọc monoamin oxydase B. Tuy nhiên, tính chọn lọc này không còn khi dùng selegilin với liều trên 10 mg/ngày. Nguy cơ xảy ra hội chứng serotonin tăng lên khi dùng selegilin liều cao đơn độc hoặc phối hợp. Nghiên cứu tương tác dược động học/dược lực học khi dùng đồng thời citalopram 20 mg/ngày và selegilin 10 mg/ngày cho thấy không có tương tác trên lâm sàng. Tuy vậy, chống chỉ định phối hợp citalopram và selegilin với liều trên 10 mg/ngày.

11.2 Các tương tác thuốc cần chú ý 

Lithi và tryptophan 

Không có tương tác dược lực học nào được ghi nhận trong các nghiên cứu tương tác giữa citalopram và lithi. Tuy nhiên, đã có báo cáo về hiệp đồng tác dụng khi phối hợp thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin với lithi hoặc tryptophan. Thận trọng khi sử dụng citalopram cùng các thuốc này. Thực hiện giám sát nồng độ lithi thường quy.

Sử dụng đồng thời citalopram với các chất chủ vận hệ serotonergic (ví dụ, tramadol, oxitriptan, sumatriptan và các triptan khác) có thể làm tăng các tác dụng liên quan đến serotonin.

Thuốc có nguy cơ gây xuất huyết

Thận trọng với những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, các thuốc có ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), aspirin, dipyridamol và ticlopidin hoặc các loại thuốc khác (như thuốc chống loạn thần không điển hình) do tăng nguy cơ xuất huyết.

Rượu 

Không có tương tác dược lực học hoặc dược động học bất lợi giữa citalopram và rượu. Tuy nhiên, không nên uống rượu khi đang dùng citalopram.

Các thuốc gây hạ kali huyết, hạ magnesi huyết 

Thận trọng khi sử dụng đồng thời citalopram và thuốc gây hạ kali, magnesi huyết do tăng nguy cơ loạn nhịp ác tính.

Các thuốc làm giảm ngưỡng co giật 

Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin có thể làm giảm ngưỡng co giật. Thận trọng khi sử dụng đồng thời các thuốc khác có khả năng làm giảm ngưỡng co giật, vi dụ thuốc chống trầm cảm (thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và thuốc chống trầm cảm ba vòng), thuốc an thần kinh (thioxanthen và butyrophenon), mefloquin, bupropion và tramadol).

11.3 Tương tác dược động học 

Chuyển hóa của citalopram thành demethyl citalopram được thực hiện bởi CYP 2C19 (38%), CYP 3A4 (31%) và CYP 2D6 (31%). Citalopram được chuyển hóa bởi nhiều enzym chuyển hóa nên thuốc ít có khả năng tương tác chuyển hóa với thuốc khác. Sử dụng đồng thời citalopram với các thuốc khác trong thực hành lâm sàng có khả năng tương tác dược động học rất thấp.

Cimetidin 

Cimetidin (thuốc ức chế mạnh CYP 2D6, CYP 3A4 và CYP 1A2) làm tăng nồng độ ở trạng thái ổn định của citalopram. Thận trọng khi dùng citalopram kết hợp với cimetidin. Có thể phải điều chỉnh liều citalopram.

Thuốc ức chế CYP 2C19 

Dùng đồng thời Escitalopram (đồng phân có hoạt tính của citalopram) với omeprazol liều 30 mg/ngày (chất ức chế CYP 2C19) làm tăng khoảng 50% nồng độ citalopram trong máu. Do đó, thận trọng khi sử dụng đồng thời với các chất ức chế CYP2C19 (omeprazol, esomeprazol, fluvoxamin, lansoprazol, ticlopidin). Có thể phải giảm liều escitalopram nếu bệnh nhân xuất hiện ADR.

Thuốc chuyển hóa qua CYP 2D6 

Citalopram là chất ức chế enzym CYP 2D6. Thận trọng khi dùng citalopram với các thuốc chuyển hóa chính bởi enzym này như flecainid, propafenon, Metoprolol (khi được sử dụng điều trị suy tim), thuốc chống trầm cảm (desipramin, clomipramin và nortriptylin) hoặc thuốc điều trị rối loạn tâm thần (risperidon, Thioridazin và haloperidol). Có thể phải hiệu chỉnh liều các thuốc này khi dùng cùng citalopram. Sử dụng đồng thời citalopram với metoprolol làm tăng gấp đôi nồng độ metoprolol trong máu nhưng không làm tăng đáng kể ảnh hưởng của metoprolol trên huyết áp và nhịp tim.

Desipramin, imipramin 

Không có tương tác có ý nghĩa lâm sàng nào giữa citalopram và imipramin mặc dù nồng độ desipramin – chất chuyển hóa chính của imipramin tăng lên. Tuy nhiên khi dùng đồng thời citalopram và desipramin, nồng độ desipramin trong máu tăng lên. Có thể giảm liều desipramin khi dùng cùng citalopram nếu cần thiết.

12 Quá liều và xử trí 

Đã có báo cáo về trường hợp tử vong khi dùng citalopram đơn độc, tuy nhiên, chủ yếu liên quan đến các thuốc dùng kèm của bệnh nhân. Liều gây tử vong của citalopram chưa biết rõ.

12.1 Triệu chứng

Các triệu chứng khi quá liều citalopram: co giật, nhịp tim nhanh, buồn ngủ, co giật, kéo dài khoảng QT, hôn mê, nôn, run, hạ huyết áp, ngừng tim, buồn nôn, hội chứng serotonin, đổ mồ hôi, kích động, nhịp tim chậm, chóng mặt, blốc nhánh, kéo dài QRS, tăng huyết áp, giãn đồng tử, xoắn đỉnh, đờ đẫn, đổ mồ hôi, tím tái, thở nhanh, thân nhiệt cao đột ngột, rối loạn nhịp nhĩ, tâm thất.

Thay đổi điện tâm đồ bao gồm nhịp xoang, khoảng QT kéo dài và phức hợp QRS rộng có thể xảy ra. Nhịp tim chậm kéo dài, tụt huyết áp nặng và ngất cũng đã được báo cáo.

Các triệu chứng của hội chứng serotonin hiếm khi xảy ra. Các triệu chứng bao gồm thay đổi tình trạng tâm thần, tăng thần kinh – cơ có thể có tăng thân nhiệt ác tỉnh và tăng creatin kinase huyết thanh. Tiêu cơ vân rất hiểm khi xảy ra.

12.2 Xử trí

Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho citalopram. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ bao gồm duy trì đường thở, theo dõi điện tâm đổ và các dấu hiệu sinh tồn cho đến khi bệnh nhân ổn định.

Cân nhắc dùng than hoạt tính ở người lớn hoặc trẻ quá liều citalopram trên 5 mg/kg trong vòng 1 giờ. Dùng than hoạt tính sau khi quá liều citalopram 30 phút giúp giảm hấp thu citalopram 50%. Có thể dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu (natri sulfat) và tháo rồng dạ dày.

Nếu bệnh nhân mất ý thức, có thể đặt nội khí quản.

Diazepam tĩnh mạch để kiểm soát co giật nếu co giật nhiều hoặc kéo dài.

Theo dõi điện tâm đồ trong trường hợp bệnh nhân mắc kèm suy tim, chậm nhịp tim, dùng đồng thời thuốc kéo dài khoảng QT hoặc bệnh nhân suy giảm chức năng gan.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Huỳnh Thị Thanh Thủy

(Theo: Dược Thư Quốc gia Việt Nam 2022)


duphaston.png

6 Tháng Năm, 2024 Tin TứcTruyền Thông

1. Dydrogesteron là thuốc gì ?

Dydrogesterone là một progesterone tổng hợp dùng đường uống. Thuốc có hoạt tính sản sinh ra chất kích thích giai đoạn bài tiết của nội mạc tử cung đã có oestrogen.

Dydrogesterone giúp bảo vệ chống lại nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung gây ra bởi các oestrogen. Thuốc không có tác động nữ hoá hoặc nam noá, không gây đồng hoá và không có hoạt tính corticoid.

Dydrogesterone không ức chế sự rụng trứng, do đó có thể chỉ định cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Ở phụ nữ sau mãn kinh còn tử cung, oestrogen thay thế dễ làm tăng nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và ung thư nội mạc tử cung nên cần bổ sung progesterone như dydrogesterone để phòng ngừa nguy cơ này.

Ảnh minh họa: nguồn Internet.
  1. Chỉ định của Dydrogesterone
  • Điều trị các bệnh lý:

– Lạc nội mạc tử cung;

– Đau bụng kinh;

– Vô sinh do suy hoàng thể;

– Doạ sảy thai do thiếu hụt progesterone;

– Sảy thai liên tiếp do thiếu hụt progesterone;

– Hội chứng tiền kinh nguyệt.

