rosuvastatin.png

4 Tháng Tám, 2022 Truyền Thông

Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Rosuvastatin.

Loại thuốc: Thuốc chống tăng lipid huyết, chất ức chế HMG-CoA reductase (statin).

Hàm lượng: 5 mg, 10 mg, 20 mg dưới dạng Rosuvastatin calci.

Lưu ý: Với hàm lượng 40mg, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành và thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường đối với hoạt chất Rosuvastatin 40mg – điều trị tăng mỡ máu và nguy cơ cao về tim mạch, lý do là thuốc chống chỉ định cho người châu Á.

  1. Rosuvastatin được sử dụng để làm gì?

Rosuvastatin được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng để:

– Giảm mức cholesterol “xấu” (lipoprotein mật độ thấp, LDL).

– Tăng mức cholesterol “tốt” (lipoprotein mật độ cao, HDL).

– Giảm mức độ chất béo trong máu của bạn (Triglycerides).

– Làm chậm sự tích tụ chất béo (mảng bám) trong thành mạch máu.

  1. Chỉ định của Rosuvastatin:

– Tăng cholesterol máu nguyên phát hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp.

– Rối loạn β-lipoprotein máu nguyên phát.

– Tăng nồng độ triglyceride trong máu.

– Trẻ em từ 7 đến 17 tuổi và người lớn bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử.

– Trẻ em từ 8 đến 17 tuổi bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử (HeFH).

– Phòng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát: Bệnh nhân có nguy cơ tim mạch như ≥50 tuổi (ở nam giới), ≥60 tuổi (ở nữ giới), hsCRP ≥2mg/L và có thêm ít nhất 1 yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như Tăng huyết áp, HDL-C thấp, hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình về bệnh mạch vành sớm.

  1. Liều dùng của Rosuvastatin:

Điều trị tăng cholesterol máu:

– Liều khởi đầu khuyến cáo là 5mg hoặc 10mg, uống 1 lần/ngày. Bệnh nhân nên đo mức độ lipid trong máu 4 tuần sau liều khởi đầu và sau mỗi lần thay đổi liều. Không đạt mục tiêu điều trị ở liều 20mg và phải theo dõi thường xuyên.

Dự phòng biến cố tim mạch: liều dùng 20mg/ngày.

Trẻ em:

– Tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử: khuyến cáo 5-10mg/ngày trên bệnh nhân 8-10 tuổi; 5-20mg/ngày trên bệnh nhân từ 10-17 tuổi.

– Tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử: liều khuyến cáo là 20mg/ngày trên bệnh nhân 7-17 tuổi.

Người cao tuổi:

– Nên bắt đầu với liều 5mg/ngày ở người hơn 70 tuổi. Không cần chỉnh liều do tuổi tác.

Bệnh nhân suy thận:

– Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình. Liều khởi đầu khuyến cáo cho bệnh nhân suy thận (độ thanh thải creatinin <60ml/phút) là 5mg. Chống chỉ định bệnh nhân suy thận nặng.

Bệnh nhân suy gan:

– Đánh giá chức năng thận trước khi sử dụng thuốc. Chống chỉ định trên bệnh nhân gan tiến triển.

Mang thai và cho con bú:

– Cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai hoặc dự định có thai. Rosuvastatin có thể gây hại cho thai nhi của bạn. Nếu bạn có thai, hãy ngừng dùng rosuvastatin và liên hệ với bác sĩ. Bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai trong khi bạn đang dùng thuốc này. Cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú hoặc dự định cho con bú. Các loại thuốc như Rosuvastatin có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây hại cho em bé của bạn.

  1. Tác dụng phụ của Rosuvastatin:

– Tác dụng phụ nghiêm trọng của Rosuvastatin bao gồm: Đau cơ, mềm và yếu (bệnh cơ). Các vấn đề về cơ có thể nghiêm trọng ở một số người và hiếm khi gây tổn thương thận có thể dẫn đến tử vong. Khả năng bị các vấn đề về cơ cao hơn nếu bạn:

+ Đang dùng một số loại thuốc khác trong khi bạn dùng Rosuvastatin.

+ 65 tuổi trở lên.

+ Vấn đề về tuyến giáp (suy giáp) không được kiểm soát.

+ Vấn đề về thận đang dùng liều cao hơn của thuốc này.

– Vấn đề về Gan: Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra gan của bạn trước khi bạn bắt đầu dùng thuốc này và nếu bạn có các triệu chứng của các vấn đề về gan trong khi dùng thuốc.

– Tác dụng phụ phổ biến nhất của rosuvastain có thể bao gồm: đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn,…

Các tác dụng phụ khác đã được báo cáo với rosuvastatin bao gồm: mất trí nhớ và lú lẫn.

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: bị đau, yếu cơ không rõ nguyên nhân, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau bụng trên, nước tiểu đậm màu, vàng da, vàng mắt hoặc bất kì triệu chứng nào khác xảy ra trong khi dùng thuốc.

  1. Tương tácthuốc với Rosuvastatin: 

Dùng rosuvastatin với một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng lẫn nhau gây ra tác dụng phụ.

Đặc biệt khi dùng chung:

– Cyclosporine (một loại thuốc ức chế miễn dịch).

– Gemfibrozil (một loại thuốc chống tăng lipid huyết).

– Darolutamide (thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt).

– Regorafenib (một loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư ruột kết và trực tràng).

– Thuốc chống vi-rút bao gồm một số loại thuốc vi-rút HIV hoặc viêm gan C như: opinavir, ritonavir, fosamprenavir, tipranavir, atazanavir, simeprevir……

– Một số loại thuốc chống nấm (chẳng hạn như itraconazole, ketoconazole và fluconazole).

