muoi1.png

16 Tháng Chín, 2022 Tin TứcTruyền Thông
Ảnh minh họa – nguồn Internet

Ngày 24/5/2022, Uỷ ban Châu Âu đã có quyết định pháp lý cuối cùng về việc đình chỉ lưu hành dịch truền hydroxyethyl starch (HES) tại thị trường Châu Âu. Cơ quan này cũng đề xuất trong trường hợp vì lý do sức khỏe cộng đồng, từng quốc gia thành viên tại liên minh Châu Âu có thể trì hoãn việc đình chỉ lưu hành các chế phẩm chứa HES nhưng không quá 18 tháng kể từ sau thông báo của Ủy ban Châu Âu và trong thời gian đó cần đảm bảo áp dụng các biện pháp giảm thiểu nguy cơ với dịch truyền HES còn trên thị trường.

Sau biện pháp quản lý của EMA, Cơ quan quản lý Dược phẩm một số nước tại Châu Âu như Anh và Pháp đã đưa thông tin liên quan đến quyết định của EMA. Trong đó, Cơ quan quản lý Dược phẩm Anh đề cập hiện không còn chế phẩm chứa HES lưu hành tại nước này. Hiện tại, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa có động thái quản lý mới. Thông tin cảnh báo gần nhất được FDA đưa ra vào tháng 7/2021 [4]. Cơ quan này thông báo đã hoàn thành việc đánh giá dữ liệu và thông tin về độ an toàn của các chế phẩm chứa HES. Kết quả cho thấy các nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các chế phẩm HES, gồm có:

  1. Tử vong, tổn thương thận cấp cần điều trị thay thế thận, chảy máu kéo dài ở những bệnh nhân phẫu thuật được điều trị bằng các chế phẩm chứa HES.
  2. Tử vong và tổn thương thận cấp ở những bệnh nhân chấn thương kín được điều trị bằng chế phẩm chứa HES.

FDA yêu cầu thay đổi thông tin trong mục “cảnh báo được đóng khung” để làm nổi bật nguy cơ gây tử vong, tổn thương thận và chảy máu kéo dài, đồng thời đi kèm khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm chứa HES trừ khi không có phương pháp điều trị thay thế thích hợp.

Các chế phẩm chứa HES được chỉ định trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp tính khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không mang lại hiệu quả đầy đủ. Theo Hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết của Tổ chức y tế thế giới (WHO) (2009) có thể sử dụng các dịch truyền cao phân tử chứa gelatin, dextran hoặc starch. Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát sốt xuất huyết của WHO khu vực Đông Nam Á (2011) đưa ra một số nguyên tắc chung với truyền dịch trong sốt xuất huyết như sau:

– Nên sử dụng dịch truyền tinh thể đẳng trương trong suốt giai đoạn nặng của bệnh, trừ trẻ nhỏ <6 tháng tuổi có thể sử dụng natri clorid 0,45%.

– Có thể sử dụng dịch keo có áp suất thẩm thấu cao (>300 mOsm/l) như dextra 40 và starch ở bệnh nhân bị thoát huyết tương nặng và bệnh nhân sử dụng dịch truyền tinh thể đơn độc không có hiệu quả đầy đủ. Các dung dịch keo áp suất thẩm thấu tương đương như huyết tương và dịch thay thế huyết tương có thể không hiệu quả.

– Bổ sung dịch truyền với thể tích cao hơn 5% (tính lượng mất nước) để duy trì thể tích và tuần hoàn nội mạch.

– Thời gian điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch không quá 24-48 giờ đối với bệnh nhân bị sốc. Thời gian truyền dịch cho bệnh nhân không bị sốc có thể kéo dài từ 60-72 giờ.

– Ở bệnh nhân béo phì, cần áp dụng cân nặng lý tưởng để tính toán thể tích dịch truyền.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue (2019) của Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo sử dụng các dung dịch cao phân tử như dextran 40 hoặc 70, hydroxyethyl starch (HES 200.000 dalton) trong điều trị sốt xuất huyết nặng.

Dược sĩ

 ĐINH KHẮC THÀNH ĐÔ

Nguồn: Cảnh giác Dược


nsaid-1-16629643012401238549749-1200x800.jpeg

16 Tháng Chín, 2022 Tin TứcTruyền Thông

Cảnh báo này đã được đưa ra từ tháng 10/2020.