  • Hỗ trợ hoàng thể trong hỗ trợ sinh sản (ART)
  • Điều hoà chu kỳ kinh nguyệt.

– Hỗ trợ liệu pháp oestrogen cho phụ nữ còn tử cung nguyên vẹn nhằm:

– Ngăn ngừa tăng sản nội mạc tử cung trong giai đoạn sau mãn kinh;

– Điều trị chảy máu tử cung bất thường;

– Điều trị vô kinh thứ phát.

  1. Không nên dùng thuốc Dydrogesterone nếu

Quá mẫn nghiêm trọng với dydrogesterone.

Xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân.

Có tiền sử hoặc đang bị rối loạn chức năng gan nghiêm trọng.

Nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán mắc ung thư ác tính do hormone.

  1. Liều lượng và cách dùng Dydrogesterone
  • Liều dùng Dydrogesterone
  • Người lớn

Điều hoà kinh nguyệt: 10 mg/ ngày, uống vào ngày thứ 11 – 25 của chu kỳ.

Lạc nội mạc tử cung: 10 mg/lần x 3 lần/ngày, uống trong cả chu kỳ hoặc uống vào ngày thứ 5 – 25 của chu kỳ. Nên bắt đầu điều trị bằng liều cao nhất.

Đau bụng kinh: 10 mg/lần x 2 lần/ngày, uống vào ngày thứ 5 – 25 của chu kỳ. Nên bắt đầu điều trị bằng liều cao nhất.

Vô sinh do suy hoàng thể:

– 10 mg/ ngày, uống vào ngày thứ 14 – 25 của chu kỳ.

– Điều trị duy trì trong ít nhất 6 chu kỳ liên tiếp. Nên tiếp tục trị liệu này trong những tháng đầu của thai kỳ với liệu lượng như đã chỉ định cho sảy thai liên tiếp.

Hỗ trợ hoàng thể trong hỗ trợ sinh sản (ART): 10 mg/lần x 3 lần/ngày, bắt đầu từ ngày lấy noãn và tiếp tục sử dụng trong 10 tuần tiếp theo nếu chắc chắn đã mang thai.

Doạ sảy thai:

Liều khởi đầu: 40 mg dydrogesterone.

Liều duy trì: 10 mg mỗi 8 giờ.

Nên bắt đầu điều trị bằng liều cao nhất. Duy trì thêm 1 tuần sau khi hết các triệu chứng, sau đó có thể giảm liều dần dần.

Nếu triệu chứng vẫn còn hoặc tái phát trong quá trình điều trị, tiếp tục tăng thêm 10 mg dydrogesterone mỗi 8 giờ.

Sảy thai liên tiếp: 10 mg mỗi ngày, kéo dài đến tuần thứ 20 của thai kỳ. Có thể giảm liều dần dần. Tốt nhất nên bắt đầu trị liệu từ trước khi thụ thai.

Xuất huyết tử cung bất thường:

20 mg/ngày x 5 – 7 ngày. Một vài ngày sau khi kết thúc điều trị, có thể có tình trạng xuất huyết.

Có thể dự phòng tình trạng xuất huyết trên bằng cách uống 10 mg x 1 lần/ngày, uống từ ngày 11 – 25 của chu kỳ. Có thể phối hợp với oestrogen trong 2 – 3 chu kỳ nếu cần.

Vô kinh thứ phát: 10 – 20 mg/ngày, uống từ ngày 11 – 25 của chu kỳ.

Phòng ngừa tăng sinh nội mạc tử cung trong thời kỳ mãn kinh:

Uống oestrogen trong 14 ngày đầu tiên của chu kỳ.

Trong 14 ngày sau, bổ sung thêm dydrogesterone liều 10 mg/lần x 2 lần/ngày.

Hội chứng tiền kinh nguyệt: 10 mg/ lần x 2 lần/ ngày, bắt đầu uống từ nửa sau của chu kỳ cho đến ngày đầu tiên của chu kỳ tiếp theo.

  • Trẻ em

Chưa có nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của dydrogesterone ở thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi.

  • Cách dùng

Có thể uống thuốc cùng thức ăn hoặc không.

  1. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc dydrogesteron

Trước khi bắt đầu điều trị dydrogesterone cho xuất huyết tử cung bất thường, cần làm rõ nguyên nhân bệnh học của việc xuất huyết.

Xuất huyết tử cung bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt và xuất huyết nhẹ có thể xảy ra trong những tháng đầu điều trị. Nếu xuất huyết tử cung bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt và xuất huyết nhẹ xuất hiện sau vài lần trong khi điều trị hoặc tiếp tục sau khi đã ngưng việc điều trị, nên tìm hiểu nguyên nhân, có thể bao gồm cả sinh thiết để loại trừ nội mạc tử cung ác tính.

Phải thận trọng trong việc sử dụng thuốc Duphaston cho những người bị hư hại chức năng gan nặng, không chỉ định sử dụng thuốc trong lúc mang thai mà không có dấu hiệu dọa sảy.

Người bệnh có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị ung thư vú, ung thư biểu mô tuyến vú, bệnh gan hoặc dị ứng với Duphaston hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Phụ nữ có tiền sử huyết khối, máu đông hay đột quỵ cũng không nên sử dụng thuốc Duphaston.

Nên sử dụng thuốc đúng liều lượng, bởi nếu sử dụng thuốc Duphaston không đúng liều lượng có thể tác động không tốt tới thai nhi cũng như sức khỏe người phụ nữ.

  1. Có thể uống thuốc Progesteron khi mang thai?

Thông thường, các thuốc chứa Progesterone có tác dụng giúp giảm co bóp tử cung, ngăn ngừa sảy thai, tăng máu động mạch và glycogen ở niêm mạc tử cung nữ giới nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng cho thai nhi, tạo nút nhầy cổ tử cung để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn. Vì vậy, có thể uống thuốc progesteron khi mang thai ở trường hợp dọa sảy thai là rất cần thiết.

Vậy thuốc chứa progesteron có ảnh hưởng đến thai nhi không? Trên thực tế, thuốc progesteron dưỡng thai nên không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, mỗi người có sự tương tác với thuốc khác nhau nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, việc uống thuốc progesteron khi mang thai cần phải có chỉ định cũng như lời khuyên của bác sĩ sau khi tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Dược sĩ

Huỳnh Thị Thanh Thủy

(Nguồn: Hướng dẫn của nhà sản xuất, dược thư quốc qia Việt Nam)


Picture5.png

25 Tháng Ba, 2024 Truyền Thông

Tên chung quốc tế: Mequitazine

Mã ATC: R06AD07

Phân loại : kháng histamin H1

Dạng bào chế – hàm lượng: viên nén 5mg

Dược lực học

Mequitazine là thuốc kháng Histamin H1 thuộc nhóm Phenothiazine mà không gây quái thai hoặc đột biến. Thuốc tác động lên receptor H1 và kìm hãm sự tiết các chất trung gian hóa học như histamine và serotonin ở dưỡng bào. Cấu trúc phân tử của mequitazin giúp cho thuốc này ít bị phân hủy bởi enzyme và có tác dụng lâu dài.

Dược động học

Tỷ lệ hấp thu qua đường uống của mequitazin vào khoảng 70%. Thể tích phân bố trong cơ thể là 400L. Thuốc gắn với protein huyết tương ở tỷ lệ khoảng 90%. Thuốc có mặt trong máu sau khi uống 30 phút, thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 12 giờ. Thuốc chuyển hóa qua gan, đào thải qua nước tiểu và qua phân.

1.Chỉ định

Tương tự những thuốc kháng histamin khác, mequitazine được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau :

  • Dị ứng phấn hoa
  • Viêm mũi dị ứng
  • Cảm do biểu hiện dị ứng đường hô hấp
  • Dị ứng về da liễu: mẩn ngứa, nổi mụn nhọt, mề đay, viêm da
  • Viêm kết mạc
  • Viêm kết mạc xuất hiện theo mùa

2. Chống chỉ định

  • Bệnh nhân quá mẫn với thuốc;
  • Bệnh nhân bị tăng nhãn áp;
  • U tuyến tiền liệt.

3. Cách dùng – Liều dùng 

Người lớn mỗi lần 1 viên, ngày 2 lần.

Trẻ em 5- 12 tuổi mỗi lần 1/2 viên – 1 viên, ngày 2 lần.