– Thuốc chống đông máu coumarin (thuốc ngăn ngừa cục máu đông, chẳng hạn như warfarin).

– Niacin hoặc axit nicotinic.

– Các dẫn xuất của axit fibric (chẳng hạn như fenofibrat).

– Colchicine (một loại thuốc dùng để điều trị bệnh gút).

Hãy liên hệ với Bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng nếu bạn không chắc chắn.

  1. Chống chỉ định củaRosuvastatin:

– Phụ nữ có thai và cho con bú.

– Bệnh nhân có dị ứng với thuốc Rosuvastatin hay bất cứ thành phần nào của thuốc.

– Bệnh nhân mắc bệnh gan đang tiến triển, bao gồm cả bệnh tăng men gan không rõ nguyên nhân.

– Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30ml/phút).

– Bệnh nhân có bệnh lý về cơ.

Để biết thêm thông tin, quý khách vui lòng đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để được tư vấn trực tiếp.

 DS.Hoàng Thị Thùy Dung

Tài liệu tham khảo:

Drugs.com;

Tờ giấy hướng dẫn sử dụng;

http://canhgiacduoc.org.vn/Thongtinthuoc/TinYDuoc/2160/DAV-Thu-hoi-thuoc-chua-hoat-chat-rosuvastatin-40-mg.htm.

 


cac-thuoc-khang-histamin-3.jpg

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ, Chuyên khoa II Lê Phước Thành Nhân – Trưởng khoa Dược, bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành Phố Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh.
kính mời quý độc giả cùng theo dõi.
1.Thuốc Loratadin là thuốc gì?

Loratadin thuốc nhóm kháng Histamin, được xem là thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi vì thuốc có tác dụng tốt với các triệu chứng như ngứa, chảy nước mũi, chảy nước mắt, và hắt hơi,… Bên cạnh đó, thuốc dị ứng loratadin còn được sử dụng để điều trị ngứa do phát ban. Thuốc dị ứng loratadin không phòng ngừa phát ban hoặc ngăn ngừa, điều trị tình trạng sốc phản vệ. Do đó, trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng epinephrine để điều trị các phản ứng dị ứng, người bệnh hãy luôn mang theo ống tiêm epinephrine bên mình, không được thay thế epinephrine bằng thuốc dị ứng loratadin.

Nếu người bệnh tự điều trị khi không được bác sĩ kê đơn thuốc dị ứng thời tiết loratadin thì cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết khi nào cần gặp bác sĩ. Thuốc dị ứng loratadin dạng viên nén hoặc viên nang không được sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi, ngoại trừ trường hợp được bác sĩ hướng dẫn. Thuốc loratadin dạng dung dịch hoặc viên nhai chống chỉ định cho trẻ em dưới 2 tuổi.

2.Cách sử dụng thuốc Loratadin

Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc dị ứng thời tiết dạng không kê đơn, hãy đọc kỹ tất cả các hướng dẫn trên bao bì sản phẩm trước khi sử dụng. Trường hợp sử dụng thuốc dị ứng loratadin theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh hãy làm theo chỉ dẫn bác sĩ và các hướng dẫn trên nhãn thuốc cẩn thận.

Thuốc dị ứng loratadin sử dụng bằng đường uống trước hoặc sau ăn, thông thường là 1 lần/ngày hoặc theo chỉ định bác sĩ. Đối với thuốc dị ứng loratadin dạng viên nhai, khi sử dụng phải nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt. Đối với thuốc dị ứng loratadin dạng dung dịch, người sử dụng cần định liều cẩn thận bằng dụng cụ hoặc thìa đo đặc biệt. Không sử dụng thìa gia dụng vì liều lượng thuốc có thể không chính xác.

Liều lượng thuốc dị ứng thời tiết loratadin phụ thuộc lứa tuổi, tình trạng dị ứng và cơ địa đáp ứng điều trị của từng người. Không tự ý sử dụng quá liều chỉ định hoặc dùng nhiều lần trong ngày hơn hướng dẫn bác sĩ hoặc bao bì sản phẩm. Đặc biệt, liều thuốc dị ứng loratadin tính theo độ tuổi nên không sử dụng nhiều thuốc hơn mức khuyến cáo theo tuổi của người bệnh.

Thông báo cho bác sĩ biết nếu các triệu chứng dị ứng không cải thiện sau 3 ngày điều trị hoặc khi tình trạng phát ban kéo dài hơn 6 tuần. Người bệnh cần sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu tình trạng bệnh xấu đi hoặc gặp phải vấn đề y tế nghiêm trọng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ nghiêm trọng.

cần sự trợ giúp y tế ngay lập tức khi bị sốc phản vệ – Ảnh minh họa: nguồn Internet
3.Tác dụng phụ của thuốc Loratadin

Thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi loratadin thường không có tác dụng phụ. Nếu người sử dụng có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ. Thuốc dị ứng loratadin hiếm khi gây ra các phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, liên hệ cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa, sưng các bộ phận cơ thể (đặc biệt là mặt, lưỡi, họng), chóng mặt, khó thở.

Ngoài những dấu hiệu đã được ghi nhận trên, bệnh nhân uống thuốc dị ứng loratadin có thể gặp những tác dụng không mong muốn khác, khi đó hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ kê đơn thuốc này.

4.Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ thuốc Loratadin

Trước khi dùng loratadin, thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về tình trạng dị ứng loratadin, desloratadine hoặc bất kỳ bệnh lý dị ứng nào khác trước đây. Sản phẩm thuốc dị ứng loratadin còn chứa các thành phần tá dược có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề không mong muốn khác. Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc loratadin khi chưa có chỉ định của bác sĩ nếu đang mắc các bệnh như bệnh thận hoặc bệnh gan.