Cập nhật tháng 9/2022: Bổ sung danh mục 2 thuốc NSAID không được FDA cấp phép bao gồm salsalate và cholin magie trisalicylate

FDA cảnh báo rằng việc sử dụng các thuốc chống viêm nonsteroid cho phụ nữ mang thai từ 20 tuần tuổi có thể dẫn tới các vấn đề trên thận hiếm gặp nhưng nghiêm trọng cho thai nhi. Tình trạng này có thể gây ra thiểu ối và các biến chứng sau đó. Các NSAID là thuốc được sử dụng phổ biến để giảm đau và hạ sốt. Các thuốc này bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac và celecoxib. Ở phụ nữ mang thai từ 20 tuần trở lên, nước ối chủ yếu do thận của thai nhi tạo ra, do vậy các vấn đề trên thận có thê làm giảm lượng nước ối. Nước ối tạo ra lớp đệm bảo vệ và giúp phổi, hệ tiêu hóa và cơ của thai nhi phát triển.

Tránh sử dụng NSAID cho phụ nữ mang thai từ 20 tuần tuổi trở lên. Ảnh minh họa – nguồn Internet

Mặc dù vấn đề an toàn thuốc này đã được nhiều chuyên khoa biết đến, FDA muốn truyền thông các khuyến cáo rộng rãi hơn để giáo dục cho các nhân viên y tế khác và phụ nữ mang thai. Thông tin an toàn này liên quan đến tất cả các thuốc NSAID kê đơn và không kê đơn (OTC).

Đối với NSAID cần kê đơn trước khi sử dụng, FDA yêu cầu thay đổi thông tin kê đơn để mô tả các vấn đề trên thận của thai nhi có thể dẫn tới thiểu ối. FDA khuyến cáo tránh sử dụng NSAIDS ở phụ nữ mang thai từ 20 trở lên thay vì 30 tuần như trong tờ thông tin sản phẩm hiện tại. Từ khoảng 30 tuần tuổi trở đi, NSAID có thể gây ra vấn đề trên tim ở thai nhi. Trong trường hợp cần sử dụng NSAID ở phụ nữ mang thai từ 20-30 tuần, cần sử dụng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể. Thông tin kê đơn cũng được thay đổi để bổ sung việc cân nhắc siêu âm theo dõi nước ối nếu sử dụng NSAID dài hơn 48 giờ.

FDA cũng cập nhật nhãn của các thuốc NSAID không kê đơn sử dụng ở người lớn. Hiện tại, nhãn của các thuốc này đã cảnh báo tránh sử dụng NSAID trong 3 tháng cuối thai kỳ vì có thể gây ra các vấn đề trên thai nhi hoặc các biến chứng trong quá trình chuyển dạ. Nhãn các thuốc đã khuyến cáo phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú cần hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng thuốc.

Khuyến cáo này không bao gồm aspirin liều thấp 81 mg được chỉ định trong một số tình trạng của phụ nữ mang thai ở mọi thời điểm của thai kỳ dưới sự chỉ định của bác sĩ điều trị.

Thông tin dành cho nhân viên y tế

FDA khuyến cáo nhân viên y tế nên hạn chế kê đơn NSAID cho phụ nữ mang thai từ 20-30 tuần và tránh kê đơn sau 30 tuần. Trong trường hợp cần chỉ định, nên sử dụng thuốc với liều thấp có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Cân nhắc siêu âm theo dõi nước ối nếu thời gian điều trị dài hơn 48 giờ và ngừng NSAID nếu phát hiện thiểu ối.

Thông tin dành cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai từ 20 tuần trở lên không nên sử dụng NSAIDs trừ trường hợp đặc biệt được bác sĩ khuyến cáo vì các loại thuốc này có thể gây ra hại cho thai nhi. Trao đổi với bác sĩ điều trị về nguy cơ và lợi ích của các thuốc này trước khi sử dụng, đặc biệt từ tuần 20 trở lên. Vì nhiều loại thuốc không cần kê đơn có chứa NSAID, cần đọc kỹ nhãn thuốc để biết chế phẩm đó có chứa NSAID hay không. Nếu không chắc chắn, hãy nhờ nhân viên y tế giúp đỡ.

Các loại thuốc khác như paracetamol đều có sẵn để hạ sốt và giảm đau trong thời kỳ mang thai. Trao đổi với dược sĩ hoặc bác sĩ để được hỗ trợ lựa chọn điều trị tốt nhất.

Các thuốc NSAID được FDA cấp phép lưu hành trên thị trường gồm có: aspirin, celecoxib, diclofenac, diflunisal, etodolac, fenoprofen, flurbiprofen, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, meclofenamate, mefenamic acid, meloxicam, nabumetone, naproxen, oxaprozin, piroxicam, sulindac, tolmetin.

Các thuốc NSAID không được FDA cấp phép bao gồm salsalate và cholin magie trisalicylate.

Theo dõi Website:https://benhvienlevanthinh.vn để nắm thêm nhiều thông tin về y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dược sĩ

Trần Thị Diễm Trang

Nguồn: Cảnh giác Dược



31 Tháng Tám, 2022 Tin TứcTruyền Thông

Cục Quản lý Dược vừa có công văn số 8035/QLD-CL ngày 19/08/2022 về việc mẫu Ophazidon giả, số lô 290621, 390721, 540921 và 691121.