4. Thận trọng 

Tác dụng phụ gây buồn ngủ là đặc trưng của những thuốc kháng histamin có thể xảy ra đối vơi một sổ bệnh nhân ít nhất trong vài ngày đầu điều trị và có thể ảnh hưởng xấu đến sự tập trung trong khi lái xe và vận hành máy móc.

5. Tương tác 

Mequitazin có thể tương tác với những thuốc an dịu thần kinh trung ương, thuốc nhóm IMAO và rượu, bia.

6. Quá liều và xử trí

Quá liều so với liều thông thường có thể gây ra những phản ứng giống atropin và nhìn chung chỉ xuất hiện tạm thời.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

 

       Dược sĩ Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn: Drugbank.vn, Tờ HDSD của nhà sản xuất)


Picture6.png

25 Tháng Ba, 2024 Truyền Thông

Tên chung quốc tế: Linagliptin + metformin hydrochloride.

Mã ATC: A10BD11.

Loại thuốc: Thuốc điều trị đái tháo đường dạng kết hợp.

Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén bao phim chứa Linagliptin + metformin hydrochloride 2.5mg/500mg, 2.5mg/850mg, 2.5mg/1000mg.

Cơ chế tác dụng :

Linagliptin là một chất ức chế enzyme DPP-4 (Dipeptidyl peptidase 4, EC 3.4.14.5), là enzyme tham gia vào quá trình bất hoạt hormone incretin GLP-1 và GIP (peptide-1 giống glucagon, polypeptide kích thích insulin phụ thuộc glucose). Các hormone này bị giáng hóa nhanh chóng bởi enzyme DPP-4. Cả hai hormon incretin đều liên quan đến sự điều tiết sinh lý cho cân bằng glucose. Incretin được bài tiết ở một nồng độ thấp trong suốt ngày và nồng độ này tăng lên ngay lập tức sau khi ăn. GLP-1 và GIP làm tăng sinh tổng hợp insulin và bài tiết glucagon từ tế bào beta ở tụy khi đường huyết ở mức bình thường và tăng. Hơn nữa, GLP-1 cũng làm giảm bài tiết glucagon từ các tế bào alpha ở tụy, dẫn đến làm giảm bài tiết đường ở gan. Linagliptin gắn kết rất hiệu quả với DPP-4 và có thể tách rời được nhờ đó làm tăng ổn định và kéo dài nồng độ incretin hoạt tính. Linagliptin làm tăng bài tiết insulin phụ thuộc glucose và làm giảm bài tiết glucagon do đó nhìn chung cải thiện cân bằng glucose. Linagliptin gắn kết một cách chọn lọc với DPP-4 và có tính chọn lọc > 10000 lần so với hoạt tính DPP-8 hoặc DPP-9 trên in vitro.

Metformin hydrochloride là một biguanide có tác dụng chống tăng đường huyết, làm giảm cả nồng độ đường trong huyết tương ở mức cơ bản cũng như sau bữa ăn.Thuốc không kích thích tiết insulin vì vậy không gây hạ đường huyết. Metformin hydrochloride có thể hoạt động thông qua 3 cơ chế:

làm giảm sản xuất glucose ở gan do ức chế tổng hợp glucose và ly giải glycogen

(2) ở cơ, nhờ làm tăng tính nhạy cảm với insulin nên cải thiện sự hấp thu và sử dụng glucose ngoại vi

(3) làm chậm hấp thu glucose ở ruột.

Metformin hydrochloride kích thích tổng hợp glycogen nội bào do tác động đến glycogen synthase.

Metformin hydrochloride làm tăng khả năng vận chuyển của tất cả các chất vận chuyển glucose qua màng tế bào (GLUT) được biết cho đến nay.

Ở người, metformin hydrochloride còn có tác dụng thuận lợi trên chuyển hóa lipid, độc lập với tác dụng trên đường huyết. Tác dụng này được ghi nhận ở liều điều trị trong các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng với thời gian nghiên cứu trung bình và dài: metformin hydrochloride làm giảm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và triglyceride.

  1. Chỉ định :

TRAJENTA DUO được chỉ định điều trị bổ sung cho chế độ ăn phù hợp và vận động nhằm cải thiện kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân trưởng thành đái tháo đường typ 2 nên được điều trị đồng thời với linagliptin và metformin, bệnh nhân chưa được kiểm soát đường huyết thích hợp với metformin đơn trị liệu hoặc bệnh nhân đang được kiểm soát đường huyết tốt khi điều trị đồng thời với linagliptin và metformin riêng rẽ.

TRAJENTA DUO được chỉ định phối hợp với một sulphonylurea (tức là phác đồ điều trị 3 thuốc) cùng với chế độ ăn phù hợp và vận động ở bệnh nhân chưa được kiểm soát đường huyết tốt với liều metforminvà một sulphonylurea ở mức tối đa có thể dung nạp được.

2. Chống chỉ định :

Bệnh nhân suy thận nặng (eGFR dưới 30 mL/phút/1,73m2)

Bệnh nhân đã có tiền sử quá mẫn với metformin/linagliptin hay với bất kỳ tá dược nào của thuốc.

Bệnh nhân toan chuyển hóa cấp tính hoặc mãn tính, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường.

Tiền hôn mê đái tháo đường.

Các tình trạng cấp tính có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận như: mất nước, nhiễm khuẩn nặng, sốc, sử dụng các thuốc cản quang iod đường tĩnh mạch.

Bệnh có thể gây thiếu oxy ở mô (đặc biệt các bệnh cấp tính hoặc tình trạng xấu đi của bệnh mạn tính) như: suy tim mất bù, suy hô hấp, nhồi máu cơ tim gần đây, sốc.

Suy gan.

Ngộ độc rượu cấp tính.

Nghiện rượu.

3. Cách dùng, liều dùng :

Cách dùng :

Nên sử dụng TRAJENTA DUO cùng bữa ăn, với liều tăng từ từ để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa liên quan đến metformin.

Liều dùng:

Liều khuyến cáo là 2,5/500 mg, 2,5/850 mg hoặc 2,5/1000 mg hai lần mỗi ngày.

Nên lựa chọn liều dựa trên chế độ điều trị hiện tại, hiệu quả và độ dung nạp của thuốc trên từng bệnh nhân. Liều hàng ngày tối đa được khuyến cáo của TRAJENTA DUO là 5 mg linagliptin và 2000 mg metformin.

Nên sử dụng TRAJENTA DUO cùng bữa ăn, với liều tăng từ từ để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa liên quan đến metformin.

Bệnh nhân gần đây không được điều trị bằng metformin

Với bệnh nhân gần đây không được điều trị bằng metformin, liều khởi đầu được khuyến cáo là 2,5 mg linagliptin/500 mg metformin hydrochloride 2 lần mỗi ngày.

Bệnh nhân chưa được kiểm soát đường huyết tốt với liều tối đa metformin đơn trị liệu

Đối với những bệnh nhân chưa được kiểm soát đường huyết tốt với metformin đơn trị liệu, liều khởi đầu thông thường của TRAJENTA DUO nên cung cấp linagliptin 2,5 mg 2 lần mỗi ngày (tổng liều 5 mg mỗi ngày) và metformin với liều đang sử dụng.

Bệnh nhân chuyển từ phối hợp linagliptin và metformin dạng riêng lẻ

Đối với những bệnh nhân chuyển từ phối hợp linagliptin và metformin dạng riêng lẻ sang dạng phối hợp cố định liều, nên bắt đầu TRAJENTA DUO ở mức liều linagliptin và metformin mà bệnh nhân đang sử dụng.

Bệnh nhân chưa được kiểm soát đường huyết tốt với chế độ điều trị phối hợp hai thuốc bao gồm metformin và một sulphonylurea ở mức liều tối đa có thể dung nạp được

Nên sử dụng liều TRAJENTA DUO chứa 2,5 mg linagliptin 2 lần mỗi ngày (tổng liều hàng ngày 5 mg) và một liều metformin ở mức tương tự liều bệnh nhân đang sử dụng. Khi phối hợp TRAJENTA DUO với một sulphonylurea, có thể cần dùng liều sulphonylurea thấp hơn do nguy cơ hạ đường huyết.

Tương ứng với các mức liều metformin khác nhau, TRAJENTA DUO có các hàm lượng bao gồm 2,5 mg linagliptin cộng với 500 mg metformin hydrochloride, 850 mg metformin hydrochloride hoặc 1000 mg metformin hydrochloride.