Thuốc dị ứng loratadin thường ít có tác dụng phụ buồn ngủ khi dùng ở liều khuyến cáo so với các thuốc kháng Histamin khác. Tuy nhiên, không lái xe, điều khiển máy móc hoặc làm những việc đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi bạn chắc chắn rằng mình có thể thực hiện các hoạt động đó một cách an toàn.

Mày đay có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng dị ứng loratadin – Ảnh minh họa: nguồn Internet

Đối với người sử dụng nổi mày đay được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc dị ứng loratadin hoặc trường hợp người sử dụng đang cân nhắc sử dụng thuốc này để điều trị phát ban, trao đổi với bác sĩ ngay lập tức nếu có ít nhất một trong những dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng sau:

  • Mày đay có màu sắc bất thường
  • Phát ban cạnh thâm tím hoặc phồng rộp;
  • Phát ban không kèm ngứa.

Thuốc dị ứng loratadin dạng dung dịch hoặc viên nhai có thể chứa đường hoặc aspartame. Do đó, bệnh nhân bị đái tháo đường, phenylceton niệu (PKU) hoặc các bệnh lý cần hạn chế và tránh những chất này trong chế độ ăn uống cần thận trọng trước khi sử dụng.

Người cao tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc này, đặc biệt là buồn ngủ hoặc lú lẫn. Những tác dụng không mong muốn trên có thể làm tăng nguy cơ té ngã. Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, chỉ sử dụng thuốc dị ứng loratadin khi lợi ích nó mang lại vượt trội so với những rủi ro hoặc tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc loratadin có thể đi vào sữa mẹ nhưng lại ít có khả năng gây hại cho trẻ bú mẹ. Vì thế, các sản phụ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi đang sử dụng thuốc này trước khi cho con bú.

5.Tương tác thuốc Loratadin

Tương tác thuốc là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc, thay đổi tác dụng và tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng không mong muốn. Theo đó, bạn cần liệt kê danh sách toàn bộ các sản phẩm đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn và các sản phẩm thảo dược… và chia sẻ nó với bác sĩ và dược sĩ của bạn. Không sử dụng, dừng đột ngột hoặc thay đổi liều lượng của thuốc dị ứng loratadin mà chưa có sự chấp thuận của bác sĩ. Loratadin hiệu quả tương tự desloratadine. Vì vậy, không sử dụng cùng lúc cả 2 loại thuốc này để tránh nguy cơ quá liều.

Thuốc dị ứng loratadin gây cản trở và ảnh hưởng kết quả một số xét nghiệm cận lâm sàng (bao gồm cả xét nghiệm da dị ứng). Hãy chắc chắn rằng nhân viên phòng thí nghiệm và tất cả các bác sĩ biết bạn đang sử dụng loại thuốc này.

Thuốc Loratadine là một loại thuốc được chỉ định điều trị dị ứng, ngứa, chảy nước mũi, nước mắt và nhiều bệnh lý khác. Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn.

Hy vọng thông qua bài viết trên độc giả có thể hiểu được thêm thông tin về cách sử dụng thuốc Loratadin và những lưu ý khi sử dụng thuốc một cách an toàn.

Theo dõi website Bệnh viện Lê Văn Thịnh để nắm thêm nhiều thông tin về y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thảo


vet-ton-thuong-da-dau-mua-khi-5941-9403-1658745356.png

29 Tháng Bảy, 2022 Tin TứcTruyền Thông

ANH- Nghiên cứu từ Đại học Queen Mary phát hiện ra rằng bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tổn thương bộ phận sinh dục, loét ở miệng hoặc hậu môn.

Vào ngày 21 tháng 7, Tạp chí Y học New England đã công bố nghiên cứu, sau khi xem xét 528 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở 16 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 4 đến ngày 24 tháng 6.

Nhóm chuyên gia cho biết, ngoài các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết và mụn nước, bệnh đậu mùa còn được ghi nhận là mụn rộp khu trú trên bộ phận sinh dục và hậu môn. Những triệu chứng này giống như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs), có thể dẫn đến chẩn đoán sai.

Kể từ đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng không nên loại trừ bệnh đậu mùa khỉ nếu bệnh nhân dương tính với một loại virus lây truyền qua đường tình dục khác. Nhiều trường hợp đã được phát hiện là đồng nhiễm cả hai bệnh.

Mở rộng định nghĩa triệu chứng sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng nhận ra nhiễm trùng hơn, từ đó ngăn chặn virus lây lan. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin, thuốc kháng vi-rút trên thế giới đang hạn chế, các biện pháp phòng ngừa là công cụ quan trọng giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh và đe dọa sức khỏe của người dân.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lưu hành ở châu Phi từ năm 1970, nhưng số ca mắc đã tăng lên đáng kể kể từ tháng Năm năm nay. Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm tại 75 quốc gia, 5 ca tử vong. Vào ngày 23 tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Ban đầu, mọi người bị nhiễm bệnh thông qua vết cắn của loài gặm nhấm hoặc động vật nhỏ, virus thường không lây lan dễ dàng giữa người với người.

Tuy nhiên, trong đợt bùng phát hiện nay, phần lớn các trường hợp đã xảy ra ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp da kề da, vết thương hở, dịch cơ thể… Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc với các vật thể và dụng cụ bị ô nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus, đặc biệt là hiện nay khi các quốc gia đã tìm thấy các nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch bị nhiễm bệnh.

Tổn thương da do bệnh đậu mùa khỉ gây ra. Hình ảnh: Tạp chí Khoa học Thú y

WHO cho biết căn bệnh này có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết tỷ lệ tử vong của chi nhánh Virus ở Tây Phi là 1%, có thể cao hơn trong nhóm. suy giảm miễn dịch.

Hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh này. WHO khuyến cáo không nên tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ hàng loạt do số lượng vắc-xin hạn chế, chỉ tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ cao và thực sự cần thiết, chẳng hạn như nhân viên y tế, người chăm sóc các trường hợp bị nhiễm bệnh.

Dược sĩ

Trần Thị Diễm Trang

(Theo Briardforce)


thuoc-Phabalysin-600_8-7322.jpg

29 Tháng Bảy, 2022 Tin TứcTruyền Thông
Thuốc Phabalysin 600 là thuốc được sử dụng giúp làm loãng đờm nhầy và giải độc paracetmol khi quá liều, giúp giảm tổn thương gan. Để dùng thuốc hiệu quả và an toàn bạn nên lưu ý một số điều và cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Phabalysin 600

Thành phần chính của mỗi gói thuốc Phabalysin 600 là Acetylcystein 600mg và tá dược vừa đủ. Acetylcystein là một chất làm loãng đờm. Thuốc tác động trên chất nhầy bằng cách cắt đứt cầu nối disulfur của các glycoprotein, từ đó phân cắt đờm thành các đoạn nhỏ loãng và dễ loại bỏ hơn qua phản xạ ho.

Sau khi dùng thuốc, nó được hấp thu nhanh ở đường tiêu hoá và gan là cơ quan thực hiện chuyển hoá, sau đó tham gia vào phản ứng sulfhydryl – disulfide giúp làm loãng chất nhầy.

 

Ảnh minh họa – nguồn Internet

Công dụng của thuốc Phabalysin 600 như sau:

  • Acetylcystein là dẫn chất N – acetyl của L – cystein, đây là một amino – acid tự nhiên. Acetylcystein được dùng làm thuốc chất làm loãng nhầy và thuốc giải độc khi quá liều paracetamol. Thuốc làm giảm độ quánh của đờm ở phổi và từ đó tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho, dẫn lưu hoặc bằng phương pháp cơ học khác.
  • Acetylcystein dùng để bảo vệ chống cho gan do quá liều paracetamol giảm nguy cơ ngộ độc, bằng cách duy trì hoặc khôi phục nồng độ glutathion của gan. Đây là một chất cần thiết để làm bất hoạt chất chuyển hóa trung gian của paracetamol có thể gây độc cho gan. Trong trường hợp quá liều paracetamol, khi uống Acetylcystein sẽ chuyển hóa thành cystein kích thích cho gan tổng hợp glutathiton và acetylcystein có thể bảo vệ được gan nếu bắt đầu điều trị trong vòng 12 giờ sau khi uống quá liều paracetamol và nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.
2. Chỉ định của thuốc Phabalysin
  • Tiêu chất nhầy trong bệnh nhầy trong các bệnh lý như bệnh xơ nang tuyến tụy, bệnh lý hô hấp có đờm nhầy đặc như trong bệnh viêm phế quản cấp và mạn, khí phế thủng và giãn phế quản.
  • Chỉ định để giải độc paracetamol khi dùng quá liều thuốc.
3. Chống chỉ định của thuốc Phabalysin
  • Tiền sử hen vì khi dùng thuốc này có nguy cơ phản ứng co thắt phế quản, nó có thể xảy ra phản ứng này với tất cả các dạng thuốc chứa acetylcystein.
  • Quá mẫn với thành phần acetylcystein hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Người đang bị bệnh viêm loét dạ dày bởi thuốc làm tổn thương chất nhầy của niêm mạc đường tiêu hoá. Do đó, nếu dùng thuốc sẽ làm giảm công dụng bảo vệ niêm mạc đường tiêu hoá của chất nhầy, khiến dịch bị tấn công mạnh hơn.
4. Cách dùng và liều dùng thuốc Phabalysin

Cách dùng: Cắt gói thuốc bột theo đường kẻ trên gói thuốc, rồi đổ thuốc ra cốc, cho lượng nước vừa đủ và khuấy đều. Uống thuốc khi đã được hòa tan và uống sau ăn để giảm kích ứng dạ dày.

Liều dùng cụ thể như sau:

Làm tiêu chất nhầy trong điều trị cho những bệnh nhân bị tiết chất nhầy bất thường, những bệnh lý có đờm đặc như viêm phế quản cấp và mạn tính.

  • Đối với trẻ em trên 14 tuổi và người lớn dùng một gói 600mg/lần và ngày một lần.
  • Đối với trẻ dưới 14 tuổi: Dùng dạng thuốc có hàm lượng phù hợp.
  • Trẻ dưới 2 tuổi: Chống chỉ định dùng thuốc Acetylcysteine.

Dùng làm chất giải độc trong điều trị quá liều paracetamol:

  • Liều khởi đầu là dùng liều 140 mg/kg, tiếp theo cách 4 giờ uống tiếp một lần với liều 70 mg/kg và uống tổng cộng số liều thêm 17 lần.
  • Acetylcystein có hiệu quả cao nhất khi dùng trong vòng 8 giờ sau khi bị quá liều paracetamol. Sau thời gian này hiệu quả của thuốc sẽ giảm đi. Tuy nhiên, bắt đầu điều trị kể cả khi chậm hơn 24 giờ sau đó có thể vẫn còn có ích, giúp làm giảm nguy cơ suy gan, hủy hoại tế bào gan.

Liều thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, liều thuốc cụ thể có thể thay đổi tùy từng trường hợp khác theo chỉ định của bác sĩ.