Kết quả kiểm nghiệm các mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu Định tính, Định lượng (cafein) và Định lượng (paracetamol). Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương, Y tế các ngành

1- Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về 04 lô thuốc giả trên có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật

Thông tin trên nhãn thuốc: Đối chiếu vị trí trình bày Số đăng ký và Số lô sản xuất trên nhãn

Viên thuốc: nét khắc chữ “TK” trên viên thuốc giả không sắc nét; màu sắc trên viên thuốc giả không đồng nhất.

2- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Ophazidon giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.

3- Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Ophazidon giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng.

Dược sĩ

Trần Thị Diễm Trang

( Nguồn: CANH GIAC DUOC – DiemTin)


7405632A_1_TScb5b60d5-ff6b-4d89-aa2f-47f24d8ff429_1.jpg

23 Tháng Tám, 2022 Tin TứcTruyền Thông
Ảnh minh họa – nguồn Internet

Ticagrelor là chất ức chế P2Y12 được chấp thuận để ngăn ngừa các biến cố tim mạch. Gần đây, một nghiên cứu trên tế bào và chuột được đăng trên JAMA Cardiology cho thấy ticagrelor có hoạt tính kháng vi khuẩn gram dương đề kháng thuốc.

Một phân tích hậu kiểm đã cho thấy nhóm bệnh nhân dùng ticagrelor trong thử nghiệm lâm sàng có tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn thấp hơn so với nhóm dùng clopidogrel. Do đó các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm để xác định liệu ticagrelor có đặc tính kháng khuẩn hay không.

Các nhà nghiên cứu đã thử hoạt tính của ticagrelor và các chất chuyển hóa đối với một số vi khuẩn trên in vitro. Kết quả cho thấy:

  • Ticagrelor và một trong số các chất chuyển hóa có hoạt tính kháng khuẩn đối với tất cả các chủng vi khuẩn gram dương được thử nghiệm, bao gồm cả các chủng kháng thuốc.
  • Ticagrelor vượt trội hơn vancomycin trên các chủng  aureusvà S. epidermidis kháng methicillin (MRSA và MRSE).
  • Ở chuột, ticagrelor liều thường dùng ức chế sự phát triển của vi khuẩn trên mô cấy ghép bị nhiễm  aureus.

Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu của ticagrelor dao động từ 20 – 40 mg/L đối với các chủng gram dương. Ticagrelor không có hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm như Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli. Ticagrelor làm tăng hoạt tính diệt khuẩn của vancomycin, rifampin và ciprofloxacin. Tác động ức chế của sự hình thành màng sinh học phụ thuộc liều đã được ghi nhận trên MRSA, VRE và MRSE.

Lưu ý rằng với liều dùng để điều trị bệnh tim mạch, ticagrelor không đạt được nồng độ diệt khuẩn ở mức độ toàn thân, nhưng vẫn có thể có hoạt tính kháng khuẩn tại các vị trí nhiễm khuẩn do tác động tích lũy thuốc thông qua tiểu cầu. Các nhà nghiên cứu kêu gọi tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên để so sánh hoạt tính kháng khuẩn của ticagrelor với các liệu pháp chống tập kết tiểu cầu khác ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Bình luận

Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng giải thích hoạt tính kháng khuẩn có thể có của ticagrelor quan sát được trong các phân tích hậu kiểm của các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trước đây. Mặc dù tác động kháng khuẩn đáng kể trên in vitro chỉ thấy ở nồng độ cao hơn so với liều điều trị bệnh tim mạch, tác động kháng khuẩn và kháng màng sinh học mạnh của ticagrelor trong các nghiên cứu trên chuột cho thấy khả năng phối hợp với hệ miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu lâm sàng trong tương lai sẽ hướng đến việc khảo sát việc sử dụng ticagrelor trong bệnh nhiễm nội mạch.

Tài liệu tham khảo

Patrizio Lancellotti, Lucia Musumeci, Nicolas Jacques, et al. Antibacterial Activity of Ticagrelor in Conventional Antiplatelet Dosages Against Antibiotic-Resistant Gram-Positive Bacteria. JAMA Cardiol. doi:10.1001/jamacardio.2019.1189. Link. Truy cập 01/06/2019.

Theo dõi website BỆNH VIỆN LÊ VĂN THỊNH (https://benhvienlevanthinh.vn/) để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dược sĩ

ĐINH KHẮC THÀNH ĐÔ

(Nguồn: Medscape, Thông tin thuốc)


AESCIN-20MG.png

Ảnh minh họa: nguồn Internet
1. Dạng bào chế – biệt dược

Viên nén bao phim: Aescin 20mg

2. Chỉ định

– Điều trị thiểu năng tĩnh mạch mãn tính, giãn tĩnh mạch chân, trĩ.