Liều khuyến cáo của metformin

Liều khởi đầu đối với bệnh nhân đang không sử dụng metformin là 500 mg, một lần/ngày, dùng đường uống. Nếu bệnh nhân không gặp phản ứng có hại đường tiêu hóa và cần phải tăng liều thì có thể dùng thêm 500 mg sau mỗi khoảng thời gian điều trị từ 1 đến 2 tuần. Liều dùng của metformin cần được cân nhắc điều chỉnh trên từng bệnh nhân cụ thể dựa trên hiệu quả và độ dung nạp của bệnh nhân và không vượt quá liều tối đa được khuyến cáo là 2000 mg/ngày.

Khuyến cáo sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy thận

Đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với metformin và đánh giá định kỳ sau đó.

Chống chỉ định metformin trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 mL/phút/1,73m2.

Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30-45 mL/phút/1,73m2.

Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin và có eGFR giảm xuống dưới 45 mL/phút/1,73m2, đánh giá nguy cơ-lợi ích khi tiếp tục điều trị.

Ngừng sử dụng metformin nếu bệnh nhân có eGFR giảm xuống dưới 30 mL/phút/1,73m2 (xem mục Chống chỉ định, mục Cảnh báo và thận trọng).

Ngừng sử dụng metformin khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod

Trên những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng từ 30-60 mL/phút/1,73m2, trên những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, hoặc trên những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod qua đường động mạch, ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Đánh giá lại chỉ số eGFR sau khi chiếu chụp 48 giờ, sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định (xem mục Cảnh báo và thận trọng).

Suy gan

TRAJENTA DUO chống chỉ định trên bệnh nhân suy gan do thuốc có chứa thành phần metformin (xem phần Chống chỉ định).

Người cao tuổi

Do metformin thải trừ qua thận và bệnh nhân cao tuổi có xu hướng suy giảm chức năng thận, vì vậy, nên theo dõi chức năng thận thường xuyên ở những bệnh nhân cao tuổi điều trị với TRAJENTA DUO (xem phần Cảnh báo và thận trọng).

Trẻ em và thanh thiếu niên

Không khuyến cáo sử dụng TRAJENTA DUO cho trẻ dưới 18 tuổi do thiếu dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn của thuốc.

Thận trọng :

Không nên sử dụng TRAJENTA DUO cho bệnh nhân đái tháo đường typ 1 hoặc bệnh nhân đái tháo đường nhiễm toan xê tôn.

Sử dụng với các thuốc đã biết gây hạ đường huyết

Linagliptin

Các thuốc kích thích tiết insulin và insulin được biết gây hạ đường huyết. Trong một nghiên cứu lâm sàng, việc sử dụng linagliptin kết hợp với một thuốc kích thích tiết insulin (ví dụ sulfonylurea) đi cùng với tỷ lệ hạ đường huyết cao hơn nhóm giả dược. Tỷ lệ hạ đường huyết cao hơn khi sử dụng linagliptin kết hợp với insulin ở những bệnh nhân suy thận nặng. Do vậy, để giảm nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng kết hợp với TRAJENTA DUO, có thể yêu cầu dùng một liều thấp hơn thuốc kích thích tiết insulin hoặc insulin.

Metformin

Hạ đường huyết không xuất hiện ở những bệnh nhân dùng metformin đơn trị khi sử dụng ở những trường hợp thông thường, nhưng có thể xuất hiện khi lượng calo đưa vào chưa đủ, khi tập thể dục quá sức mà không được bù đắp đầy đủ lượng calo, hoặc khi sử dụng đồng thời với các thuốc hạ đường huyết khác (ví dụ SU và insulin) hoặc ethanol. Bệnh nhân cao tuổi, suy nhược, hoặc suy dinh dưỡng, và những bệnh nhân suy tuyến yên hoặc thượng thận hoặc ngộ độc rượu đặc biệt nhạy cảm với ảnh hưởng hạ đường huyết. Hạ đường huyết có thể khó nhận biết được ở người cao tuổi, và ở bệnh nhân đang dùng các thuốc ức chế β-adrenergic.

Nhiễm toan acid lactic

Quá trình giám sát hậu mãi đã ghi nhận những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin, bao gồm cả trường hợp tử vong, giảm thân nhiệt, tụt huyết áp, loạn nhịp chậm kéo dài. Khởi phát của tình trạng nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin thường không dễ phát hiện, kèm theo các triệu chứng không điển hình như khó chịu, đau cơ, suy hô hấp, lơ mơ và đau bụng. Nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin được đặc trưng bằng nồng độ lactat tăng lên trong máu (> 5mmol/L), giảm pH máu, khoảng trống anion (không có bằng chứng của keto niệu hoặc keto máu), tăng tỷ lệ lactat/pyruvat và nồng độ metformin huyết tương nói chung tăng >5µg/mL.

Yếu tố nguy cơ của nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin bao gồm suy thận, sử dụng đồng thời với một số thuốc nhất định (ví dụ các chất ức chế carbonic anhydrase như topiramat), từ 65 tuổi trở lên, có thực hiện chiếu chụp sử dụng thuốc cản quang, phẫu thuật và thực hiện các thủ thuật khác, tình trạng giảm oxy hít vào (ví dụ suy tim sung huyết cấp), uống nhiều rượu và suy gan.

Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ và xử trí nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao được trình bày chi tiết trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc (mục Liều lượng và Cách dùng, Chống chỉ định, Cảnh báo và thận trọng, Tương tác và Sử dụng thuốc trên những đối tượng đặc biệt).

Nếu nghi ngờ có toan lactic liên quan đến metformin, nên ngừng sử dụng metformin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện và tiến hành các biện pháp xử trí. Ở những bệnh nhân đã điều trị với metformin, đã được chẩn đoán toan lactic hoặc nghi ngờ có khả năng cao bị toan lactic, khuyến cáo nhanh chóng lọc máu để điều chỉnh tình trạng nhiễm toan và loại bỏ phần metformin đã bị tích lũy (metformin hydroclorid có thể thẩm tách được với độ thanh thải 170 mL/phút trong điều kiện huyết động lực tốt). Lọc máu có thể làm đảo ngược triệu chứng và hồi phục.

Hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà về các triệu chứng của toan lactic và nếu những triệu chứng này xảy ra, cần ngừng Trajenta Duo và báo cáo những triệu chứng này cho bác sỹ.

Đối với mỗi yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin, những khuyến cáo nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ và xử trí tình trạng toan lactic liên quan đến metformin, cụ thể như sau:

Suy thận: Những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin trong quá trình giám sát thuốc hậu mãi xảy ra chủ yếu trên những bệnh nhân bị suy thận nặng. Nguy cơ tích lũy metformin và nhiễm toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của suy thận bởi metformin được thải trừ chủ yếu qua thận. Khuyến cáo lâm sàng dựa trên chức năng thận của bệnh nhân bao gồm (xem mục Liều lượng và Cách dùng, Dược lý):

Trước khi khởi đầu điều trị với metformin cần ước tính mức độ lọc cầu thận (eGFR) của bệnh nhân.

Chống chỉ định metformin trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 mL/phút /1,73m2 (xem mục Chống chỉ định).

Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30-45 mL/phút /1,73m2.

Thu thập dữ liệu về eGFR ít nhất 1 lần/năm ở tất cả các bệnh nhân sử dụng metformin. Ở bệnh nhân có khả năng tăng nguy cơ suy thận (ví dụ như người cao tuổi) chức năng thận nên được đánh giá thường xuyên hơn.

Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin và có eGFR giảm xuống dưới 45 mL/phút /1,73m2, đánh giá nguy cơ-lợi ích của việc tiếp tục phác đồ.

Tương tác thuốc: Sử dụng đồng thời metformin với một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin: bệnh nhân suy giảm chức năng thận dẫn tới những thay đổi đáng kể về mặt huyết động, ảnh hưởng tới cân bằng acid-base hoặc làm tăng tích lũy metformin (xem mục Tương tác). Vì vậy, cân nhắc theo dõi bệnh nhân thường xuyên hơn.

Bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên: Nguy cơ toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo tuổi của bệnh nhân bởi bệnh nhân cao tuổi có khả năng bị suy gan, suy thận, suy tim lớn hơn những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Cần đánh giá chức năng thận thường xuyên hơn đối với bệnh nhân lớn tuổi.

Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán có sử dụng thuốc cản quang: Tiêm thuốc cản quang vào nội mạch ở những bệnh nhân đang điều trị metformin có thể dẫn tới suy giảm cấp tính chức năng thận và gây ra toan lactic. Ngừng sử dụng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện chiếu chụp có sử dụng thuốc cản quang có chứa iod ở những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30-60 mL/phút /1,73m2, những bệnh nhân có tiền sử suy gan, nghiện rượu, suy tim hoặc những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod theo đường động mạch. Đánh giá lại eGFR 48 giờ sau khi chiếu chụp và sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác: Sự lưu giữ thức ăn và dịch trong quá trình phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật khác có thể làm tăng nguy cơ giảm thể tích, tụt huyết áp và suy thận. Nên tạm thời ngừng sử dụng metformin khi bệnh nhân bị giới hạn lượng thức ăn và dịch nạp vào.