5. Những tác dụng phụ khi dùng thuốc Phabalysin

Mặc dù các tác dụng phụ thường ít khi xảy ra, nhưng cũng như các thuốc khác, thuốc Phalcosy 600 cũng gây tác dụng phụ, bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa, viêm niêm miệng, ù tai.
  • Phản ứng quá mẫn: Có thể gây ra các triệu chứng như co thắt phế quản, phù mạch, nổi mẩn và ngứa, hạ huyết áp hay đôi khi tăng huyết áp có thể xảy ra. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được điều trị.
  • Một số tác dụng không mong muốn khác có thể gặp như: Chứng đỏ bừng, buồn nôn và nôn, sốt, ngất xỉu, tăng tiết mồ hôi, đau khớp, nhìn mờ, rối loạn chức năng gan, nhiễm toan chuyển hóa, co giật, ngừng hô hấp hoặc ngừng tim.

Với những tác dụng phụ nhẹ bạn có thể thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ. Nhưng nếu thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng bạn cần ngừng thuốc và báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

6. Những lưu ý khi dùng thuốc Phabalysin

Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Trước khi dùng thuốc bạn cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng của bản thân, các bệnh lý hiện đang mắc và các thuốc đang sử dụng.
  • Khi dùng thuốc cho phụ nữ có thai bị quá liều paracetamol bằng acetylcystein có hiệu quả và nó có khả năng ngăn chặn được độc tính cho gan do pracetamol gây ra ở thai nhi cũng như ở người mẹ. Tuy nhiên với việc dùng để điều trị hỗ trợ khác thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ, vì nó chưa được chứng minh an toàn. Thuốc cũng có thể dùng được cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Nên dùng dung dịch acetylcystein pha loãng hơn để có thể giảm khả năng gây nôn nhiều do thuốc. Nếu dùng thuốc gây nôn dữ dội nên chú ý nguy cơ giãn thực quản hay loét dạ dày.
7. Tương tác thuốc Phabalysin

Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng đồng thời các thuốc khác nhau với Acetylcysein. Một số thuốc gây tương tác như sau:

  • Với thuốc tetracyclin, nên dùng cách xa thời gian uống Acetylcysteine ít nhất 2 giờ.
  • Không dùng đồng thời Acetylcysteine với các thuốc làm giảm ho, vì có thể gây tắc nghẽn dịch nhầy nghiêm trọng do giảm phản xạ gây ho để loại bỏ đờm.
  • Acetylcysteine có thể làm tăng tác dụng gây giãn mạch máu của nitroglycerin.
  • Đây là một chất có tính khử, vì thế không nên dùng với những chất có đặc tính oxy hoá.

Những người không dung nạp fructose, galactose hay giảm hấp thu glucose-glactose, thiếu hụt men Lapp-lactase không nên dùng thuốc.

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp. Không dùng thuốc khi thấy thuốc có dấu hiệu hư hỏng như gói bột ướt, vón cục và không dùng khi quá hạn sử dụng.

Thuốc Phabalysin 600 làm loãng chất nhầy, nó có thể gây ảnh hưởng tới các chất nhầy tự nhiên trong cơ thể. Cho nên người bệnh cần chú ý dùng để tránh ảnh hưởng tới đường tiêu hoá. Nếu có bất kỳ thắc mắc bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website BỆNH VIỆN LÊ VĂN THỊNH để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dược sĩ

Đinh Khắc Thành Đô

( Tài liệu tham khảo theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất)


CV-7259-2.png

29 Tháng Bảy, 2022 Tin TứcTruyền Thông

Cục Quản lý Dược vừa có công văn số 7259 ngày 28/7/2022 về thuốc giả SalonpasGel. Cục Quản lý Dược nhận được văn bản của Công ty TNHH Dược phẩm Hisamitsu Việt Nam báo cáo về việc phát hiện các mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi “SALONPAS GEL Net Weight 50g,  Product: PT HISAMITSU PHARMA  INDONESIA Sidoarjo, Indonesia, No. Reg: POM QL. 031 700 081”, kèm các thông tin về nhãn, thông tin tra cứu trên Internet.

Mẫu các sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả nêu trên đang được bán trên mạng  xã hội facebook, zalo và website (https://thuocsi.vn)

Hình ảnh. So sánh sản phẩm Salopas gel thật và giả

Dược sĩ

Trần Thị Diễm trang

( Nguồn: CANH GIAC DUOC – TinYDuocHoc)

 

 

 

 

 


thuoc-gia-1636709073749813908127.jpg

25 Tháng Bảy, 2022 Chưa phân loạiTruyền Thông

Thông tin cập nhật.

Vừa qua Cục Quản lý Dược Việt Nam mới có công văn số 4261/QLD-CL ngày 25/05/2022 về việc phát hiện mẫu sản phẩm Voltarén 75 mg giả, trên nhãn ghi:

Tên sản phẩm: Voltarén 75 mg solución inyectable;

Nhà sản xuất: Novartis Farmacécutica, S.A.;

  Lote: 81111; Caducidad: 12 2023.

 Mẫu sản phẩm có nhiều dấu hiệu khác biệt so với mẫu thuốc Voltaren 75 mg/3 ml, SĐK: VN-20041-16 do Lek Pharmaceuticals d.d. (Slovenia) sản xuất, Công ty TNHH Novartis Việt Nam nhập khẩu, cung cấp.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành:

  Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm giả và thuốc do Công ty TNHH Novartis Việt Nam nhập khẩu như sau:

– Tên thuốc: Voltarén 75 mg solución inyectable. Số lô: 81111. Ngày hết hạn: 12.2023.

– Nhà sản xuất in trên bao bì: Novartis Farmacécutica, S.A. Gran Via de les Corrta Catalenes, 764 08013 Barcelona.