– Điều trị viêm tĩnh mạch chân.

– Phòng và điều trị tụ máu, chống viêm, chống phù nề sau phẫu thuật và chấn thương.

3. Cách dùng – liều dùng: 

– Người lớn: Uống 2 viên/lần x 3 lần/ngày. Uống thuốc sau khi ăn và uống với nhiều nước. Với mục đích phòng ngừa nên dùng trước khi phẫu thuật ít nhất 16 tiếng.

Sau 2-3 tháng điều trị có thể dùng liều duy trì với 40mg (2 viên) mỗi lần, ngày uống 2 lần.

– Người già: Không cần thiết phải điều chỉnh liều lượng.

– Trẻ em: Không khuyến cáo sử dụng.

4. Chống chỉ định:

Không dùng Aescin cho những bệnh nhân:

– Qúa mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.

– Tuyệt đối không dùng cho những bệnh nhân suy thận cấp.

– Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

5. Thận trọng:

– Trong suốt thời gian sử dụng liệu pháp điều trị với alpha-escin, phải kiểm tra chức năng thận.

– Không nên sử dụng Aescin với bệnh nhân có tiền sử bệnh không dung nạp galactose, thiếu hụt lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose.

– Aesin có chứa chất tạo màu vàng cam (E 110) có thể gây các phản ứng dị ứng.

6. Tương tác thuốc:

– Với bệnh nhân đang dùng thuốc tránh thai, có thể tăng gấp đôi liều dùng Aescin.

– Aescin có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông. Kháng sinh Cephalosporin có thể làm tăng tác dụng của Aescin.

– Nên tránh dùng đồng thời Aescin với kháng sinh nhóm Aminoglycosid do khả năng tăng độc tính của kháng sinh Aminiglycosid trên thận.

7. Tác dụng không mong muốn:

Rất hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn, bao gồm nổi mày đay.

Hay gặp: Rối loạn đường tiêu hóa.

Thận trọng/Lưu ý

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế trên từng đối tượng Người bệnh. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Trên đây là thông tin về thuốc Aescin 20mg, hy vọng những thông tin chúng tôi vừa chia sẻ sẽ giúp bạn đọc cập nhật thêm kiến thức về cách sử dụng thuốc Aescin 20mg một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Theo dõi website: benhvienlevanthinh.vn để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dược sĩ

Trần Thị Diễm Trang

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất


Arzneien-1024x683-1.jpg

23 Tháng Tám, 2022 Tin TứcTruyền Thông
Sử dụng kháng sinh không hợp lý : hậu quả và sự cần thiết quản lý sử dụng kháng sinh

Khi người bệnh sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm xuất hiện tình trạng vi sinh vật đột biến hoặc xuất hiện gen kháng thuốc, từ đó vi sinh vật đề kháng lại một kháng sinh mà trước đây vi sinh vật đã nhạy cảm. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi sinh vật, dẫn đến giảm hiệu quả của kháng sinh, thất bại trong điều trị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, sử dụng kháng sinh không hợp lý còn kéo theo sự gia tăng tỉ lệ lây nhiễm cho những người xung quanh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi sinh vật, dẫn đến giảm hiệu quả của kháng sinh, thất bại trong điều trị nhiễm khuẩn

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận có sự gia tăng tỉ lệ kháng thuốc so với trước đây, nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc đã xuất hiện trong thời gian gần đây, trong đó rất nhiều vi khuẩn kháng với hầu hết các loại kháng sinh hiện hành, và các vi khuẩn này còn được gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp phù hợp, thì với tốc độ tìm ra các thuốc phát minh hiện nay vốn đã không theo kịp với tốc độ vi khuẩn đề kháng thuốc, trong tương lai gần, việc thiếu thuốc sẽ là hậu quả tất yếu. Thiếu thuốc nói chung và thiếu kháng sinh nói riêng sẽ đưa xã hội loài người trở lại với thời kỳ khi con người chưa có kháng sinh như trước đây, nghĩa là không thể kiểm soát được tỉ lệ bệnh tật và thương vong vì không có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.

Những biểu hiện sử dụng kháng sinh không hợp lý

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý rất đa dạng, có liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, trong đó cán bộ y tế và người bệnh là hai đối tượng có sự liên quan trực tiếp.