Phải ngừng sử dụng metformin hydrochloride 48 giờ trước khi phẫu thuật theo chương trình có gây mê toàn thân, gây mê tủy sống hoặc ngoài màng cứng. Có thể tái sử dụng thuốc sau 48 giờ từ khi phẫu thuật hoặc sau khi bệnh nhân được nuôi ăn trở lại bằng đường miệng và chỉ khi chức năng thận được xác định là bình thường.

Tình trạng giảm oxy hít vào: Quá trình theo dõi hậu mãi đã ghi nhận một số ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin xảy ra trong bệnh cảnh suy tim sung huyết cấp (đặc biệt khi có kèm theo giảm tưới máu và giảm oxy huyết). Trụy tim mạch (sốc), nhồi máu cơ tim cấp, nhiễm khuẩn huyết và các bệnh lý khác liên quan đến giảm oxy huyết có mối liên quan với toan lactic và cũng có thể gây nitơ huyết trước thận. Khi những biến cố này xảy ra, ngừng metformin.

Uống rượu: Rượu có khả năng ảnh hưởng đến tác động của metformin lên chuyển hóa lactat và từ đó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin. Cảnh báo bệnh nhân không uống rượu khi sử dụng metformin.

Suy gan: Bệnh nhân suy gan có thể tiến triển thành toan lactic liên quan đến metformin do suy giảm thải trừ lactat dẫn tới tăng nồng độ lactat trong máu. Vì vậy, tránh sử dụng metformin trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh gan thông qua bằng chứng xét nghiệm hoặc lâm sàng.

Viêm tụy

Đã có các báo cáo hậu mãi về viêm tụy cấp, kể cả viêm tuỵ gây tử vong ở những bệnh nhân dùng linagliptin. Đọc kỹ lưu ý về các dấu hiệu và triệu chứng có thể có của viêm tuỵ. Nếu nghi ngờ viêm tụy, ngay lập tức ngừng dùng TRAJENTA DUO và khởi đầu điều trị thích hợp. Chưa biết liệu bệnh nhân đã có tiền sử viêm tuỵ thì có tăng hay không nguy cơ bị viêm tuỵ trong khi dùng TRAJENTA DUO.

Phản ứng quá mẫn

Đã có các báo cáo hậu mãi về phản ứng quá mẫn nghiêm trọng ở bệnh nhân dùng linagliptin (một thành phần của TRAJENTA DUO). Các phản ứng bao gồm sốc quá mẫn, phù mạch, và tình trạng bong da. Dấu hiệu khởi phát các phản ứng xuất hiện trong 3 tháng đầu sau khi khởi đầu điều trị với linagliptin, với một vài báo cáo xuất hiện sau khi dùng liều đầu tiên. Nếu nghi ngờ một phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, ngừng sử dụng TRAJENTA DUO, đánh giá các khả năng khác có thể gây ra biến cố, và dùng một biện pháp khác điều trị đái tháo đường.

Phù mạch đã được báo cáo với các thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) khác. Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử phù mạch do trước đó dùng thuốc ức chế DPP-4 do chưa biết liệu những bệnh nhân này có thể bị phù mạch khi điều trị với TRAJENTA DUO hay không.

Nồng độ Vitamin B12

Trong một nghiên cứu lâm sàng có kiểm soát kéo dài 29 tuần với metformin, đã quan sát thấy xấp xỉ khoảng 7% bệnh nhân điều trị với metformin có giảm dưới mức bình thường nồng độ vitamin B12 và không có biểu hiện lâm sàng. Giảm nồng độ vitamin B12 này có thể do sự can thiệp trong hấp thu vitamin B12 từ tổ hợp các yếu tố nội tại B12, tuy nhiên, rất hiếm đi kèm với thiếu máu hoặc biểu hiện thần kinh do thời gian dùng ngắn (< 1 năm) trong các thử nghiệm lâm sàng. Nguy cơ có thể liên quan nhiều hơn ở những bệnh nhân điều trị dài hạn với metformin, và đã có các báo cáo ngoại ý hậu mãi về các phản ứng huyết học và thần kinh. Giảm nồng độ vitamin B12 nhanh chóng đảo ngược khi ngừng sử dụng metformin hoặc bổ sung vitamin B12. Khuyến cáo kiểm soát các thông số huyết học định kỳ hàng năm ở những bệnh nhân dùng TRAJENTA DUO và bất kỳ bất thường nào cũng nên được xem xét và xử lý. Một vài trường hợp (với những bệnh nhân thiếu hoặc hấp thu không đầy đủ vitamin B12 hoặc calci) dường như nồng độ vitamin B12 dễ dưới mức bình thường. Ở những bệnh nhân này, kiểm soát thường xuyên nồng độ vitamin B12 huyết thanh trong khoảng thời gian 2-3 năm là có lợi.

Chức năng tim

Bênh nhân suy tim có nguy cơ thiếu oxy và suy thận cao hơn. Ở bệnh nhân suy tim mạn ổn định, có thể sử dụng TRAJENTA DUO với điều kiện theo dõi thường xuyên chức năng tim và thận.

Chống chỉ định TRAJENTA DUO cho những bệnh nhân suy tim cấp và suy tim không ổn định do thuốc có chứa metformin (xem phần Chống chỉ định).

Bọng nước pemphigoid

Đã có báo cáo sau khi lưu hành về xuất hiện bọng nước pemphigoid ở bệnh nhân dùng linagliptin. Nếu nghi ngờ có bọng nước pemphigoid, cần dừng việc dùng thuốc Trajenta Duo.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc

Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc được tiến hành.

Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: C

US FDA pregnancy category: B

Thời kỳ mang thai:

Chưa có nghiên cứu phù hợp và đối chứng chặt chẽ được tiến hành trên phụ nữ có thai sử dụng TRAJENTA DUO hay các hoạt chất riêng lẻ của nó. Các nghiên cứu phi lâm sàng về sinh sản tiến hành trên chuột sử dụng thuốc kết hợp TRAJENTA DUO không cho thấy tác dụng gây quái thai của việc dùng đồng thời linagliptin và metformin.

Các dữ liệu về sử dụng linagliptin trên phụ nữ có thai còn hạn chế. Các nghiên cứu phi lâm sàng không cho thấy tác dụng gây hại trực tiếp hay gián tiếp trên phương diện độc tính sinh sản.

Các dữ liệu về sử dụng metformin trên phụ nữ có thai còn hạn chế. Metformin không gây quái thai ở chuột với mức liều 200 mg/kg/ngày – gấp 4 lần liều sử dụng trên người. Tác dụng gây quái thai đã được ghi nhận trên chuột với metformin liều cao hơn (500 và 1000 mg/kg/ngày – gấp 11 và 23 lần liều sử dụng trên người).

Để thận trọng, tốt hơn nên tránh sử dụng TRAJENTA DUO trong thai kì.

Khi bệnh nhân có kế hoạch mang thai và trong thời gian mang thai, không nên điều trị đái tháo đường bằng TRAJENTA DUO mà nên sử dụng insulin nhằm duy trì mức đường huyết càng gần bình thường càng tốt để làm giảm nguy cơ dị dạng thai liên quan đến bất thường nồng độ đường huyết.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa có các nghiên cứu trên động vật trong giai đoạn tiết sữa sử dụng phối hợp metformin và linagliptin. Các nghiên cứu phi lâm sàng tiến hành trên từng hoạt chất riêng lẻ cho thấy cả metformin và linagliptin đều bài tiết vào sữa chuột cho con bú. Ở người, metformin có bài tiết vào sữa mẹ. Hiện vẫn chưa rõ linagliptin có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Không nên sử dụng TRAJENTA DUO ở phụ nữ đang cho con bú.

Khả năng sinh sản

Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của TRAJENTA DUO trên khả năng sinh sản của người được tiến hành. Không quan sát thấy tác dụng bất lợi nào của linagliptin lên khả năng sinh sản trong các nghiên cứu phi lâm sàng sử dụng tới liều cao nhất 240 mg/kg/ngày (>900 lần liều sử dụng trên người).