– Ngôn ngữ trình bày trên vỏ hộp và ống tiêm chỉ có tiếng Tây Ban Nha. Không có các thông tin tiếng Việt in hoặc dán trên bao bì.

– Kích thước hộp: ngang 12,0 cm x dọc 10,5 cm, Không có Số đăng ký lưu hành; có mã vạch.

                                                                                                                                                                          Ds. Huỳnh Thị Thanh Thủy (St)


pexels-pixabay-159211-1200x800.jpg

25 Tháng Bảy, 2022 Truyền Thông
  1. Nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần.

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo cần tăng cường các cảnh báo về nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng bất lợi lên sức khỏe tâm thần trong thông tin kê đơn của các kháng sinh nhóm fluoroquinolon tác dụng toàn thân sử dụng theo đường uống hoặc tiêm truyền.

Nồng độ đường huyết thấp là nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả hôn mê, đặc biệt ở người cao tuổi và bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng thuốc hoặc insulin. US.FDA yêu cầu thông tin về các tác dụng bất lợi trên cần được thể hiện nội bật hơn trên nhãn thuốc và nội dung cần nhất quán giữa các thuốc trong nhóm. Quyết định này được đưa ra sau một cuộc rà soát gần đây của US.FDA cho thấy có một loạt báo cáo về hạ đường huyết đe dọa tính mạng, trong đó, một số trường hợp có thêm cả tác dụng bất lợi trên tâm thần khi sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon. Trên thế giới, nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần cũng đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) cảnh báo.

  1. Nguy cơ tác dụng bất lợi nghiêm trọng, gây tàn tật và không hồi phục 

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) thông báo kết thúc cuộc rà soát về tác dụng bất lợi nghiêm trọng, gây tàn tật và không hồi phục liên quan đến việc sử dụng kháng sinh quinolon đường uống, tiêm truyền hoặc dạng hít. EMA kết luận ngừng giấy phép lưu hành các kháng sinh quinolon bao gồm cinoxacin, flumequin, acid nalidixic và acid pipemidic do các kháng sinh này chỉ được phê duyệt chỉ định điều trị một số ít loại nhiễm khuẩn mà hiện không còn sử dụng. Với các kháng sinh fluoroquinolon, EMA khẳng định việc sử dụng cũng nên được giới hạn. không sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nhiễm khuẩn có thể cải thiện mà không cần điều trị hoặc các nhiễm khuẩn không nghiêm trọng;
  • Điều trị các nhiễm khuẩn không do vi khuẩn như viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn (mạn tính);
  • Dự phòng tiêu chảy khi đi du lịch hoặc nhiễm khuẩn đường niệu dưới tái phát;
  • Điều trị các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình nặng trừ khi các kháng sinh được khuyến cáo phổ biến khác không sử dụng được.

Đặc biệt lưu ý tránh sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon ở bệnh nhân có tiền sử gặp tác dụng bất lợi nghiêm trọng với fluoroquinolon hoặc trên những người có nguy cơ cao bị tổn thương gân: người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh thận, bệnh nhân đã ghép tạng hoặc người được điều trị bằng corticosteroid do các bệnh nhân này có nguy cơ cao bị tổn thương gân. Khuyến cáo của Hội đồng Thuốc sử dụng cho người của EMA (CHMP) đã được gửi đến Ủy ban Châu Âu và Ủy ban Châu Âu đã có quyết định pháp lý cuối cùng áp dụng trên toàn Châu Âu vào tháng 3/2019.

Trước đó, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra phản ứng có hại nghiêm trọng có khả năng không hồi phục và gây tàn tật liên quan đến gân, cơ, xương và thần kinh trung ương do sử dụng các kháng sinh nhóm fluoroquinolon, FDA đã thông báo giới hạn sử dụng các thuốc này trong điều trị viêm xoang, viêm phế quản và nhiễm khuẩn đường niệu không phức tạp. Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược cũng đã ban hành Công văn số 5748/QLD-ĐK ngày 27/04/2016 yêu cầu cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa kháng sinh fluoroquinolon theo khuyến cáo của FDA.

  1. Nguy cơ đứt hoặc rách động mạch chủ 

FDA và TGA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ đứt hoặc rách động mạch chủ ở bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh fluoroquinolon tác dụng toàn thân (đường uống hoặc tiêm truyền). Theo đó, không nên sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon ở bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến cố bất lợi trên trừ khi không có biện pháp điều trị thay thế.

Các bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến cố này bao gồm: tắc nghẽn hoặc phình động mạch chủ hoặc các mạch máu khác, tăng huyết áp, các rối loạn gen liên quan đến thay đổi mạch máu và người cao tuổi. Nguy cơ nền biến cố phình động mạch chủ được ước tính dao động từ 9 biến cố/100.000 người/năm trong quần thể chung và đến 300 biến cố/100.000 người/năm ở quần thể có nguy cơ cao nhất.

FDA đã yêu cầu bổ sung cảnh báo về các biến cố trên vào thông tin sản phẩm, đồng thời hướng dẫn cho các bệnh nhân có sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon tác dụng toàn thân về nguy cơ này.

                                                                                                                                                                    DS. Huỳnh Thị Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo

Cục Quản lý Dược https://dav.gov.vn/cong-van-so-5785qld-dk-ve-viec-cung-cap-thong-tin-lien-quan-den-tinh-an-toan-cua-khang-sinh-nhom-quinolon-fluoroquinolon-n3143.html


pexels-polina-tankilevitch-3873187-1200x1800.jpg

25 Tháng Bảy, 2022 Truyền Thông

Simvastatin là chất ức chế cạnh tranh với hydroxymethylglutaryl coenzym A (HMG-CoA) reductase, là enzym xúc tác quá trình chuyển đổi 3- hydroxy-3-methyglutary coenzym A thành mevalonat, một tiền chất của cholesterol. Simvastatin ức chế sinh tổng hợp cholesterol, làm giảm cholesterol trong tế bào gan, kích thích tổng hợp thụ thể LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp), qua đó làm tăng vận chuyển LDL từ máu. Kết quả cuối cùng của những quá trình sinh tổng hợp này là giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương.