Đối với cán bộ y tế, sử dụng kháng sinh không hợp lý xảy ra khi họ lựa chọn kháng sinh mà không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng kháng sinh của cơ quan quản lý về y tế. Trong thực hành lâm sàng, việc lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là người bệnh và vi khuẩn gây bệnh. Những yếu tố liên quan đến người bệnh cần xem xét khi lựa chọn kháng sinh bao gồm tuổi, tiền sử dị ứng thuốc, chức năng gan thận, tình trạng suy giảm miễn dịch, mức độ nặng của bệnh, bệnh mắc kèm, cơ địa dị ứng của người bệnh. Các yếu tố liên quan đến vi khuẩn cần được xem xét khi lựa chọn kháng sinh bao gồm loại vi khuẩn, độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn. Trong thực tế, những yếu tố liên quan đến người bệnh và vi khuẩn gây bệnh đôi khi không được xem xét một cách đầy đủ, dẫn đến việc lựa chọn kháng sinh không phù hợp. Ngoài việc phải lựa chọn kháng sinh theo đặc điểm của tác nhân gây bệnh và của người bệnh, cán bộ y tế cũng cần phải lựa chọn kháng sinh theo vị trí nhiễm khuẩn, theo dược động học, dược lực học của thuốc, và theo đặc điểm của mô hình kháng thuốc tại nơi mà người bệnh đang được điều trị. Về nguyên tắc, nếu đã có bằng chứng rõ ràng về vi khuẩn và kết quả của kháng sinh đồ, kháng sinh được lựa chọn cho người bệnh phải là kháng sinh có hiệu quả cao nhất với độc tính thấp nhất, đồng thời phải có phổ tác dụng hẹp nhất và gần với các tác nhân gây bệnh được phát hiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong thực tế khi quyết định lựa chọn kháng sinh để điều trị cho người bệnh, cán bộ y tế đã không xem xét các yếu tố về người bệnh và vi khuẩn gây bệnh một cách toàn diện, nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh điều trị khi không có bằng chứng lâm sàng rõ rệt về nhiễm khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý đã được ghi nhận, nguyên nhân thường là do bác sĩ chưa biết được tác nhân vi khuẩn gây bệnh khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh cho người bệnh, nên bác sĩ thường dựa theo kinh nghiệm của mình để dự đoán những tác nhân vi khuẩn gây bệnh và tình hình nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh ngay tại địa phương, từ đó đưa ra quyết định về kháng sinh lựa chọn ban đầu cho người bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong một số trường hợp, ngay cả khi đã có bằng chứng vi khuẩn học, tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn xảy ra vì có trường hợp bác sĩ lựa chọn thuốc không theo tiêu chí “ưu tiên lựa chọn kháng sinh có hiệu quả cao nhất với độc tính thấp nhất, và có phổ tác dụng hẹp nhất gần với các tác nhân gây bệnh đã được phát hiện thông qua kết quả của kháng sinh đồ”. Có nhiều trường hợp người bệnh được chỉ định sử dụng kháng sinh phổ rộng, đôi khi không có khả năng đến được vị trí nhiễm khuẩn với nồng độ hiệu quả, hoặc đến được nơi điều trị nhưng gây độc.

Ngoài sự lựa chọn loại kháng sinh không phù hợp, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý còn thể hiện ở trường hợp người bệnh không được lựa chọn đường đưa thuốc vào cơ thể một cách phù hợp. Trong hai đường sử dụng phổ biến của kháng sinh, đường uống là đường dùng ưu tiên hơn đường tiêm khi điều trị vì tính tiện dụng, an toàn và chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, để có kết quả trị liệu tốt nhất trong trường hợp cần nồng độ kháng sinh trong máu cao nhưng khó đạt được bằng đường uống, ví dụ như khi người bệnh bị nhiễm khuẩn trầm trọng và tiến triển nhanh, trong khi cấp cứu hoặc trong trường hợp dự phòng trước phẫu thuật, đường tiêm lại là đường được cán bộ y tế ưu tiên sử dụng. Về nguyên tắc, kháng sinh đường tiêm chỉ nên sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết, đồng thời cần lưu ý lựa chọn kháng sinh có sinh khả dụng cao và ít bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Tuy nhiên, trong thực tế, kháng sinh đường tiêm vẫn được bác sĩ sử dụng ngay cả những khi không thật sự cần thiết, hoặc tiếp tục tiêm kháng sinh cho người bệnh mà không chuyển sang đường uống ngay khi có thể, dẫn đến tăng nguy cơ đề kháng thuốc.