4. Tác dụng không mong muốn (ADR) :

Tính an toàn của linagliptin 2,5 mg 2 lần mỗi ngày (hoặc liều tương đương sinh học với 5 mg 1 lần mỗi ngày) phối hợp với metformin được đánh giá trên 6800 bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

Trong các nghiên cứu có đối chứng với giả dược, hơn 1800 bệnh nhân được điều trị với liều 2,5 mg linagliptin 2 lần mỗi ngày (hoặc tương đương sinh học 5 mg linagliptin 1 lần mỗi ngày) phối hợp với metformin trong ≥ 12/24 tuần.

Trong phân tích gộp các thử nghiệm có đối chứng giả dược, tỷ lệ toàn bộ các biến cố bất lợi trên bệnh nhân dùng giả dược và metformin tương tự như tỷ lệ ở nhóm linagliptin 2,5 mg và metformin (54,3% và 49,0%).

Tỷ lệ ngừng sử dụng thuốc do biến cố bất lợi ở nhóm dùng phối hợp giả dược với metformin tương tự với nhóm điều trị phối hợp linagliptin và metformin (3,8% và 2,9%).

Do ảnh hưởng của điều trị có sẵn ban đầu trên các biến cố bất lợi (ví dụ hạ đường huyết), các biến cố bất lợi được phân tích và trình bày dựa trên chế độ điều trị tương ứng, bổ sung vào điều trị metformin và bổ sung vào điều trị metformin phối hợp sulphonylurea.

Các nghiên cứu có đối chứng giả dược bao gồm 7 nghiên cứu trong đó linagliptin được thêm vào điều trị metformin và 1 nghiên cứu trong đó linagliptin được thêm vào điều trị metformin+sulphonylurea.

Rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng (xem bảng 2) và buồn nôn, nôn, tiêu chảy và giảm cảm giác thèm ăn (xem bảng 1) xảy ra thường xuyên nhất trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị với metformin hydrochloride và tự hồi phục trong hầu hết các trường hợp. Để phòng ngừa, khuyến cáo nên sử dụng TRAJENTA DUO 2 lần mỗi ngày trong hoặc sau khi ăn

*Các tác dụng ngoại ý cũng được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng linagliptin đơn trị liệu.

**Các tác dụng ngoại ý cũng được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng metformin đơn trị liệu

Trong các nghiên cứu có đối chứng giả dược, phản ứng bất lợi có liên quan được báo cáo nhiều nhất với linagliptin + metformin là tiêu chảy (0,9%) với tỷ lệ thấp tương tự ở nhóm metformin + giả dược (1,2%).

Các phản ứng có hại được báo cáo khi phối hợp linagliptin và metformin với SU:

Khi linagliptin và metformin được phối hợp với một sulphonylurea, hạ đường huyết là biến cố bất lợi được báo cáo phổ biến nhất (22,9% ở nhóm linagliptin cộng metformin cộng sulphonylurea so với 14,8% ở nhóm giả dược) và được cho là phản ứng bất lợi thêm vào. Không có đợt hạ đường huyết nào được xếp là nghiêm trọng.

Các phản ứng ngoại ý khi kết hợp dùng linagliptin và metformin với insulin:

Khi linagliptin và metformin được dùng kết hợp với insulin, biến cố ngoại ý phổ biến nhất được báo cáo là hạ đường huyết, nhưng xuất hiện với tỷ lệ tương đương khi giả dược và metformin được kết hợp với insulin (linagliptin kết hợp với metformin và insulin là 29,5% so với 30,9% ở nhóm giả dược với metformin và insulin) với một tỷ lệ thấp biến cố nghiêm trọng (1,5% so với 0,9%).

Điều trị dài ngày với metformin liên quan đến giảm hấp thu vitamin B12, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin B12 có ý nghĩa lâm sàng trong trường hợp hiếm gặp (ví dụ thiếu máu hồng cầu to).

Các rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng và buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm cảm giác thèm ăn xảy ra thường xuyên nhất trong giai đoạn khởi trị và tự hồi phục trong hầu hết các trường hợp. Để phòng ngừa các rối loạn này, nên sử dụng metformin hydrochloride 2 lần mỗi ngày trong hoặc sau bữa ăn nếu dùng đơn trị liệu.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo thêm khi linagliptin và metformin được phối hợp với insulin

Khi phối hợp linagliptin và metformin với insulin, đã xác định có thêm phản ứng bất lợi là táo bón.

Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

5. Tương tác :

TƯƠNG TÁC DƯỢC ĐỘNG HỌC

Phối hợp đa liều linagliptin (10 mg 1 lần mỗi ngày) và metformin (850 mg 2 lần mỗi ngày) trên người tình nguyện khỏe mạnh không ảnh hưởng đáng kể đến dược động học của linagliptin lẫn metformin.

Các nghiên cứu về tương tác dược động học của TRAJENTA DUO chưa được tiến hành; tuy nhiên, những nghiên cứu loại này đã được tiến hành với các hoạt chất riêng lẻ của TRAJENTA DUO là linagliptin và metformin.

A. LINAGLIPTIN

(1)Đánh giá tương tác thuốc in vitro

Linagliptin là một chất ức chế dựa trên cơ chế từ yếu đến trung bình và ức chế cạnh tranh yếu đối với CYP isoenzym CYP3A4, nhưng không ức chế các isozym CYP khác. Thuốc không phải là chất gây cảm ứng với các CYP isozym.

Linagliptin là một cơ chất P-glycoprotein và ức chế sự vận chuyển digoxin qua trung gian P-glycoprotein với hoạt lực thấp. Dựa trên các kết quả này và các nghiên cứu về tương tác thuốc in vivo, linagliptin được xem là ít có khả năng gây ra tương tác với các cơ chất P-gp khác.

Đánh giá tương tác thuốc in vivo

Dữ liệu lâm sàng trình bày dưới đây cho thấy nguy cơ tương tác có ý nghĩa lâm sàng do sử dụng các thuốc đồng thời là thấp. Không ghi nhận được tương tác đáng kể trên lâm sàng đòi hỏi phải hiệu chỉnh liều.

Linagliptin không có ảnh hưởng lâm sàng liên quan đến dược động học của metformin, glibenclamide, simvastatin, pioglitazone, warfarin, digoxin hay các thuốc tránh thai đường uống, điều này cung cấp bằng chứng in vivo cho thấy xu hướng ít gây tương tác thuốc với các cơ chất của CYP3A4, CYP2C9, CYP2C8, P-glycoprotein và chất vận chuyển cation hữu cơ (organic cationic transporter – OCT).

Metformin:

Ở người tình nguyện khỏe mạnh, sử dụng đồng thời metformin 850 mg ba lần một ngày với một liều trên ngưỡng điều trị là 10 mg linagliptin một lần hàng ngày không làm thay đổi có ý nghĩa lâm sàng dược động học của linagliptin hoặc metformin. Do đó, linagliptin không phải là một chất ức chế vận chuyển qua trung gian OCT.

Sulphonylureas: Dược động học ở trạng thái ổn định khi dùng liều 5 mg linagliptin không bị thay đổi khi dùng cùng với một liều đơn 1,75 mg glibenclamide (glyburide) và nhiều liều linagliptin 5 mg đường uống. Tuy nhiên, có giảm 14% ở cả hai giá trị AUC và Cmax của glibenclamide không đáng kể về mặt lâm sàng. Do glibenclamide được chuyển hóa chủ yếu bởi CYP2C9, những dữ liệu này cũng hỗ trợ cho thấy linagliptin không phải là một chất ức chế CYP2C9. Các tương tác có ý nghĩa lâm sàng khó có thể xảy ra với các sulphonylurea khác (ví dụ glipizide, tolbutamide và glimepiride) được thải trừ chủ yếu bởi CYP2C9 tương tự như glibenclamide.

Các thiazolidinedione: Sử dụng đồng thời nhiều liều hàng ngày 10 mg linagliptin (trên ngưỡng điều trị) với nhiều liều hàng ngày 45 mg pioglitazone – một cơ chất của CYP2C8 và CYP3A4 không có ảnh hưởng lâm sàng lên dược động học của cả linagliptin và pioglitazone hay các chất chuyển hóa có hoạt tính của pioglitazone, điều này cho thấy linagliptin không phải là chất ức chế chuyển hóa qua trung gian qua CYP2C8 in vivo và ủng hộ cho kết luận rằng sự ức chế CYP3A4 in vivo của linagliptin là không đáng kể.

Ritonavir: Một nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của ritonavir, một chất ức chế mạnh P-glycoprotein và CYP3A4, lên dược động học của linagliptin. Việc sử dụng đồng thời một liều đơn đường uống 5 mg linagliptin và đa liều đường uống 200 mg ritonavir làm tăng AUC và Cmax của linagliptin lần lượt khoảng 2 và 3 lần. Sự mô phỏng về nồng độ linagliptin trong huyết tương ở trạng thái ổn định khi có và không có ritonavir cho thấy sự tăng nồng độ thuốc không đi kèm với tăng tích lũy. Những thay đổi dược động học của linagliptin không được cho là có ý nghĩa lâm sàng. Vì vậy, tương tác có ý nghĩa lâm sàng được cho là khó có thể xảy ra với các chất ức chế P-glycoprotein/CYP3A4 và không cần phải hiệu chỉnh liều.