Công dụng

– Simvastatin được dùng để hỗ trợ cho chế độ dinh dưỡng ở bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát gây ra do sự tăng các lipoprotein cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL) ở những bệnh nhân có nguy cơ bệnh động mạch vành mà không đáp ứng được với chế độ ăn kiêng.

– Simvastatin cũng được dùng để làm giảm nồng độ cholesterol lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL) ở những bệnh nhân vừa tăng cholesterol, vừa tăng triglyceride máu.

– Simvastatin dùng để giảm tổng hợp cholesterol toàn phần và LDL-C ở những bệnh nhân bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử như một biện pháp hỗ trợ cho các phương pháp điều trị hạ lipid khác hoặc nếu các phương pháp điều trị không khả dụng.

Liều lượng – cách dùng:

– Simvastatin được sử dụng bằng đường uống.
– Cần cho người bệnh dùng chế độ dinh dưỡng giảm cholesterol chuẩn trước khi dùng Simvastatin và người bệnh cần tiếp tục ăn kiêng trong suốt quá trình điều trị với Simvastatin.
– Liều khởi đầu là 5-10mg/ngày, uống vào buổi tối. Liều tối đa là 40mg/ngày.
Liều dùng cần được điều chỉnh theo đáp ứng từng cá thể. Nên nhớ rằng có rất nhiều yếu tố để quy định về liều lượng dùng thuốc. Thông thường sẽ phụ thuộc vào tình trạng, dạng thuốc và đối tượng sử dụng. Hãy luôn tuân thủ liều dùng được quy định trên tờ hướng dẫn sử dụng và theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

Nên làm gì nếu quên một liều

Trong trường hợp bạn quên một liều khi đang trong quá trình dùng thuốc hãy dùng càng sớm càng tốt (thông thường có thể uống thuốc cách 1-2 giờ so với giờ được bác sĩ yêu cầu).Tuy nhiên, nếu thời gian đã gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm đã quy định. Lưu ý không dùng gấp đôi liều lượng đã quy định.

 

Lưu ý trước khi dùng thuốc Simvastatin

– Simvastatin có thể làm gia tăng nồng độ transaminase và creatinin phospholinase huyết thanh. Cần phải lưu ý khi chẩn đoán phân biệt bệnh nhân đau ngực trong khi điều trị. Theo dõi chức năng gan. Dặn dò bệnh nhân nếu bị đau cơ, cứng cơ hoặc yếu cơ không rõ nguyên nhân trong quá trình dùng thuốc thì báo ngay cho bác sĩ.

– Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân uống nhiều rượu và có tiền sử bệnh gan.

– Tránh dùng đồng thời với các thuốc sau: Gemfibrozil, các thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat khác, niacin liều cao (>1g/ngày), colchicin do tăng nguy cơ tổn thương cơ.

 

Dùng thuốc Simvastatin trong thời kỳ mang thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai

Simvastatin làm giảm tổng hợp cholesterol và có thể cả nhiều chất khác có hoạt tính sinh học dẫn xuất từ cholesterol, nên thuốc có thể gây hại cho thai nhi nếu dùng cho người mang thai.vì vậy chống chỉ định dùng simvastatin trong thời kỳ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Simvastatin phân bố vào sữa. Do tiềm năng có tác dụng không mong muốn nghiêm trọng cho trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ, nên chống chỉ định dùng simvastatin ở người cho con bú.

Rất nhiều loại thuốc chưa xác định hết các tác động của thuốc trong thời kỳ này bà mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

                                                                                                                                                            DS.Huỳnh Thị Thanh Thủy


B12.jpg

25 Tháng Bảy, 2022 Truyền Thông

 

Metformin là một biguanide có tác dụng chống tăng đường huyết, làm hạ đường huyết cơ bản và sau khi ăn. Metformin hoạt động qua 3 cơ chế:

Giảm sản xuất glucose ở gan bằng cách ức chế tân tạo đường và phân hủy glycogen.Tại cơ, gia tăng sự nhạy cảm của insulin, cải thiện việc sử dụng glucose ở ngoại biên.Làm chậm hấp thu glucose ở ruột. Metformin kích thích sự tổng hợp glycogen ở tế bào bằng cách tác động lên mem glycogen synthase. Metformin gia tăng khả năng vận chuyển của tất cả các chất vận chuyển glucose qua màng.

Metformin là thuốc điều trị bệnh đái tháo đường type 2 và dự phòng trên bệnh nhân có nguy cơ cao (tiền đái tháo đường). Metformin có dạng bào chế viên nén giải phóng ngay, viên nén giải phóng có kiểm soát.

Vitamin B12 (cobalamin) là một vitamin thiết yếu của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất tế bào máu và tế bào thần kinh.Vitamin B12 được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (sữa, pho mát, sữa chua, trứng…), và cũng được thêm vào một số thực phẩm như ngũ cốc ăn sáng….Các nguyên nhân phổ biến gây thiếu hụt vitamin B12 bao gồm nhiễm trùng, hội chứng kém hấp thu, do bệnh lý (bệnh Crohn, thiếu máu ác tính), cắt bỏ dạ dày và ăn uống không đủ chất.