Để hạn chế đề kháng thuốc, một trong những yêu cầu khi điều trị là cần lưu ý thực hiện việc xuống thang kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, ưu tiên sử dụng một kháng sinh và chỉ phối hợp kháng sinh nhằm mục đích tăng khả năng diệt khuẩn, giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng và điều trị nhiễm khuẩn do nhiều loại vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, đối với một số kháng sinh, cơ quan quản lý quy định nếu muốn chỉ định cho người bệnh thì phải tiến hành hội chẩn nhằm hạn chế việc sử dụng. Trong thực tế hành nghề, môi trường bệnh viện thường tồn tại nhiều chủng vi khuẩn đề kháng, dẫn đến nhiều trường hợp cán bộ y tế bắt buộc phải dùng kháng sinh liều cao, dùng kháng sinh phổ rộng, và duy trì đường tiêm để đảm bảo hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Bên cạnh những trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý liên quan đến cán bộ y tế, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý còn liên quan đến nhận thức, hành vi và thái độ của người dân trong khi sử dụng thuốc. Đối với người bệnh, vì bản thân họ không đủ kiến thức chuyên môn cần thiết nên họ thường chấp nhận mọi chỉ định của cán bộ y tế, ngay cả khi nghi ngờ những chỉ định đó không hợp lý hoặc có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của mình, vì họ không đủ tự tin để đưa ra những ý kiến có sức thuyết phục đến cán bộ y tế. Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh thường không hoàn thành liều điều trị mà có xu hướng ngưng thuốc ngay khi thấy giảm những triệu chứng, dẫn đến sự gia tăng khả năng xuất hiện các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.

Những giải pháp nhằm hạn chế đề kháng kháng sinh

Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh, vì vậy cần nhận thức rõ thực trạng đề kháng kháng sinh đang là một vấn nạn mang tính toàn cầu, có liên quan đến nhiều quốc gia. Nhân ngày Sức khỏe thế giới 07/4/2011, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi thực hiện một chiến dịch với thông điệp “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” nhằm tạo một hồi chuông cảnh báo đến các quốc gia, đồng thời kêu gọi những hành động thiết thực và những kế hoạch hành động khẩn cấp của các tổ chức quản lý về y tế nhằm có những giải pháp tối ưu, hạn chế đề kháng thuốc, đồng thời yêu cầu người dân trên toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

Việt Nam là khu vực có mô hình bệnh tật kép, bên cạnh sự tồn tại của các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần, đái tháo đường, nhiều năm trở lại đây, các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm có tỉ lệ khá cao, trong đó phải kể đến các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, sốt xuất huyết. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng hiện tại vẫn là một trong các liệu pháp điều trị không thể thiếu. Cùng với các nước khác trên thế giới, thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc do Bộ Y tế ban hành, Việt Nam đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là một kế hoạch chống kháng thuốc dài hạn, mang tính toàn diện và cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh”, giúp cho việc sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế được thực hiện một cách hợp lý nhất. Bệnh viện là một trong những cơ sở khám chữa bệnh có tần suất sử dụng kháng sinh cao hơn các cơ sở y tế khác. Tài liệu “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” đã giúp cho các đơn vị, cho giám đốc cơ sở khám chữa bệnh có căn cứ để xây dựng và ban hành tài liệu sử dụng kháng sinh tại đơn vị, giúp đảm bảo hạn chế thực trạng lạm dụng kháng sinh. Hiện nay, các giải pháp đã và đang thực hiện thường tập trung vào việc quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, trong đó, ưu tiên việc thành lập nhóm quản lý sử dụng kháng sinh, xây dựng các quy định về quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, xây dựng tiêu chí đánh giá sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, nhằm đạt được mục tiêu chống kháng thuốc, các giải pháp còn nhằm hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.

Như vậy, việc sử dụng kháng sinh hợp lý đã và đang là yêu cầu quan trọng đối với thầy thuốc trong lựa chọn điều trị. Cán bộ y tế cần đảm bảo nguyên tắc ưu tiên sử dụng kháng sinh đơn độc, hạn chế phối hợp kháng sinh, và hạn chế dùng kháng sinh đường tiêm khi lựa chọn thuốc cho người bệnh, đảm bảo sử dụng kháng sinh hợp lý, góp phần hạn chế sự đề kháng thuốc, giúp tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh, và giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội.

PGS.TS.DS Hoàng Thy Nhạc Vũ


2.jpg

19 Tháng Tám, 2022 Tin TứcTruyền Thông

Sáng 17/08, tại phòng giao ban Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Tp Thủ Đức đã tiến hành lễ ký kết và“ Tổ chức chiến dịch thăm khám chữa bệnh, phát thuốc cho người có hoàn cảnh khó khăn” giữa Công Ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co-op (SCID) với Bệnh viên Lê Văn Thịnh Tp Thủ Đức, TPHCM. 

Nhằm tăng cường hỗ trợ cho các địa phương đặc biệt về an sinh xã hội, xây dựng tình đoàn kết tương thân tương ái, tình đoàn kết bền chặt lâu dài giữa các đơn vị. Trong đó có sự phối hợp chăm lo sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa là việc làm hết sức nghĩa tình, đậm chất nhân văn của các đơn vị.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh và SCID cùng tổ chức: lễ Ký kết hợp tác về việc Hỗ trợ kinh phí, vận động tài trợ cho chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà miễn phí và hỗ trợ an sinh xã hội tại các địa phương.