Rifampicin: Một nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của rifampicin, một chất cảm ứng mạnh P-glycoprotein và CYP3A4, lên dược động học của linagliptin khi dùng ở liều 5 mg. Dùng đồng thời đa liều linagliptin với rifampicin dẫn đến giảm lần lượt 39,6% và 43,8% AUC và Cmax ở trạng thái ổn định của linagliptin và giảm khoảng 30% sự ức chế DPP-4 ở nồng độ đáy. Vì vậy, phối hợp linagliptin và các chất cảm ứng P-gp mạnh được cho là có hiệu quả lâm sàng mặc dù hiệu quả đầy đủ có thể không đạt được.

Digoxin: Sử dụng đồng thời đa liều hàng ngày 5 mg linagliptin với đa liều 0,25 mg digoxin ở người tình nguyện khỏe mạnh không có ảnh hưởng đến dược động học của digoxin. Vì vậy, trên in vivo, linagliptin không phải là chất ức chế vận chuyển qua trung gian P-glycoprotein.

Warfarin: Dùng đa liều hàng ngày 5 mg linagliptin không làm thay đổi dược động học của đồng phân S(-) hoặc R(+) warfarin, một cơ chất CYP2C9, điều này cho thấy linagliptin không phải chất ức chế CYP2C9.

Simvastatin: Trên người tình nguyện khỏe mạnh, dùng đa liều hàng ngày 10 mg linagliptin (trên ngưỡng điều trị) có ảnh hưởng tối thiểu đến dược động học ở trạng thái ổn định của simvastatin, một cơ chất CYP3A4 nhạy cảm. Sau khi dùng đồng thời 10 mg linagliptin với 40 mg simvastatin mỗi ngày trong 6 ngày, AUC huyết tương của simvastatin tăng 34% và Cmax trong huyết tương tăng 10%. Vì vậy, linagliptin được coi là chất ức chế yếu sự chuyển hóa qua trung gian CYP3A4 và không cần thiết phải hiệu chỉnh liều của cơ chất chuyển hóa bởi CYP3A4 khi sử dụng đồng thời.

Thuốc tránh thai đường uống: Sử dụng đồng thời với 5 mg linagliptin không làm thay đổi dược động học ở trạng thái ổn định của levonorgestrel hoặc ethinylestradiol.

Sinh khả dụng tuyệt đối của linagliptin khoảng 30%. Do việc sử dụng đồng thời linagliptin trong bữa ăn giầu chất béo không gây ra ảnh hưởng có ý nghĩa lâm sàng đối với dược động học, linagliptin có thể được dùng cùng hoặc không cùng với thức ăn.

B. METFORMIN

Nguy cơ nhiễm toan acid lactic gia tăng ở bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính (đặc biệt trong trường hợp nhịn ăn, suy dinh dưỡng hoặc suy gan) do hoạt chất metformin của TRAJENTA DUO (xem phần Cảnh báo và thận trọng). Nên tránh uống rượu và các thuốc chứa chất cồn.

Các thuốc gốc cation được thải trừ chủ yếu qua ống thận (ví dụ: cimetidine) có thể tương tác với metformin do cạnh tranh để được hệ thống vận chuyển tại ống thận. Một nghiên cứu được tiến hành trên 7 người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy cimetidine liều 400 mg 2 lần mỗi ngày làm tăng nồng độ toàn thân của metformin (AUC) thêm 50% và Cmax 81%. Vì vậy, nên cân nhắc theo dõi đường huyết chặt chẽ, hiệu chỉnh liều trong khoảng liều khuyến cáo và thay đổi điều trị đái tháo đường khi dùng đồng thời với các thuốc cation thải trừ qua ống thận.

Các thuốc ức chế carbonic anhydrase

Topiramate hoặc các thuốc ức chế carbonic anhydrase (zonisamide, acetazolamide hoặc dichlorphenamide) thường xuyên gây giảm bicarbonate huyết thanh và gây toan chuyển hoá tăng clo huyết, không thay đổi khoảng trống anion. Sử dụng đồng thời các thuốc này có thể có thể gây toan chuyển hoá. Nên thận trọng dùng những thuốc này ở bệnh nhân điều trị với TRAJENTA DUO do có thể tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic.

Tiêm thuốc cản quang vào nội mạch ở những bệnh nhân đang điều trị metformin có thể dẫn tới suy giảm cấp tính chức năng thận và gây ra toan lactic. Ngừng sử dụng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện chiếu chụp có sử dụng thuốc cản quang có chứa iod ở những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30-60 mL/phút /1,73m2, những bệnh nhân có tiền sử suy gan, nghiện rượu, suy tim hoặc những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod theo đường động mạch. Đánh giá lại eGFR 48 giờ sau khi chiếu chụp và sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định.

6. Quá liều và xử trí :

Triệu chứng

Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng tiến hành trên người tình nguyện khỏe mạnh, liều đơn lên tới 600 mg linagliptin (tương đương với 120 lần liều khuyến cáo) được dung nạp tốt. Chưa có kinh nghiệm sử dụng liều cao hơn 600 mg ở người.

Tình trạng hạ đường huyết không xảy ra với metformin hydrochloride liều lên tới 85 g mặc dù có xảy ra tình trạng nhiễm toan acid lactic. Liều cao metformin hydrochloride hoặc các yếu tố nguy cơ đi kèm có thể dẫn đến trình trạng nhiễm toan acid lactic. Nhiễm toan acid lactic là một cấp cứu nội khoa và phải được điều trị tại bệnh viện.

Điều trị

Trong trường hợp quá liều, nên tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ thông thường, ví dụ: loại bỏ thuốc chưa được hấp thu khỏi đường tiêu hóa, theo dõi lâm sàng và tiến hành các biện pháp điều trị cần thiết. Biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ lactate và metformin hydrochloride là lọc thận.

Quên liều

Nếu quên một liều thuốc, cần uống ngay khi bệnh nhân nhớ ra.

Tuy nhiên, không nên dùng liều gấp đôi cùng một thời điểm. Trong trường hợp đó, nên bỏ qua liều đã quên.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị

 

       Dược sĩ Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn: Tờ HDSD của nhà sản xuất, Dược Thư Việt Nam)

 


Picture7.png

25 Tháng Ba, 2024 Truyền Thông

Tên chung quốc tếRebamipide.

Loại thuốc: Nhóm thuốc dạ dày.

Mã ATC: A02BX14.

Dạng thuốc và hàm lượng: viên nén bao phim 100mg

1.Dược lực học

Rebamipide là một chất bảo vệ niêm mạc và được cho là có tác dụng tăng lưu lượng máu trong dạ dày, sinh tổng hợp prostaglandin và giảm các gốc oxy tự do.

2. Dược động học

Hấp thu: Thời gian đạt đến nồng độ đỉnh trong huyết tương là 2 giờ.

Phân bố: Gắn kết với protein huyết tương xấp xỉ 98%.

Bài tiết: Qua nước tiểu (khoảng 10%) dưới dạng thuốc không thay đổi. Thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 1,5 giờ.

3. Chỉ định

Viêm dạ dày

Loét dạ dày: Kết hợp với thuốc ức chế yếu tố tấn công (thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng cholinergic, thuốc đối kháng thụ thể H2).

4. Chống chỉ định

Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.

5. Liều dùng và cách dùng 

Người lớn: uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày (sáng, tối và trước khi đi ngủ)

6. Thận trọng

Phụ nữ mang thai và cho con bú.

Người lớn tuổi.

7. Tác dụng không mong muốn  (ADR)

Chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu.

Tăng ALT, AST và BUN, phù, tăng bilirubin máu; nữ hóa tuyến vú, cảm ứng tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa; giảm bạch cầu, tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu; phát ban, mày đay, chàm.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

       Dược sĩ Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn: Tờ Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất)

 

 


Picture8.png

25 Tháng Ba, 2024 Truyền Thông

Tên chung quốc tế: Caspofungin acetate.

Nhóm thuốc : Thuốc chống nấm.