Metformin mối liên quan sự thiếu hụt vitamin B12

Thiếu hụt vitamin B12 là một tác dụng không mong muốn khi sử dụng metformin, đặc biệt là khi sử dụng metformin liều cao hoặc kéo dài, bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ. Do đó, khuyến cáo theo dõi nồng độ vitamin B12 huyết thanh trên bệnh nhân đang được điều trị bằng metformin và có biểu hiện thiếu vitamin B12. Ngoài ra, nên theo dõi định kỳ những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ thiếu hụt vitamin B12.

Các yếu tố nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 rất đa dạng, bao gồm:

– Nồng độ vitamin B12 ban đầu thấp hơn giới hạn dưới ngưỡng bình thường

– Các tình trạng liên quan đến giảm hấp thu vitamin B12 (người cao tuổi; mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như cắt bỏ một phần/toàn bộ dạ dày, bệnh Crohn và các rối loạn viêm ruột khác; hoặc các tình trạng tự miễn)

– Chế độ ăn kiêng có ít vitamin B12 (chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt và một số chế độ ăn chay)

– Sử dụng đồng thời với các thuốc có khả năng giảm hấp thu vitamin B12 (thuốc ức chế bơm proton hoặc colchicin)

– Thiếu hụt vitamin B12 di truyền, chẳng hạn như thiếu hụt yếu tố nội tại dạ dày (hội chứng Imerslund-Gräsbeck) và thiếu hụt transcobalamin II.

Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:

– Metformin thường làm giảm nồng độ vitamin B12 của bệnh nhân, có khả năng dẫn đến thiếu hụt vitamin B12.

– Liều metformin càng cao, thời gian điều trị càng dài, và người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng thiếu hụt vitamin B12 càng lớn.

– Xét nghiệm nồng độ vitamin B12 huyết thanh nếu nghi ngờ có sự thiếu vitamin B12 (ví dụ, người bị bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ hoặc có bệnh lý thần kinh mới khởi phát) và tuân theo các hướng dẫn lâm sàng hiện hành về theo dõi và xử trí tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

– Cân nhắc theo dõi định kỳ vitamin B12 ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ.

– Bắt đầu điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B12 phù hợp theo các hướng dẫn lâm sàng hiện hành; tiếp tục điều trị bằng metformin nếu dung nạp được và không có chống chỉ định.

 

Khuyến cáo dành cho bệnh nhân và người chăm sóc:

– Khi đang sử dụng metformin, hãy trao đổi với các nhân viên y tế nếu xuất hiện các triệu chứng mới hay có tình trạng xấu đi của các triệu chứng như mệt mỏi nhiều, lưỡi đỏ và đau, cảm giác kim châm, da nhợt nhạt hoặc vàng – đây có thể là các dấu hiệu của nồng độ vitamin B12 thấp.

– Có thể cần xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng; các triệu chứng này cũng có thể do bệnh đái tháo đường hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

– Có thể tiếp tục sử dụng metformin trong khi điều chỉnh nồng độ vitamin B12.

– Không ngừng điều trị metformin trước khi thảo luận với bác sĩ.

                                                                                                                                                           DS.Huỳnh Thị Thanh Thủy

 Nguồn:https://www.gov.uk/drug-safety-update/metformin-and-reduced-vitamin-b12-levels-new-advice-for-monitoring-patients-at-risk

Canhgiacduoc.org; drugbank.com

                                                               


stim.jpg

8 Tháng Bảy, 2022 Truyền Thông
                                                                                    (nguồn internet)

Dapagliflozin là chất ức chế natri – glucose cotransporter 2 (SGLT2) giúp kiểm soát đường huyết bằng cách giảm tái hấp thu glucose và tăng bài tiết glucose qua nước tiểu.

Dapagliflozin điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 và mới đây còn được chỉ định trong điều trị suy tim.

Ngày 21/10/2019 Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận Dapagliflozin chỉ định giảm nguy cơ nhập viện do suy tim ở bệnh nhân trưởng thành bị đái tháo đường tuýp 2 và có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.

Ngày 05/05/2020  Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận  thuốc viên Dapagliflozin điều trị cho người lớn bị suy tim (phân loại NYHA II-IV) với phân suất tống máu giảm để làm giảm nguy cơ tử vong tim mạch và nhập viện.

Ngày 28/03/2022 Cục Quản Lý Dược Việt Nam đã phê duyệt thêm 02 chỉ định mới cho Dapagliflozin (một thuốc điều trị đái tháo đường nhóm SGLT2):

+ Giảm nguy cơ nhập viện do suy tim ở bệnh nhân trưởng thành bị đái tháo đường tuýp 2 và có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.

+ Suy tim: giảm nguy cơ tử vong tim mạch và nhập viện do suy tim ở bệnh nhân trưởng thành bị suy tim (phân loại NYHA II-IV) với phân suất tống máu giảm.

+ Liều khuyến cáo của Dapagliflozin 10mg đường uống , 1 lần/ngày.

Ngoài ra ngày 24 tháng 02 năm 2022 thêm 01 thuốc nhóm SGLT2 là Empagliflozin đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong điều trị suy tim phân suất tống máu bảo tồn.

DS. Phan Thị Thanh Trà

 Tài liệu tham khảo:

Cục quản lý dược: số 2110,2111/QLD-ĐK  V/v thay đổi nội dung tờ hướng dẫn sử dụng của Forxiga.

FDA approves new treatment for a type of heart failure.

FDA  approves  treatment for Wider range of Patients with  heart failure.

Hướng dẫn AHA/ACC/HFSA 2022 trong điều trị suy tim .


Bản Quyền © 2021 Bệnh Viện Lê Văn Thịnh - Thiết Kế và Phát Triển bởi Hân Gia Group