Hỗ trợ hợp tác, vận động tài trợ chương trình an sinh xã hội tại các địa phương và khám bệnh, phát thuốc, tặng quà miễn phí cho hộ gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn, người có công cách mạng tại Thành phố Hồ Chí Minh, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2022 – 2023.

SCID tài trợ600 suất khám, phát thuốc và tặng quà tổng trị giá 294 triệu đồng cho 4 địa phương: TPHCM, Bến Tre, Cần Thơ và Cà Mau.

Được biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp đã buộc hàng loạt trung tâm thương mại phải đóng cửa. Nhiều công ty phải miễn giảm tiền thuê mặt bằng cho các đối tác. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của SCID vẫn đạt 75,6% kế hoạch, đưa tổng lợi nhuận trước thuế đạt 126,7% so kế hoạch, nộp thuế cho nhà nước đạt 147% so với năm 2020.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc SCID cho biết, có được kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn vừa qua là nhờ Ban Tổng Giám đốc SCID đã thực hiện tốt sự chỉ đạo sâu sát của Hội đồng quản trị về việc bám sát diễn biến vĩ mô để có phương án vận hành phù hợp, đồng thời giám sát, chuẩn bị và quản lý tốt nguồn vốn cho các dự án.

Hiện SCID đang đầu tư và trực tiếp vận hành hàng loạt trung tâm thương mại lớn mang thương hiệu Sense City tại Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, TP Thủ Đức, Pleiku,… và các dự án bất động sản thương mại tại An Phú (TPHCM), dự án 253 Điện Biên Phủ, dự án 102 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM) và cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý dự án cho Saigon Co.op.

Theo dự báo, hiện tăng trưởng kinh tế chung trên đà hồi phục nhưng vẫn đối mặt nhiều nguy cơ do diễn biến dịch còn phức tạp khó lường. Do vậy, SCID đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 ở mức tăng nhẹ so với năm 2021. Lợi nhuận hoàn toàn phân bổ cho dự án phá dỡ xây dựng mới tòa nhà 102 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Bên cạnh đó, năm 2022 SCID sẽ tổ chức các hoạt động chào mừng 15 năm thành lập, đồng thời tiếp tục tối ưu vận hành, tối đa lợi nhuận đảm bảo hiệu quả trong vận hành. Song song đó, công ty đảm bảo vận hành hiệu quả các trung tâm thương mại, triển khai các mô hình kinh doanh mới, bộ nhận diện thương hiệu mới, khởi công trung tâm thương mại mới tại Tiền Giang và Cẩm Phả (Quảng Ninh), chuyển đổi số trong quản trị vận hành.


rosuvastatin.png

4 Tháng Tám, 2022 Truyền Thông

Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Rosuvastatin.

Loại thuốc: Thuốc chống tăng lipid huyết, chất ức chế HMG-CoA reductase (statin).

Hàm lượng: 5 mg, 10 mg, 20 mg dưới dạng Rosuvastatin calci.

Lưu ý: Với hàm lượng 40mg, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành và thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường đối với hoạt chất Rosuvastatin 40mg – điều trị tăng mỡ máu và nguy cơ cao về tim mạch, lý do là thuốc chống chỉ định cho người châu Á.

  1. Rosuvastatin được sử dụng để làm gì?

Rosuvastatin được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng để:

– Giảm mức cholesterol “xấu” (lipoprotein mật độ thấp, LDL).

– Tăng mức cholesterol “tốt” (lipoprotein mật độ cao, HDL).

– Giảm mức độ chất béo trong máu của bạn (Triglycerides).

– Làm chậm sự tích tụ chất béo (mảng bám) trong thành mạch máu.

  1. Chỉ định của Rosuvastatin:

– Tăng cholesterol máu nguyên phát hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp.

– Rối loạn β-lipoprotein máu nguyên phát.

– Tăng nồng độ triglyceride trong máu.

– Trẻ em từ 7 đến 17 tuổi và người lớn bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử.

– Trẻ em từ 8 đến 17 tuổi bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử (HeFH).

– Phòng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát: Bệnh nhân có nguy cơ tim mạch như ≥50 tuổi (ở nam giới), ≥60 tuổi (ở nữ giới), hsCRP ≥2mg/L và có thêm ít nhất 1 yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như Tăng huyết áp, HDL-C thấp, hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình về bệnh mạch vành sớm.

  1. Liều dùng của Rosuvastatin:

Điều trị tăng cholesterol máu:

– Liều khởi đầu khuyến cáo là 5mg hoặc 10mg, uống 1 lần/ngày. Bệnh nhân nên đo mức độ lipid trong máu 4 tuần sau liều khởi đầu và sau mỗi lần thay đổi liều. Không đạt mục tiêu điều trị ở liều 20mg và phải theo dõi thường xuyên.