Dạng bào chế – Hàm lượng : Lọ bột đông khô pha tiêm Cancidas 50 mg, 70 mg

1.Chỉ định :

Điều trị theo kinh nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm nấm trên người bệnh sốt giảm bạch cầu trung tính, điều trị nhiễm Candida huyết hoặc Candida xâm lấn trong áp-xe ổ bụng, viêm phúc mạc, nhiễm nấm khoang màng phổi, điều trị nhiễm Aspergillus xâm lấn trong trường hợp không dung nạp hoặc kháng trị với amphotericin B và/hoặc itraconazole.

2. Chống chỉ định :

Quá mẫn cảm với caspofungin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Thận trọng :

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ < 12 tháng tuổi, người bệnh suy gan nặng.

4. Tác dụng không mong muốn (ADR) :

Thường gặp: Hạ huyết áp, mẩn ngứa, tiêu chảy, tăng enzyme gan, sốt, rét run. Nghiêm trọng: Hội chứng SJS/TEN, viêm tụy cấp, viêm gan hoại tử, suy gan, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, phù mạch thần kinh.

5. Liều dùng – Cách dùng :

Người lớn (≥ 18 tuổi): Liều tải 70 mg vào ngày đầu tiên. Duy trì 50 mg/1 lần/ngày với các ngày tiếp theo.

Trẻ em ≥ 3 tháng: Tính theo diện tích bề mặt cơ thể. Liều tải 70 mg/m2 (không quá 70 mg/liều) vào ngày đầu tiên. Liều duy trì 50 mg/m2 (không quá 50 mg/liều), 1 lần/ngày với các ngày tiếp theo.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi: 25 mg/m2, 1 lần/ngày.

Thời gian điều trị: Phụ thuộc vào mức độ nặng, đáp ứng miễn dịch của người bệnh và mức độ cải thiện trên lâm sàng.

– Nhiễm Candida xâm lấn (gồm cả nhiễm Candida huyết): Kéo dài thêm ít nhất 2 tuần kể từ thời điểm cấy âm tính với Candida, và các triệu chứng lâm sàng được cải thiện.

– Điều trị kinh nghiệm sốt giảm bạch cầu trung tính: Điều trị cho đến khi bạch cầu phục hồi (≥ 0,5 × 109/lít nếu không phân lập được nấm. Trường hợp có phân lập được, cần điều trị ít nhất 14 ngày và 7 ngày sau khi bạch cầu đã về bình thường

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch chậm trong khoảng 1 giờ, chỉ pha loãng bằng NaCl 0,9%. Thuốc tương kỵ với các dung môi chứa glucose.

Chú ý khi sử dụng :

Caspofungin là thuốc kháng sinh hạn chế cao, phải hội chẩn Ban quản lý sử dụng kháng sinh trước khi sử dụng. Không dùng caspofungin để điều trị nhiễm nấm Candida tiết niệu, thần kinh trung ương hoặc mắt. Cân nhắc xuống thang bằng fluconazole sau 5 – 7 ngày khi người bệnh có tình trạng lâm sàng ổn định, chủng nấm phân lập được nhạy cảm với fluconazole, kết quả cấy máu âm tính và người bệnh có thể dung nạp đường uống.

Phụ nữ có thai :

C (FDA) (*).

Phụ nữ cho con bú:

Không khuyến cáo sử dụng.

Không cần hiệu chỉnh liều trên người bệnh suy thận.

(*) Nhóm C theo phân loại của FDA: Nghiên cứu trên động vật cho thấy có nguy cơ trên thai nhi (quái thai, thai chết hoặc các tác động khác) nhưng không có nghiên cứu đối chứng trên phụ nữ có thai. Chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai trong trường hợp lợi ích vượt trội nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi

6. Bảo quản :

Bảo quản các lọ chưa mở: bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C.

Bảo quản Cancidas đã pha trong lọ: Cancidas đã pha trong lọ để ở 25°C trở xuống bảo quản được 24 giờ trước khi pha dung dich truyền cho bệnh nhân.

Bảo quản sản phẩm đã pha loãng để truyền: Dung dịch pha xong để truyền cho bệnh nhân trong túi hoặc chai truyền tĩnh mạch có thể bảo quản từ 25°C trở xuống trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ khi để trong tủ lạnh ở 2°C  đến 8°C.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị

       Dược sĩ Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn: Uptodate, Micromedex, Tờ hướng dẫn sử dụng của Nhà sản xuất)

 


Picture9.png

25 Tháng Ba, 2024 Truyền Thông

Tên chung quốc tế: Gliclazid + Metformin

Dạng thuốc và hàm lượng: 80mg Gliclazid + 500mg Metformin hydrochloride

Phân loại: Thuốc điều trị tiểu đường. Dạng kết hợp

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): A10BD02.

Dạng bào chế – hàm lượng: Viên nén có chứa 500 mg Metformin và 80 mg Gliclazide.

Chỉ định :

Melanov-M được chỉ định dùng cho bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin typ 2, người mà đã dùng liệu pháp phối hợp Gliclazid và Metformin vì không kiểm soát được đường huyết bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục hoặc bằng liệu pháp đơn độc Gliclazid hay Metformin.

Chống chỉ định :

Đái tháo đường phụ thuộc insulin, suy gan, nghiện rượu, đái tháo đường không phụ thuộc insulin có biến chứng nghiêm trọng do nhiễm ceton hoặc acid, hôn mê hoặc tiền hôn mê do đái tháo đường, bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật, chấn thương hay nhiễm khuẩn, bệnh phổi nghẽn mãn tính, bệnh phổi thiếu oxy mãn tính, bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch ngoại vi, có thai, cho con bú, được biết có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.

Bệnh nhân suy thận nặng (eGFR dưới 30 mL/phút/1,73 m2).

Bệnh nhân đã có tiền sử quá mẫn với metformin.

Bệnh nhân toan chuyển hóa cấp tính hoặc mãn tính, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường.

Cách dùng – liều dùng :

Liều lượng sử dụng thuốc sẽ dựa trên tình trạng bệnh và độ tuổi của người bệnh.

Uống từ 1-2 viên/lần, ngày uống 1-2 lần mỗi ngày trong bữa ăn với liều tối đa là 4 viên mỗi ngày.

Tác dụng không mong muốn (ADR) :

Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày, táo bón, nôn, vị kim loại trong miệng, những tác dụng này thường có liên quan tới liều lượng và sẽ hết khi giảm liều.

Tác dụng trên da: phát ban, ngứa, mày đay, ban đỏ, bừng đỏ.

Thần kinh trung ương: đau đầu, chóng mặt hoa mắt.

Tim mạch: Gliclazid có thể có nguy cơ gây tác dụng phụ trên hệ tim mạch. Tuy nhiên, Gliclazid đã được sử dụng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin trong nhiều năm mà không có tác dụng phụ trên hệ tim mạch.

Hấp thu: Giảm hấp thu vitamin B12 và acid folic đã xảy ra khi dùng Metformin kéo dài.

* Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác thuốc :

Giảm tác dụng :

Những thuốc có xu hướng gây tăng glucose huyết (ví dụ: thuốc lợi tiểu, corticosteroid, phenothiazin, những chế phẩm tuyến giáp, oestrogen, thuốc tránh thụ thai uống, phenytoin, acid nicotinic, những thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm, những thuốc chẹn kênh calci, isoniazid, có thể dẫn đến làm giảm sự kiểm soát glucose huyết.

Tăng tác dụng :

Furosemid làm tăng nồng độ tối đa metformin trong huyết tương và trong máu, mà không làm thay đổi hệ số thanh thải thận của metformin trong nghiên cứu dùng một liều duy nhất.

Tăng độc tính :

Những thuốc cationic (ví dụ : amilorid, digoxin, morphin, procainamid, quinidin, quinin, ranitidin, triamteren, trimethoprim và vancomycin) được thải trừ nhờ bài tiết qua ống thận có thể có khả năng tương tác với metformin bằng cách cạnh tranh với những hệ thống vận chuyển thông thường ở ống thận.

Cimetidin làm tăng (60%) nồng độ đỉnh của metformin trong huyết tương và máu toàn phần, do đó tránh dùng phối hợp metformin với cimetidin.

Quá liều và cách xử trí:

Hạ đường huyết có thể xảy ra trong trường hợp quá liều. Khi có tai biến quá liều, nên tiến hành rửa dạ dày và nên cố gắng tiêm tĩnh mạch bằng glucose ưu trương (10% hoặc 30%) và tiếp tục kiểm soát nồng độ glucose máu.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh với đội ngũ Y Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và luôn lấy Người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động, nếu Người bệnh có vấn đề về sức khỏe, hay cần biết thêm thông tin hãy đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

       Dược sĩ Đinh Khắc Thành Đô

(Nguồn: Tờ hướng dẫn của nhà sản xuất)

 


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group