Dự phòng biến cố tim mạch: liều dùng 20mg/ngày.

Trẻ em:

– Tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử: khuyến cáo 5-10mg/ngày trên bệnh nhân 8-10 tuổi; 5-20mg/ngày trên bệnh nhân từ 10-17 tuổi.

– Tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử: liều khuyến cáo là 20mg/ngày trên bệnh nhân 7-17 tuổi.

Người cao tuổi:

– Nên bắt đầu với liều 5mg/ngày ở người hơn 70 tuổi. Không cần chỉnh liều do tuổi tác.

Bệnh nhân suy thận:

– Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình. Liều khởi đầu khuyến cáo cho bệnh nhân suy thận (độ thanh thải creatinin <60ml/phút) là 5mg. Chống chỉ định bệnh nhân suy thận nặng.

Bệnh nhân suy gan:

– Đánh giá chức năng thận trước khi sử dụng thuốc. Chống chỉ định trên bệnh nhân gan tiến triển.

Mang thai và cho con bú:

– Cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai hoặc dự định có thai. Rosuvastatin có thể gây hại cho thai nhi của bạn. Nếu bạn có thai, hãy ngừng dùng rosuvastatin và liên hệ với bác sĩ. Bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai trong khi bạn đang dùng thuốc này. Cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú hoặc dự định cho con bú. Các loại thuốc như Rosuvastatin có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây hại cho em bé của bạn.

  1. Tác dụng phụ của Rosuvastatin:

– Tác dụng phụ nghiêm trọng của Rosuvastatin bao gồm: Đau cơ, mềm và yếu (bệnh cơ). Các vấn đề về cơ có thể nghiêm trọng ở một số người và hiếm khi gây tổn thương thận có thể dẫn đến tử vong. Khả năng bị các vấn đề về cơ cao hơn nếu bạn:

+ Đang dùng một số loại thuốc khác trong khi bạn dùng Rosuvastatin.

+ 65 tuổi trở lên.

+ Vấn đề về tuyến giáp (suy giáp) không được kiểm soát.

+ Vấn đề về thận đang dùng liều cao hơn của thuốc này.

– Vấn đề về Gan: Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra gan của bạn trước khi bạn bắt đầu dùng thuốc này và nếu bạn có các triệu chứng của các vấn đề về gan trong khi dùng thuốc.

– Tác dụng phụ phổ biến nhất của rosuvastain có thể bao gồm: đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn,…

Các tác dụng phụ khác đã được báo cáo với rosuvastatin bao gồm: mất trí nhớ và lú lẫn.

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: bị đau, yếu cơ không rõ nguyên nhân, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau bụng trên, nước tiểu đậm màu, vàng da, vàng mắt hoặc bất kì triệu chứng nào khác xảy ra trong khi dùng thuốc.

  1. Tương tácthuốc với Rosuvastatin: 

Dùng rosuvastatin với một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng lẫn nhau gây ra tác dụng phụ.

Đặc biệt khi dùng chung:

– Cyclosporine (một loại thuốc ức chế miễn dịch).

– Gemfibrozil (một loại thuốc chống tăng lipid huyết).

– Darolutamide (thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt).

– Regorafenib (một loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư ruột kết và trực tràng).

– Thuốc chống vi-rút bao gồm một số loại thuốc vi-rút HIV hoặc viêm gan C như: opinavir, ritonavir, fosamprenavir, tipranavir, atazanavir, simeprevir……

– Một số loại thuốc chống nấm (chẳng hạn như itraconazole, ketoconazole và fluconazole).

– Thuốc chống đông máu coumarin (thuốc ngăn ngừa cục máu đông, chẳng hạn như warfarin).

– Niacin hoặc axit nicotinic.

– Các dẫn xuất của axit fibric (chẳng hạn như fenofibrat).

– Colchicine (một loại thuốc dùng để điều trị bệnh gút).

Hãy liên hệ với Bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng nếu bạn không chắc chắn.

  1. Chống chỉ định củaRosuvastatin:

– Phụ nữ có thai và cho con bú.

– Bệnh nhân có dị ứng với thuốc Rosuvastatin hay bất cứ thành phần nào của thuốc.

– Bệnh nhân mắc bệnh gan đang tiến triển, bao gồm cả bệnh tăng men gan không rõ nguyên nhân.

– Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30ml/phút).

– Bệnh nhân có bệnh lý về cơ.

Để biết thêm thông tin, quý khách vui lòng đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn trực tiếp.

 DS.Hoàng Thị Thùy Dung

Tài liệu tham khảo:

Drugs.com;

Tờ giấy hướng dẫn sử dụng;

http://canhgiacduoc.org.vn/Thongtinthuoc/TinYDuoc/2160/DAV-Thu-hoi-thuoc-chua-hoat-chat-rosuvastatin-40-mg.htm.

 


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group